Khi bạn nhớ một người thân đã chết, bạn cảm thấy lòng mình bao mối ngổn ngang, muôn vàn kỷ niệm. Có những kỷ niệm làm bạn vui, có những kỷ niệm khiến bạn buồn và cũng có những điều khi nhớ lại bạn tiếc xót ngẩn ngơ, như kẻ bất ngờ phải đi xa tiếc không được hôn người yêu lần cuối, hay tiếc đã bỏ lỡ một lần âu yếm bên nhau. Có kỷ niệm làm bạn hối hận vì đã làm buồn làm khổ người thân. Có nỗi nhớ làm bạn tiếc hùi hụi vì đã chẳng chiều ý người, chẳng làm người vui một lần nào đó. Có những hình ảnh thân thương bạn cứ muốn nhớ hoài, và có những cảnh huống bạn muốn quên đi mãi mãi. Nhưng dù vui dù buồn, dù thích dù không thì bạn cũng chẳng bao giờ tách rời những kỷ niệm với hình ảnh và nỗi nhớ người thân. Bởi lẽ hình ảnh người thân còn lại trong bạn không bao giờ là một bức chân dung trừu tượng, mà luôn là một hình ảnh sống động trong một giây phút nào đó. Bạn không thể hình dung người cha đã chết tách khỏi một nét mặt, một cử chỉ, một dáng điệu, một hành động, một bước chân nhất định nào đó. Bạn chỉ có thể hình dung thấy cha đang nhìn bạn, đang cười với bạn hay đang sửa dạy bạn, đang vui về bạn hay đang buồn về bạn; cha đang lo lắng hay đang hạnh phúc, đang khỏe hay đang đau… kỷ niệm, hình ảnh của người thân còn lại trong ta bao giờ cũng là trong tương quan với ta. Những hình ảnh ấy được ghi vào tâm hồn và cuộc sống của ta từng giây từng phút sống với người. Khi người vĩnh viễn đi vào dĩ vãng thì chuỗi kỹ niệm về người đã kết thúc trong ta như hình ảnh cuối cùng của một cuốn phim. Bác sĩ Paul Nagai trong cuốn “Hồi chuông Quang đảo” kể lại kinh nghiệm bản thân ông với cái nhìn của mẹ trước khi chết. Ông đã mất niềm tin và sống sa đọa từ khi vào trường Y, sự tiếp xúc với xác chết và bạn bè cùng lứa đã xô ông vào đó. Nhưng chính đôi mắt mẹ nhìn ông trước khi chết đã làm cho ông không thể nào tin rằng khi đôi mắt ấy khép lại thì mẹ ông thành hư vô. Ông tin rằng đằng sau đôi mắt ấy phải có cái gì bất tử. Và từ lúc đó ông khám phá trở lại lòng tin vào Thiên Chúa và Sự Sống.
Ðiều tôi muốn cùng bạn suy nghĩ là “cuốn phim” ấy có thể kết thúc bất cứ lúc nào, và mỗi hình ảnh đều chỉ ghi một lần, ta không thể xóa đi để ghi lại, làm lại một giây phút, một hành động nào. Cái khắt khe của cuộc sống là thế bạn ạ. Ở phim trường hay ngoài trời, khi một cảnh diễn không đạt, đạo diễn cho làm lại, thu hình lại, và cuối cùng bàn tay của người ráp nối mới cố định vị trí của mỗi hình ảnh trong cuốn phim. Còn trong cuộc sống thì mỗi giây phút đều được ghi một lần duy nhất vào tâm hồn ta, và người ráp nối cuối cùng chính là mức độ quan hệ của ta với người thân. Càng thân thì sự ghi nhớ càng trọn vẹn. Mẹ có thể kể từng chi tiết về con mình từ khi mang thai cho đến ngày cuối cùng, bởi vì mẹ bao giờ cũng yêu con hơn hết và luôn “ghi nhớ và suy gẫm trong lòng” mọi chuyện liên can tới con của mình.
Dù thân hay sơ, thì mỗi người ta đã đích thân gặp gỡ, có khi là vui, có khi là buồn bực… nhưng dù sao cũng để lại một hình ảnh nào đó khiến mỗi lần nhớ đến phải vui hay buồn, mừng hay tủi, hãnh diện hay hối tiếc.
