Lời của Thiên Chúa

Thiên Chúa đã nói với nhân loại qua Con của Người” (Heb, 1,2). Con của Người là Ngôi Lời. Khi giáng trần, Ngôi Lời được đặt tên là Giêsu Kitô.

Tuy là Ngôi Lời, Đức Kitô tại hang đá Bêlem đã không nói lời nào. Đúng hơn, Người đã nói, nhưng không phải bằng lời, mà bằng chính bản thân mình.

Trước hết, Người nói bằng thân phận kẻ rốt hết.

THÂN PHẬN KẺ RỐT HẾT

Thực vậy, Người đã giáng sinh trong thân phận hài nhi cực kỳ khốn khổ, nằm trong một máng cỏ rơm, đặt ở góc hang đá, giữa cánh đồng, bên cạnh mấy con bò và chiên. Chỗ như thế phải kể là chỗ rốt hết. Chính chỗ rốt hết này đã là nơi chọn lựa của Thiên Chúa giáng trần.

Ở đây, tính cách rốt hết không chỉ hệ tại chỗ đó thấp hèn, mà còn ở tại sự khinh miệt người ta thường dành cho kẻ nào rơi vào chỗ đó.

Chỗ rốt hết dành cho Đức Kitô đã được tiên tri Đavid loan báo từ lâu trước “Tôi chọn sự khinh miệt trong nhà Chúa” (Cv. 83,11). “Tôi là kẻ bị khinh miệt nhất trong toàn dân” (Cv. 21,7).

Từ chỗ rốt hết tại Bêlem, Đức Kitô đã tiếp tục sống ơn gọi kẻ rốt hết suốt cả cuộc đời.

Thánh Phaolô đã diễn tả cuộc đời đó như sau: “Đức Kitô, tuy mang ngôi vị của Thiên Chúa, nhưng Người đã không nghĩ phải tranh giành cho mình chức vị đồng hàng với Thiên Chúa. Song Người đã tự huỷ mình ra không, là lãnh thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta, đem thân mặc thân phận người phàm. Người đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết trên thập giá” (Phil. 2,6-8).

Như thế Đức Kitô đã đi xuống. Từ xuống ít tới xuống nhiều. Từ thân phận kẻ bần cùng đến thân phận kẻ đầy tớ tôi đòi, và sau cùng tới thân phận kẻ bị án chết.

Chọn chỗ rốt hết, đó là một chọn lựa cứu độ của Đức Kitô. Để cứu độ ai, sự có mặt của mình đã là một việc tốt, gần gũi họ là việc tốt hơn, chia sẻ thân phận của họ là việc còn tốt hơn nữa, và chết tủi nhục vì họ là việc không ai dám nghĩ tới. Đức Kitô đã đi tới cùng tiến trình cứu độ ấy.

Tiến trình ấy không đơn giản chỉ có một vài thử thách, mà là mọi thử thách. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta có một vị thượng tế không phải là không biết những yếu đuối của chúng ta. Bởi vì Người đã chịu thử thách về mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (Heb. 4,15).

Chịu thử thách về mọi sự, nhất là về sự bị đẩy vào các chỗ rốt hết, đó là một nét của chân dung tình yêu cứu độ, mà Đức Kitô đã muốn mọi người nhìn ngắm, khi gặp gỡ Người.

Khi gặp gỡ Đức Kitô, khi nhìn ngắm chân dung ấy, nhiều người đã hết muốn hỏi Người điều nọ điều kia. Chính Người là câu trả lời đầy đủ, mặc dầu Người thinh lặng. Bằng thinh lặng, Người cũng đã nói rất nhiều. Một sự thinh lặng đã được chọn lựa ngay từ hang đá Bêlem.

THINH LẶNG

Thực vậy, Đức Kitô làm chứng nhiều hơn là rao giảng. Trước khi giảng đạo đức, Người đã sống đạo đức. Người làm chứng các chân lý đạo bằng chính cuộc sống mình. Để bất cứ ai, khi theo đạo Người, sẽ có thể nói: Theo đạo Đức Kitô là đi theo Người, là sống như Người, là noi gương Người. Và để bất cứ ai, khi trích dẫn lời Người, sẽ có thể trích dẫn đời Người kèm theo.

Như thế, sự thinh lặng của Đức Kitô không có nghĩa một tình trạng thiếu nội dung. Trái lại, nó có nghĩa một chọn lựa để làm chứng cho những giá trị cao cả.

Thinh lặng của Người là sự lặng lẻ của một hành trình dài ơn gọi “Này con xin đến, để làm theo ý Cha”, Đấng hằng mong muốn cho mọi người được rỗi, bằng cách họ tự do đón nhận ơn Người ban cho.

Thinh lặng của Người là sự khiêm tốn của tinh thần dâng hiến. Xin làm men, làm muối, làm hạt giống chấp nhận phải thối đi, để có thể nảy mầm, sinh cây.

Thinh lặng của Người là sự tỉnh thức của kẻ đợi chờ, kêu gọi người ta bằng sự kiên trì đầy yêu thương và bằng gương sáng, hơn là bằng những lời ép buộc.

Thinh lặng của Người là sự tĩnh mịch của tinh thần cầu nguyện, một sự cầu nguyện có nghĩa là sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa.

Thinh lặng của Người là sự dũng cảm của tinh thần sự thực, làm chứng cho chân lý bằng thực chất bản thân mình, chứ không bằng cách nói nhiều, phô trương nhiều, tố cáo nhiều, biện minh nhiều.

Thinh lặng của Người là sự chân thành của tình mến Chúa yêu người, làm chứng cho tình bác ái, cho đi âm thầm, hy sinh lặng lẽ.

Thinh lặng như thế là quê hương của kẻ mạnh. Để trong việc đào tạo các môn đệ sau này, Đức Kitô sẽ coi việc tập cho họ biết giữ thinh lặng là việc quan trọng. Biết bao điều sai trái đã được nhận ra và sửa đổi, nhờ sự thinh lặng làm chứng của những người tích cực sống Phúc Âm, nêu gương sáng, sốt sắng cầu nguyện. Biết bao người đã được ơn trở lại nhờ tiếp cận với những tâm hồn thinh lặng đầy sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thinh lặng như thế là dấu chỉ của tinh thần khắc kỷ, thường xuyên phấn đấu với chính mình, để có sự tự do tâm hồn, một sự tự do là ơn huệ của Chúa Thánh Linh và múc ra từ thánh-giá. Nhiều môn đệ Đức Kitô đã được kính trọng và tín nhiệm, nhờ khả năng thinh lặng đầy tinh thần chiêm niệm, cầu nguyện và tự chế.

Chọn lựa thinh lặng để cứu đời, đó cũng là một nét của chân dung tình yêu cứu độ, mà Đức Kitô mời gọi mọi người nhìn ngắm, khi gặp gỡ Người.

Khi gặp gỡ Người, khi nhìn ngắm chân dung ấy, nhiều người phải lặng đi ngây ngất, và không ngừng cảm tạ Đức Kitô. Họ sẽ lại thấy Người dễ thương quá đỗi, ở chỗ Người rất đơn sơ. Người nói qua sự đơn sơ của Người.

ĐƠN SƠ

Thực vậy, khi giáng trần, Đức Kitô đã đến một cách đơn sơ, hết sức đơn sơ, một sự đơn sơ không ai tưởng tượng nổi. Nơi Người chọn đến là một chỗ cực kỳ đơn sơ. Đó là hang đá Bêlem. Những người gặp gỡ đầu tiên là những kẻ rất mực đơn sơ. Đó là Đức Mẹ, thánh Giuse và các mục đồng. Ngôn ngữ đầu tiên của Người là những cử chỉ dễ thương của hài nhi bé bỏng.

Đơn sơ là đi thẳng vào căn bản. Theo tinh thần đó, Đức Kitô đã giới thiệu chính bản thân Người, trước khi giới thiệu đạo lý của Người. Chính bản thân Người là quà tặng. Chính bản thân Người là đường, là sự thật và là sự sống. Chính bản thân Người là sự hiền từ, khiêm nhường và bác ái.

Đơn sơ là rất thực, hoàn toàn thực. Theo tinh thần đó, Đức Kitô đã cho thấy, Người cam chịu muôn vàn khổ cực, chắc chắn không phải để cứu thân Người, mà để cứu nhân loại. Càng không phải để theo ý riêng mình, mà để theo ý Đấng đã sai mình đi.

Đơn sơ là dễ hiểu. Theo tinh thần đó, Đức Kitô đã làm chứng hơn là giảng dạy. Người làm chứng về một Thiên Chúa yêu thương, chấp nhận hy sinh đến cùng, để mọi người được biết yêu thương nhau, và cùng nhau trở về với Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu.

Đơn sơ là hồn nhiên, đón nhận. Theo tinh thần ấy, Đức Kitô đã khẳng định, chỉ những ai trở nên giống như trẻ nhỏ, mới được vào thiên đàng (Mt 18,3). Và chỉ những tâm hồn đơn sơ bé mọn mới được Chúa Cha mạc khải cho biết các mầu nhiệm Nước Trời (Lc 10,21).

Đơn sơ như thế là vẻ đẹp toả sáng của tâm hồn sống sự thực và phó thác khiêm nhường. Tâm hồn ấy chỉ khao khát một điều duy nhất, đó là làm vui lòng Đấng đã thương mình và mình gắn bó vô điều kiện.

Đơn sơ như thế là lợi dụng mọi dịp, dù bé nhỏ nhất, của giây phút hiện tại, để chứng minh lòng mình mến Chúa yêu người thực sự hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn.

Đơn sơ như thế, đó cũng là một nét của chân dung tình yêu cứu độ, mà Đức Kitô muốn mọi người nhìn ngắm, khi gặp gỡ Người.

***

Với một chân dung đơn sơ, thinh lặng và chấp nhận chỗ rốt hết, Đức Kitô dạy ta hãy biết đón nhận Người, hãy để Người yêu thương ta, hãy tin tưởng phó thác vào tình yêu cứu độ của Người, hãy biết mở lòng thực rộng, để Người tự do thực hiện trong ta công việc tạo dựng, cứu độ và thánh hoá.

Ðức Cha J.B. Bùi Tuần

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment