Hai chúng tôi mải miết tìm con đường dẫn vào vùng núi đá. Đây là vùng núi đá nguyên thủy chưa được khai thác và du khách đến vùng này cũng rất thưa thớt. Chúng tôi biết được tình cờ do anh bạn khéo đưa chuyện với dân địa phương. Người này nhắc đến vùng núi đá chưa được khai thác. Trong đó có nhiều thú vật, có gốc cổ thụ và suối nước trong. Càng nghe tả càng gợi tính mạo hiểm. Trước khi chia tay anh bạn tôi nhờ người đó phác họa cho tấm bản đồ vẽ tay dẫn đến vùng núi đá trinh nguyên.
Hôm sau chúng tôi dậy sớm lên đường. Từ chỗ ở đến đó mất gần 3 giờ lái xe, tính ra thì không xa mấy. Thực tế tìm đúng đường vào núi đá khá gian nan. Bản vẽ có một đường dẫn vào, trên thực tế ngay lối vào đã thấy ba bốn đường đất mòn, đường nào cũng có vết xe mới chạy qua. Gần 20 phút sau chúng tôi lại phải vòng ra vì con đường chúng tôi chọn là con đường riêng dẫn vào tư gia. Nhà không cổng vài ba con chó coi dữ dằn hờm sẵn nên không dám xuống khỏi xe bấm chuông hỏi thăm. Đám chó gầm gừ, không kiên nhẫn bằng chó, chúng tôi đành ra đi. Đàn chó vẫy đuôi thầm cám ơn vì sự hiện diện của chúng tôi gây phiền cho chúng. Còn hai con đường nữa để chọn. Chọn bên trái sai bây giờ chọn bên phải hay chính lộ. Chúng tôi chọn đi thẳng. Được hơn mười phút lại gặp một ngã ba khác. Một quyết định mù quáng khác. Cũng may lần này chọn đúng đường. Đến nơi đã gần một giờ chiều. Đoạn đường chỉ cần ba giờ cho dân địa phương chúng tôi phải mất gần năm giờ.
Bị hớp hồn bởi cái hùng vĩ của núi rừng, Từ trên cao nhìn xuống vực thẳm thấy một mầu xanh hút tầm mắt, tiếng suối reo vui tai, cái lạnh ngất ngây cảnh núi toả ra từ các phiến đá khổng lồ, các ngọn núi sừng sững. Đến cửa văn phòng chúng tôi trả tiền và được trao cho một bản đồ vẽ tay rất sơ sài. Người chủ khu núi đá hùng vĩ cũng khá đồ sộ, bà già lùn, lực lưỡng, tròn trĩnh như một hòn đá hình củ khoai. Sau vài câu xã giao chúng tôi lên đường. Chung quanh chỗ chúng tôi đậu xe có vài ba xe khác đang cắm trại.
Yên tâm bước từng bậc thang đi xuống. Ngay đầu bực thang đã thấy một cây hình dạng cây cau cao ngang ngực người trái đỏ chót mời gọi, cả hai vội chụp lia lịa. Đi thêm lại thấy một cây khác xinh hơn bụi trước lại chụp. Cứ thế chụp, toành cảnh đẹp. Đáng chuyến đi.
Hơn tiếng đồng hồ sau chúng tôi vẫn chưa xa chỗ khởi hành là bao vì mất quá nhiều giờ chụp hình. Ham chụp hình, nhìn cảnh vật, ngó thú rừng quên hẳn việc lạc đường sáng nay. Cái đẹp thiên nhiên mời gọi, hớp hồn khiến quên cả mệt mỏi, đói khát.
Đến con suối, tay mỏi rã rời, chân bủn rủn thì ra chưa ăn gì từ sáng sớm. Ngồi trên gềnh đá chân chạm nước, anh bạn tôi cảnh cáo
Coi chừng cá sấu vì vùng này rất nhiều sấu.
Tôi đâm hoảng nhưng cả hai cùng lên tiếng nếu có sấu hẳn phải có bảng cấm xuống nước. Có lẽ an toàn, hơn nữa sấu không thích suối nước chảy mạnh. Hai người lại thả chân trong nước, ăn bánh mì khô. Ít khi thưởng thức miếng bánh khô trét bơ ngon như thế. Chân mát rượi, miệng nhai bánh thưởng thức chất ngọt lịm từ bột mì và mùi thơm của bơ thấy đời lên hương lạ thường. Tưởng chỉ ngả lưng một chút ai ngờ cả hai đi vào giấc mộng vàng. Khi mở mắt ra còn ngạc nhiên hơn nữa, vây quanh chúng tôi là ba bốn con đại thử ngồi chồm hổm mắt đăm đăm ngó. Thấy chúng tôi cựa quạy con nhát gan phóng xa, con bạo ngồi đó nhìn trừng trừng.
