Tìm cho mình… “ Một Cõi Đi Về” đó phải chăng là nỗi khát vọng khôn nguôi của con người trong mọi thời đại. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thể hiện khát vọng ấy qua một bài hát nổi tiếng: “ Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”.
Có thể nói đời sống con người là một cuộc tìm. Thế nhưng hầu như tất cả những cuộc tìm kiếm ấy đều kết thúc trong vô vọng. Thử hỏi làm sao không vô vọng, khi mà tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, địa vị, chức quyền v.v…chỉ như những đám mây mùa hạ nổi trôi trên bầu trời, có đấy rồi lại tan ngay mất đấy ?
Có chân lý này là, hễ còn u mê tìm kiếm những cái chi…bên ngoài mình thì sẽ phải thất vọng. Trái lại con người chỉ có thể thỏa mãn một khi biết quay về và gặp được cái mà từ đó mình đã biền biệt ra đi: “ Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà ?”
Chưa về đến…quê thì lòng vẫn nao nao nhớ và nỗi nhớ ấy thi sĩ Tản Đà đã tự an ủi mình bằng những lời thơ bất hủ làm rung động biết bao con tim đồng điệu:
“ Dẫu cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh ngát non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non, nước nước không nguôi nhời thề”
Ở đây ta thấy…non ( núi) thì tự tại đứng yên còn…nước thì chảy miên man…Nhưng nước dù có chảy thì cũng chẳng hề mất đi đâu, bởi tuôn ra biển lại mưa về nguồn. Chính cái lẽ tuần hoàn biến đổi ấy mà đã làm nên đời sống của muôn vật muôn loài.
Dẫu vậy với khát vọng tâm linh, con người lại muốn thoát ra khỏi cái vòng tuần hoàn sinh hóa biến diệt ấy để về lại cái nơi mà mình đã ra đi. Luật “ Phản Phục” của Tạo Hóa là luật lớn nhất. Luật này chi phối toàn thể sinh linh vạn vật, từ vô tình tới hữu tình. Lá rụng về cội. Nước chảy về nguồn. Con người sinh ra rồi lại chết đi, chết đi rồi sinh lại ( tái sinh ).
Ra đi là để trở về. Cuộc ra đi càng xa bao nhiêu thì càng cần gấp trở về bấy nhiêu: “ Thệ viết viễn, viết viễn phản” ( Lão Tử ĐĐK, chương 25 ). Chỉ con người là loài linh tánh nên mới có cái khát vọng trở về ấy. Đồng thời quyết định cho việc tái sinh của mình.
Sở dĩ con người có thể quyết định cho việc tái sinh bởi vì quyết định ấy tất cả là do cái Nghiệp mà mình đã tạo. Tạo Nghiệp nào sẽ có quả báo tức “ Cái Cõi” mà mình sẽ sinh về. Tạo Nghiệp ác sẽ về Cõi ác. Tạo Nghiệp lành sẽ về Cõi Lành.
Nghiệp là do mình tạo chứ hoàn toàn không do một thế lực ngoại lai nào chi phối. Bởi đó thi hào Nguyễn Du nói: “ Đã mang lấy Nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”.
Nghiệp hay còn gọi là Nghiệp Thức có nghĩa tất cả Nghiệp được tác tạo là do ở nơi ý muốn ( Thức ). Ý muốn xấu sẽ tạo Nghiệp xấu. Ý muốn lành sẽ tạo Nghiệp lành. Còn như nếu cứ để ý muốn mặc tình dẫn dắt tất sẽ không thể không rơi vào Nghiệp xấu thảm hại:
“ Nhổ neo rồi, thuyền ơi xin mặc sóng
Xuôi về Đông hay dạt tới phương Đoài
Xa mặt đất, giữa vô cùng cao rộng
Lòng cô đơn cay đắng, họa dần vơi
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
Bể vô tận, sá gì phương hướng nữa”
( Thơ Vũ Hoàng Chương )
Thuyền ở đây tượng trưng cho Nghiệp Thức, nếu cứ mặc cho sóng gió xô đẩy thì có ngày sẽ…chìm nghỉm trong lòng đại dương tăm tối. Đời là bể khổ mênh mông nhưng quay đầu là bến ( Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn ).
Về cái sự khổ này thì vô cùng. Khổ vì sinh, lão, bệnh, tử. Khổ vì phải xa lìa người thân. Phải gần gũi kẻ thù. Khổ vì đòi hỏi, bức ngặt của xác thân. Khổ vì thiên tai, bão, lụt, nắng hạn v.v…và v.v…
Vấn đề là…khổ nhưng có muốn thực tâm quay về hay không lại là chuyện khác. Khổ mà không biết đường quay về thì sẽ chẳng bao giờ hết khổ ! Trong dụ ngôn “ Người Con Hoang Đàng”. Y ta sẽ không tỉnh ngộ nếu không gặp hoàn cảnh đói khổ: “ Nó rất muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho” ( Lc 15, 16 ).
