Nỗi khát khao tồn tại

          Con người nói riêng và các loài hữu tình nói chung  đều mang nơi mình nỗi  khát khao muốn được tồn tại. Nỗi khát khao ấy chẳng những thể hiện trong đời thường  như một thứ bản năng lưu truyền nòi giống  mà còn là vấn đề gay go đặt ra cho cả triết học lẫn tôn giáo.

          Chúng ta biết, triết học có ba nan đề cần giải quyết: Con người sinh ra bởi đâu ? Sống trên đời này để làm gì và chết rồi đi đâu ? Chính  cái thắc mắc con người  ta chết rồi đi đâu ấy đã nói lên  nỗi khát khao muốn được tồn tại. Dù có chủ trương Duy Vật đi nữa nhưng từ trong thâm tâm  thiết nghĩ cũng chẳng có người nào trong số họ nghĩ rằng chết là…hết.

          Nếu chết quả thực là…hết  thì cũng chẳng làm gì có những lễ tưởng niệm, kính viếng này nọ làm gì ? Không ai cho rằng  chết là hết  và cũng chính là vì cái không…hết đó mà  nhân loại mới có triết học và tôn giáo.

          Có nhiều quan điểm về cái…không hết đó. Với  Công giáo cho đó là linh hồn, Phật giáo cho là Thần thức…Riêng với nhà bác học thiên tài Stephen Hawking ( 1942 -2018 ) lại cho đó là “ Con người” nói chung. Theo ông thì trái đất này sẽ có ngày bị hủy diệt nhưng… con người thì không với điều kiện: “Để bảo đảm sự sống của con người thì chúng ta cần phải tìm hiểu, xâm chiếm các hành tinh và hệ mặt trời khác. Tôi tin chắc rằng chúng ta cần phải rời trái đất. Chúng ta cần tìm sự sống trên hành tinh khác trong vòng một trăm năm nữa. Hawking diễn thuyết tại một lễ hội khoa học, nghệ thuật tại  Na Uy  năm 2017” ( Nguồn Khánh băng – Chuyện lạ thế giới – Tiên tri đáng sợ của thiên tài Stepen Hawking về vận mệnh tương lai của thế giới ).

          Sau khi…tiên tri về các tai họa đưa đến  sự hủy diệt trái đất như thiên tai dồn dập, bão lụt, động đất, trí thông minh nhân tạo, chiến tranh nguyên tử v.v…nhà bác học này khuyến cáo cần  tìm hiểu, khám phá và xâm chiếm một hành tinh nào đó để…đưa con người lên ???

          Chẳng hiểu cái…kế hoạch  ấy có ai nghe ra và làm sao để thực hiện  nhưng có điều hiển nhiên là ông ta đã…chết và đây mới là vấn đề không phải dành cho triết học mà cho chính con người  Hawking. Xác thân ông ta  hẳn nhiên đã thối rữa nát tan làm mồi cho côn trùng, dòi bọ. Nhưng còn cái  hồn tức phần tâm linh thì  sẽ đi đâu, tồn tại ở nơi nào ?

          Mặc dầu mang thân xác tật nguyền, mặt mũi dúm dó, phải ngồi suốt ngày trên xe lăn nhưng nhà  khoa học vật lý này nhờ trí thông minh thiên tài mà đã khám phá ra những định luật vật lý thiên văn chưa ai từng đạt tới. Nhưng rồi tất cả những khám phá ấy nào có ích lợi gì cho phần tâm linh một khi không biết rằng mình chết rồi sẽ đi về đâu ?

          Cái lầm lẫn tai hại lớn nhất của Hawking cũng như của triết và thần học chính là đã không phân biện được đâu là sự sống vật chất xác thân và sự sống tâm linh. Cũng vì không có  được sự phân biện ấy  thế nên Karl Mark ( 1818 – 1883 )  mới kịch liệt phê phán tôn giáo cho đó  là một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng nhân dân lao động: “ Cảnh khốn cùng  tôn giáo vừa là cách diễn tả  cảnh khốn cùng  thực sự vừa là phản kháng cảnh khốn cùng thực sự. Tôn giáo là tiếng than vãn của thọ tạo bị đàn áp là tâm hồn của một thế giới vô tâm cũng như tôn giáo là tinh thần của những tình huống vắng bóng tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” ( Karl Heinz Weger S.J – Phê bình tôn giáo qua các tác giả ).

