Với Nước Trời hiểu như một thực tại nội tại thì đó phải là và chỉ có thể là công việc của mỗi cá nhân. Còn với thần học thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Tính chất khác biệt ở chỗ một đàng thần học được định nghĩa như là môn học hiểu biết Thiên Chúa. Còn đàng khác với Nước Trời nội tại thì không thể dùng cái học để hiểu biết mà cần thể nhập. Giữa cái học để hiểu biết và thể nhập có sự khác biệt triệt để thế này. Học để hiểu biết thì ngày càng tăng kiến chấp. Trái lại để thể nhập thì cần giải trừ cho đến khi dũ sạch kiến chấp. Chỉ khi nào nhận ra sự khác biệt lớn lao như thế chúng ta mới có thể nhận ra sai lầm của triết/thần học hầu quay về với những giá trị đích thực của tâm linh tôn giáo.
Việc thể nhập nếu ta ví nó như việc rót nước vào một cái ly mà nếu cái ly đó đã đầy rồi thì còn rót vào đâu được nữa ? Cái sự…đầy ở đây là đầy những kiến thức đủ loại, chúng cần dứt bỏ đi, đổ bỏ đi để cho Tâm trở nên rỗng không. Nên nhớ chiếc ly càng rỗng không bao nhiêu thì nước rót vào càng được nhiều bấy nhiêu. Về sự thật này minh triết Đông phương nói “ Vi học nhật ích…Vi Đạo nhật tổn, tổn chi hậu tổn, dĩ chí ư vô vi” ( Càng học càng thêm lên sự hiểu biết. Càng thực hành Đạo càng phải bớt đi, bớt đến chỗ không còn gì để bớt – ĐĐK chương 48 ). Học để thêm kiến thức mà thêm kiến thức trong thực chất chỉ là cái việc chất chồng cho mình ngày càng cố chấp trong định kiến.
Làm cho bớt đi, bớt mãi, hành vi này chỉ có thể thực hiện bởi mỗi một cá nhân.Còn với triết/thần học thì chẳng những đó là điều không thể mà còn hết sức vô nghĩa. Tại sao ? Bởi vì …cái học của triết/thần học chẳng qua là chỉ là cái học về các quan niệm = Quan niệm về vũ trụ ( Vũ trụ học ) về Giáo hội ( Giáo hội học ) về Ơn Cứu Chuộc ( Cứu Chuộc học ) về Cánh Chung ( Cánh chung học ) về Hữu Thể ( Hữu Thể học ) v.v…
Tất cả cái học về quan niệm như thế rút cục sẽ không thể không đi đến chỗ theo nhau sụp đổ như đang thấy !!! Điều này không có chi khó hiểu bởi vì bất cứ quan niệm nào cũng chỉ là những kiến chấp mà hễ đã là kiến chấp thì đều sai lạc….Trái ngược hẳn với triết/thần học Đức Ki Tô đòi hỏi những ai theo Ngài cần phải bỏ mình ( Mt 16, 24 ) tức bớt bỏ ý riêng ( kiến chấp ) bớt mãi cho đến khi không còn chút nào “ Con càng trống rỗng thì càng tốt. Bởi con đang dọn chỗ cho cái mới tràn vào trong con. Chỉ khi nào con không còn gì nữa và cảm thấy mình bị tước bỏ mọi sự. Hãy gọi Cha và Cha sẽ cho con Nước Trời. Cha không từ chối gì đối với những tâm hồn tìm đến xin Cha giúp đỡ và hướng dẫn với một lòng khiêm tốn và mến yêu thật sự” ( Aileen Caddy – Tiếng Thì Thầm – Ngày 5 tháng giêng ).
Đi theo con đường “ Bỏ Mình” tức là đi trên con đường tìm kiếm một Đấng Thiên Chúa chưa ai từng thấy biết bao giờ ( Ga 1, 18 ). Chỉ với Đấng Thiên Chúa ấy mà mệnh lệnh tìm kiếm “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Trời” ( Lc 12, 31 ) mới có ý nghĩa. Thế nhưng để có thể theo đuổi việc tìm kiếm ấy thì mỗi cá nhân cần thực hiện lấy cho mình không thể trông chờ vào bất cứ ai và không ai có thể làm thay cho ai được “ Người ta có thể nói với con về những chân lý tâm linh nhưng chỉ khi nào con sống những chân lý đó và đem chúng ra thực hành trong cuộc sống của con thì chúng mới trở thành những thực tại trong con. Chúng mới sống động và rung cảm, chúng mới tinh nhuệ ở trong con. Con phải tự mình nghĩ ra, tự mình sống và không bao giờ chờ đợi kẻ khác làm thay cho con. Con hãy quay vào nội tâm mình tìm kiếm ở trong đó lời giải đáp cho mỗi trường hợp của con và con sẽ tìm ra. Có thể là con sẽ phải học để biết kiên nhẫn và phục vụ Cha. Nhưng khi đức tin và niềm trông cậy ở trong con khá mạnh, con sẽ tìm thấy tất cả những gì con kiếm” ( Aileen Caddy Sđd ngày 30 tháng 5 )
Sẽ tìm thấy tất cả những gì con kiếm, nào là sự bình an tâm hồn, nào là sự khôn ngoan hiểu biết nào là ơn thần hiệp v.v..Đây không phải là lời hứa nhưng là sự thật trăm phần trăm ngay ở đời này. Tuy nhiên thật cũng rất ít người tin được điều Chúa nói ghi trong Kinh Thánh “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, ai tin Ta sẽ làm việc Ta làm, lại làm những việc lớn lao hơn nữa vì Ta đã về cùng Cha” ( Ga 14, 12 ).
Tin Chúa có nghĩa tin vào lời Chúa rằng trong mỗi người đều có Đấng Cha ngự trị và một khi đã được thông giao với Đấng Cha là nguồn mạch của tất cả mọi sự thì mình đâu còn thiếu thốn gì nữa ? Trong thời đại hầu như đều sống phóng tâm vọng ngoại như thế này thì ngay cả với niềm tin vào đời sau cũng còn chẳng có huống chi tin có Chúa ở nơi mình. Dẫu vậy chân lý muôn đời vẫn là chân lý, con người vẫn là một thực thể tâm linh vượt trổi hơn chính nó vô cùng “ Con đừng bao giờ phân bì khi thấy người khác được tiến bộ hay là được thăng hóa về mặt tâm linh. Hãy ý thức rằng con cũng có thể làm được như vậy, con phải ra tay mà làm chứ đừng ngồi yên đó mà than thân trách phận. Mỗi tâm hồn đều có thể lên cao. Mỗi tâm hồn đều có thể trực tiếp với Cha. Mỗi tâm hồn đều có thể đến và nói chuyện với Cha nếu họ muốn và chấp nhận điều đó. Bấy giờ con mới thực hiện được điều đó một cách hết sức chắc chắn” ( Aileen Caddy Sđd ngày 6 tháng giêng ).
Phải tin, phải muốn và phải hành động. Lời khuyên của Đức Ki Tô nhắm vào mỗi một người trong chúng ta. Mặc dầu cứu cánh nhắm đạt tới duy nhất chỉ có một nhưng để có thể đạt được cứu cánh ấy thì mỗi cá nhân phải tự tìm kiếm lầy cho mình con đường riêng cho mình không thể ỷ lại hay bắt chước ai được. Chính Chúa cũng muốn có sự đa dạng trong hướng đi này “ Con hãy là chính mình và đừng lo bắt chước ai cả. Phải có tất cả để làm nên một thế giới. Cha không muốn tất cả chúng con như nhau hết, giống như những hạt đậu trong quả đậu vậy” ( Aileen Caddy Sđd ngày 22 tháng 2 ).
Lý do cần có sự đa dạng ấy là bởi mỗi cá nhân sinh ra đều có căn và duyên khác nhau. Căn tức là thân thể gốc gác do nhiều đời nhiều kiếp hình thành nên không thể đồng. Còn duyên tức là điều kiện hoàn cảnh trình độ v.v…tất cả đều hơn kém, khác biệt nên cũng không thể đồng. Vả lại từ trong thâm sâu của mỗi cá nhân, bản chất con người vốn dĩ là một tự do và chính trong sự tự do ấy mà con người mới thật cao cả đồng thời trách nhiệm cũng rất chi nặng nề. Nhận ra như vậy để thấy rằng mỗi người cần ý thức trách nhiệm cá nhân này để thực hiện cho đúng với bản chất đích thực của mình là Con Thiên Chúa “ Điều đúng với tâm hồn này lại có thể là không đúng với tâm hồn khác. Vì thế điều quan trọng là con phải tìm cho ra hướng đi nội tâm cho riêng con và theo đó mà hành động, không cần phải ra sức đi theo vết chân của bất kỳ ai khác. Con có tự do để lựa chọn vì Cha đã trao quyền trọng tài cho mọi nhân sinh. Con không phải là một con rối chỉ có thể cựa quậy khi người ta giựt giây nó. Con có thể tìm ra được cái gì đúng cho con. Vậy thì hãy tìm và tiếp tục cho đến khi con thấy được đường lối riêng của con, rồi hãy đi theo nó. Điều đó có thể nói rằng con sẽ đứng một mình và làm một cái gì đó thật kỳ lạ đối với kẻ khác nhưng con không được sợ hãi. Hãy làm tất cả bởi vì trong thâm tâm con biết rằng điều đó là đúng cho con và chỉ có thế cái tốt nhất mới biểu lộ ra được” ( Aileen Caddy Sđd ngày 24 tháng 2 )
“ Con hãy là chính mình”. Đây là lời khuyên…rất mới và nó cũng rất khác với trước, khi mà tất cả giáo huấn của Giáo Hội chẳng những không hề đề cập tới mà còn muốn …giập tắt nó đi. Sự giập tắt này một phần do bởi đây là một con đường quá ư chông gai nguy hiểm. Phần khác lại do ảnh hưởng rất đỗi nặng nề của giáo điều kinh viện trải dài suốt từ thời Trung Cổ đến nay cả khi nó chỉ còn là một thứ tàn dư sống thoi thóp.
Về con đường nội tâm “ Hãy là chính mình” này chính Chúa Giê Su ngay vào lúc đương thời Ngài cũng chưa nói với các môn đệ “ Ta còn nhiều điều để nói với các ngươi nữa nhưng bây giờ các ngươi chưa thể đương nổi” ( Ga 16, 12 ). Chưa thể đương có nghĩa ngay khi ấy không thể tin không thể nghĩ suy. Thế nhưng cũng liền đó Chúa lại nói “ Song khi Thánh Linh của Lẽ Thật đến thì Ngài sẽ dẫn dắt các ngươi vào mọi lẽ thật” ( Ga 16, 13 ).
Mọi lẽ thật ở đây ý muốn nói đến thực tại Nước Trời Ngài rao giảng chẳng có ở bất cứ một nơi nào khác ngoài ra là chính tâm hồn mỗi người. Thực tại mầu nhiệm ấy kể từ sau Lễ Ngũ Tuần ( Cv 2, 1 -4 ) cho đến nay mặc dầu trong lãnh vực giáo lý, thần học chưa thấy có ai, ở đâu đề cập tới nhưng trên lãnh vực sống đạo thực hành thì có thể nói: Không ai được Thánh Thần dẫn dắt nên Thánh mà lại không thông qua con đường nội tâm này./.
Phùng Văn Hóa
( Kỳ sau: Công việc của nội tâm )