Những ngày chớm Thu, khí trời dìu dịu, trên không đã thấy những làn mây xám mỏng. Có hôm trời âm u, không nắng mà cũng chẳng mưa. Mấy hôm nay, hình như trời đã bắt đầu lạnh. Buổi sáng thức dậy, trong tiếng chim hót nghe như có lời nhắn gửi của đất trời về sự đổi thay của tiết mùa, và cái lạnh se sắt trên làn da làm người ta thấy luyến tiếc gối chăn còn nồng nàn hơi ấm. Chỉ ít lâu nữa thôi, những hôm về nhà khuya, ta sẽ thấy trong đêm tối sợi khói bay lên từ lò sưởi nhà ai, cùng với mùi thơm của gỗ thông đang cháy, lan tỏa trong không gian tĩnh mịch.
Sợi khói và hơi lạnh của không gian khiến người ta dễ liên tưởng đến một lò sưởi đang bập bùng ánh lửa,và xung quanh, những người trong gia đình đang quây quần trò chuyện. Không khí ấm áp, thân thương khiến mọi người thấy gần gũi nhau hơn và dễ dàng ngỏ cùng nhau những lời tâm sự. Lò sưởi cũng tạo nên không khí thơ mộng và lãng mạn cho đôi tình nhân kề đầu chạm vai thủ thỉ. Tôi còn hình dung những “đêm tâm sự” của các sinh hoạt giới trẻ. Nếu có một đống lửa được đốt lên, người ta như được mời gọi để đến gần nhau và sẵn sàng chia sẻ tâm tư, khát vọng. Từ đó, tôi liên tường đến những buổi lửa trại đầy vui tươi và quyến rũ, rộn rã tiếng cười đùa, cũng như những ánh ”lửa bên đường” của một vài huynh trưởng già giặn lão luyện, trong một chuyến công tấc nào đo, đốt lên trong đêm, ngồi bên nhau trầm tư kiểm điểm quá khứ hoạt động, cùng nhau đổi trao kinh nghiệm, đôi khi là những kinh nghiệm đắt giá .
Như thế, với tôi, lửa, trước tiên là một lời mời gọi. Lửa mời gọi mọi người đến với lửa và đến với nhau. Có ánh lửa là có tụ hội, quây quần. Ngay cả khi ta một mình đối diện với ánh lửa, ta cũng được mời gọi đến với chính lửa, cũng như được mời gọi để gặp gỡ trong tâm tưởng hình ảnh của những người thân thương, quí mến. Chính vì thế, đôi khi vào những lúc lí tưởng lóe sáng trong cuộc đời phục vụ, tôi ước ao mình được trở thành một ánh lửa, không hẳn để soi dẫn cho ai, nhưng để mời gọi người chung quanh đến với nhau, sống ân cần, thân ái và chia sẻ tình thương có sản trong trái tim. Ước mơ đó đã có khi thành sự thật, nhưng cũng đã nhiều khi ánh lửa trong tôi tắt ngủm, chính tôi cảm thấy tôi lạnh lẽo, băng giá và đen đủi. Vì vậy, suốt đời, tôi vẫn lập đi lập lại cái cố gắng đốt lên ngọn lửa của chính tôi, mời gọi chính tôi sống cuộc đời phục vụ lí tưởng.
Lửa, dĩ nhiên là có tác dụng soi sáng. Trong đếm tối, người ta không thấy gì hết. Một ánh lửa được đốt lên, người ta thấy nhau và thấy tất cả mọi vật chung quanh. Người ta thấy đường đi phía trước, thấy lối rẽ cần phải lưu tâm, thấy những chướng ngại phải tránh né hoặc phải cố gắng vượt qua. Nói tóm lại, người ta được ”soi sáng’. Trong cuộc sống đời và cuộc sống đạo, tôi đã được soi sáng bởi nhiều ánh lửa như thế. Giữa đêm tối đức tin, tôi đã bắt gặp ”ánh lửa Chúa Ki tô ” và ánh lửa ấy đã giúp tôi vượt qua đêm dài mênh mang tưởng như vô tận. Trong đêm tối cuộc đời, những ánh lửa soi sáng cho tôi là cách sống của những người bạn thân tình, chân thành và can đảm. Tôi thích tìm ánh lửa nơi những người bạn thân quen như thế. Ánh lửa của những vĩ nhân thời đại thường cao vời quá, chói sáng quá, có thể khiến tôi ngưỡng phục nhưng cũng nhiều khi làm tôi lóa mắt.
Ngoài ánh sáng, lửa còn có sức nóng. Sức nóng làm nên sự ấm áp cho những ai gần lửa. Tôi nhớ đến chuỗi ngày thơ ấu, buổi sáng mùa Đông đi học ngang qua những con phố đầy lá khô, tôi thấy người phu quét đường gom những lá khô và ông đốn lên một đống lửa. Tôi lây cái ấm áp của đôi bàn táy gầy guộc đang hong trên đống lửa ấy. Tôi cũng nhớ lại những đêm giao thừa, trong khi bện ngoài trời tối đen như mực, có tiếng gió rít trên mái nhà và tiếng lá khô xào xạc; trong bếp, anh chị em chúng tôi xúm xít ngồi cạnh mẹ bên nồi bánh chưng đáng sôi sùng sục. Ánh lửa bập bùng in bóng chúng tôi lung linh trên vách. Hơi nóng từ đống lửa trong bếp khiến khuôn mặt chúng tôi đỏ bừng, nóng ran; cái nóng nồng nàn, dễ chịu. Hơi nóng làm chúng tôi ấm áp cơ thể, và hình như thấm vào tận bên trong, khiến chúng tôi ấm áp cả trái tim. Tôi không biết uống rượu mà như cảm thấy ngây ngất vì chất men của tình thân ruột thịt. Đó là kinh nghiệm đơn sơ của tôi về sự ấm áp của lửa. Bạn cũng có kinh nghiệm ấp áp đó và chắc chắn ai trong chúng ta cũng biết lửa đem lại sự ấm áp. Điều đó khiến nhiều khi tôi có mong ước mỗi một người trong cộng đồng nhân loại đều trở nên một ánh lửa, để sưởi ấm cho nhau và sưởi ấm cho thế giới băng giá tình người.
Lửa cung ứng cho con người nguồn sống. Không có lửa, con người sẽ chết vì giá lạnh và đói khát. Phát kiến về lửa là phát kiến lớn lao bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Tôi nhớ đến hình ảnh những bộ lạc sơ khai, người ta reo hò vui mừng truởc ánh lửa, người ta sống chết để bảo vệ lửa, và người ta cung kính tôn thờ ”thần lửa ”. Lạc lõng trong rừng khuya, người lữ hành trông mong mắt mình nhìn thấy một ánh lửa. Thấy lửa là thấy sự sống.
Sự sống tâm linh cũng cần có lửa. Lửa của Đức Tin và Tình Yêu. Tôi hình dung một căn phòng nhỏ cửa đóng kín. Trong đó có những con người đang lo âu sợ hãi. Họ nói chuyện với nhau thì thào và họ cầu nguyện nho nhỏ. Một mối đe đọa lẩn khuất đâu đây, một sự rình rập hầu như lúc nào cũng hiện diện chung quanh. Nhưng lửa đã đến! Lửa Thánh Linh Thiên Chúa xuất hiện trên đầu từng người, đốn nóng tâm linh, khiến băng giá của nghi ngại e sợ tan biến. Họ không sợ bị bắt bớ, tù đầy, hành hạ, giết chết nữa, vì nhờ Lửa Thánh Linh, họ đã nhìn thấy tình yêu bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu. Họ trở thành những vị tông đồ nhiệt thành và can đảm truyền bá Tin Mừng. Mỗi buổi sáng, khi đọc lời kinh: ”Và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con”, tôi rất cảm động. Lời kinh chất phác ấy có thể được diễn tả một cách khác là : ”Xin cho trái tim con lúc nào cũng nồng ấm ngọn lửa kính yêu Thiên Chúa. ” Ngọn lửa ấy cho tôi sự sống, và chính tôi, tôi không thắp lên nổi, không giữ cho cháy mãi được, nên tôi đã xin Thiên Chúa là Cha đốt lên giúp, giữ cho cháy sáng giúp.
Khi nói tới ngọn lửa trong trái tim, tôi chợt nhớ ra rằng con người đã cất giữ trong tim mình nhiều ngọn lửa, có ngọn lửa làm nồng ấm cuộc đời, mà cũng có ngọn lửa đốt cháy cuộc đời.
Ngọn lửa của tình yêu làm cho cuộc đời nồng ấm. Khi tôi yêu ai, hình như có một ngọn lửa nung nấu trái tim tôi, tôi nóng lòng được gặp gỡ, trò chuyện, tôi ước ao được tự hiến, hi sinh và chia sẻ. Ngọn lửa tình yêu làm cho đời tôi có ý nghĩa và đáng sống. Tôi không còn cảm thấy cô đơn và lạnh lẽo. Khi ý thức và cảm nghiệm được điều đó tôi thấy thương Chúa Ki tô và Đức Mẹ hơn, mỗi khi nhìn những tấm hình vẽ chân dung các Ngài, vơi trái tim phơi bày cùng một ngọn lửa bùng cháy bên trên.
