Ít lâu nay, tại nhiều nơi, đạo đức xuống, tệ nạn tăng. Nhiều lý do được đưa ra để cắt nghĩa thảm trạng này. Một trong những lý do thường được nhắc tới, đó là nhiều người nay không còn biết sợ. Không sợ tội, không sợ lương tâm. Không sợ luật pháp. Không sợ bất cứ ai. Không sợ có thưởng phạt đời sau.
Cũng có người lạm dụng một lời Chúa Giêsu trấn an các môn đệ của Người xưa: “Đừng sợ”. Họ chủ trương: “Chính Chúa cũng dạy đừng sợ Chúa, thế thì còn gì phải sợ”. Tất nhiên đó là nguỵ biện.
Trên đây tôi chỉ lướt qua một tình hình mà tôi cho là đáng sợ, vì sẽ dẫn tới những xáo trộn, mang tiềm năng bùng nổ mọi thứ tự do phá hoại.
Riêng trong lãnh vực đạo đức Phúc Âm, tôi thấy phải biết sợ Chúa. Đó là điều cần được giáo dục.
Biết sợ Chúa là điều cần được giáo dục
Khi tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi thường dạy tôi: “Con hãy luôn nhớ Chúa trước mặt”. Giáo dục của bà mẹ quê chỉ đơn sơ thế thôi. Nhưng đã ảnh hưởng sâu đậm suốt cuộc đời tôi.
Sau này, khi được học Kinh Thánh, tôi thấy nhiều chỗ đã nhấn mạnh rất nhiều đến điều mẹ tôi đã dạy. Chẳng hạn những lời sau đây:
“Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 110,10).
“Kính sợ Chúa sẽ được an toàn kiên vững,
Người là nơi ẩn náu cho con cái Người.
Kính sợ Chúa là nguồn sự sống,
Giúp ta tránh được cạm bẫy tử thần”. (Cn 14,26-27).
“Con hãy sống công chính và kính sợ, và hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách” (Hc, Sir 2,1-13).
Cùng với Kinh Thánh, sách Giáo Lý Hội Thánh cũng dạy sự kính sợ Chúa là một ơn của Chúa Thánh Thần.
Từ ơn đó đã nảy sinh ra bổn phận kính trọng và vâng lời cha mẹ (Sách GLCG số 2217).
Hiện giờ, đối với tôi, càng thêm tuổi và càng thêm đau yếu, tôi càng cảm thấy sự kính sợ Chúa là một ơn Chúa ban, để tôi sống Tin Mừng một cách rộng mở trong một khung cảnh như mỗi ngày mỗi thêm khép lại.
Xin diễn tả mộc mạc vắn tắt.
Không gian tuổi già với ơn kính sợ Chúa
Trước đây, không gian của tôi kể được là bao la. Tôi có thể di chuyển khắp giáo phận, khắp nước và hầu như khắp thế giới.
Bây giờ không gian ấy co lại dần dần. Đến mức chỉ còn căn phòng mình là chính. Cái hè, cái sân cùng chỉ là không gian phụ. Một vài họ đạo cách vài cây số đã trở thành quá xa.
Không gian hẹp dần lại. Tất nhiên hậu quả tâm lý nơi tôi cũng sẽ hẹp lại. Đến mức cô đơn được cảm nhận như quê hương bắt buộc của mình.
Nhưng, nhờ kính sợ Chúa, tôi đón nhận thánh ý Chúa một cách bình an. Nhất là khi sự kính sợ Chúa được cảm nghiệm như một tình cảm kính yêu lẫn với kính sợ.
Không gian vật chất hẹp lại, nhưng không gian tâm lý mở rộng ra. Bớt tiếp xúc với không gian vật chất là một dịp thuận lợi để thêm tiếp xúc với Chúa hiện diện bên mình.
Tiếp xúc với Chúa trong cầu nguyện, chiêm niệm, tôi thấy Chúa vô cùng thánh thiện, vô cùng cao sang, còn mình thì vô cùng tội lỗi, vô vàn bất xứng, hèn mọn. Nhận thức đó càng ngày càng sâu. Cảm thức kính sợ Chúa cũng càng ngày càng chân thực.
Nhưng, khi ơn kính sợ Chúa giúp con người trở nên bé nhỏ, thơ ấu, thì sự kính sợ trở thành kính yêu. Nó làm cho mình chỉ sợ một điều này hơn nhất, đó là sợ xa Chúa, sợ mất Chúa. Vì đối với mình, chỉ Chúa là hạnh phúc và cùng đích sau cùng của mình mà thôi.
Sau yếu tố không gian là yếu tố thời gian.
Thời gian tuổi già với ơn kính sợ Chúa
Trước đây, đối với tôi, thời gian rất thay đổi. Thay đổi do công việc đổi thay. Ngày trước khác ngày sau. Tháng sau khác tháng trước. Công việc tiếp nối, dồn dập, với nhịp sống vươn lên.
Bây giờ, thời gian như mòn mỏi. Sự sống như lá úa chờ rụng xuống. Công việc quan trọng nhất mỗi ngày xem ra chỉ là nhớ uống thuốc. Giờ này phải uống những thứ thuốc nào, giờ kia phải dùng những món thuốc kia.
Thời gian như dòng chảy cô đơn. Nó hay đưa người già trở về quá khứ. Trở về quá khứ, thì khám phá ra nhiều cái phù du, đôi khi trùm phủ những ảo ảnh. Nếu nghĩ về tương lai, thì thấy khá rõ những chấm dứt là một sự thực đang đến gần.
Yếu tố thời gian chi phối người già và bệnh. Nếu không biết dùng thời gian đó, người ta sẽ cảm thấy trống vắng, và cũng dễ sa vào những giải trí tầm thường, và tai hại.
Nhưng, nhờ ơn biết kính sợ Chúa, người già và bệnh sẽ biết dùng thời gian còn lại coi như cằn cỗi, để tăng thêm sự sống thiêng liêng cho mình.
Tôi tin Chúa đang đến. Có thể nói: Người đã đến rồi. Tôi sẽ phải trả lời Người về những gì Người đã ban trao cho tôi. Tôi thấy mình không thể trả lẽ quanh co được. Bởi vì Người đã ban cho tôi những yếu tố cần tương đối, để tôi có thể biết phân định lành dữ, đâu là thánh ý Chúa phải thực hiện, đâu chỉ là ý thế gian, ý riêng tôi, ý ma quỷ tôi phải xa tránh.
Ơn kính sợ Chúa đánh thức lương tâm tôi. Nhờ đó, tôi sẽ nhận ra mình có nhiều lầm lỗi để biết khiêm nhường thống hối, xin Chúa giàu lòng thương xót xoá tội cho tôi. Lúc đó, lòng kính sợ sẽ trở thành lòng kính yêu gắn bó thiết tha.
Như vậy, thời gian của người già cả đau yếu, liệt lào có giá trị thanh luyện cả một cuộc đời. Hơn nữa, thời gian đó có nhiều khả năng kéo được vô số ơn lành xuống cho bao người khác, mặc dù bằng một cách không như người đời quen nghĩ.
Mới rồi, trong thanh vắng, tôi nghĩ về cái chết quá đau đớn nhục nhã với đám tang quá cô đơn thê thảm của Chúa Giêsu. Tôi thấy cái chết đó và đám tang đó không có một chút vinh quang nào, so với cái chết và đám tang của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Thế mà, chính cái chết và đám tang của Đức Kitô lại có giá trị cứu độ nhân loại một cách vô cùng phong phú.
Sự thực trên đây khiến lòng kính sợ Thiên Chúa nơi tôi trở thành lòng cảm mến chúc tụng Chúa. Sự thực ấy là nguồn an ủi cho những người vâng phục thánh ý Chúa trong cảnh nghèo hèn, bệnh tật, cô đơn, bị loại trừ.
Với ơn kính sợ Chúa, tôi xin hiệp ý với thánh Phaolô mà nói: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu. Đường lối của Người, ai theo dõi được… Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen.” (Rm 11,33-36).
Ðức Cha J.B. Bùi Tuần
Người Tín Hữu