“ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG, Ở ĐẤY CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI!”
Ông Trời ở đâu? Thiên Chúa ở đâu?
Có bản thánh ca quen thuộc, đầu đề bằng tiếng Latinh là: “Ubi Caritas…”Bản thánh ca này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và phổ nhiều điệu nhạc khác nhau. Bản tiếng Anh là “Where There Is Love…” Linh mục Vinh Hạnh đã chuyển dịch sang tiếng Việt Nam và phổ nhạc trong Bài hát với giọng rất tha thiết và đạo đức: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời…” Hầu như cuốn thánh ca nào cũng có bài này.
Từ lâu tôi có nghe kể câu chuyện về một nhà họa sĩ chuyên nghiệp. Vào cuối đời, ông muốn vẽ một “họa phẩm” để đời, một họa phẩm thật giàu ý nghĩa, có thể lưu truyền mãi mãi trong dân gian. Một buổi sáng ông thức dậy sớm và đi lang thang để tìm hứng cho bức họa. Khi đi ngang qua một Thánh đường, ông thấy một tu sĩ đang cầu nguyện. Ông đến cúi đầu chào và xin Cha dòng cho ý kiến về bức họa mà ông đang có ý định thực hiện. Sau khi bàn luận với nhau, Cha dòng suy nghĩ một lát và trả lời: xin họa sĩ hãy lấy chủ đề là “Niềm Tin”, một bức họa diễn tả về “Niềm tin”: niềm tin giữa con người với nhau và niềm tin của con người nơi Thiên Chúa là đấng tạo dựng và là Cha mọi người. Chính vì thiếu niềm tin tôn giáo đích thực, nên con người ngày nay sống trong ngờ vực, nghi kỵ lẫn nhau và gây ra sự chia rẽ giữa con người với con người (dù ngay trong một gia đình); rồi giữa các chủng tộc và ngay cả giữa các tôn giáo.
Nhà họa sĩ cám ơn Cha dòng và tiếp tục đi. Đến gần trưa, ông đi vào một công viên để nghỉ mát, chợt ông nhìn thấy một đôi bạn trẻ đang ngồi trên ghế đá, vui vẻ tâm sự thân mật với nhau. Ông đến gần, xin lỗi hai bạn trẻ và xin ý kiến hai người về bức họa ông sắp vẽ. Đôi bạn vui vẻ nhận lời và sau một vài trao đổi về ý định của họa sĩ, hai người mau mắn trả lời: Bác ơi, bác hãy vẽ một bức họa diễn tả “Tình Yêu”… Vâng “tình yêu”, tình yêu như chúng cháu đang có với nhau đây. Cuộc đời thật là hạnh phúc và êm đẹp biết bao nếu con người biết thương nhau như chúng cháu lúc này… Bác hãy vẽ về tình yêu, thì bức họa của bác sẽ tuyệt vời và sẽ được nhiều người chiêm ngưỡng… Nhà họa sĩ cám ơn hai bạn trẻ, và chúc tình yêu của hai bạn trước và sau khi đã kết hôn, mãi mãi cứ đẹp như ngày hôm nay; rồi ông lại lên đường đi tiếp.
Đi mãi, đi mãi… buổi chiều ông đi đến con đường dẫn ra ngoài thành phố. Chợt ông thấy một binh sĩ quần áo bám đầy bụi bậm, vai vác súng đang vội vã đi vào thành phố. Nhà họa sĩ đến gần chào người lính và xin anh hãy ngồi xuống nghỉ mệt một chút; rồi ông cũng nói cho anh nghe về ý định của mình. Chàng chiến sĩ cảm thấy hãnh diện vì được nhà họa sĩ phỏng vấn, anh như lấy lại đươc niềm vui và mau mắn trả lời: Bác ơi, bác hãy vẽ bức tranh về
“Hòa Bình,” vâng về Hòa Bình… Cháu vừa mới ở mặt trận trở về đơn vị trong thành để báo tin tức… Trời ơi, cuộc chiến thật là khủng khiếp… Người ta giết nhau, chém giết nhau khủng khiếp quá. Bác hãy vẽ đi, vẽ đi để bảo cho nhân loại biết từ bỏ hận thù, thay vì giết nhau thì hãy chung tay xây dựng Hòa bình. Nhà họa sĩ cám ơn anh lính chiến rất nhiều. Những lời anh nói làm ông rất xúc động.
Trời đã xế chiều, và mệt mỏi, sau một ngày đi hết chỗ này đến chỗ kia, ông lên đường trở về nhà. Trên đường đi về, ông suy nghĩ rất nhiều: Làm sao tôi có thể vẽ được một bức họa có thể diển tả được cả ba đề tài: Niềm tin, Tình yêu và Hòa bình. Vừa đi ông như vừa chìm đắm trong suy tư… Cuối cùng ông về tới nhà và gặp người vợ hiền cùng bầy con chạy ra đón ông trong niềm vui mừng thật hồn nhiên. Nhìn người vợ và đàn con thân yêu vui mừng ra đón mình, ông quên cả mệt nhọc của một ngày đi đường, và nhận ra một niềm vui khôn tả, cùng với một tư tưởng chợt lóe lên trong đầu ông: Đây rồi, đây rồi… đây là bức họa tuyệt vời có thể nói lên được cả ba tư tưởng: Niềm tin, Tình yêu và Hòa bình. Bức họa một gia đình sống hạnh phúc trong niềm tin nơi Thiên Chúa, và niềm tin tưởng lẫn nhau, trong tình yêu thương, hòa thuận.
Một gia đình luôn sống bất hòa là một gia đình thiếu niềm tin tưởng lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái; lại cũng vì gia đình thiếu niềm tin tôn giáo, là sức sống gia đình; từ đó gia đình không có tình yêu thương, và tất nhiên không thể sống trong hòa hợp, trong an bình để được hạnh phúc…
Thế giới ngày nay cũng đầy những hận thù chém giết, khủng bố vì thiếu niềm tin, niềm tin tôn giáo chân thật, niềm tin tưởng lẫn nhau, và từ đó thiếu tình yêu thương và đưa đến chiến tranh phá hoại nền hòa bình hạnh phúc chung cho cả nhân loại.
Đứng trước hiểm họa tàn phá của tranh chấp và chiến tranh, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã có những buổi gặp gỡ để cùng cầu nguyện (mỗi đại diện dâng một lời cầu nguyện, tùy theo niềm tin của mỗi tôn giáo) và bàn luận để đi đến những giải pháp cứu vãn thế giới và chung tay xây dựng tình yêu và hòa bình thế giới. Trong năm vừa qua, đại diện các tôn giáo chính đã gặp gỡ nhau ở thành phố Naples (Ý).
Trở lại câu hỏi: “Ông Trời ở đâu?”
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta có thể nói ngay: Chỗ nào cũng có Ông Trời, hoặc Ông Trời ở khắp nơi. Ông Trời không có hình tượng như con người, nên không lệ thuộc vào không gian và thời gian; vì thế mới gọi Ngài là Đấng thiêng liêng và hằng hữu.
Khi có người hỏi Chúa Giêsu “Nước Trời ở đâu?”. Ngài trả lời: “Nước Trời ở giữa anh em!” (Luca 17, 21). Một dịp khác, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nơi nào có hai ba người ý hiệp tâm đầu trong lời cầu nguyện, thì có Chúa ở giữa họ”(Mat. 18,20).
Như vậy, Trời ở khắp mọi nơi, và ở giữa mọi người chúng ta. Khi chúng ta có tình yêu, yêu Trời như Cha và yêu tha nhân như anh chị em, chúng ta sẽ có hạnh phúc; vì hạnh phúc là được sống trong yêu thương. Ai cũng muốn được người khác yêu thương; nếu vậy chúng ta cũng hãy yêu thương người khác; cụ thể khi chúng ta gặp cảnh khó khăn, thì chúng ta mong muốn được người khác giúp đỡ; khi chúng ta gặp cảnh đau buồn, thì chúng ta thích được người khác an ủi, nâng đỡ tinh thần. Chúng ta cũng hãy làm như vậy để giúp người khác khi họ gặp cảnh nghèo khó, khổ đau. Luật vàng của tình yêu là “Hãy làm cho người khác những gì anh em muốn người khác làm cho mình!”
“Ở đâu có Tình Yêu, ở đấy có Thiên Chúa!” Vì “Thiên Chúa là Tình Yêu; ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy.” ( 1 Gioan 4, 16 ).
Tình yêu chân thành như Chúa dậy là “Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu mọi người như chính mình” ( Mat. 22,37… ). Tình yêu bao quát hết mọi người, kể cả những người coi chúng ta là thù địch, như Chúa Giêsu dạy chúng ta: “ Hãy thương yêu thù địch; hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ nói hành nói xấu anh em…” (Luca 6,27…). “… Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời; vì Người cho mặt trời mọc lên để sói sáng cho cả kẻ dữ, người lành; Người cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương…” (Mat. 6,44…). Thánh Phaolô đã quảng diễn tư tưởng căn bản đó trong thơ gửi tín hữu Rôma: “Hãy chúc lành cho những người bách hại anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa. Hãy vui với người vui, khóc với người khóc….Đừng lấy ác báo ác. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được để sống hòa thuận với mọi người…..Đừng để sự ác thắng được mình; nhưng hãy lấy sự thiện mà thắng sự ác!” (Roma 12,14…). Đó là tinh thần “Dĩ đức báo oán!”
Thực hành đức Bác ái như vậy qủa thực là khó, rất khó. Nhưng hãy cầu nguyện và ơn Chúa sẽ giúp chúng ta. Sau đây là một trong những lời cầu nguyện hằng ngày chúng ta có thể dâng lên Chúa:
“Lạy Chúa, xin cho chúng con được lòng khiêm nhượng, để xóa đi trong chúng con tinh thần tự kiêu tự đại, và làm cho mối giao tiếp của chúng con bao giờ cũng được thân hữu. Xin cho chúng con khát khao công lý và tinh thần khó nghèo, để chúng con yêu mến và kính trọng tha nhân. Xin mở rộng lòng chúng con để chúng con yêu mến tha nhân, hầu tìm hiểu và phụng sự họ. Xin làm cho chúng con trở thành những kẻ đem lại an vui, hòa bình và thân hữu. Amen”
Hoặc chúng ta có thể cầu nguyện như thánh Phanxicô khó khăn trong Kinh Hòa bình: “ Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa; để con đem yêu thương vào nơi oán thù; đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp; đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”
LM Anphong Trần Đức Phương
VietCatholic Network