Cũng có ngọn lửa của đam mê l Ngọn lửa khiến tôi lao mình như thiêu thân vào nỗi chết. Ngọn lửa đốt cháy cuộc đời, nhưng chính tôi, tôi không muốn dập tắt. Ánh lửa khi đó, vượt lên trên sự mời gọi, trở thành một cuốn hút mãnh liệt khiến tôi lao và không đo lường hậu quả.
Có ngọn lửa của hận thù. Tôi nuôi trong mình ngọn lửa đó và nó âm ỷ nhưng dữ dội đốt cháy tâm can tôi. Lửa hận thù, một khi không bị kiểm soát, sẽ cháy bùng thành một biển lửa, thiêu rụi tất cả, như ngọn lửa làm mồi cho một đám cháy rừng không còn phương cách cứu chữa, hoặc khi đã chữa được thì mời sự đã bị thiêu rụi. Lửa hận thù! Ngon lửa biến tôi trở nên nham hiểm, dữ tợn và độc ác. Ngọn lửa đó chỉ có thể tàn một khi bị thiêu rụi bởi một ngọn lửa khác: lửa của yêu thương và thứ tha cao cả.
Tôi muốn mặc cho lửa thêm ý nghĩa của sự thuỷ chung. Mỗi lần ghé thăm một thánh đường, tôi hay tìm đến Nhà Tạm và qùi yên lặng ở đó. Thường thường Nhà Tạm vắng người. Người ta đến, và người ta đi, tôi cũng vậy, lát nữa tôi cũng phải đi. Chỉ có ánh lửa của một cây nến hay một ngọn đèn dầu là ở lại mãi bên Nhà Tạm, âm thầm nhưng chung thủy. Trong tình yêu, giá mà ai cũng giữ được sự thủy chung của một ánh lửa cạnh Nhà Tạm, người ta sẽ tìm được hạnh phúc cho mình và cho người mình thương, thứ hạnh phúc thâm trầm, bình an và thầm lặng, thứ hạnh phúc thấm vào tận đáy trái tim.
Còn có quá nhiều hình ảnh đẹp về lửa. Những ngọn nến trong ngày sinh nhật người thân, những ánh nến lung linh trong thánh đường tạo nên không khí linh thiêng kì diệu; ngọn lửa thiêng đốn lên trong những thế vận hội; ngọn lửa cháy giữa bụi gai soi sáng cho lời hứa nhân từ của Thiên Chúa trong tiến trình cựu ước. Nhưng tôi thích lục lại trong kho tàng kí niệm của tôi, để tìm thấy một ngọn lửa cao cả: ngọn lửa Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thuở nhỏ, tôi học giáo lí với một thầy. Tôi chẳng biết thầy chức mấy và ở chủng viện nào, chỉ biết thầy đã lớn tuổi mà chưa được thụ phong linh mục, có lẽ vì con người và tính nết thầy lộ cộ và nóng nảy. Những bài học giáo lí thầy day đều rất bình dân, mộc mạc; tuy nhiên, có những bài cả đời tôi không bao giờ quên. Tỉ dụ như bài học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thầy chỉ lên ánh nến lung linh trên bàn thờ và nói: ”Các con thấy ngọn lửa không? Ngọn lửa có hình thể lười lửa, có ánh sáng và có sức nóng. Cả ba chỉ là một, không thể nói chỉ hình ngọn lửa mới là lửa, chỉ ánh sáng mới là lửa, chỉ sức nóng mới là lửa. Có ánh lửa là có cả ba và cả ba làm nên ngọn lửa. Thiên Chúa Ba Ngôi cũng thế. Các con có thể hiểu Chúa Cha là ngọn lửa, Chúa Con là ánh sáng, Chúa Thánh Thần là sức nóng.” Sau này, nghe bao nhiêu lời dạy về Thiên Chúa Ba Ngôi, đọc bao nhiêu quyển sách về Thiên Chúa Ba Ngôi, tôi vẫn không thấy lời dạy nào, quyển sách nào hay hơn bài giáo lí của thầy tôi.
Hôm nay, trời lạnh. Buổi tối tôi ngồi trước một ngọn nến. ánh sáng lung linh in hình tôi trên vách: Những quá khứ trở về. Những kinh nghiệm của tôi về lửa – lửa bên ngoài và lửa trong tâm hồn – trở nên sống động. Tôi ước ao tìm được mọi vẻ đẹp và sự hữu ích của lửa, để học theo, bắt chước.
Quyên Di
Nhìn Xuống Cuộc Ðời