Trước khi vào đoản khúc
Trong đời sống, hạnh phúc thật gần mà cũng thật xa, đau khổ có khi phải thật xa mà cũng thật gần. Có khi hạnh phúc treo trên tầm tay, mà trái tim vẫn không nhìn thấy. Có khi âu lo mờ xa như trăng trên đầu núi, mà con tim cứ khắc khoải băn khoăn. Đau khổ, hạnh phúc, gần hay xa là tuỳ nhịp đập con tim của mình. Có ơn thánh Chúa, con tim sẽ bình an và nhịp đập sẽ là hạnh phúc.
Nhiều khi khó định nghĩa được ơn thánh là gì, vì ơn thánh siêu nhiên không nhìn thấy. Vì vô hình, nên ơn thánh như xa với không thực tế trong cuộc sống thường ngày. Ơn thánh là quà tặng của Chúa, giữa Chúa và ơn thánh là một liên hệ có một là có cả hai. Khi người ta thấy ơn thánh sao mà xa vời đâu đâu ấy, thì người ta cũng thấy Chúa xa vời ở mãi tận đâu ấy. Chúa như không thật, không gần con người, không nghe những khổ đau của con người.
Câu chuyện của bé Quyên cầu nguyện với Chúa, và cha của em, một cựu sỹ quan phi công, đã viết thư cho con mình, đối với tôi, đó là câu chuyện Chúa ở cùng chúng ta. Ơn thánh là điều có thật. Ơn thánh rất cụ thể. Ơn thánh liên hệ trực tiếp tới hạnh phúc của con người. Ơn thánh không trừu tượng xa vời cuộc sống.
Tôi dành đoản khúc 44 và 45 này để nói với bạn về ơn thánh bằng ngôn ngữ của 2 người giáo dân. Hai đoản khúc này nói về thế nào là cầu nguyện, xin ơn, thế nào là sám hối, là tình yêu, thế nào là tội lỗi, hạnh phúc, là giáo dục gia đình, là Chúa ở cùng chúng ta. Như một cánh bướm tự do trong trời xanh sau những tháng ngày ẩm mốc.
Câu chuyện xảy ra năm 1922 ở trại tị nạn Palawan, Philippines, nơi tôi làm tuyên uý. Tôi thấy cả người con lẫn người cha đều có những khổ đau và cũng đều có những hạnh phúc. Có ngày tháng cũ và ngày tháng mới. Có lo âu chán nãn và ánh sáng. Có yếu đuối và sức mạnh. Tôi nói với người cha hãy viết một cánh thư cho con gái như một quà tặng, vì trong đời khó có những quà tặng như thế lắm, và cánh thư ấy cũng sẽ là kỷ niệm cho chính ông. Ông đã viết. Đồng thời, tôi cũng bảo em Quyên viết lại đơn sơ những gì đến từ con tim. Quyên đã viết.
Hôm nay, trong hai đoản khúc này, không phải là ngôn ngữ của những nhà thần học nói về ơn thánh nhưng là của những người giáo dân nói về Chúa, về hạnh phúc và đau khổ, về nước mắt, về tuyệt vọng, về bình an. Tôi xin gởi bạn, cách riêng tới những gia đình có những hoàn cảnh tương tự, những dòng chữ tôi đã cất giữ từ nhiều năm qua.
Lời Viết Của Em Quyên
Sau khi tĩnh tâm về, tôi thấy tâm hồn thật thoải mái nhẹ nhàng, tôi thương mến tất cả mọi người chung quanh, bạn bè trong đoàn, tôi thấy ai ai cũng dễ mến chứ không dễ ghét như trước kia tôi thường nghĩ. Đó là tại vì trong lòng tôi đang có sự hiện diện của Chúa và tình yêu.
