Toàn thể Giáo hội Công giáo bước vào Mùa Chay khởi đầu bằng Thứ Tư Lễ Tro. Hình ảnh các tín hữu khiêm nhường cúi mình nhận lãnh chút tro xức trên trán để tưởng nhớ về cái xuất xứ của mình thật là cảm động: “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro.”
Có ai mà thoát khỏi luật đào thải của đất trời. Và khi nghĩ đến cùng đích của cuộc đời mình một mai sẽ trở về với cát bụi thì con người không thể không suy nghĩ đến một triết lý và tâm lý sống: Đó là tôi từ lòng mẹ vào đời với hai bàn tay trắng, thì tôi cũng sẽ giã từ cuộc đời này để trở về với lòng đất tay trắng. Có chăng là tôi chỉ mang theo được những gì tôi đã làm khi còn sống, mà những cái đó tiền bạc, danh dự, thế lực, quyền bính, địa vị, học thức, ngay cả lạc thú không thể mua được. Có lẽ vì quan niệm như thế, và với cái nhìn tâm linh, Kitô giáo đã gọi thời gian này là Mùa Chay, những ngày của “sám hối”.
Nhưng dường như phần đông Kitô hữu thường cho rằng, hành động sám hối của thời gian này cũng giống như việc chuẩn bị, mua sắm trong các dịp Lễ Giáng Sinh, hay việc chuẩn bị cho một buổi tiệc. Tóm lại, những chuẩn bị này ở bên ngoài và cho một người hay cho một biến cố đó là Phục Sinh của Chúa Kitô. Rất ít Kitô hữu nghĩ rằng Mùa Chay hay thời gian sám hối kia là chuẩn bị cho chính mình, cho cuộc “phục sinh” của chính mình. Trong tâm tình Mùa Chay và suy tư về sám hối, tôi muốn dùng hình ảnh con bướm để nói với lòng mình, và để thôi thúc những suy tư cũng như lối sống của chính mình.
Từ nhỏ tôi vẫn thường được dạy cho biết Mùa Chay là thời gian của ăn năn đền tội, của cầu nguyện, của làm việc thiện. Nhưng thực tế, nhìn quanh và quan sát lối sống của nhiều người, tôi thấy hình như những từ ngữ ăn năn đền tội, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức là những gì xem như sáo ngữ và ước lệ, đọc và nghe rồi bỏ qua. Cá nhân tôi cũng không ra ngoài cái tính ước lệ và hình thức ấy, có lẽ vì vậy mà hết Mùa Chay này đến Mùa Chay khác, hết thời gian sám hối này đến thời gian sám hối khác, tôi vẫn là tôi. Nhưng một hình ảnh về thời gian chay tịnh, sám hối rất thích hợp, có khả năng đổi mới, và tích cực cho những chuyển đổi tâm linh này, đó là cuộc đời và tiến trình lột xác của loài bướm.
Bươm bướm. Những cánh bướm muôn màu sắc nhởn nhơ bay lượn trên những bông hoa quanh nhà là những hình ảnh mà ai cũng thích nhìn, và ai khi nhìn thì cũng thấy đẹp. Nhiều thi nhân, nhiều nghệ sĩ, nhiều nhạc sĩ, nhiều văn sĩ đã phải ngất ngây trước vẻ đẹp thiên nhiên này, và kết quả là họ để lại những tác phẩm, những áng văn, những bài thơ, những nhạc phẩm rất tuyệt vời khi nhìn ngắm những cánh bướm muôn màu nhở nhơ trong gió và trên những cánh hoa. Tiếc thay, vì đó chỉ là những cánh bướm, nên cái ảnh hưởng của nó cũng rất “thoáng qua” và “mong manh”.
Nhưng nếu để ý, ta sẽ thấy xuyên qua cái vẻ đẹp tự nhiên ấy, cũng như kiếp sống phù du ấy của loài bướm, ta có thể tìm được một bài học rất ý nghĩa và thiết thực cho cuộc sống tâm lý và tâm linh. Đó là tiến trình chuyển đổi để thành một con bướm khởi đi từ những cái trứng rất nhỏ bé được bướm mẹ để vào những chiếc lá. Từ những cái trứng rất nhỏ bé ấy lại nở ra những con sâu hình thù rất xấu xí không ai muốn nhìn, muốn đụng chạm tới. Chính tôi đã một lần bị đụng phải con sâu này, và hậu quả là những cơn nhức buốt, ngứa và đau đớn. Rồi những con sâu ấy sau khi đã ăn ngấu nghiến những đọt cây, những chiếc lá, nó lại cuộn mình trong một cái kén treo lủng lẳng ở các ngọn cây. Bất ngờ, sau một chuỗi dài thầm lặng, chuyển hoá, từ trong những cái kén ấy nở ra những cánh bướm đẹp tuyệt vời. Những cánh bướm tung bay làm rạng rỡ bầu trời, và thiên nhiên như mở hội khi từng trăm, ngàn, vạn cánh bướm muôn sắc màu bay lượn trên những cánh hoa muôn sắc.
Đi vào thực tế trong cuộc sống thường ngày, hành trình đi tìm uyên nguyên của con người chẳng khác gì hành trình lột xác của loài bướm. Nếu cái cùng đích của hành trình ấy là những cánh bướm muôn màu, thì hành trình con người trên dương thế là đạt tới chân trời hoa mộng của vĩnh hằng. Ở đó, những tâm hồn sau khi đã hoá thân trong sự lột xác sẽ trở thành những cánh bướm thần linh bay lượn và nhởn nhơ trong khung trời hạnh phúc.
Nói theo niềm tin thì lúc đó họ sẽ phục sinh và hiển linh sau những lột xác của cuộc đời trần thế. Những chiếc trứng nhỏ bé kia chẳng khác gì hình ảnh của từng con người. Sự lớn dần, bon chen trong cuộc đời tìm cách sống còn theo bản năng, với thiên nhiên, với những người chung quanh, đã khiến cho con người biến thành những con sâu xấu xí và nguy hiểm với dáng vẻ của tham lam, ích kỷ, hận thù, dục vọng, cuồng tín. Nhưng dù là xấu xí và nguy hiểm, con người vẫn phải sống, vẫn phải đi tới, và vì thế thế nên cần phải biến đổi. Điều này chỉ có thể xảy ra khi con người tự nhận ra con người thật của mình với những khuyết điểm, những tham sân si, những đam mê dục vọng mang hình hài những con sâu đáng kinh tởm cần được đổi mới. Chỉ có như thế con người mới có can đảm đi vào chiều sâu tâm linh để rồi, nó phải tự mình cuộn tròn trong chiếc kén của suy niệm, của nhận thức và của chuyển đổi. Và như vậy, sau những âm thầm tu chỉnh, sau những năm tháng miệt mài chuyển đổi, lúc ấy con bướm tinh thần kia mới thực sự chào đời; tâm linh con người mới phục sinh.
Nhưng nếu “một cánh én không làm thành mùa xuân”, thì một con bướm cũng không làm cho bầu trời xuân của tâm hồn trở thành hoa sắc, rộn ràng và tươi đẹp được. Nó cần nhiều cánh bướm, và điều này cũng có nghĩa là tiến trình biến đổi ấy sẽ cứ phải nối tiếp như kiếp sống của loài bướm. Nói đúng hơn, một mùa chay tịnh tâm hồn, một lần cuộn mình trong cái vỏ suy tư, tĩnh lặng và chuyển đổi, cho dù là 40 ngày, nó vẫn không làm cho đời người trở nên phong phú, cho cuộc sống tâm linh được bảo đảm nhiều thành quả. Tiến trình biến hoá cần phải được lặp đi lặp lại và cần phải được thực hiện một cách bền bỉ trong suốt hành trình cuộc sống của mỗi người.
Mùa Chay sẽ kết thúc bằng Phục Sinh đầy ánh sáng. Nhưng đó là Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chính Ngài cũng phải mang hình ảnh một con bướm được lột xác từ những biến đổi rất khắc nghiệt – đó là cuộc đời thầm lặng suốt 30 năm trời trong ngôi nhà Nazareth; đó là 3 năm miệt mài rao giảng; và nhất là cuộc Thương Khó và Cái Chết nhục nhã trên thập tự giá. Sau chót, tiến trình phục sinh này đã là nguồn giải thoát cho toàn thể nhân loại.
Phục Sinh và cánh bướm. Hình ảnh và tiến trình biến hoá của loài bướm cũng chính là hình ảnh và tiến trình biến hoá nội tâm của chính tôi. Tôi không “mừng” Chúa phục sinh, mà tôi “phải” phục sinh với Ngài. Nhưng tôi không thể trở thành cánh bướm muôn màu sặc sỡ nếu tôi không loại bỏ cái xấu xí, gai góc của đời mình để cuộn mình vào chiếc kén suy tư, đổi mới.
Trần Mỹ Duyệt