Kết Hợp Với Cái Đã Sẵn Có

          Cái sẵn có ở nơi tâm hồn mỗi người phải là đối tượng của sự tìm kiếm. Với Đạo Chúa thì đối tượng ấy là Đấng Cha. Với minh triết Đông Phương là Thiên Lý. Với Đạo Phật là Giác Tánh. …Bất cứ sự tìm kiếm nào nếu không nhắm đến chỗ kết hợp với cái  sẵn có đó đều phải coi là …ngoại đạo. Quan điểm Nho Giáo cho rằng Thiên Lý tại nhân tâm và để phân biệt tiểu nhân – quân tử, minh triết cho rằng  tiểu nhân không biết đến Thiên Lý ấy sẵn đủ ở nơi mình để rồi cứ chạy theo ngoại vật. Trái lại quân tử là người biết quay trở lại  để sống với Thiên Lý nơi mình “ Cố quân tử kính kỳ  tại kỷ giả, nhi bất mộ kỳ tại thiên giả. Tiểu nhân thố kỳ tại kỷ giả nhi mộ kỳ tại thiên giả. Quân tử kính kỳ tại kỷ giả, nhi bất mộ kỳ tại thiên giả, nhi mộ kỳ tại thiên giả, thị dĩ nhật thoái giả” ( Cho nên người quân tử chỉ kính cái ở mình mà không  mến cái ở trời. Kẻ tiểu nhân thì bỏ cái ở mình mà mến cái ở Trời. người quân tử chỉ kính cái ở mình mà không mến cái  ở trời cho nên ngày một tiến. Kẻ tiểu nhân bỏ cái ở mình mà mến cái ở Trời cho nên ngày một lui” ( T.T. Kim – Nho Giáo, quyển thượng ).

          Phật giáo nói “ Tức Tâm Tức Phật” ( Ngoài Tâm không Phật, ngoài Phật không Tâm ) và cho rằng những ai tìm kiếm Phật ngoài Tâm đều là người phỉ báng Phật. Bổ Đề đạt Ma sư tổ  nói “ Nếu người chẳng thấy Tánh, suốt ngày lăng xăng niệm Phật, tụng kinh, gắng học siêng năng sám hối hành đạo, thường ngồi chẳng dậy, học rộng nghe nhiều. Khởi công dụng hạnh, lấy đó làm Phật pháp, các  chúng sanh này  đều là người phỉ báng Phật pháp. Phải biết Phật trước Phật sau chỉ nói thấy Tánh. Nếu thấy tự tâm là Phật, chẳng cạo bỏ râu tóc, mặc áo trắng cũng là Phật. Chẳng thấy Tánh cạo bỏ râu tóc vẫn là ngoại đạo”. Nho giáo mặc dầu có đề ra cái Thiên Lý tại nhân tâm  thật đấy thế nhưng có lẽ …may ra chỉ có ông Khổng thi hành được chút nào thôi chứ thật ra nó ( Khổng giáo ) đã sớm bị các chế độ phong kiến lợi dụng và các nho sĩ hầu hết trở thành…hủ nho cả.

          Phật giáo nêu cao chủ trương  Tức Tâm tức Phật nhưng tuyệt đại đa số lại chỉ thích đúc tượng Phật Thích Ca, cúng vái khẩn cầu như một đấng thần linh ban phúc giáng họa. Đức Giê Su Ki Tô rao giảng Tin Mừng là để cho mỗi người có thể nhận biết và hội nhập với Nước Trời ở nơi mình nhưng thần học lại phủ nhận cho đó không phải là thực tại nội tâm. Nước Trời, cái thực tại “ Ở Trong” mà Đức Ki Tô rao giảng đó nếu chỉ biết quan niệm một cách máy móc như là một thứ lãnh thổ, một thứ khu vực địa lý thì không sao mà có thể chấp nhận nó “ Ở Trong”. Cũng như Thiên Chúa nếu cứ chấp chước là Đấng Thần Linh Tạo Hóa  thì Ngài làm sao có thể…nội tại ?

          Dù gọi là Thiên Lý là Phật là Nước Trời là Thiên Chúa Toàn Năng gì gì đi nữa  thì đó cũng chỉ là  những danh xưng…gượng mà đặt  vậy thôi chứ đó hoàn toàn chẳng dính dấp  chi tới Thực Tại là cái vượt ngoài  sự hạn cuộc của ngôn ngữ. Chấp vào những cái tên ( danh tướng ) đó thì muôn đời muôn kiếp sẽ chẳng bao giờ có thể nhận biết được cái thực tại “ Ở bên trong”. Để  đạt đến Thực Tại như nó là thì điều kiện  tiên quyết là phải dũ  bỏ hai thứ chấp: Một là  chấp xác thân này là mình và hai là chấp tâm tưởng này là mình gọi chung là ngã chấp.

          Chính do bởi vô minh ngã chấp  mà Kinh Thánh gọi là Tội Nguyên Tổ ấy  đã khiến  con người không thể nhận ra Bản Tánh Con Thiên Chúa  vốn đã được dựng nên ở nơi mình ( St 1, 26 ). Đức Ki Tô xuống thế làm người  chỉ với  mục đích  để mạc khải  Đấng Cha cho con người, Đấng Cha ấy  chúng ta  vì  vô minh nên không ai nhận biết trừ ra chỉ mình Ngài “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng nói dối như các ngươi vậy” ( Ga 8, 55 ).

          Chúa nói “Biết Ngài” ở đây tức là nhận biết về  Đấng Cha nội tại trong chính mình. Đấng Cha ấy là một thực thể vốn dĩ đã sẵn có viên mãn thành toàn ở trong  ta từ thuở đời đời nhưng lại chẳng ai hay biết. Nhận biết Đấng Cha hay về Nước Trời cũng tức là nhận biết về Sự Sống  Đời Đời  vốn sẵn có ở nơi mình “ Sự sống đời đời là nhận biết Cha tức chân thần duy nhất cùng Giê Su mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).

          Đấng Cha hay  Thần Khí ĐCT “ ĐCT  là Thần Khí” ( Ga 4, 24 )  chỉ là  thực tại duy nhất, thực tại này trước hết  cần  được nhận biết nhờ Đức Ki Tô rồi mới có thể khai thác tức sống kết hợp được với Ngài “ Tất cả những gì con đang cần thiết thì con đang có ở trong con, nó đang mong chờ được biết đến, được triển khai và được phóng ra. Một hạt dẻ chứa đựng trong nó một cây sồi vĩ đại. Con đang có ở trong con một tiềm năng to lớn cũng như hạt dẻ phải được trồng xuống đất và được chăm sóc để nó lớn lên và trở thành cây sồi kỳ vĩ kia. Cái đang ở trong con phải được biết đến đã rồi mới có thể trồi lên và được sử dụng toàn vẹn. Nếu không nó sẽ cứ ngủ yên trong con. Điều mà  thường xảy ra cho nhiều tâm hồn là cái tiềm năng to lớn đó không bao giờ được phát  triển trong cuộc sống đời này mà nó cứ bị di chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, cái quá trình này thật vô dụng” ( Aileaen  Caddy  Sđd ngày 11 tháng  11 ).

          Một khi đã nhận ra  Sự Sống Đời Đời ở nơi mình và sống kết hợp với nó thì tuổi tác không còn nghĩa lý gì nữa và quả thật đúng là như thế: Ta  đã tồn tại và sẽ còn tồn tại mãi tới muôn đời “ Con vẫn tươi trẻ như thời gian và cũng già nua như cái vĩnh hằng” ( Aileen Caddy ngày 31 tháng giêng ). Nhận biết Sự Sống Đời Đời nơi mình tức cũng đồng thời nhận ra mình vốn toàn hảo “ Con hãy biết rằng và không một chút nghi ngờ là con rất toàn hảo như Cha là toàn hảo và không có một chút tỳ ố nào ở nơi con. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ nhận ra cái tốt nhất trong con và khi làm như thế con hãy làm xuất hiện cái tốt nhất của con ra. Nó đang ở đó, nơi sâu thẳm  nhất trong con nhưng nó đã trở nên rất ẩn kín và khó mà nhận ra nó” ( Aileen Caddy Sđd  ngày 12 tháng 3 ).

          Nhận ra Sự Sống Đời Đời ở nơi mình tức cũng là nhận ra mình vốn tự do “ Mọi con người đều có tự do, chỉ cần một điều là họ phải muốn nhận ra nó và giữ lấy nó. Tự do đó đã được trao phó cho con  nhưng con phải tiếp nhận nó trước khi có thể sử dụng. Tại sao lại không chấp nhận tự do của mình ngay từ bây giờ và ý thức rằng mình không phụ thuộc vào người nào hay cái gì cả, mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn ? ( Aileen Caddy Sđd ngày 27 tháng 2 ). Lại nữa nhận ra Sự Sống Đời Đời cũng tức là nhận ra sự bình an vẫn luôn sẵn đủ ở nơi mình “ Sự bình an bắt đầu từ ở bên trong, nó ở tận sâu thẳm trong mỗi tâm hồn, như một hạt giống nhỏ xíu đang chờ nảy mầm mọc lên và sinh hoa trái. Phải cho nó những điều kiện tốt, môi trường thích hợp và chăm sóc kỹ lưỡng trước  khi nó có thể mọc mầm. Con hãy bình tĩnh và tạo những điều kiện tốt những cơ may để bắt rễ. Một khi  thành  hình nó sẽ tiếp tục mọc lên, nhưng trong những bước đầu non nớt của nó, nó cần được giúp đỡ và nâng niu. Như vậy là con đang giữ trong con cái chìa khóa của hòa bình thế giới, con đừng mất  thì giờ mà nhìn xem cái hỗn độn và rối ren hiện giờ của thế giới nhưng hãy bắt đầu vực dậy mọi thứ” ( Aileen  Caddy  Sđd ngày 18 tháng 4 ).

          Đã hơn nửa thế kỷ từ khi “ Tiếng Thì Thầm” đến với Aileen  Caddy, tình  hình thế giới xem ra còn hỗn độn và rối ren gấp bội. Tuy nhiên điều đáng lo không chỉ dừng lại ở cấp độ rộng khắp và dữ dội của nó mà nét đặc trưng đó được nhiều nhà sử học và xã hội học báo động ấy là sự bơ vơ không  biết  nương tựa bám víu  vào đâu của con người “ Đặc điểm của  thời đại ta là âu lo về lẽ tồn sinh, một sự âu lo không rõ nét nhưng đều khắp khiến cho các cá  nhân phải đi tìm cho mình một  nơi trú ẩn ,một sự chở che” ( Jean Delumeau – Tb Cg&Dt số 1092 -1093 ).

          Khi mà đức tin tôn giáo không còn thì những nơi trú ẩn những sự chở che mà con người tìm  đến lại là thuật bói bài, những điều thần bí, những ông thầy lang, những đạo sĩ đủ loại …Căn bệnh âu lo của con người thời đại cần phải được chữa trị nếu không sự diệt vong là điều không thể tránh. Thế nhưng muốn chữa trị thì cần phải thấy được cái nguyên nhân gây ra cho nó.

          Sở dĩ con người ngày nay  phải sống thường trực trong các mối âu lo là vì đã không còn nơi nương tựa. Gia đình từ ngàn xưa vẫn là mái ấm là nơi chở che thì nay trong xã hội  công nghiệp thành thị đã bị lung lay tan rã. Cộng đồng tôn giáo trước  đây vẫn là chỗ dựa tinh thần chắc chắn thì nay trong trào lưu Tục Hóa chính các Giáo Hội cũng chẳng còn lý do để mà tồn tại. Các chế độ pháp quyền những lý tưởng cách mạng trước đây hấp dẫn  con người xây dựng đấu tranh cho một thế giới  tự do công bình …nhưng nay thực tế cho thấy các chế độ dân chủ pháp quyền thực chất  chỉ là nơi để người ta nhân danh công lý để mà  dễ dàng ăn nuốt nhau cách hợp pháp. Còn lý tưởng cách mạng rút cục chỉ là ảo vọng lừa dối của những tên bạo chúa  bỉ ổi.

          Sự tan rã của gia đình của cộng đồng tôn giáo của các  chế độ và lý tưởng cách mạng là điều đương nhiên khi mà những điều kiện hình thành nên chúng đã không còn nữa. Còn xã hội nông nghiệp thì gia đình còn. Còn đức tin thì tôn giáo còn. Còn ảo tưởng thì lý tưởng cách mạng còn. Tựu chung của tất cả n hững tan rã ấy là do đã có sự lầm lẫn trong việc nương tựa. Lẽ ra con người phải biết tựa vào chính mình chứ không phải những cái ở bên ngoài mình như gia đình, cộng đồng hay chế độ kể cả các đấng thần linh…này nọ.

          Nói như vậy không có ý bảo rằng phải hủy bỏ gia  đình, Giáo Hội hay chế độ xã hội mà trước  hết cần nên nhớ đó chỉ là những phương thế mặc dầu tối ư cần thiết cho sự tồn vong của con người nhưng đó không phải là cứu cánh.  Vả lại  chính khi đã biết đặt gia đình, Giáo Hội hoặc chế độ xã hội vào đúng vai trò phương tiện của nó chứ không phải cứu cánh thì nhân loại sẽ tránh được tất cả những tỵ hiềm, kỳ thị, tranh chấp, cuồng tín, chiến tranh xâm lược dưới  đủ  hình thức….

          Mặt khác chỉ như thế chúng ta mới hiểu được lời Đức Ki Tô “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước  Trời và sự công chính của Ngài còn mọi sự khác  sẽ  được  thêm cho” ( Lc 12, 31 ). Một khi đã hết lòng tìm kiếm thì tất ta sẽ được Nước Trời làm gia nghiệp tức Sự Sống Đời Đời mà cả gia đình, cộng đồng, đất nước quốc gia, xã hội sẽ được an vui hạnh phúc.

          Trở lại với cái nguyên nhân khiến nhân loại phải  thường trực  sống trong âu lo chính là vì  đã không biết nương tựa vào chính mình mà sở dĩ không biết nương tựa vào mình là vì  đã không tin, không sống Tin Mừng của Đức Ki Tô. Trước thảm cảnh gây nên đổ vỡ từ trong  Giáo Hội  đến ngoài xã hội,  từ chốn gia đình đến cấp quốc gia,  Đức Ki Tô thông qua “  Tiếng Thì Thầm” một lần nữa lại tái rao giảng Tin Mừng Nước Trời hầu cứu vớt nhân loại. Và bởi vì cả tâm thức lẫn hoàn cảnh sống của con người ngày nay đã khác xa với cách nay cả ngàn năm thế nên để thích hợp, tất nhiên cần  có một…Tin Mừng mới./.

 

Phùng  Văn  Hóa

( Kỳ sau: Tin Mừng Mới )

Chia sẻ Bài này:

Related posts