Tiếp tục lần theo con suối cho đến khi chạm phải gềnh núi lớn đành theo con đường mòn dẫn lên sườn núi. Cuối đường mòn phải leo qua một khu vực toàn đá, không thể đi dễ dàng, khi đi thẳng, khi vịn vào đá, khi khom người luồn cúi, khi bò sát mặt đá chui lọt những lỗ hổng giữa các khe đá. Khi chui qua các hông đá, bàn tay chạm cái mùi lạnh khí đá toả ra, thình lình cơn gió thoảng đưa nhanh vào mặt làm tươi hẳn cái mệt mỏi. Lần đầu tiên chúng tôi thấy con rắn tắm nắng, nó nằm dài trên tảng đá, phơi cái bụng phệ ra nắng, đầu cuộn tròn dấu dưới bụng, cái đuôi chầm chậm nhịp nhàng đưa lên đưa xuống nhẹ nhàng như cánh lá khô trước gió. Nó nằm an nhàn, thảnh thơi. Do tiếng động nó trường mình núp sau kẽ đá, nhưng không trốn hẳn mà để thò đuôi lơ lửng ra ngoài trông như một rễ cây khô.
Nhìn đồng hồ chúng tôi thấy không thể đi hơn được nữa bèn hè nhau trở lại. Ham vui lúc đi không để ý các khúc quanh, lối rẽ đến lúc về mới kiểm soát lại bản đồ mình đang ở vị trí nào. Đến lúc này cả hai đều hoảng. Tấm bản đồ có trong tay cũng mù mờ như núi rừng, như đá tảng. Xem trước xem sau, nhìn tới lui không thể nhận ra cảnh vật quanh ta với hình vẽ và các mốc trong bản đồ. Đang ở đâu là câu hỏi hai người không đồng ý với nhau. Kẻ cho là đây là điểm vẽ tô sơn trên đá đúng với hình vẽ trong bản đồ, người cho là không phải vì cứ theo đó mà đi một lát lại thấy cảnh vật thay đổi, các mốc vẽ trên đá và các chỉ dẫn trong bản đồ không trùng hợp. Gió lạnh hơn, ánh mặt trời xuống nhanh hơn hình như núi rừng đi ngủ sớm hơn đồng bằng và thành phố. Mới năm giờ mà trời sâm sẩm tối. Thực ra trời còn sáng lắm từng tia sáng chiếu dọi xuyên qua cành cây rất rõ nhưng từ thung lũng hơi nước quyện lên cao tạo thành một cảnh mù sương.
Không rõ xa hay gần chỗ mình đậu xe. Nhìn lên chỉ thấy bờ đá cao chót vót. Làm sao tìm đường lên đỉnh quả là nhiêu khê. Các con thằn lằn đuôi cụt bò ra, mấy con mối đâu đó cũng xuất hiện và thỉnh thoảng có chú dơi háu đói bỏ đàn một mình quanh quẩn bắt mồi. Tối hơn một chút mối lo tăng hơn nhiều vì nếu tối quá làm sao nhìn thấy đường để bước. Hình ảnh con rắn phơi nắng ban trưa sống lại vì rắn thường ăn đêm và chập choạng tối chúng từ hang bò ra săn mồi. Nơi ít nước đã thấy cóc nhái lên tiếng mừng buổi tối, tiếng chim rúc rích xa gần, vài con có tiếng kêu như lạc mẹ nghe lạ tai vì chưa bao giờ nghe tiếng chim hót vang vọng như tiếng kêu
‘mẹ ơi, mẹ à, mẹ ơi’.
Không phải là tưởng tượng. Thực tế tiếng kêu vang vọng do cây rừng tạo ra âm thanh tìm mẹ. khi lạc đường tai trở nên thính lạ thường, mọi tiếng động lớn nhỏ, xa gần đều lọt vào tai. Các con đại thử lớn nhỏ ban ngày trốn đâu giờ cũng mò ra nhiều hơn. Chúng nhìn hai đứa tôi như kẻ lạ xâm phạm vùng chúng làm chủ ban đêm. Càng mờ tối chúng tôi càng bước nhanh, bước đại không còn giờ để nhìn bản đồ, không còn giờ để bàn thảo. Bước đại, bước cách xa nhau khoảng vài chục thước, người đi trước kẻ theo sau nhất định không bàn thảo thêm, không nhìn bản đồ nữa dù có tiếng réo gọi sau lưng là sai đường rồi, quẹo phải mới trúng, quẹo trái là sai. Không còn giờ để nói đến đúng sai, đi đại, tới đâu thì tới vì không nhanh chân nhảy trên các phiến đá, trời tối làm sao mà đi hơn nữa rắn bò ra lỡ có bề gì làm sao tìm được xe cứu thương, nhờ ai giúp. Không nhanh chân thì trú ngụ nơi đâu giữa cảnh rừng hoang, nằm phiến đá hẳn lạnh buốt. Hiện tại chân không lạnh, người không lạnh nhưng hai vai hơi tái tê vì cái lạnh nhẹ nhàng thấm vào người.
Sau gần hai giờ bước rộn rã, nhảy phóng, leo trèo nhờ ánh trăng chúng tôi nhìn thấy chân cầu thang lúc trưa đi xuống. Cả hai đều hô lên một lúc,
Đúng rồi chân cầu thang lúc sáng ra đi.
Nhìn thấy chân cầu thang mừng ơi là mừng nhưng chân lại bủn rủn, tay mỏi rời, mệt lả, mồ hôi trán lăn dài trên má, dù ngoài trời khá lạnh. Không ngờ lo sợ lạc lối, mất đường và ý chí vượt thắng cả cái mỏi mệt của thân xác. Đến khi xác định đúng hướng thì thân xác lại đòi nghỉ, không chịu đi nữa vì bắt nó làm việc quá mức. Cả hai đều cảm thấy như vậy, đều thấy cần nghỉ, không thể tiếp tục.
Nghỉ một lát cho lại sức. Lạnh và đói dục đứng dậy lần mò lên cầu thang, mới bước được mấy bước anh bạn tôi lên tiếng,
Lạ sáng nay đi không thấy cành cây đổ xuống lối đi, nhìn quanh không thấy cây to lớn sao lại có cành chặn ngang lối đi. Không lẽ người chủ dùng cành cây như rào cản lối lên xuống.
Còn đang thắc mắc thì anh bạn hô lên,
Thôi ông ơi đừng tiến tới nữa hình như là con trăn thì phải, giống lắm, nó nằm ngang lối đi, cẩn thận đấy. Con trăn cỡ này nó nuốt mình cái một.
Cả hai lên tiếng, con trăn hình như điếc, không nghe cứ nằm im như khúc cây. Đến gần hơn xác định rõ thật, con trăn. Cả hai lùi lại. Làm sao đi qua, không thể phóng ngang mình nó mà lên. Chọn đường khác thì không có, độc lộ mà con trăn đòi làm chủ.
Hai đứa thi nhau nhặt đá ném hy vọng tiếng động làm nó chuyển mình. Trong lúc bối rối càng ném càng trật. Tôi cũng vào tay chọi đá có hạng nay phần sợ phần đứng xa sợ con trăn phản công nên chọi hoài không trúng. Không trúng nó không nhúc nhích. Tay khá mỏi vì chọi lúc đói. May mắn anh bạn chọi ngay lưng, nó từ từ luồn. Vẫn chưa dám liều phải chọi thêm vài ba cục nữa, đứng yên nghe động tĩnh rồi cùng hè nhau phóng thật nhanh qua chỗ con trăn nằm. Cả hai phóng như bay lên dốc. Đến đỉnh dốc mới rõ khi lo lắng sợ chết người nào cũng nhanh chân, lẹ tay và nhiều sức.
Vào trong xe có loại bánh kẹo nào nhiều chất đường nhất được xơi trước. Sao nó ngon tệ, nhai đến đâu nuốt đến đó, nó để lại cái vị thơm ngon ngây ngất. Bình thường chê kẹo nhiều chất đường, tối nay nó lại ngon lạ thường. Bao nhiêu bánh ế ẩm trong mấy ngày qua nay được thanh toán sạch trước khi lái xe về khách sạn. Nhờ ánh trăng đường bớt tối, có nhiều con đại thử và vài ba con nhím và thỏ hai mắt đỏ như hai hòn tiết tròn xoe.
Chỉ mất hơn ba giờ là về đến nhà, trong khi đó lúc đi phải mất hơn năm giờ. Tắm rửa xong chưa đi ngủ ngay nhưng còn ngồi hồi tưởng lại cái đẹp và cám cảnh lúc lạc đường. Bây giờ cảm nghĩ mỗi người mới xả ra, không phiền hà, trách nhau. Cả hai cùng tranh nói.
Thèm nói
Những ngày sau đó gặp ai câu chuyện lạc núi đá cũng là đề tài nóng bỏng. Mọi chi tiết được kể rất rành mạch, bài bản đàng hoàng như một bài văn tả chân. Từ chi tiết nhỏ nhặt: Nào là cảm giác tê buốt ngâm chân dưới suối, rợn tóc gáy vội rút chân lên tưởng bị đỉa đeo không ngờ đó là sợi rong đen cuốn cổ chân. Nào là đại thử mẹ mang con trong túi dưới bụng, toàn thân trong túi trừ hai cái chân nhỏ nhắn xinh xinh, đạp đạp theo đà bước của mẹ.
Cái kinh nghiệm thèm nói, khát nói giúp chúng tôi hiểu hơn cảm tưởng, tâm trạng của các tông đồ ngày xưa lần đầu gặp Chúa sau khi Ngài sống lại tử cõi chết. Nhu cầu khát nói của các ông mạnh hơn của chúng tôi rất nhiều. Các ông chứng kiến sự lạ gấp ngàn lần chúng tôi nên nhu cầu khát nói, thèm chia sẻ của các ông cấp thiết hơn, mạnh hơn ngàn lần. Các ông sống trong đợi chờ lâu hơn, mong mỏi nhiều hơn nên cũng khát khao nhiều hơn. Kinh nghiệm gặp Chúa của các ông vĩ đại, quan trọng và khẩn thiết hơn kinh nghiệm vài giờ lạc đường mất lối của chúng tôi.
Nhu cầu
Kể lại kinh nghiệm đã trải qua là một nhu cầu, không phải khoe tài mà là nhu cầu cần diễn tả. Nói thật nhiều, nói chi tiết, đúng với những gì đã nhìn, đã cảm là điều không thể dấu, không thể tránh. Có một ước muốn trong người mời gọi nói ra, không thể ấp ủ, ép chế, dấu sâu kín trong tâm mà phải thổ lộ cho mọi người. Vấn đề người nghe tin ít nhiều không quan trọng. Cảm giác đòi nói, muốn nói, được nói kinh nghiệm trải qua quan trọng hơn nhiều. Bây giờ tôi hiểu rõ tâm trạng các tông đồ trên đường Emaus lần đầu gặp Chúa sống lại từ cõi chết, ngay trong đêm, không sợ vất vả, không ngại khó, không sợ hiểm nguy, không thể chờ tới sáng, ngay đêm các ông lên đường. Vội vã về đến nhà gặp lại nhau câu đầu tiên là nói, nói cái cảm xúc, cái tin vui nhận được. Các tông đồ ở nhà cũng cùng hoàn cảnh, mong chờ người quen nói cho đã thèm. Kinh nghiệm niềm vui tràn đầy cần chia sẻ, không thể để nó đầy ắp trong tim. Càng để lâu càng nhức nhối, khó chịu. Càng chia sẻ càng vui. Kinh nghiệm của các bà tảng sáng ra thăm mộ cũng vậy. Các bà đon đả, vội vã về nhà báo tin. Thầy sống lại rồi, mồ trống không kìa, ra mà coi. Không phải trẻ cần nói mà ngay cả già cũng khó tránh. Nghe tin ông già Phêrô cũng chạy hụt hơi, ráng chạy xem sự thể thế nào, lời tường thuật ra sao. Nhu cầu cấn biết cũng quan trọng, biết rồi nhu cầu nói quan trọng hơn.
Vì thế các phiên họp quan trọng bao giờ cũng có vấn đề thề hứa giữ kín, không được nói ra. Dù thề, dù hứa giữ bí mật điều thề hứa không phải dễ. Nguyên nhân chính vẫn là nhu cầu nói, biết mà không nói ra chịu không nổi, ép chế hoài không xong, nhất là tin vui, tin buồn. Cái cảm xúc quanh đi quẩn lại trong người không chịu nằm yên, nhảy múa đòi phải nói ra.
Điểm chung
Hầu như ai cũng có kinh nghiệm thèm nói, khát nói mà không nhận ra. Lúc nhỏ tôi vẫn bị la về tội ham nói.
Từ từ mà nói, ai nói hết phần mà vội vàng, liến tháu như thế.
Cứ để ý đến các phiên họp sẽ rõ. Gặp đúng đề tài người này đang nói, người kia nhảy vào nói không chờ nói hết câu. Nhất là các cuộc tranh biện nếu không khéo điều khiển cuộc tranh biện sẽ có nhiều người nói, ít người nghe vì nhu cầu cần nói cái ý nghĩ trong đầu.
Nhờ thèm nói, nhờ nhu cầu phải nói kinh nghiệm lạ lùng mà ngày nay chúng ta có được bộ Phúc Âm. Các tông đồ không thể nào giữ riêng cho mình kinh nghiệm gặp Chúa mà phải chia sẻ thật, phải nói thật điều mắt thấy, tai nghe cho người thân, cho người chung quanh.
Thánh Phaolô qua câu chuyện ngã ngựa lộ rõ điều đó. Hình như đi đến đâu ông cũng kể cái kinh nghiệm quan trọng nhất đời của mình cho người nghe. Kể hoài không chán, càng kể càng thấy rõ cái nhu cầu cần phải nói kinh nghiệm gặp Chúa. Nó mạnh mẽ như sóng thần trong người, nó dào dạt tin yêu đến độ không thể cầm giữ cho mình.
Lm Vũđình Tường
VietCatholic Network