Mùa Xuân im lặng trong đôi guốc

Con cái đã quên, không còn ai nhớ đến đôi guốc mộc.  Sau đám tang của mẹ, mấy người con gom quần áo của bà đốt hết.  Riêng đôi guốc gỗ nằm nơi xó tường nên chả người con nào để ý.  Mấy tháng, kể từ ngày bà nằm trên giường bệnh, đôi guốc lúc bị đá vào xó tường này, lúc bị đẩy sang góc tối kia, đến độ người nhà không còn để ý nó là đôi guốc của ai.

Từ ngày theo người mẹ đó về nhà, đôi guốc giã từ những tháng ngày thong thả, mơ mộng trên quầy hàng.

* * *

Thủa xưa, khách vào ra, ngắm nghía, nâng niu, chủ hàng chẳng bao giờ để đôi guốc bám bụi.  Ðôi guốc chả phải làm gì, sống như thế thật nhàn hạ.  Nhưng nếu nghĩ cho cùng, cũng không thiếu nhàm chán, chả có gì mới mẻ trong cuộc sống cả.  Ðôi lúc, đôi guốc nghe như có hai tiếng nói thì thầm trong hồn nó.  Một là bảo nó cứ nằm yên ở đây cho nhàn hạ, hai là bảo nó hãy bỏ đây xuống đời tìm cho cuộc sống một ý nghĩa.

– Chả nhẽ cứ tiếp tục là đôi guốc nằm trên quầy hàng như thế này mãi sao?

Nó không phải là đồ trang sức, không phải là bức tranh cho người ta ngắm.  Có nhàn hạ, nhưng nằm mãi ở đây thế này nó bắt đầu thấy chán, càng ngày càng thấm thía những suy nghĩ về một cõi sống trên những nẻo đường của cuộc đời.  Nhưng mỗi khi nhìn đôi guốc dưới chân các bà mẹ, nó lại nghe tiếng nói khác thì thầm: “Vất vả quá!” Có đôi guốc sứt mẻ.  Có đôi guốc mòn xác xơ.  Ðiều đó làm nó nghĩ ngợi.

Ðời là một chọn lựa.  Cứ tiếp tục suốt đời giam mình ở đây hay bước xuống đường để ra đi đây đó? Sau cùng nó quyết định ra đi.

Một trưa xế nắng kia, có người thiếu phụ vào tìm mua đôi guốc.  Chủ hàng đem nó ra giới thiệu. Nhìn dáng người thiếu phụ, đôi guốc biết người đàn bà ấy thật thà, nhưng thấy dáng bà có vẻ nghèo. Những người nghèo thường vất vả.  Bước chân của người nghèo là bước chân khổ.  Làm thân guốc cho một người nghèo vất vả lắm.  Thật thà mà nghèo chắc cũng chả hạnh phúc.  Cuộc sống bây giờ chẳng ai quý người nghèo.  Càng suy nghĩ, đôi guốc càng lưỡng lự, cứ sợ người đàn bà ấy chọn mua mình.

Nó phân vân không biết có nên theo chân bà ta hay không.  Ðời luôn là phải chọn lựa như thế.  Vất vả, nghèo mà thật thà, đặc tính của người muốn mua nó có vậy thôi.  Ðôi guốc nghĩ thầm: “Ðến lúc muốn ra đi, lại gặp phải người đàn bà nghèo thế này.  Hay ta chờ một người đàn bà khác giàu có.  Theo chân người giàu sẽ sung sướng hơn?”

Trong lúc nó phân vân, người đàn bà cầm đôi guốc ngắm nghía, cho xuống chân ướm thử.  Một làn hương thơm huyền nhiệm toát ra từ đôi chân bụi đường.  Ðôi guốc vô cùng kinh ngạc, làm sao điều ấy có thể xảy ra được.  Nó đã được nhiều đôi chân đẹp ướm thử mà chưa bao giờ có hiện tượng lạ lùng như thế.  Phải là đôi chân dịu dàng mới toát ra vị thanh tao được chứ.  Ðôi chân trần của người đàn bà nhà quê mốc thếch.  Làm sao đôi chân lấm lem lại có thể toát ra một hương nhân đức kỳ bí được.  Nó không ngờ.  Ðiều huyền diệu ấy, tiếng lương tâm đôi guốc bảo cho nó biết rõ là đến từ lòng thật thà, bao dung, vất vả hy sinh của người mẹ kia.  Bấy giờ, nó hối hận vì quá vội nghi ngờ đánh giá khi nhìn sự nghèo khó bên ngoài.  Lòng hối hận ấy làm nó bừng lên một ước ao mãnh liệt là được theo chân bà. Linh tính cho nó biết nơi dấu chân người mẹ này có một thế giới huyền diệu.  Nhưng người mẹ băn khoăn đặt nó vào kệ gỗ vì bà không đủ tiền.

Ðôi guốc gỗ mím môi tiếc xót vì từng bị thử dưới bao đôi chân, chưa thấy bước chân nào kỳ lạ như bước chân của người mẹ này.  Giữa lúc nó muốn theo chân người đàn bà để khám phá thế giới linh thiêng kỳ bí đó, bà lại không đủ tiền mua nó.  Bà tần ngần đặt đôi guốc lại kệ gỗ.

Người chủ hàng chỉ bán rẻ những đôi guốc bị nứt thôi.  Ðôi guốc nghĩ thầm: “Hay là ta đánh đổi đời mình thành đôi guốc nứt?”  Nếu vậy, còn gì dáng vẻ, vì cả một đời sẽ mang dấu vết nứt đó.  Ðôi guốc suy nghĩ quay quắt về một chuyến đi trong đời.

Người đàn bà lại cầm nó trên tay, tiếc vì không đủ tiền.  Ðôi guốc giật mình nghĩ rằng đời không có nhiều cơ hội.  Nếu bà không đủ tiền mua nó, bao giờ bà sẽ quay lại?  Có thể sẽ không bao giờ.  Nếu bà đặt nó trở lại quày hàng, biết đâu nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại bà?  Nó lấy hết can đảm theo tiếng gọi thâm sâu của linh hồn, chấp nhận một thương đau cho khởi đầu một chân trời kỳ bí kia đang chờ đón.  Nó quyết định chấp nhận đời mình thành đôi guốc nứt.  Tức khắc, ngay khi quyết định xong, nó nghe như trong linh thiêng có một trận chiến vô hình.  Tiếng nói của Bóng Tối gục xuống.  Tiếng nói của Ánh Sáng bừng lên.  Cũng trong lúc ấy, như chiều cao thập giá đổ xuống, một vết thương xước ra, chạy dài toàn thân.  Nó ngất lịm.  Thế là nó thành một đôi guốc nứt.

Người đàn bà giơ lên nhìn kỹ.  Bà ồ lên một tiếng thở nhẹ, vui mừng vì một khám phá:

– Ông chủ tiệm ơi, nhìn kỹ đi, đôi guốc có vết nứt đây này.
Người chủ tiệm tiếc rẻ.  Ngần ngừ, ông đành bán tống nó đi.

Lúc tỉnh dậy, đôi guốc đã về đến nhà người đàn bà.  Bà xoa xoa vết nứt, tìm mũi đinh đóng lại.  Một lần nữa, nó đau buốt thân mình.  Nhưng trong mỗi nhát búa, nó thấy mùa xuân đang về trên những nhánh gai.  Nó bắt đầu cảm thấy ý nghĩa của nước mắt và hạnh phúc.  “Tôi sẽ theo chân bà ta đi đâu bây giờ?”  Trời đang vào hạ hanh nắng hay cúc vàng nhuộm xuân.  Nó hồi hộp tự hỏi.

Ngày hôm sau, ngay chuyến đi đầu tiên nó đã mệt rã rời.  Trời xuống tối, bà vẫn chưa về đến nhà. Quẩy gánh nặng trên vai.  Con đường cứ dài thăm thẳm, toàn thân mình đau ê ẩm.  Ðường đất miền quê sỏi đá gồ ghề, ngay chân bà cũng trượt té trầy da huống chi đôi guốc.  Nó bị nện xuống gập ghềnh. Như vậy mà đã từ bao lâu nay người mẹ này cứ bước chân không, nghĩ đến nỗi đau, nó thấy xót xa cho bà.  Nhìn xuống nỗi đau của mình, nó muốn chia sẻ với bà nỗi đau kia.  Lạ lùng quá, khi mới chợt có ý nghĩ ấy, nó thấy toàn thân nóng bừng, và trên nỗi đau nó thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh.

Qua một buổi chiều mà đôi guốc đã khám phá bao nhiêu bí mật đời sống dưới bàn chân một người mẹ:

– Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm có thể bay ngược chiều gió.
– Chịu đựng bao giờ cũng cho tâm hồn nét đẹp cao thượng.
– Gánh nặng vì tình yêu luôn luôn đi đôi với sức mạnh.
– Thật thà là mật ngọt nuôi dưỡng bình an.
– Nhẫn nại là những đường may nối dài tình thương.

Quá mệt, đôi guốc ngủ thiêm thiếp lúc nào không hay.  Lúc ướt lạnh, nó co người rùng mình thì người mẹ đã đang ở bờ giếng kéo nước đổ vào nồi cám nấu cho heo.  Ðôi guốc bàng hoàng không biết trời đang vào khuya hay đã về sáng.  Chung quanh chỉ là đêm tối lần mò.  Nó lắng nghe bước chân. Người mẹ hết quanh quẩn trong góc bếp lại ra cầu ao.  Khuya thế này rồi sao bà không nghỉ ngơi?  Ðôi guốc mệt đừ.

* * *

Thời gian thấm thoát thoi đưa.  Thoát chốc đã đến ngày đôi guốc mòn quá rồi.  Bây giờ nó không còn là hình dạng đôi guốc ngày xưa trong cửa hàng nữa.  Xấu xí, lem luốc, nứt nẻ.  Nhìn lại quãng đời, đôi guốc không thể biết được nó đã bước bao nhiêu đường dài.  Nếu mỗi ngày bà mẹ quẩy gánh 10 cây số, thì 365 ngày một năm, đã trên 3 ngàn cây số rồi.  Trời ơi!  Ðôi guốc không ngờ nó đã đồng hành với bà trên một dặm đường dài hơn cả đất nước của người đàn bà như thế.

Ðôi guốc không hiểu sao nó có sức chịu đựng trung thành theo chân bà.  Nó còn nhớ ngày xưa nằm trên quầy tủ cửa hàng, mới chỉ nghĩ đến ra đi đã ngao ngán quá rồi.  Vậy đâu là sức mạnh?  Gần đến cuối đời, đôi guốc nhìn lại những bến bờ đã đi qua, nó thấy cộng lại những cây số ngàn ấy, không bước chân nào của bà mẹ không có tình thương.  Từ sớm tinh mơ đến tan chợ chiều, bà vất vả cũng vì các con mà thôi.  Từ đó, đôi guốc khám phá ra khi nó được chia sẻ đời nó trong tình yêu, tình yêu cho nó sức mạnh.  Bất cứ nơi nào có tình yêu thì có sức sống.  Bất cứ gỗ đá nào chạm vào tình yêu cũng thành trái tim mềm mại thiết tha.  Và nó hiểu, nó không đi tìm mùa xuân vì chính nó đang làm nên mùa xuân cho cuộc đời.

* * *

Thưa mẹ, con còn nhớ một đêm kia, khuya quá khuya, mẹ ngồi bên con, nhìn con trong cơn sốt.  Làm sao mẹ có đôi đũa thần của bà tiên quyền phép làm cho con hết cơn đau.  Mẹ cứ ngồi bên con vậy thôi.  Mẹ không an lòng rời xa con.  Mẹ đặt tay lên trán con chờ mong từng giây cho con hết bệnh.  Muốn uống một ly sữa, con chỉ cần đưa chiếc ly lên miệng uống là xong.  Bây giờ nhìn lại, con thấy đêm đó, khi chợt nghe con muốn một ly sữa, mẹ vội thắp thêm đèn, chiếc đèn dầu con tù mù, lệch kệch ra sau vườn kéo gầu nước, nhóm bếp củi mù than đun nước.  Mẹ hối hả không ngại ngùng gõ cửa hàng vào những giờ người ta không muốn thức giấc để mua, hòa cho con một ly sữa.

* * *

Sau khi bà mẹ chết, đôi guốc nằm im lặng nơi góc tường tối.  Không người con nào để ý.  Nó âm thầm một đời theo chân người mẹ, hy sinh, vất vả, chịu đựng.  Lúc người mẹ còn sống, đôi guốc đã âm thầm như thế.  Bây giờ bà chết rồi, nó vẫn tiếp tục cái âm thầm của bao tháng ngày về trước.  Chẳng lẽ bất cứ điều gì liên quan tới mẹ đều lặng lẽ như thế sao?

Tình yêu của những người mẹ dường như bao giờ cũng âm thầm.  Xin những người con hãy khua động tình yêu âm thầm ấy của mẹ bằng một cánh hoa linh hồn.

Kìa, ngoài kia đất trời đã đang chuyển mình tìm mùa xuân.

Lạy Chúa, con cũng đang đi tìm mùa xuân cho cuộc đời.  Chân đi trong đời để tìm mùa xuân nhiều khi rất đau.  Và bây giờ con hiểu, con nhớ tới đôi guốc của mẹ con.

 

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J. 

Chia sẻ Bài này:

Related posts