          Những lời thóa mạ cay độc  của Karl Mark có ý bác bỏ niềm tin bấy lâu của người Công Giáo  về sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng đời sau. Với người Cộng Sản  thì niềm tin đó cần phải triệt hạ thì mới có thể dựng xây cõi Địa Đàng trần gian  gọi là Thế Giới Đại  Đồng. Thế rồi ai cũng biết Liên Xô chỉ tồn tại chưa tới một trăm năm cùng với biết bao thảm họa gây ra cho nhân loại không thể tẩy xóa !!!

          Liên Xô đã sụp đổ, chỉ còn vài ba  chế độ  CS nhưng nó chỉ  có cái hình thức, cái tên như vậy chứ chẳng dính dáng gì đến ước mơ tiến lên Thế Giới Đại Đồng, đó chẳng qua chỉ là sự lừa bịp đã hết thời. Tuy nhiên  vấn đề đặt ra ở đây là  tại sao con người vẫn cứ khăng khăng không chịu tin vào sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng vĩnh cửu đời sau và khát khao  về được  nơi ấy ?

          Sở dĩ  không khát khao là bởi không có lòng tin và chẳng những không tin  lại  còn tỏ ra khinh thị những người có lòng tin như vậy. F. Nietzche ( 1844 – 1900 ) ông tổ của triết học Hiện Sinh ra sức hô hào con người phải …trở về với trái đất: “ Anh em phải luôn luôn trung thành với trái đất, trung thành với tất cả nhân đức anh em. Tình yêu và tri thức của anh em  phải phụng sự ý nghĩa của trái đất. Tôi nài xin anh  em điều đó…

          …Hãy làm như tôi, hãy đem những nhân đức lạc đường trở về với trái đất. Phải, hãy đem nhân đức trở về với thân xác và cuộc sống  để nhân đức của anh em làm cho trái đất có ý nghĩa, nghĩa nhân bản…

          …Từ nay nhân đức và tinh thần của anh em chỉ để phụng sự ý nghĩa của trái đất thôi. Nhờ đó tất cả mọi sự sẽ có một giá trị mới. Tôi cậy vào anh em, anh em phải là những vị sáng tạo” ( T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).

          Triết Hiện Sinh ra đời là để phản bác lại thứ luân lý mà Nit gọi là những nhân đức…lạc đường  bởi lẽ trong niềm tin của người Công Giáo vào Nước Thiên Đàng đời sau thì thế gian này chỉ là chốn giả tạm, chóng qua…

          Phải chăng chính vì cho rằng  sự đả phá ấy  cũng có …phần đúng  thế nên  thần học mới lấy đó làm cơ sở cho sự Tục Hóa tôn giáo để rồi  Nước Thiên Chúa đã biến thành một thứ thể chế chính trị  trần gian ?

          “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Giê Su rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là một  tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo hết nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị như một ngôi nhà  hay  một đô thị có tường thành bao quanh…

          …Qua cách nói này, chắc hẳn Đức Giê Su đã nghĩ về  một xã hội có cơ sở chính trị  theo chế độ quân chủ ngay trên mặt đất này” ( Lm Micae Trần Đức Quảng – Đức Giê Su trước khi có Ki Tô Giáo – Một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Giê Su Lịch Sử ).

          Nước Thiên Chúa chỉ còn là một thể chế chính trị trần gian ?  Nếu vậy, chúng ta phải hiểu thế nào về mệnh lệnh của Đức Ki Tô: “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6, 33 ) ?

          Con người chỉ tìm kiếm cái chi  nó chưa  có, chưa thấy  trong chốn trần gian này chứ còn đã có đã thấy thì còn tìm kiếm làm gì ? Cái thứ gọi là Nước TC của thần học  chẳng qua cũng chỉ  như là lời…hứa hão của CS về một thế giới đại đồng  lừa bịp !

          Đức Ki Tô nói hãy hết lòng tìm kiếm Nước Thiên Chúa bởi vì đó là một Thực Tại mầu nhiệm vượt ngoài sự cảm nhận  giác quan cũng như lý trí của con người. Cũng chính vì Thực Tại mầu nhiệm ấy, Thánh Augustino đã thốt lên lời khẩn nguyện: “  Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con vì Chúa, nên tâm hồn con  còn khát khao mãi cho tới khi được nghỉ yên nơi Ngài.”.

          Được…nghỉ yên nơi Chúa tức là được hiện hữu được tồn tại, được…Ở mãi trong Chúa. Khao khát được  tồn tại  trong Chúa hiểu như một Thực Tại vĩnh hằng, bất sinh bất diệt đó không chỉ dành riêng cho những  con cái Chúa nhưng là cho tất cả những ai thành tâm truy cầu chân lý. Vì lẽ đó đức Khổng Tử nói: “ Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ” ( Buổi sáng nghe Đạo, buổi tối dù có chết cũng cam – Luận Ngữ ).

          Đức Ki Tô rao giảng Nước Thiên Chúa và đòi hỏi con người phải hết lòng tìm kiếm  thì…Nước ấy cũng là một với Đấng Cha mà con người cần nhận biết   trở về hầu có được Sự Sống Đời Đời: “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha tức là Chân Thần duy nhất cùng  Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ).

          Như đã nói, cái lầm lớn nhất của Triết/ Thần học chính là vì đã không phân biện được đâu là sự sống vật chất xác thân và đâu là sự sống tâm linh  tức Sự Sống Đời Đời. Cũng vì lầm như thế  mà Nietzche  mới hô hào cần trở về với trái đất và thần học thì đưa ra chủ trương một thứ Nước TC mang màu sắc chính trị ?

          Lại nữa chỉ có Sự Sống Đời Đời  là Nước Thiên Đàng  ấy mới khiến chúng ta hết lòng tìm kiếm và khao khát trở về sinh sống, tồn tại mãi mãi tại đó.  Khao khát Thiên Đàng cũng là một với khao khát được gặp Chúa và như thế  làm sao để biết và gặp Chúa đó là tất cả mục đích sống đạo của những người Con Chúa bằng cách tích cực tuân giữ các giới răn: “ Nếu ai thương yêu Ta thì vâng giữ đạo Ta. Cha Ta sẽ thương yêu người. Chúng ta đều đến cùng  người và lập cư với người” ( Ga 14, 23 ).

          Chúa…lập cư có nghĩa là Ngài hiện hữu là tồn tại ở nơi ta. Có Chúa…tồn tại ở nơi mình  đó chính là Thiên Đàng là niềm hạnh phúc rất đáng  cho ta khát khao, mong chờ. Điều kiện để cho ta có thể thực hành  giới răn yêu thương của Chúa  đó là siêng năng đến với Chúa Giê Su Thánh Thể trong các Thánh Lễ bởi đó là tất cả nguồn ơn phúc: “ Như Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng thế, kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy.  Đây là Bánh từ trời xuống, chẳng phải như thứ tổ phụ các ngươi đã ăn rồi cũng chết. Kẻ nào ăn Bánh này sẽ sống đời đời” ( Ga 6, 57 -58 ).

          Đến với Chúa qua Bí Tích Thánh Thể để lãnh nhận nguồn ơn của sự sống  là lương thực thần linh dẫn đưa ta về Thiên Đàng. Thế nhưng trong cơn đại dịch Covid mà sự lây lan nguy hiểm của nó  khiến các Thánh  Lễ phải đình chỉ, chúng ta biết phải làm sao đây ?

          Lòng Thương Xót  của Chúa thì vô cùng, Ngài đã dự liệu và quan phòng cho con cái những gì là cần thiết cho phần rỗi mỗi người miễn là chúng ta  có tấm lòng khao khát: “ Vì hễ ai xin thì được. Ai tìm thì gặp. Ai gõ sẽ được mở cho” ( Lc 11, 10 ).

          Chúng ta nhận sự quan phòng của Thiên Chúa qua Đức  Maria bằng  cách đặt lòng cậy trông nơi Ngài bằng cách chuyên cần thực hành Kinh Mân Côi, một kinh nguyện mang tính cứu khổ cứu nạn. Nếu trong quá khứ, Kinh  Nguyện này  đã cứu thoát Giáo Hội  qua bao cơn sóng gió bão bùng thì giờ đây trong những giờ phút nguy nan  chẳng những vì dịch bệnh tràn lan mà còn sự chia rẽ đang diễn ra  trong  mọi tầng lớp Dân Chúa kể cả nơi hàng giáo phẩm  đáng kính đáng trọng !

          Mỗi người, mỗi gia đình  giờ đây  khi cơn dịch hoành hành  không  thể  đi đến nhà thờ Dâng Lễ thì hãy quây quần bên nhau mỗi tối đọc kinh lần chuỗi Mân Côi và nhớ đọc Kinh Rước Lễ Thiêng Liêng mỗi khi có thể. Nên nhớ Thánh Frangcis de Sale đã dốc lòng thực hiện  việc Hiệp Lễ Thiêng Liêng  lâu nhất là 15 phút một lần…Chúa sẽ không bao giờ lìa bỏ ta nếu ta vẫn có lòng khao khát  Ngài./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts