Cầu nguyện chẳng những là nhu cầu thâm sâu của con người nhưng còn là …việc vĩ đại. Fedéric Ozanam nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của GH Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là sinh viên đại học. Một hôm để kiếm tìm chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào nhà thờ và bất chợt gặp một bóng đen đang quỳ cầu nguyện ở hàng ghế đầu. Đến gần chàng sinh viên mới nhận ra người ấy không ai khác hơn là nhà bác học André Maria Ampère ( 1775 – 1836 ). Sau vài câu trao đổi chàng sinh viên đánh bạo hỏi “Thưa thầy có thể nào vừa là một nhà bác học vĩ đại vừa là một tín hữu bình thường không?” Nhà bác học sau vài giây ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc ông trả lời “Con ơi chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”.
Theo quan niệm của anh sinh viên ngày ấy và cả không ít người ngày nay vẫn cho rằng việc đọc kinh lần hạt chỉ là để dành cho hạng bình dân ít học. Thế nhưng với câu trả lời của Ampère cho thấy việc cầu nguyện quả thật đã nâng con người lên tầng mức vĩ đại. Mặt khác câu nói của nhà bác học hẳn nhiên là đã lập tức đánh động tâm hồn của Fédéric Ozanam nhà hoạt động xã hội tương lai và đồng thời cũng đặt ra cho chúng ta hôm nay về giá trị của việc đọc kinh vốn vẫn được coi là “lòng đạo đức bình dân” ấy.
Có quan niệm hẳn nhiên là không đúng cho rằng việc đọc kinh kể cả Kinh Mân Côi không phải là cầu nguyện. Theo ý họ chỉ đọc Kinh Phụng Vụ tức các Thánh Vịnh mới là cầu nguyện. Với cách hiểu như thế thì tất cả những việc làm của tín hữu xưa nay như đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi, ngắm đàng Thánh Giá, rước kiệu v.v….chẳng lẽ đó không phải cầu nguyện sao ? Thực sự mà nói cũng cần phân biệt việc đọc kinh với phụng vụ. Thế nhưng Giáo Hội luôn cổ võ việc đọc kinh và cho đó chính là một công việc hết sức cần thiết “ Theo CĐ Vatican 2 thì đời sống cầu nguyện của Giáo Hội tập trung vào mọi cử hành phụng vụ vì đó là hành động của Đức Kitô linh mục và của Thân Thể Người là Giáo Hội. Không một hình thức phụng vụ nào khác có thể thay thế được. Mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi Chí Thánh và không một hành vi nào khác có hiệu lực bằng xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp ( Sc Sacrosanctum Concilium số 7 ). Tuy nhiên các nghị phụ Công Đồng cũng công nhận rằng đời sống thiêng liêng không chỉ giới hạn trong việc tham dự Phụng Vụ Thánh. Bởi vì người Kito hữu được mời gọi cầu nguyện chung nhưng cũng phải vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện không ngừng như lời vị sứ đồ đã dạy ( Sc số 12) Những hình thức cầu nguyện riêng tư đó được gọi là “ lòng đạo đức bình dân” ( Lm Antôn Hà Văn Minh – Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam – Nhìn vào lịch sử để định hướng cho thời đại hôm nay ).
Việc cử hành phụng vụ được nói đến ở đây chính là Thánh lễ. Quả thực không hình thức phụng vụ nào có thể thay thế Thánh Lễ. Lý do bởi vì Thánh Lễ diễn lại toàn bộ Hy Lễ Cứu Chuộc của Đức Kito. Trong thư gửi tín hữu thành Corinto, thánh Phaolo viết “ Phần tôi tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em là Chúa Giesu trong đêm bị nộp Người cầm lấy bánh, tạ ơn bẻ ra và phán = Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Cùng một thể thức ấy sau bữa ăn tối Người cầm lấy chén và phán = chén này là Giao Ước mới trong Máu Ta, mỗi khi các con uống các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến” ( 1C 11, 23 -26).
Lý do không thể thay thế bởi vì trong Thánh lễ như đã biết gồm bởi hai phần đó là phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Chính do có phần phụng vụ Thánh Thể đó mà bất cứ phụng vụ nào cũng không thể thay thế cho Thánh Lễ được. Mặc dầu không thể thay thế nhưng Thánh Lễ lại không phải là toàn bộ cuộc sống của người tín hữu. Thực tế cho thấy có rất nhiều nơi không có linh mục có nghĩa không có Thánh Lễ nhưng giáo dân vẫn hàng ngày quy tụ nhau đọc kinh cầu nguyện. Trong những trường hợp như thế, việc cầu nguyện đó không thể nói không phải là phụng vụ Lời Chúa.
Giáo dân quy tụ nhau lại đọc kinh, việc ấy đã được Chúa chúc phúc “ Ở đâu có hai ba người họp lại vì Danh Ta mà cầu nguyện thì có Ta ở giữa họ” ( Mt 18, 20). Có Chúa ở cùng thì được Chúa ban những ơn cần thiết và ơn cần thiết nhất là ơn đức tin. Đức tin tuy là ơn nhưng không nhưng nếu không cầu nguyện thì ơn ấy không thể có. Giáo Hội đặc biệt là Giáo Hội Việt Nam sở dĩ tồn tại và phát triển như ngày nay là nhờ ông bà tổ tiên chúng ta đã biết quy tụ nhau cầu nguyện cách sốt sắng. “ Nhà thừa sai Đắc Lộ ( 1591 – 1660 ) đã đánh giá việc cầu nguyện ấy thế này = Không gì làm tôi xúc động bằng thấy có bao nhiêu giáo dân là bấy nhiêu thiên thần. Họ có một đức tin vững chắc đến nỗi không ai có thể nhổ ra được…Họ có nhiều thói quen lành Thánh như: chuộng nghi lễ, thích đoàn hội, tôn sùng Thánh Giá, quý trọng các Bí Tích, thích đeo ảnh tượng, quý nước phép, siêng năng nguyện ngắm, giữ chay nhiệm nhặt và đặc biệt có lòng sùng kính Đức Mẹ…Thú thật lòng sốt sắng của giáo dân ở đây không thể thấy ở các nước Châu Âu. Thế mà người ta cứ tưởng ngoài Châu Âu ra thì toàn là man di mọi rợ cả” ( Lm Antôn Hà Văn Minh Lòng đạo đức bình dân – Đã dẫn ).
Khi Đạo Công Giáo được truyền đến các nước Á Đông trong đó có Việt Nam thì Âu Châu đang còn trong thời Phục Hưng ( Renaissance ) với những lý thuyết triết học cũng như khoa học nở rộ của Bacon ( 1560 – 1626) Galillea ( 1596 – 1642 ) Kepler ( 1571 – 1630 ) Descarter ( 1596 – 1650 ) Pascal ( 1623 – 1662) v.v…Dưới mắt những con người còn đang háo hức chinh phục các miền đất mới thì dân bản địa khi ấy chỉ toàn là hạng bán khai mọi rợ. Thế nhưng với cha Đắc Lộ thì hoàn toàn khác, ngài đánh giá những con người này có một đức tin mãnh liệt cùng với lòng đạo hết sức nhiệt thành. Với hai cái nhìn khác nhau như thế cho thấy giữa đức tin và khoa học kể cả triết học không thể trên cùng một bình diện. Khoa học càng tiến triển bao nhiêu thì đức tin càng thụt lùi bấy nhiêu và điều này đã được chứng minh cách hùng hồn nhất ngay trong thời đại của chúng ta “ Trong sự phát triển khoa học kỹ thuật của thời đại hôm nay nảy sinh chủ thuyết toàn cầu hóa với ước mong làm cho thế giới gần gũi nhau hơn và chương trình đô thị hóa để nhằm thăng tiến đời sống của con người. Bên cạnh đó nó cũng làm cho lòng đạo đức của Kito hữu bị chao đảo và đời sống của họ bị tục hóa bởi chủ trương thực dụng mang tính chất duy vật chất của nó. Do đó người Kito hữu cảm thấy không còn thời giờ để nghĩ đến nhu cầu thiêng liêng của cuộc sống. Họ lao đầu vào công việc để kiếm tiền hòng thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ mà nền văn minh thời đại mời gọi và đó như là mục tiêu của cuộc sống….( Nguồn Lm Antôn Hà Văn Minh – đã dẫn ).
