Nó…

Nó lớn lên đơn sơ như bông cúc dại. Mọi thứ trôi vào đời nó cứ tự nhiên như vốn dĩ phải thế – kể cả cái nghèo xác xơ, hay cái bản ngã yếu đuối của con người.

Nghĩ cũng lạ, lúc bé thơ chẳng biết gì, thế nhưng người ta luôn muốn làm ngược lại ý muốn của người lớn: Nếu người mẹ muốn giữ đứa bé nằm yên trong chiếu, chắc chắn nó sẽ cố tìm cách bò ra ngoài; khóa cửa trước giữ nó trong nhà, nó sẽ luồn cửa sau chạy ra ngõ… Dường như có một “sức hút” mãnh liệt từ những thứ ngoài tầm tay của con người, và ý chí muốn thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa như một phản xạ tự nhiên.

Lúc nhỏ nó vẫn nghĩ rằng làm trẻ con thật mất tự do, phải làm cái này, không được làm cái kia. Nhất nhất mọi việc phải theo ý muốn của người lớn. Làng quê nó thời ấy nghèo lắm, làm gì có ti vi trong nhà để giải trí. Thỉnh thoảng ở sân bãi mới chiếu một bộ phim trắng đen để mọi người đến xem. Thế là trong làng y như có hội! Hiếm lắm mới có một bộ phim màu. Chẳng cần biết phim gì, của ai, miễn là “phim màu chiến đấu” thì kể như trẻ con cả làng không thể ngồi yên. Nó cũng háo hức chẳng học hành gì được. Thế nhưng ba nó “phán một lời” thì anh em nó phải ở nhà hết! Có khi nó liều lĩnh trốn đi xem vì phim hay quá, chịu trận đòn cũng đáng! Nhưng lắm lúc nó tức anh ách vì phải bị đòn mà chỉ xem được cái loại “phim màu lợt lợt, chiến đấu sơ sơ”!!! Lúc đó, nó chỉ ước sao lớn thật nhanh. Trong nhận thức non nớt của mình, nó nghĩ người lớn muốn làm gì cũng được. Từ đó, trong lòng nó ấp ủ “giấc mơ giải phóng”. Với nó thuở ấy, tự do là được làm theo những gì mình muốn. Đơn giản vậy thôi!

Ở đời người ta thường đứng núi này trông núi nọ. Lúc bé nó ước được làm người lớn, khi lớn rồi mới hay cuộc đời không như nó tưởng. Nếu như lúc bé nó chỉ chịu sự ràng buộc và điều khiển bởi cha mẹ, người thân – là những người luôn thương yêu và muốn nó nên người – thì khi lớn lên, nó lại bị ràng buộc và điều khiển bởi những thứ “lạnh như tiền”.

Nó đi tìm bầu trời, nhưng hình như đường đời (hay chính cái bản ngã yếu đuối của nó) chỉ dẫn đưa nó vào những chiếc túi. Khó hiểu quá, nó hiểu không tới. Rõ ràng chẳng có gì sai khi nó muốn tìm kiếm một cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn. Cũng không có gì đáng trách khi nó muốn ăn ngon, mặc đẹp, chạy xe xịn. Nhưng tự trong lương tâm, hình như nó thấy có cái gì đó chưa đủ. Nó mơ hồ tự hỏi: “Liệu chỉ có những thứ làm thỏa mãn, đã đầy thân xác này, có làm cho nó trở nên NGƯỜI hơn chăng? Hơn nữa, NGƯỜI còn là hình ảnh của Thiên Chúa – chứ không “người” theo ngôn ngữ hài hước của “hội thui rơm” rằng: “Sống trên đời (làm người) ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?” Hoặc “người” theo kiểu nó vẫn thường nghe người đời ao ước: “Sống đời này sắm được nhà lầu xe hơi thì có chết cũng mãn nguyện kiếp người”.

Nó suy tư dữ dội hơn: Vượt thắng những trở lực để đạt được những thứ mình khao khát có phải là chạm được đến tự do, đã THÀNH NGƯỜI? Và nếu là thế thì hình như thứ tự do đó cũng phụ thuộc vào cách người ta nhìn đời, phụ thuộc vào cái nghĩa làm “người” mà mỗi người muốn trở nên. Đó là một kiểu tự do dễ đổi thay, dễ tan vỡ theo cảm tính con người.

Nó vẫn chưa tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của một con người có tự do. Nó vẫn thường nghe người ta nói “đấu tranh cho tự do” để con người được sống xứng với nhân phẩm của mình: tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đi lại v.v… Tự do là một phần của nhân quyền. Những điều này rõ ràng là chính đáng và cần thiết. Đó là những mảng của tự do. Nhưng hình như những thứ đó vẫn chưa đủ, chưa diễn tả hết được những chiều kích của tự do.

Giả tưởng có một cấu trúc xã hội tiến bộ, nơi đó con người có thể có được tất cả những quyền tự do chính đáng, có điều kiện để phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội, thì liệu rằng nơi thẳm sâu trong lương tâm và linh hồn, con người có được bình an tự tại? Con người có nhờ vào đời sống xã hội ấy mà được giải thoát khỏi sự ràng buộc của tham – sân – si, của ích kỷ, của sự nặng nề thuộc tính xác thịt để có được một sự tự do tròn đầy, viên mãn?

Nếu điểm xuất phát của đời người là thế gian và cũng kết thúc ở thế gian này, thì tất cả chỉ là phù hoa và ngõ cụt tối tăm: Chỉ toàn lo âu, đau khổ, vật lộn để dành được những thứ dễ hư nát. Nếu có được giàu sang, sung sướng, cũng không ai thoát được hành trình sinh – bệnh – lão – tử, sinh ra trong tiếng khóc của chính mình và chết đi trong tiếng khóc của người thân.

Tự do ở đâu? Ai có thể giải thoát nó ra khỏi sự ràng buộc ấy? Ai có thể tách được nó ra khỏi những khôn ngoan duy lý, những toan tính đo lường dựa trên tài năng và sức lực – vốn là những cái nay còn mai mất – rồi gắn niềm vui và hạnh phúc đời mình vào đó, phập phồng lo âu? Ai có thể cho nó cái tự do thẳm sâu trong tâm hồn, vượt lên tất cả các chiều kích vật chất thường tình của con người? Còn ai làm được điều đó ngoài Đấng đã tác tạo nên nó, có quyền năng trên linh hồn và thân xác nó, và chờ đón nó nơi cõi vĩnh hằng?

Đấng ấy là Đức Giêsu Kitô. Ngài đã đến thế gian làm NGƯỜI và đã chết để muôn người được sống, trong đó có nó. Nó phải sống phó thác vào Đấng ấy: Tự do của nó là nương theo ý Ngài.

Có anh bạn nhìn nó ái ngại. Rằng nó nên hòa mình vào xã hội, xây dựng xã hội bằng ngôn ngữ và chuẩn mực chung của mọi người. Đâu phải ai cũng thờ Chúa như nó! Nó thấy hổ thẹn trong lòng: Giá mà lúc nào nó cũng yêu Chúa được như nó nói, như bề ngoài người ta thấy về nó. Phải, nó phải hòa mình vào xã hội, nhưng không vì thế mà phải che giấu Thiên Chúa, Đấng đã cứu độ cuộc đời nó. Chân nó phải chạm đất, phải bám rễ vào xã hội và làm cho xã hội ấy phát triển, nhưng nó không thể quên rằng mắt nó phải hướng về trời cao, nếu không, Thiên Chúa chết cho nó là vô nghĩa và vô ích! Nó phải “mở” nó ra cho người ta thấy Chúa, thấy lòng thương xót vô bờ Người đã đổ xuống đời nó.

Ước chi mỗi ngày trong đời này, nó đều có thể phô bày được một chút ánh sáng lung linh mà Chúa đã thương nhen nhóm trong nó. Chút ánh sáng ấy chính là thứ tự do trong vắt, thoát khỏi những âu lo của đời sống trần tục nhờ vào lòng tín thác – đức tin. Ánh Sáng ấy không phải từ nó, mà phát xuất từ Đấng ngự trong nó…

( trích tập san Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo số 11)

Mẩu Bút Chì

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment