Phục vụ làm ta nên cao quí. Phục vụ là con đường dâng hiến con người nhỏ bé của ta cho thực tại lớn lao là Thiên Chúa. Có những phương cách và tâm tình phục vụ rất đơn sơ nhưng giá trị của nó lại rất cao cả đối với Chúa và mọi người:
– Như ánh sao trong Phúc Âm dẫn đường chỉ lối : Nó đứng chung với muôn ngàn ngôi sao khác, nhưng mang một tín hiệu riêng. Nó chỉ là 1 vệt sáng trên bầu trời bao la thinh lặng, nhưng nó âm thầm mở 1 lối đi cho ba nhà đạo sĩ. Nhiệm vụ của nó chỉ đơn giản là dẫn đường. Công việc của nó chẳng có gì là huy hoàng, con đường nó đi chẳng có gì là rạng rỡ, nhưng thành quả của nó thật là lớn lao vì nó đã giúp con người tìm ra Đấng cứu độ. Nhìn vào cuộc sống, cũng có biết bao con người như vậy: chỉ làm những gì mình phải làm, chỉ sống những gì mình cần phải sống một cách âm thầm lặng lẽ để giúp đỡ những người lân cận đang nổ lực vươn lên trong cuộc sống. Ngay cả những người già yếu, bệnh tật chẳng còn làm được gì, nhưng đức độ và lòng trung trinh trong niềm tin cũng như sự trung thành trong lý tưởng của họ chẳng khác nào ánh sao dẫn đường chỉ lối cho thế hệ đi sau nối tiếp.
– Như con lừa trong Phúc Âm : Nó đóng một vai trò khá quan trọng trong việc phục vụ Chúa. Nó chở Đức Mẹ sắp sinh đến Bêlem. Nó chở gia đình Thánh Gia sang Ai Cập, và rồi trở về Nazareth. Nó chở Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem như dấu chỉ của một sự khiêm nhu và hoà bình. Sụ phục vụ của nó tuy đơn sơ nhưng quả là cơ cực : chịu nắng mưa, chịu đói khát, chịu mệt mỏi. Nó vốn chẳng thông minh gì, nhưng chịu khó, dẻo dai và ít đòi hỏi. Nó rất tầm thường nhưng sự phục vụ của nó đối với Chúa Giêsu thật là cao quí. Nhìn vào cuộc sống hôm nay cũng có biết bao con lừa Phúc Âm như vậy. Họ làm việc cần cù, gian lao, quần quật suốt ngày trong âm thầm và nhẫn nại. Trong các cộng đoàn Họ đạo, Dòng tu, Toà Giám Mục… họ vẫn tầm thường, nhưng nếu thiếu họ thì nhiều công việc tổ chức lớn lao hay chương trình mục vụ sẽ bị bế tắc. Tôi cũng chỉ ước ao được làm một con lừa như thế thôi trong sự phục vụ Chúa và mọi người trong bổn phận thường nhật của mình.
– Như chiếc khăn lau chân trong Phúc Âm: Nó chịu ướt để có những bàn chân được khô. Nó chịu dơ để có những bàn chân được sạch. Nhìn vào cuộc sống hôm nay tôi cũng thấy có biết bao người đang phục vụ như chiếc khăn lau chân ấy. Họ là những tu sĩ, linh mục, giáo dân, lương dân. Cử chỉ nhân ái của họ là những tấm khăn lau, để lau lòng người bớt đi những lo âu, mệt mỏi, ưu phiền, những mặc cảm và thất vọng thương đau. Tôi cũng thấy nhiều tâm hồn quảng đại và cái tốt của họ như tấm khăn thơm làm tan đi những mùi hôi thúi của xã hội và che đi những điều xấu xa của người khác. Họ phục vụ âm thầm như chiếc khăn lau chân. Lau xong rồi bị người ta vất vào một xó, và họ coi đó là chỗ bình thường của họ. Tôi thấy có nhiều tâm hồn vị tha khiêm tốn, họ làm những việc hèn hạ để phục vụ kẻ khác mà chẳng ai muốn tranh giành, vì nó có vẻ quá tầm thường, nhưng đối với Chúa thì quả là phi thường.
