Nội tâm sâu thẳm như bầu trời bao la. Nội tâm là cốt lõi. Làm sao chúng ta có thể đụng chạm tới đáy cùng của nội tâm. Nghe kể câu truyện: Có một người đàn bà khôn ngoan, trong khi đi du ngoạn nơi vùng đồi núi, đã nhặt được một viên ngọc qúi bên dòng suối. Hôm sau, bà ta gặp một người bộ hành đang đói khát và bà đã mở túi chia sẻ thức ăn cho ông ta. Người bộ hành đói khổ nhìn thấy viên ngọc quí và đã hỏi xin bà. Bà cho ông viên ngọc, không chút do dự. Ông cầm lấy và rời đi rất vui mừng, vì vừa nhận được một kho tàng quí báu. Ông biết viên ngọc này có giá trị lớn để ông có một cuộc sống bảo đảm trong tương lai. Nhưng vài ngày sau, ông trở lại và trả viên ngọc quí cho người đàn bà khôn ngoan này. Ông nói: Tôi đã suy nghĩ và tôi biết viên ngọc này rất có giá trị, nhưng tôi muốn trả lại, với hy vọng bà có thể cho tôi cái gì đó quí hơn: Bà hãy cho tôi cái gì đó trong nội tâm của bà, điều mà bà có thể cho đi viên ngọc quí này.’
Mầu nhiệm của sự sống con người kết nối cả nội tâm lẫn ngoại hình. Chúng ta thường suy xét và đánh giá con người qua những hình thức lộ diện bên ngoài. Mặt nổi của đời sống giống như một tảng băng nổi, với chín phần chìm sâu dưới nước. Nội tâm như là phần chìm. Con người khác nhau nhiều ở chính cuộc sống nội tâm này. Chúng ta có thể suy nghĩ rằng người sống nội tâm là người hay lo âu, trầm tư và ít nói. Người sống nội tâm cũng có thể hay suy tư về các vấn đề như sự hiện hữu của vũ trụ và con người, về ý nghĩa cuộc đời, về sự sống, sự đau khổ và sự chết… Nhưng không luôn hẳn là như thế, người sống nội tâm là người học biết chính mình. Biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan để tìm về nguồn chân, thiện, mỹ.
Không ai có thể đo lường đời sống nội tâm. Tục ngữ ca dao có câu: ‘Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người (nham hiểm) sâu thẳm ai đo cho cùng’. Đúng vậy, không ai đo được lòng người. Người ta có thể đo lường mọi cơ động lưu hành trong ngoài thân xác, nhưng sẽ dừng lại trước thế giới của lương tâm, lý trí, ý chí, trí khôn và linh hồn. Mỗi con người là một thụ tạo linh thiêng huyền bí. Thường chúng ta rất ngại để lắng đọng tâm hồn nhìn vào sự linh thiêng của chính mình. Chúng ta hướng ngoại nhiều hơn là hướng nội. Chúng ta chạy đua với cuộc sống bon chen ồn ào. Tìm vui sống với phần nổi của hiện hữu hơn là đời sống nội tâm.
Chúng ta tự hỏi: Tại sao người đàn bà khôn ngoan dám cho đi viên ngọc quí? Bà biết giá trị của viên ngọc chứ. Bà cất nó trong túi sách. Bà dám cho đi viên ngọc mà không hối tiếc. Như thế, đối với bà, viên ngọc chỉ là một tặng vật có thể làm vui thỏa ước muốn của lòng người. Nhưng bà có niềm vui lớn lao hơn ngự trị trong thâm tâm của bà. Bà cho mà không do dự. Bà có một thái độ vượt trên giá trị của kho tàng của cải vật chất. Niềm vui của bà là tinh thần tự do và không bị ràng buộc vào những nhu cầu thể chất. Bà đang thực hành một đời sống nội tâm cao.
Ai trong chúng ta cũng có đời sống nội tâm riêng tư và ẩn dấu. Người ta thường nói rằng cây tốt thì sinh trái tốt. Nội tâm tốt sẽ phát sinh công việc tốt và lời nói tốt. Lòng đầy miệng mới nói ra. Nếu chúng ta gieo trồng những hạt giống xấu trong thâm tâm, thì ắt sẽ sinh ra những trái đắng đót cộc cằn. Nét đẹp của con người phát xuất từ nội tâm. Người ta nói: ‘Cái nết đánh chết cái đẹp là thế.’Có nhiều biểu tỏ của đời sống nội tâm nơi con người như lòng từ tâm, an tâm, đại tâm hoặc cũng có thể ngược lại là nhẫn tâm, vô tâm, ác tâm và tiểu tâm…
Tâm thường đi với tính. Cha ông nói: ‘Cha mẹ sinh con, trời sinh tính’. Tính khí thì mỗi người mỗi khác. Con người cần được tu tâm luyện tính cho thuần để đối nhân xử thế. Tu tâm là cần phải trở về với chính mình để biết mình. Có khi nào bạn đã ngồi thật lâu trong khoảng thinh lặng để trở về nhận biết chính mình chưa? Chúng ta có thể thử. Hãy tránh xa chỗ ồn ào đô hội và tìm một nơi thật thanh tịnh để lắng đọng tâm hồn. Nhắm mắt và thở hít đều đặn. Thả hồn đi sâu vào tâm trí và sự hiện hữu của chính mình. Chúng ta sẽ đụng chạm vào khoảng không bao la huyền nhiệm. Để hồn đắm chìm trong sự kết hợp với Đấng Vô Hình đang hiện diện nơi tâm hồn và vũ trụ muôn loài.
Có nhiều bài hát đạo có lời tha thiết khẩn nài ‘Chúa Ở Nơi Đâu?’ Theo giáo lý công giáo, trả lời Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Vậy tại sao chúng ta lại hỏi Chúa ở nơi đâu? Lời tự thuật của thánh Augustinô cho chúng ta một kinh nghiệm của đời sống nội tâm sâu xa: “Con yêu Chúa quá muộn màng, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa, vừa mới mãi, con yêu Chúa qúa muộn. Này Chúa vẫn ở trong con, mà hồi ấy, con cứ ở ngoài và cứ tìm Chúa bên ngoài. Con thật xấu, khi cứ mải chạy theo vẻ đẹp nơi các thụ tạo của Chúa. Chúa từng ở với con, mà con chẳng ở với Chúa. Những sự vật vẫn giữ con xa Chúa. Chúa gọi con. Chúa la to và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng. Chúa chiếu tỏa và xóa tan sự mù lòa của con. Chúa đã chạm đến con và con nóng lòng tìm sự bình an nơi Chúa.”
Trở về với nội tâm là trở về với Chúa. Có biết bao lần chúng ta cầu nguyện mà lòng trí sao lãng lang thang khắp chốn. Chúng ta hát to gào thét làm như Chúa bị nặng tai. Đôi khi chúng ta giống như các tiên tri giả thờ thần Baal la hét, xé áo và rạch mình, khẩn nài các thần minh nhận của lễ hiến dâng. Chúng ta cần có đời sống nội tâm kết hợp sâu xa với Chúa. Cầu nguyện chính là những tâm tình kết hợp với Thiên Chúa trong đời sống nội tâm, “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16, 7b).
Lạy Chúa, đã bao lần chúng con mải mê tìm kiếm Chúa bên ngoài. Chúng con đã không gặp được Chúa, vì hồn chúng con trống rỗng. Chúa luôn ẩn ngự trong tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con nhận biết Chúa luôn hiện diện trong chúng con. Chúa chính là nơi chúng con nương tựa và là chỗ chúng con ẩn thân. Chúng con cảm tạ tình yêu Chúa mãi muôn ngàn đời.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York