Năm 2011, quyển sách của tác giả trẻ Bieke Vandekerckhove, đã giành giải Sách Thiêng liêng của Năm ở Bỉ. Với tựa đề, Vị của Thinh lặng [Taste of Silence], quyển sách ghi lại cuộc đấu tranh của cô sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh ALS, hay thường gọi là bệnh Lou Gehrig, tình trạng suy thoái thần kinh luôn dẫn đến kết cục là suy nhược cơ thể trầm trọng và sẽ chết không lâu sau đó. Thật là một chẩn đoán không dễ chấp nhận với một phụ nữ trẻ đầy sinh lực.
Nhưng không lâu sau khi trầm cảm nội tâm sâu sắc, cô tìm thấy ý nghĩa cuộc đời thông qua suy niệm, thinh lặng, văn học, nghệ thuật, thi ca, và không kém phần quan trọng, là một mối quan hệ cuối cùng đã kết trái thành hôn nhân. Và thật không ngờ, bệnh tình của cô thuyên giảm, và cô sống thêm hai mươi năm nữa. Trong nhiều thấu suốt phong phú đã chia sẻ với chúng ta, Bieke có đưa ra một suy tư đáng chú ý về sự nhàm chán.
Bàn về sự nhàm chán đang thịnh hành trong thời nay, cô nêu bật một nghịch lý, cụ thể là sự nhàm chán đang tăng mạnh giữa chúng ta cho dù mỗi ngày chúng ta đều sản xuất ra đủ loại cải tiến để tránh chuyện đó. Ngày nay, khi có trong tay những thiết bị công nghệ nối kết chúng ta với mọi thứ, từ tin tức thế giới cho đến ảnh chụp của những người thân yêu đang chơi với con cái họ, chẳng phải chúng ta đã được cách ly khỏi sự nhàm chán hay sao? Nghịch lý thay, ngược lại thế mới đúng. Mọi cải tiến công nghệ không xoa dịu nỗi nhàm chán của chúng ta. Tại sao lại không? Chúng ta vẫn vật lộn với sự nhàm chán bởi mọi kích thích trong thế giới không hẳn đã có ý nghĩa. Theo Bieke, ý nghĩa và hạnh phúc không hệ tại nhiều ở chuyện gặp gỡ những người thú vị và khám phá những điều thú vị, mà đúng hơn là hệ tại ở việc hứng thú sâu sắc về những con người và sự vật.
Từ thú vị phát xuất từ gốc La Tinh, với hai từ là inter (bên trong) và esse (hiện hữu) và khi kết hợp lại, nghĩa là hiện hữu bên trong sự gì đó. Mọi sự thú vị với chúng ta khi chúng ta chú tâm đến chúng đủ để thật sự đi vào trong chúng. Và hứng thú của chúng ta không nhất thiết phải tùy vào khả năng kích thích tự nhiên của sự đó, dù ta vẫn thừa nhận rằng có những sự kiện và cảm nghiệm mạnh mẽ hơn cái khác. Điều này giải thích sự hứng thú mạnh của ta với những sự kiện thế giới, các giải thể thao lớn, các lễ trao giải, cũng như sự ám ảnh vốn kém lành mạnh hơn với đời sống của những người nổi tiếng. Có những người, sự vật và sự kiện, tự nhiên thu hút chúng ta hơn và chúng ta muốn ở “bên trong” những cuộc sống và sự kiện đó.
Nhưng hầu hết các tin tức thế giới, sự kiện thể thao lớn, các buổi trao giải và đời sống riêng tư của những người nổi tiếng, không phải là chế độ bình thường của ta, không phải là bữa ăn gia đình, nơi làm việc, những buổi đi nhà thờ, những buổi bán hàng từ thiện, lịch sống thường nhật hay những món ta ăn hằng ngày. Và đây chính là điểm thường khiến ta chịu lấy sự nhàm chán, bởi ta không ở sâu trong hiện thực của những con người và sự kiện đó. Chính vì thế mà chúng ta thường cảm thấy cuộc sống đều đều, ù lỳ, và thông lệ. Nhưng nếu như thế, xét cho cùng, chúng ta đấu tranh với sự nhàm chán, không phải bởi gia đình, nơi làm việc, hàng xóm, giáo xứ, và bạn bè mình không thú vị. Chúng ta nhàm chán bởi quá bần cùng nội tâm, quá phân tâm hay quá quy ngã, để có thể thật sự hứng thú với những sự đó. Cảm nghiệm không phải là những gì xảy đến với chúng ta, mà là những gì chúng ta làm với những gì xảy đến với mình. Enstein đã nói thế đấy.
Và Bieke Vandekerckhove cũng nêu bật một nghịch lý khác: Thật nghịch lý khi ta có xu hướng đấu tranh với nhàm chán và trì trệ trong khi ta đang đầy triển nở trong đời, đang khỏe mạnh và làm việc, còn những người như Bieke Vandekerckhove thì mất sức khỏe và chuẩn bị đối diện với cái chết nhưng lại thường thấy sự hồ hởi vui tươi nơi những cảm nghiệm bình thường nhất.
Những thấu suốt của Bieke Vandekerckhove rất giống với cảm nghiệm của Rainer Maria Rilke trong quyển Những lá thư gởi Thi sĩ Trẻ [Letters to a Young Poet.] Như Bieke, ông cũng gợi ý rằng nhàm chán là lỗi của chúng ta, lỗi của một con mắt hờ hững. Trong những lá thư giữa ông với một thi sĩ trẻ, chàng thi sĩ đã than phiền rằng mình không được tiếp cận đủ với những cảm nghiệm thúc đẩy thi ca, bởi anh sống trong một thị trấn nhỏ nơi hầu như chẳng có chuyện gì thú vị. Và chàng thi sĩ ghen tị với Rilke, vì ông chu du gần khắp châu Âu và đã gặp đủ mọi kiểu người thú vị. Với anh, những thấu suốt thi ca của Rilke phần nhiều dựa vào việc được đến những thành phố lớn, gặp những người thú vị, và được những kích thích mà một chàng trai ở thị trấn nhỏ chẳng bao giờ có được.
Câu trả lời của Rilke với chàng trai trẻ này đã trở thành câu trả lời kinh điển về vấn đề nhàm chán: “Nếu cuộc sống thường nhật của anh có vẻ nghèo nàn, thì đừng đổ lỗi cho nó, mà hãy bảo rằng mình không đủ thi vị để khơi lên sự phong phú của nó, bởi với người sáng tạo, thì không có sự nghèo nàn và không có không gian nghèo nàn.”
Tìm được hứng thú trong đời không hệ tại ở việc chúng ta là ai và gặp ai, nhưng là ở khả năng nhìn sâu vào mọi sự. Cuộc sống khắp nơi đủ phong phú để cho ta thú vị, nhưng về phần mình ta phải hứng thú trước đã.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch
phanxicovn