Bạn ơi, những điều muốn nhớ và những điều muốn quên về mỗi người thân hoặc bất kỳ ai ta đã gặp gỡ một lần, tùy ý ta khi sự gặp gỡ chưa diễn ra và đang diễn ra. Còn khi đã diễn ra rồi thì không thể tùy ý ta nữa. Những điều muốn nhớ và những điều muốn quên, ta đều phải nhớ như nhau. Mỗi giây phút của cuộc sống, mỗi lần thể hiện quan hệ với một người, ta đều có tự do chọn giữa những gì ta muốn nhớ và những gì ta muốn quên. Muốn quên tức là muốn không bao giờ xảy ra điều ấy, muốn không có nó trong cuốn phim đời mình sống với mọi người.
Ðừng sợ bạn ạ. Sự khắt khe này của cuộc sống không đè bẹp chúng ta nhưng thôi thúc chúng ta. đừng làm những gì mà khi nhớ lại ta muốn quên đi.
Có bao giờ bạn cầm chắc được là sẽ gặp lại người thân, người bạn, người lạ mà bạn đang gặp bây giờ đâu. Giây phút cuối cùng có thể đến với người kia hoặc với bạn bất cứ lúc nào. Có khi người bạn, người thân bạn gặp đó hoặc chính bạn sẽ không còn đứng trên mặt đất chiều nay hay ngày mai. Vậy thì tại sao ta không sống mỗi giây phút như thể đó là giây phút cuối cùng, đối xử với mỗi người mỗi lần như thể đó là lần cuối cùng gặp nhau!
Bạn đã từng chia tay với người thân, với bạn bè đi xa. Bạn có để ý là lúc đó ai cũng rộng lượng hơn, ân cần hơn, sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng để lại hình ảnh đẹp nhất trong lòng kẻ ở lẫn người đi?
Bạn ơi, giá mình có thể sống với mọi người cũng như với chính mình từng giây phút, từng lần gặp gỡ như thể đó là lần cuối thì sẽ đẹp, sẽ vui biết mấy phải không?
Liệu bạn có sợ hụt hơi vì tính cách khẩn trương của giây phút cuối tràn lên suốt cuộc đời?
Bạn ơi hãy sống hãy yêu, hãy nói hãy cười như thể đây là phút cuối, và hãy làm như thể đây là việc sau cùng. Mà đúng là như thế bạn ạ, vì có bao giờ giây phút này lặp lại nữa đâu và bao giờ nó cũng có thể là giây phút cuối, sau đó thì cuộc đời bạn kết thúc mất rồi.
Bạn hãy nhìn người võ sĩ trên vũ đài. Họ biết chỉ có quyền thi thố tài năng giữa hai lần tiếng cồng vang lên, nên họ hối hả chừng nào. Bạn hãy nhìn cầu thủ trên sân bóng đá, khi đồng hồ trên bảng điện càng gần phút 90 thì họ càng ráo riết tấn công. Bạn hãy nhìn các bác sĩ và y tá trong phòng cấp cứu chạy đua với tử thần dành giựt mạng sống bệnh nhân.
Tính vắn vỏi, cấp bách của giây phút hiện tại đối với người không có niềm hy vọng nào ngoài sự hưởng thụ vật chất, là động lực thúc đẩy họ yêu cuồng sống vội: mau hái bông hoa kẻo nó tàn. Còn đối với người có niềm hy vọng ở tương lai vĩnh cửu thì nó lại là sự thúc đẩy sống thanh thoát và quảng đại, trong trắng và yêu thương, không để lòng mình vướng mắc với những gì phải qua đi nhưng luôn biết vươn cao (coi 1 Cor 7,29-31), là lời mời gọi đứng vững trong cuộc chiến đấu cho công bình và lẽ phải, cho yêu thương và hạnh phúc.
Mỗi lời bạn nói là lời cuối cùng
Mỗi việc bạn làm là việc sau hết
Mỗi người bạn gặp là người duy nhất
Từng giây phút trong đó,
bạn hãy sống như mình chỉ có phút ấy mà thôi.
LM. Nguyễn Công Ðoan, SJ