Con người ngày nay kể cả những người gọi là …có đạo cũng chẳng mấy ai còn có đời sống cầu nguyện. Tôn giáo chỉ là những nghi lễ, bề ngoài xem ra có vẻ sầm uất sốt sắng nhưng chẳng hề có thực chất “ Hình thức của Đạo Thánh thì còn giữ nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ” ( 2Tm 3, 5). Cái chính yếu bị chối bỏ đây chính là đức tin. Một khi đức tin không còn thì việc cầu nguyện trở thành vô nghĩa. Tại sao ? Bởi vì trong cầu nguyện luôn có yếu tố NGUYỆN. Có cầu thì phải có nguyện. Cầu mà không nguyện thì lời cầu ấy hoặc là lời cầu xuông hoặc chỉ mang tính vụ lợi hẹp hòi. Cầu xuông có nghĩa lời cầu ấy không phát xuất từ ở nơi tâm mà chỉ có ở ngoài môi ngoài mép. Còn cầu vụ lợi hẹp hòi tức là chỉ biết xin những cái thuộc về đời sống thế gian trước mắt như khỏi bệnh, hết nợ hết nần….Có khi lại còn cầu xin cho được …như ý.!!! Cầu được như ý như vậy chẳng khác nào buộc Chúa phải theo ý mình ? Đang khi đó thì Ý Chúa là cao cả hoàn toàn khác với ý tưởng của con người “ Như trời cao hơn đất thế nào thì đường lối Ta cũng vượt trên đường lối các ngươi, tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thể ấy” ( Is 55, 8 -9).
Cần phải cầu theo Ý Chúa và Ý Chúa là muốn cho ta được về sống bên Ngài theo như lời hứa “ Lòng các ngươi đừng bối rối, đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ, bằng chẳng vậy Ta đã nói cho các ngươi rồi = Ta đi để sắm cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” ( Ga 14, 1 -3) Chúa đi là đi nộp mình chịu chết và rồi Ngài đã trở lại phục sinh trong vinh quang để tiếp rước chúng ta về bên Ngài.
Vì tin vào lời hứa của Chúa nên ước nguyện của chúng ta là được về sống bên Chúa trên Nước Thiên Đàng đời đời. Ước nguyện ấy cần phải thể hiện trong cầu nguyện một cách thành tâm và kiên trì. Chúa đòi buộc khi cầu nguyện cần phải có lòng thành chỉ như vậy mới có kết quả “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6). Phòng kín đây không nên hiểu theo nghĩa mặt chữ nhưng đó là nội tâm con người. Vào phòng kín có nghĩa phải xoay cái tâm trở vào bên trong bởi đó chính là Cung Thánh Ẩn Mật của Thiên Chúa. Vào phòng kín đóng cửa lại thì…cửa đây là sáu giác quan = mắt tai mũi lưỡi thân và ý. Tuy có sáu giác quan nhưng tất cả đều do ý điều khiển, công cũng ở nó mà tội cũng ở nó ( Công vi thủ, tội vi khôi).
Kinh là Lời Chúa, đọc kinh là sống Lời Chúa do đó khi đọc kinh, bất cứ là Kinh nào cũng cần phải cầm lòng cầm trí nếu không sẽ không khỏi bị Chúa quở trách “ Dân này chỉ thờ kính Ta ngoài môi miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm” ( Mt 15, 8 ). Đọc kinh thì phải cầm lòng cầm trí, có như thế mới gọi là Sống Lời Chúa và việc Sống Lời Chúa ấy không phải chỉ có…ở trong nhà thờ. Chỉ đọc kinh khi ở trong nhà thờ còn ra khỏi thì thôi đó không phải là cầu nguyện theo Ý Chúa. Ý của Chúa là muốn cho ta không ngừng cầu nguyện “ Hãy luôn vui mừng và cầu nguyện không thôi. Phàm bất cứ việc gì cũng hãy cảm tạ vì Thánh Ý Thiên Chúa trong Đức Giesu Kito đối với anh em là vậy” ( 1Tx 5, 17).
Cầu nguyện là nguyện được về sống bên Chúa, bởi đó cho nên người tín hữu dù trải qua bao nhiêu gian nguy ở đời vẫn giữ được lòng cậy trông. Lòng cậy trông ấy cũng tức là một với đức tin mạnh mẽ. Thiếu hoặc đức tin mờ nhạt thì không thể cậy trông. Cha ông chúng ta xưa kia đã vượt qua bao nhiêu gian lao thử thách chẳng những vẫn giữ được lòng cậy trông mà còn đem hết sức mình kể cả máu đào để truyền lại Đạo Thánh Chúa cho đến hôm nay. Công ơn trời biển ấy chẳng lẽ lại hóa ra vô ích khi mà chúng ta là cháu con các ngài lại đành để cho đức tin ngày càng tàn lụi hay sao ? Đời sống chóng qua như cỏ hoa, sớm nở chiều tàn có chi mà bám víu, sao chẳng mau chóng nguyện về với Chúa “ Đã đến lúc anh em phải thức dậy vì hiện nay Ngày Thiên Chúa Cứu Độ chúng ta gần hơn trước kia khi chúng ta mới tin Đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến, vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” ( Rm 13, 11 -14) ./.
Phùng Văn Hóa