Gia đình tôi đất Phi này được năm người, Bố, tôi, em và hai người Cậu (em ruột của má tôi). Thời gian đầu sống vui vẻ đầm ấm nhưng cuộc sống tị nạn có những phức tạp, những lo lắng về tương lai, tiền bạc,… Đã làm cho con người dần trở nên ích kỷ và hay bẳn gắt. Và gia đình tôi đã không thoát khỏi điều này, những sự bất đồng ngấm ngầm đã phát xuất ra tự lúc nào giữa Bố và hai Cậu tôi. Sự chịu đựng nào rồi cũng có giới hạn của nó, nó như một trái bom nổ chậm và đến lúc phải nổ tung lên. Một cuộc ẩu đả đã xảy ra trong gia đình tôi, trầm trọng đến nỗi như không còn thể nào hàn gắn lại được. Điều này đã làm cho tôi đau khổ vô cùng và tôi đang đứng trong thế kẹt không có đường lối thoát. Một bên là Bố, một bên là Cậu, tôi phải đối xử làm sao đây? Tôi phải làm thế nào để được lòng cả hai bên? Từ ngày xảy ra câu chuyện, Bố tôi cấm không có chị em tôi quan hệ với hai Cậu, điều này lại đem đến cho tôi sự lo buồn khó xử đến tột cùng. Dĩ nhiên tôi không thể bỏ Bố, nhưng theo Bố rồi bỏ Cậu thì cũng không thể có. Vì thế, chị em tôi vẫn thường lén Bố qua lại thăm Cậu. Và có một lần Bố tôi biết được, ông giận lên và cho tôi một trận đòn chí tử. Tôi có cảm tưởng ông đánh hai chị em tôi như thế để trả thù một điều gì đó đã làm ông tức tối ghê gớm. CHuyện xảy ra làm tôi có một chút bất mãn với Bố tôi. Tôi tự nghĩ “Tại sao bố lại cấm chị em tôi quan hệ với người thân, người có cùng huyết thống?”. Và đầu tôi le lói một ý nghĩ: “Bố tôi quá cố chấp”. Tôi có thể khẳng định được điều này vì sau ngày xảy ra chuyện xích mích, Cậu tôi có đến xin lỗi bố tôi nhưng Bố tôi đều làm lơ và có một lần muốn đuổi Cậu tôi ra khỏi nhà khi Cậu tới xin lỗi. Từ đây, tôi cảm thấy bớt phần kính nể đối với Bố và chị em tôi lén gặp Cậu nhưng cẩn thận hơn không để Bố tôi biết.
Sau khi tĩnh tâm về, tôi cảm thấy thương yêu và thông cảm cho Bố tôi hơn và một sự ước ao đeo đuổi trong đầu tôi khi nghĩ đến chuyện gia đình, đó là làm sao cho Bố tôi đi tĩnh tâm. Khi biết cha sẽ tổ chức thêm một khoá nữa tôi có đi hỏi để xin Bố tôi đi, được biết đã có đông người ghi danh lắm rồi, tôi lo sợ không biết có ghi tên cho Bố được hay không. Và kết quả xảy ra làm tôi bất ngờ vì khi tôi hỏi, Cha lại đồng ý ngay dù số người quá đông và Cha phải loại bớt ra.
Cám ơn Chúa một bước đã qua và còn một bước nữa là thuyết phục làm sao cho Bố tôi đi. Về nhà tôi có nói chuyện và đề nghị mấy lần nhưng Bố tôi đều từ chối, cứ lúc nào vui vui là tôi đề nghị nhưng ý Bố tôi không muốn đi. Điều này lại làm tôi lo lắng vô cùng vì tính Bố tôi khi quyết định một việc gì rồi là không thể thay đổi. Và tôi không biết làm gì hơn ngoài lời cầu nguyện cùng Chúa, “nếu Chúa muốn thì xin Chúa hãy sắp đặt cho Bố con dự khoá tĩnh tâm này”. Và điều vô cùng bất ngờ lại xảy đến với tôi lần nữa, đến ngày dự hai tối chuẩn bị trước khi đi tĩnh tâm thì Bố tôi lại đồng ý đi, rất vui mừng nhưng tôi vẫn nơm nớp lo sợ ông đổi ý. Mọi việc điều tốt đẹp cho đến sáng ngày đi tĩnh tâm, trong lúc tôi đang sắp xếp quần áo và đồ dùng cá nhân vào giỏ cho Bố tôi thì Bố tôi nói là “Bố đi vì Bố sợ con buồn thôi chứ thật lòng Bố không muốn đi tí nào”. Tôi lại lo lắng trong lòng và tự nghĩ, “nếu vậy thì không biết Bố đi có được ơn ích gì không?” Đang suy nghĩ miên man thì tôi chợt nghĩ lại, “Bố đã chịu đi là tốt rồi, bây giờ hãy để cho Chúa lo lắng và sắp đặt theo ý Ngài”. Và sáng hôm đó Bố tôi lên đường.
Khi Bố tôi đi rồi, ở nhà tôi vẫn cứ lo lắng, không biết là Bố tôi có cảm nhận gì không, có sốt sắng không. Và điều làm tôi lo nhất là không biết Bố tôi có chịu phép Hoà Giải không vì đã lâu lắm rồi Bố tôi không có xưng tội rước lễ. Với những lo lắng này, tôi không biết làm gì hơn ngoài việc góp lời cầu nguyện xin Chúa ban cho Bố tôi dù chỉ một chút cảm nhận được Tình Yêu của Chúa dành cho con người vĩ đại như thế nào và tình con người đáp lại cho Chúa ra sao mà thôi.