Mặt khác, để có thể quay về thì điều quan trọng nhất đó là phải tin rằng mình có chốn ( Cõi ) để …về. Lý do khiến người con có quyết tâm trở về bởi y ta tin rằng mình còn có một người cha giàu có vô lượng: “ Khi nó tỉnh ngộ bèn nói rằng. Biết bao người làm thuê cho cha ta còn được bánh ăn dư dật. Còn ta đây lại phải chết đói” ( Lc 15, 17 ).
Tin có chỗ để…về. Đó là niềm tin căn bản của tôn giáo. Không có niềm tin này, tôn giáo chỉ là một thứ hình thức nghèo nàn, không thể hấp dẫn được ai. Vậy cái chỗ…về của Đạo Chúa là gì ? Xin thưa đó chính là Đất Hứa cũng gọi là XỨ, Thiên Chúa hứa…Chỉ cho tổ phụ Apraham: “ Vả Đức Giehova có phán cùng Apram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến XỨ Ta sẽ Chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn. ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ trở thành nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2 ).
Với đoạn Kinh Thánh này chúng ta không thể không lưu ý đến một điểm hết sức quan trọng đó là Đức Giehova không…ban nhưng hứa sẽ “ Chỉ” cho cái XỨ mà tổ phụ cùng Dân Chúa sẽ được vào sinh sống đời đời kiếp kiếp an vui ở đó. Lý do khiến cần lưu ý bởi vì “ Chỉ” ở đây cũng chính là mạc khải của Đức Ki Tô trong thời Tân Ước.
Mạc khải có nghĩa là vén tấm màn ( Mạc ) để chỉ ( Khải ) cho thấy điều còn ẩn giấu phía sau tấm màn. Đức Ki Tô mạc khải cho con người về Đấng Thiên Chúa ẩn giấu chưa ai từng thấy biết: “ Cha Ta đã giao mọi sự cho ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Đức Ki Tô…biết Cha và đó không phải là cái biết của tri thức phân biệt nhưng là cái biết của Tình Yêu vô phân biệt. Chẳng những Đức Ki Tô sống cái biết Tình Yêu vô phân biệt ấy mà Ngài còn truyền cho chúng ta cũng phải sống như Ngài: “ Ngày đó, các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha, các ngươi ở trong ta và Ta ở trong các ngươi. Ai có các điều răn của Ta và giữ lấy, ấy là kẻ thương yêu Ta. Còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại, Ta cũng thương yêu người và tỏ chính mình Ta cho người” ( Ga 14, 20 -21 ).
Chúa nói…ngày đó tức là ngày ta đã…ngộ ra được rằng Đức Ki Tô không phải một Đấng nào khác mà là Đấng đã…ở trong ta ngay từ khi được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Từ khi được ơn lãnh nhận Bí Tích này, đó là chúng ta đã bước theo Đức Ki Tô trên con đường mạc khải của Ngài về Đấng Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Một khi Chúa đã khẳng định chỉ qua Ngài chúng ta mới có thể đến ( Ngộ ) được Đấng Cha thì chúng ta phải hết lòng tin như vậy. Tin nơi mạc khải của Đức Ki Tô đó là điều cần thiết. Thế nhưng niềm tin ấy chỉ có thể triển nở ngày càng bền chắc nếu kiên tâm thực hiện những lời truyền dạy của Ngài. Ngược lại niềm tin ấy không chân thật: “ Nếu ai thương yêu Ta thì tuân giữ đạo Ta. Cha ta sẽ thương yêu người. Chúng ta đều đến cùng người và lập cư với người. Còn ai chẳng thương yêu Ta thì chẳng tuân giữ đạo Ta. Đạo các ngươi nghe đó chẳng phải là của Ta bèn là của Đấng đã sai Ta” (Ga 14, 23 -24 ).
Chúa Giê Su không bao giờ nhận mình là Thiên Chúa nhưng là Thiên Sai, từ Thiên Chúa mà đến. Chính vì vậy Ngài nói “ Đạo” các ngươi nghe đó chẳng phải của Ta bèn là của Đấng đã sai Ta. Nếu Chúa Giê Su nói “ Đạo” ấy là của Ngài thì chẳng hóa ra đã phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Cha sao ?
Phủ nhận, hay nói cách khác con người ngày nay hầu như đã “ Quên” Thiên Chúa và một khi đã “ Quên” Thiên Chúa Đấng là Cha mình thì làm gì còn có “ Cõi” nào để…về ? Con đường…về chỉ có thể là…về với Đấng Cha ở nơi mình. Đức Chúa Giehova trước đây đã…hứa Chỉ cho XỨ mà tổ phụ sẽ được vào thì ngày nay Đức Ki Tô cũng mạc khải cho chúng ta về Cha. Đồng thời còn hứa sẽ dẫn đưa chúng ta vào nơi ấy: “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin ĐCT thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy, Ta đã nói với các ngươi rồi. ta đi để dọn sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).
Nghe và tin vào lời hứa của Đức Ki Tô sẽ đem lại niềm an ủi vô biên, bởi như thế quả thật chúng ta đã có “ Một Cõi Đi Về”./.
Phùng Văn Hóa