Phải chăng toàn bộ việc Sống Đạo của Ki Tô Hữu chúng ta là…Ở trong Chúa ? “ Hãy cứ ở trong Ta . Ta cũng ở trong các ngươi. Như nhánh nếu không ở trong cây nho thì không thể tự kết quả được. Nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta thì cũng vậy. Ta là cây nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta ở trong họ thì kết quả nhiều. Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được. Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta thì bị ném ra như nhánh kia khô héo, rồi người ta lượm lấy quăng vào lửa mà đốt đi” ( Lc 15, 4 -6 ).
Chúa Ki Tô là đầu của Nhiệm Thể. Còn toàn thể Ki Tô Hữu là các chi thể của Ngài. Là chi thể thì phải gắn liền với Chúa là đầu. Nếu không thì không thể sinh hoa kết quả có nghĩa được nên Thánh tức rỗi phần linh hồn.
Thời nay là thời Tục Hóa (( Se’curilalization ) thế nên việc nên Thánh chẳng còn nghĩa lý chi nữa. Đang khi đó Hội Thánh Công Giáo là…Hội của những người có ơn kêu gọi để Nên Thánh. “ Chỉ có một Thân Thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một ĐCT là Cha của mọi người. Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người.” ( Ep 4, 4 -6 ).
Chỉ có một Thân Thể đó là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô. Trong Thân mầu Nhiệm ấy, các chi thể là Ki Tô Hữu cần phải gắn kết với Chúa bằng đức tin hầu được trở nên con cái Thiên Chúa là Đấng Cha trong mỗi người.
Là người Công Giáo thì phải theo và sống với Ơn Gọi của mình tức là gắn kết với Chúa Ki Tô, nếu không thì không thể nào có kết quả tức được rỗi linh hồn. Thế nhưng để có thể có được sự gắn kết ấy thì phải hết lòng tin nơi Chúa. Không tin Chúa thì làm sao có thể “ Ở” trong Ngài ?.
Ngày nay, đức tin vào Chúa Ki Tô trong tính chất Ngài là đầu của Nhiệm Thể tức Hội Thánh Công giáo Tông Truyền hầu như đã hoàn toàn bị phá vỡ. Lý do đưa đến sự phá vỡ ấy là vì người ta ( Nhà thần học Albert Schweitzer ) đã chối bỏ Đức Ki Tô của niềm tin để kêu gọi trở về với Đức Ki Tô của lịch sử: “ Theo ông, Đức Ki Tô Nazareth từ khi chịu Phép Rửa đã ý thức mình là người được Thiên Chúa chọn để làm cho Nước TC trở thành hiện thực. Đó là đích điểm cuộc đời Ngài mà Ngài hằng mong ngóng theo đuổi. Tuy nhiên Ngài phải giữ bí mật này, bí mật Messia cho đến khi Nước TC xuất hiện và được Thiên Chúa tỏ lộ công khai. Ngài nghĩ rằng khi sai các môn đệ đi rao giảng vì họ làm được các phép lạ thì Nước TC và bí mật Messia sẽ được tỏ lộ nhưng “giờ” của Ngài vẫn chưa đến. Rồi Ngài tiến lên Gierusalem để đón nhận cái chết với hy vọng là đứng trước cái chết, Ngài sẽ được công bố là Đấng Messia và xuất hiện như Con Người được Thiên Chúa trao cho một vương quốc vững bền mãi mãi. Tiếc thay cái chết nghiệt ngã đã đến chấm dứt tất cả những toan tính cho sứ mạng Messia của Ngài. Ngài lớn tiếng trong thất vọng: Chúa ôi ! Chúa ôi ! tại sao Chúa lại bỏ tôi ? Bí mật Messia đã theo Ngài xuống mồ và Nước Thiên Chúa vẫn chỉ còn lại là một giấc mơ hão huyền” ( nguồn: HVĐM – 17/6/2019 – Nt Maria Đinh Thị Sáng. O.P – Vương Quốc TC và GH trong cuộc tranh luận thần học – TK 20 ).
Như vậy đức tin nơi Chúa Giê Su Đấng Cứu Độ và là đầu của Nhiệm Thể đã bị thần học phá vỡ cách triệt để. Trước cái chết….ước mơ trở thành Đấng Messia của Chúa Giê Su đã theo Ngài…xuống mồ và thế là Nước TC chỉ còn là giấc mơ hão huyền ?
Chúa Giê Su đâu có khi nào hy vọng được nhìn nhận là Đấng Messia. Trái lại luôn chỉ thị cho các Tông Đồ không được nói với ai Ngài là Đấng Messia “ Đoạn Ngài răn môn đồ chớ tỏ cho ai rằng Ngài là Đấng Ki Tô” ( Mt 16, 20 ).
Sở dĩ Chúa không muốn các Tông Đồ tỏ lộ cho ai biết mình là Đấng Ki Tô bởi vì Ngài e rằng có sự hiểu lầm về tính chất cứu độ của Đấng Messia. Thế nhưng sự hiểu lầm ấy vẫn cứ xảy ra ngay cả với các Tông Đồ “ Khi đã nhóm lại. Họ thưa với Chúa: Có phải lúc này là lúc Ngài khôi phục Nước Itsren chăng ? ( Cv 1, 6 ).
Cũng chính vì sự hiểu lầm ấy mà người Do Thái đã căm hờn và giết chết Chúa Giê Su bởi vì Ngài đã làm cho họ bị vỡ mộng không phải là Đấng Messia như họ luôn trông đợi. Sau lời hỏi của Phi la tô , tha cho Baraba tên trộm cướp giết người hay là tha cho Chúa Giê Su. Người Do Thái đã nhiều lần kêu gào: “ Chúng thảy đều đáp rằng: hãy đóng đinh nó vào thập giá” ( Mt 27, 22 ).
Chúa Giê Su bị người Do Thái căm ghét và giết chết bởi vì Ngài đã làm cho họ thất vọng khi vẫn đinh ninh về một Đấng Messia đến để giải thoát dân tộc họ khỏi sự áp bức của đế quốc La mã.
Dân Do Thái xưa kia đã hiểu lầm để rồi đi đến chỗ giết chết Chúa. Còn ngày nay thì thần học không còn là sự hiểu lầm nhưng là cố tình xuyên tạc sự thật khi cho rằng Chúa Giê Su đã có hy vọng được nhìn nhận là đấng Messia và rồi hy vọng ấy đã bị …chôn theo Ngài xuống mồ !!!
Như vậy đức tin nơi Chúa Giê Su Đấng Cứu Độ và là đầu của Nhiệm Thể đã bị thần học phá vỡ cách triệt để. Trước cái chết, cái ước mơ trở thành Đấng Messia của Chúa Giê Su đã theo Ngài xuống mồ và Nước TC chỉ còn là giấc mơ hão huyền !!!
Trong niềm tin của chúng ta, Chúa Giê Su đích thật là Đấng Messia và sứ mạng xuống thế của Đấng ấy hoàn toàn không phải là để cứu dân Do Thái ra khỏi ách thống trị của đế quốc La mã nhưng là để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa như chính Ngài xác nhận: “ Vào rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng theo kịp kéo đi tìm Ngài theo kịp muốn giữ Ngài lại không cho đi khỏi họ. Nhưng Ngài nói: Ta còn cần phải rao giảng Tin Mừng nước ĐCT cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).
Chúa Giê Su xác nhận sứ mạng được sai đến là để rao giảng tin Mừng Nước Trời. Ngược lại, thần học ( Albert Schweitzer ) thì khẳng định Chúa Giê Su sau khi chịu phép rửa tại sông Gioc Đan lại ý thức mình được Thiên Chúa chọn để làm cho Nước TC trở thành hiện thực. Giữa việc Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước TC trở thành hiện thực là hai điều hoàn toàn khác nhau. Một đàng Chúa Giê Su rao giảng Tin Mừng và đòi buộc con người phải có lòng tin và sự ăn năn sám hối “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Một đàng để làm cho Nước Trời trở thành hiện thực ở nơi thế gian thì chỉ có cách…làm chính trị thôi. Phải chăng chính do nơi quan niệm làm chính trị như thế mà đã nảy sinh ra cái gọi là Thần Học Giải Phóng hoặc đại loại như Tin Mừng cho người nghèo v.v…?
Tại sao Chúa Giê Su rao giảng Tin Mừng đồng thời đòi buộc con người phải có lòng sám hối ăn năn và tin vào Tin Mừng ? Bởi vì Tin Mừng mà Đức Ki Tô rao giảng là Tin Mừng về Nước Trời nội tại: “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia, vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Không thể nói: Đây này hay đó kia bởi vì Nước Trời là Thực Tại siêu vượt cả không gian lẫn thời gian không thể nói, không thể suy. Thực Tại ấy cũng là một, không khác với Đấng Cha mà chỉ có Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn mạc khải mới có thể nhận biết: “ Lúc ấy Chúa Giê Su nói rằng: Cha ơi ! Cha là chúa tể trời đất, Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu điều này với những kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải Cha ơi ! Vì như vậy là đẹp lòng Cha. Cha đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Mt 11, 25 -27 ).
Biết Cha ở đây không phải là cái biết của lý trí phân biệt nhưng là cái biết của Tình Yêu vô phân biệt. Nguyên nhân sâu xa khiến thần học không bao giờ có thể nhận biết Thực Tại mầu nhiệm Nước Trời cũng là Đấng Cha mà Đức Ki Tô mạc khải là vì họ đã đi vào con đường Duy Lý của triết Hy Lạp.
Lý trí luôn phủ nhận đức tin bởi vì nó chính là tên lừa dối Sa Tan đã bị Chúa Giê Su vạch mặt chỉ tên “ Từ ban đầu ( Thuở Sáng Thế ) nó là kẻ giết người, chẳng đứng trong sự thật vì trong nó không có sự thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 ).
Ở nơi Sa Tan và những đồ đệ tay sai của nó chẳng những không bao giờ có sự thật mà chúng còn ra sức phá hủy sự thật bằng cách nói Chúa Giê Su….ý thức mình được Thiên Chúa chọn để làm cho Nước TC trở thành hiện thực ở nơi thế gian này. Đang khi đó Đức Ki Tô luôn kêu gọi những ai theo Ngài cần phải thoát ly khỏi cõi thế gian mê lầm: “ Ví bằng thế gian ghét bỏ các ngươi thì hãy biết rằng họ đã ghét bỏ Ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian thì thế gian chắc yêu mến kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian. Song Ta đã lựa chọn các ngươi ra khỏi thế gian nên thế gian ghét bỏ các ngươi” ( Ga 15, 18 -19 ).
Con đường của Chúa là đường thoát ly thế gian và con đường ấy chỉ có thể thực hiện bằng cách tuân giữ giới răn Yêu Thương: “ Như Cha đã yêu thương Ta thể nào thì Ta cũng yêu thương các ngươi như vậy. Hãy cứ ở trong sự yêu thương của Ta. Nếu các ngươi tuân giữ các điều răn của Ta thì sẽ cứ ở trong sự thương yêu Ta như chính Ta đã giữ các điều răn của Cha Ta và cứ ở trong sự thương yêu của Ngài” ( Ga 15, 9 -10 ).
Tuân giữ các giới răn của Chúa thì được…ở trong Chúa. Điều này nói thì có vẻ…dễ nhưng để đi vào thực hành thì rất khó bởi vì cần phải dám…Bỏ Mình tức bỏ “ Cái Tôi” đi. Có bỏ được “ Cái Tôi” thì mới có thể yêu thương được kẻ thù nghịch cùng mình: “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu ngươi thân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi trên trời bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ bất chính cùng kẻ công chính” ( Mt 5, 43 -45 ).
Để có thể yêu thương kẻ thù nghịch thì phải bỏ đi cái Tâm phân biệt Ta – Người. Bao lâu còn giữ tâm phân biệt tức còn thấy có Ta có Người thì không bao giờ có thể yêu thương cho chân thật được ngay cả với cha mẹ, vợ chồng, con cái…Bỏ đi Tâm Phân Biệt đó là cốt lõi của Giới răn Yêu Thương. Để thực hiện điều này trong thực tế như đã biết là điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên điều gì Thiên Chúa đã truyền dạy thì Ngài cũng cho ta phương thế thực hiện và phương thế ấy tùy từng căn cơ, điều kiện mỗi người mà lãnh hội.
Dưới ảnh hưởng của trào lưu Duy Lý đưa đến Tục Hóa như ngày nay đang thấy. Việc sống đạo hầu như đã trở nên vô nghĩa và trong tình thế nguy ngập ấy. Chúa Giê Su đã mạc khải Con Đường Nhỏ Của Tình Yêu cho chị Consonlata Betrone, nữ tu Dòng Capucin. Mục đích Con Đường Nhỏ Của Tình Yêu này chính là để cho ta được…Ở trong Chúa.
Chúa Giê Su nói với chị Consolata: “ Con hãy xem, Thánh Phê Rô vất vả cả đêm mà chẳng được con cá nào. Nhưng khi có Cha ở với thì vừa thả lươi xuống thì lưới đã nặng chĩu những con cá. Với con cũng vậy, nếu con luôn ở với Cha. Nếu con không rời Cha lúc nào mỗi khi Cha soi sáng cho con một việc hãm mình…thì có thể nói được rằng con thả lươi và Cha sẽ kéo lên đầy những linh hồn mà sau này trên Thiên Đàng con mới biết được” ( Ngày 19/11/1931 ).
Ý nghĩa sâu xa của việc sống đạo là làm sao để được…ở trong Chúa hay nói cách khác là có Chúa luôn ở với mình. Chúa…ở với mình chỉ có thể là…ở trong Tâm mình. Đang khi đó Tâm con người là cái Tâm vọng động , nó luôn hướng ra bên ngoài nơi ngoại vật ( Hiện tượng giới ) tìm cầu để rồi chuốc lấy thất vọng khổ đau.
Tất cả những nỗi thống khổ của con người đều do cái Tâm phân biệt vọng động ấy gây nên. Bởi đó muốn thoát khổ thì chỉ có cách là chuyển hóa tức dứt bỏ Tâm phân biệt ấy đi. Chúa Giê Su dạy chị Consolata cách chuyển hóa bằng một câu công thức như sau: “ Giê Su Maria, lòng con yêu mến, xin cứu các linh hồn”
Câu công thức tuy hết sức vắn vỏi nhưng nó chứa đựng toàn bộ giới răn của Đạo Chúa “ Yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết ý chí, hết trí khôn….( Mt 22, 34 -40 ). Tại sao nói nó chứa đựng toàn bộ giới răn ? Bởi vì có yêu mến Thiên Chúa hay không đều do ở nơi tư tưởng. Tư tưởng là cái quyết định hay nói cách khác tất cả đều do Tâm tạo ( Vạn pháp duy Tâm tạo ).
Chạy theo sự dẫn dắt của tư tưởng đó gọi là thuận dòng mê lưu. Trái lại chuyển hóa nó bằng cách dứt vọng đó là ngược dòng mê lưu. Sự chuyển hóa tư tưởng bằng Tác Động Mến Yêu khiến cho ta được…ở trong Chúa và chỉ khi nào…ở trong Chúa ta mới có thể nhận biết tội lỗi mình “ Ngày 22/8/1935 Chúa dạy chị Consolata: Trong sự tiếp xúc liên tục với Cha nhờ TĐLLYM, con sẽ nhận ra tất cả những khiếm khuyết nhỏ mọn nhất, ngăn con hiệp nhất với Cha và con sẽ loại trừ chúng đi. Ngày sống sẽ đổi thành nhịp đập yêu mến từ lúc thức dậy tới khi đi ngủ và tiếp tục mãi đời đời”.
Có hạnh phúc nào lớn lao hơn là “ Cuộc sống trở thành nhịp đập yêu mến” ? Thế nhưng để có thể giữ được nhịp đập ấy thì không thể không …vác thập giá. Chúa nói: “ Sau này Cha sẽ cho con làm lớn trên Thiên Đàng. Nhưng bây giờ trên trái đất này con hãy làm bé, bé tí xíu để mọi người tự do chà đạp con như hạt cát ngoài sân và xử dụng con như họ muốn”( Ngày 11/12/1935 ).
Vác thập giá hàng ngày theo Chúa là việc rất khó đối với con người. Thế nhưng với Ơn Chúa, tất cả đều được. Chúa nói với Thánh Phao Lô những khi ngài gặp trở ngại trên con đường rao giảng Tin Mừng: “ Ơn Ta đủ cho con. Vì quyền năng của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” ( 2C 12, 9 )./.
Phùng Văn Hóa