Qua những hình ảnh tên đây chúng ta cần chú tâm vào tâm thế và phong cách của người phục vụ : đó là chu toàn tốt bổn phận và trách nhiệm của mình một cách âm thầm lặng lẻ vì lòng yêu thương nhân ái; đó là làm tốt công việc của mình ngay trong giây phút hiện tại này, trong hoàn cảnh này với những con người này và ở môi trường này. Hãy làm những gì mình có thể làm được cho anh em mình, mặc dù nhỏ bé đơn sơ nhưng đó là những chứng tích hùng hồn nói lên tình yêu sống động của mình đối với Đức Kitô, để mỗi ngày nhờ phục vụ mà chúng ta được sống với Ngài, lớn lên trong Ngài, hoàn thành mọi sự nhờ Ngài, và mỗi ngày trở nên giống Ngài, Đấng là mẫu gương siêu đẳng của sự phục vụ trong yêu thương và khiêm nhường để mang đến niềm vui và hạnh phúc cho con người. Đừng hiểu phục vụ chỉ đơn thuần là phục vụ con người, mà phải hiểu với ý thức là phục vụ Thiên Chúa trong con người, bởi vì thật sự Ngài hiện diện cách thâm sâu nơi mỗi người. “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta” (Ep 6, 7). Khi phục vụ người khác trong tinh thần đó ta thấy tâm trí mình thoát khỏi tính ích kỷ. Và rồi bình an đổ đầy lòng ta, với xác tín rằng ta chẳng cần tranh dành với ai.
Phục vụ là niềm vui, là vinh hạnh của mỗi người chúng ta vì được góp phần của mình vào cuộc sống này. Cái buồn khổ nhất là thấy mình không còn được phục vụ nữa hoặc không còn khả năng để phục vụ. Tuy nhiên sự phục vụ không chỉ hệ tại ở hành động hay hoạt động nhưng thái độ phục vụ trước tiên là ở chính tâm thế của mình : một tâm thế yêu thương ngay trong chính sự hiện diện của mình. Một tâm thế nằm trong hiện tại của con người mình theo như Chúa muốn chứ không phải như mình muốn. Vì thế, không phải bất cứ sự phục vụ nào cũng chân chính, mà phải là sự phục vụ theo mô hình của Đức Kitô. Mô hình phục vụ này loại bỏ mọi kiểu cách phục vụ khác vì nó lệch lạc và bất chính : đó là thứ phục vụ ăn trên ngồi chốc, phục vụ bằng quyền hành thống trị, phục vụ vì háo danh và lợi lộc, phục vụ theo cảm tính và ý đồ của mình, phục vụ độc tài và chiếm hữu …Chính vì để phản bác lại những kiểu cách phục vụ như thế mà trong thơ Ephêsô thánh Phaolô đã lên tiếng : “Anh em hãy đem lòng yêu thương mà làm tôi lẫn nhau”(Ep 5, 13).
Đức Cha Bùi Tuần có lần đã viết lên cảm nhận của Ngài về sự phục vụ như sau: “Tôi thấy trên bàn thờ dâng lễ có một cây nến cháy đứng bên một chậu 3 bông hồng đẹp. Đầu lễ 3 bông hồng còn rất tươi. Cuối lễ những bông hồng này rủ xuống thê thảm. Lý do là vì chúng bị cây nến đứng quá gần tạt hơi nóng sang. Thấy thế tôi thầm nghĩ thay cho bông hồng : Bạn cũng như chúng tôi đều phục vụ cả, thế thì tại sao bạn lại đốt chúng tôi. Phục vụ kiểu này có lợi cho bạn, nhưng chúng tôi thiệt hại lớn. Chúa thấy chúng tôi bị bạn huỷ hoại như thế này chắc Chúa chẳng vui gì. Từ hình ảnh trên tôi nghĩ đến Lời Chúa : “Ta thích lòng nhân hậu chứ không phải hy lễ”.
Từ hình ảnh trên cho ta thấy phục vụ luôn phải được thực hiện bằng các đức tính sau đây : Thứ nhất là tinh thần trách nhiệm. Thứ hai là tinh thần liên đới. Thứ ba là tinh thần tổ chức. Thứ bốn là tinh thần từ bỏ. Đó là tinh thần của Đức Kitô trong suốt cuộc đời phục vụ của Ngài. Là Kitô hữu, chúng ta tiếp tục sứ vụ phục vụ của Đức Kitô và như Đức Kitô. Bất cứ sự phục vụ nào khác với tính cách củaĐức Kitô đều là phản bội lại lý tưởng phục vụ của đời sống Kitô hữu. Muốn thế chúng ta hãy chìm sâu trong cầu nguyện để nhìn ngắm Đức Kitô trong sự hoà nhập vào tính cách của Ngài, mặc lấy tinh thần của Ngài và làm một với con người của Ngài. Đó là điều chúng ta tha thiết cầu xin và nổ lực không ngừng để trở nên một phản ảnh trung thực về Đức Kitô, Đấng phục vụ Thiên Chúa và con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống mình, Ngài là lý tưởng sống duy nhất và là hạnh phúc của chúng ta trong cuộc đời phục vụ.
LM. Thái Nguyên
Simmon Hòa Đàlạt