Ba ngày trôi qua trong lo lắng và ngày kết thúc của Bố tôi đã đến. Một lần nữa, Chúa lại cho tôi một bất ngờ, và sự bất ngờ này thật vĩ đại. Tôi cong nhớ rất rõ tối hôm đó hai chị em tôi đang ngồi trong nhà chờ Bố tôi về thì bất ngờ Bố tôi đẩy cửa bước vào, tôi chưa kịp lên tiếng thì Bố tôi đã tiến tới ôm lấy chị em tôi và khóc. Tôi chưa bao giờ thấy Bố tôi khóc nên khi thấy Bố tôi khóc khi đi tĩnh tâm về thì tôi đã đoán biết được điều gì đã xảy ra cho Bố tôi. Quá ngạc nhiên và vui mừng nên chị em tôi cũng không cầm nổi dòng nước mắt, và trong dòng nước mắt Bố tôi đã nói: “Bố xin lỗi hai đứa vì đã đánh hai đứa khi hai đứa qua thăm Cậu”. Từ ngạc nhiên và vui mừng này đến ngạc nhiên và vui mừng khác, quá xúc động trước lời nói này tôi đã khóc nức nở vì vui sướng, tôi thầm cảm tạ Chúa và thầm dâng lên Ngài những giọt nước mắt vui sướng này, sau cùng Bố tôi nói: “Ngày mai con kêu hai Cậu lại nhà chơi cho Bố xin lỗi hai Cậu vì Chúa đã nói Bố phải làm như vậy”. Tối hôm ấy Bố con tôi ngồi nói chuyện đến khuya. Và Bố tôi có kể một đoạn như thế này: “Trong suốt buổi hoà giải Bố vẫn quyết là sẽ không chịu hạ mình để làm hoà với Cậu, Bố có nói với Cha và Cha chỉ nói Bố về cầu nguyện tìm ý Chúa. Và cầu nguyện cho đến lúc làm lễ Bố vẫn chưa thay đổi ý định. Cho đến lúc rước lễ thì Cha nói: “Các con hãy đứng tại chỗ và Cha sẽ mang Mình Thánh Chúa đến cho mỗi người. Thiên Chúa đến làm hoà với ta thế thì khồn có lý do gì ta không đến để làm hoà với người anh em”. Câu này làm cho Bố giật mình và làm Bố phải suy nghĩ, ngay sau đó Bố quyết định và hứa với Chúa về sẽ làm hoà với Cậu. Và Bố chợt thấy tâm hồn thanh thản và bình an lạ thường.
Tôi hẹn Cậu tôi sau thánh lễ chiều ghé vào nhà tôi vì Bố tôi có ý định muốn làm hoà với hai Cậu. Nghe tôi nói vậy, tôi thấy hai Cậu rưng rưng nước mắt. Suốt ngày hôm đó Bố tôi cứ nói với tôi là phải nói như thế nào đây? Sao Bố lo quá. Tôi cũng nói để trấn an Bố tôi nhng thật tâm tôi cũng lo lắng không kém, không biết là có được tốt đẹp hay không? Trong thánh lễ hôm đó tôi hết lòng cầu nguyện cùng Chúa cho mọi việc được tốt đẹp.
Tối hôm đó khi Cậu tôi vừa bước chân vào nhà thì Bố tôi đi ra, cũng có phần ngượng ngập, nhưng bất chợt Bối tôi và hai Cậu ôm chầm lấy nhau khóc. Quá ngỡ ngàng trước sự việc xảy ra quá vui sướng, tôi và em tôi cũng khóc, thế là gia đình tôi, năm người khóc trong vui mừng của sự đoàn tụ. Sau đó chúng tôi ngồi lại bàn, Bố tôi nói lời xin lỗi Cậu và Cậu nói lời xin lỗi Bố. Hai bên hỏi thăm qua lại về đời sống và sinh hoạt hằng ngày trong trại. Lòng ai cũng hoan hỷ và cùng nhau thầm cảm tạ Chúa.
Riêng tôi, tôi không sao diễn tả được sự vui sướng này. Ước mơ của tôi qua bao ngày tháng chừng như không bao giờ được mà nay lại trở thành sự thật. Đôi lúc thấy sự thật mà tôi tưởng như tôi đang mơ, hồn tôi cứ lâng lâng vui sướng. Đến bây giờ tôi nhận biết rằng: “Đối với Thiên Chúa không việc gì mà Ngài không thể làm được. Với Ngài sắt cũng phải mềm”. Thánh Gioan đã định nghĩa rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, thật đúng như vậy, ở đâu có Chúa ở đó có Tình Yêu, ở đâu có Chúa ở đó có bình an.
Nguyễn Tầm Thường, sj.