Loại người được trân trọng bậc nhất bây giờ là loại người “sống cho kẻ khác”.
Tất nhiên, để “sống cho kẻ khác” đáng được mến yêu thực sự, chúng ta quy chiếu vào mẫu gương Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã sống cho kẻ khác thế nào, thì những ai tin theo Người cũng sẽ sống như vậy.
Suy gẫm của tôi sẽ vắn tắt. Chỉ nêu lên vài gợi ý quan trọng.
1/ Những hình ảnh về sống cho kẻ khác
Sống cho kẻ khác là một lý tưởng. Lý tưởng này được thể hiện qua nếp sống. Nếp sống ấy là những liên đới với người khác. Những liên đới ấy là cho đi, là phục vụ.
Nơi Đức Kitô, phục vụ yêu thương, được diễn tả qua mấy hình ảnh dễ hiểu này:
a/ Con chiên hiền lành trên bàn sát tế.
Tiên tri Isaia, ngày xa xưa, đã nói về Chúa Giêsu như một con chiên chịu khổ đau, để đền tội cho nhân loại.(x.Is 53,7).
Lời tiên tri đó đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đúng là con chiên bị sát tế, và còn hơn là con chiên được hiến tế. Vì Người tự hiến tế với tất cả ý thức và tự do của mình. Người biết Người chịu khổ hình để cứu chính những kẻ làm hại Người. Hy sinh đến cùng do yêu thương vô cùng.
Sống cho kẻ khác là như thế đó.
b/ Hạt lúa mì gieo vào lòng đất và để mình thối đi.
Chính Chúa Giêsu đã tự ví mình như hạt lúa mì rơi vào lòng đất và bị thối đi, để sinh ra nhiều hạt khác.(x Ga, 12,24). Chúa cắt nghĩa ngay liền đó. Bị thối đi là hy sinh mạng sống mình. Hy sinh mạng sống chính mình, để kẻ khác được sự sống đời đời. Hy sinh hết mình vì yêu thương đến cùng. (x.Ga 12, 25).
Sống cho kẻ khác là như thế đó.
c/ Tấm bánh nuôi người khác.
Chúa Giêsu ví mình như tấm bánh, tấm bánh trường sinh.(x Ga 6, 35). Tấm bánh này là của ăn ban tặng. Tấm bánh ban tặng này là chính bản thân Đức Kitô suốt đời sống theo thánh ý Chúa Cha. Sống theo ý Chúa Cha là một phấn đấu đòi nhiều hy sinh. Hy sinh vì mến Chúa Cha trọn vẹn và yêu nhân loại tuyệt đối.
Sống cho kẻ khác là như thế đó.
2/ Kinh nghiệm về cuộc sống cho kẻ khác
Sống cho kẻ khác theo ba hình ảnh nêu trên là một hướng đi cho đời sống của người môn đệ Đức Kitô.
Khi đã sống theo ý hướng đó, họ sẽ có một số kinh nghiệm nội tâm. Dưới đây chỉ là vài kinh nghiệm quen thuộc.
a/ Có một cái gì phải từ bỏ trong họ.
Điều họ phải từ bỏ hơn cả lá cái tôi. Lời Chúa rất rõ ràng dứt khoát: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Từ bỏ mình nhất là bằng sám hối và chu toàn bổn phận.
Từ bỏ mình là điều phải rất tỉnh thức và khiêm nhường. Nếu không thì “sống cho kẻ khác” sẽ dễ trở thành một môi trường đạo đức giả, để cái tôi ngấm ngầm hoạt động và phát triển trong đó.
Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux đưa ra một hình ảnh dễ hiểu. Ngài biết, trước mặt Chúa, có những bàn ăn dành riêng cho những kẻ tội lỗi. Thánh nữ xin được ngồi chung với họ, để đồng cảm những khổ đau, tăm tốí, cô đơn dành cho họ. Ngài từ bỏ niềm vui được ngồi chung bàn với những người đạo đức. Từ bỏ đó là vì hy sinh để cầu cho người tội lỗi.
b/ Có một cái gì mới được sinh vào lòng họ.
Họ khám phá ra những bước đi mới của Chúa. Chúa đến với họ từ những cái như nghịch với Chúa.
Từ nơi tội lỗi, họ gặp Chúa xót thương đến.
Từ cõi thất vọng, họ gặp Chúa hy vọng đến.
Từ chốn khổ đau, họ gặp Chúa vinh quang đến.
Từ cảnh thất bại, họ gặp Chúa thành công đến.
Từ vùng nô lệ, họ gặp Chúa tự do đến.
Từ đời bất ổn, họ gặp Chúa bình an đến.
Thực sự, khi người môn đệ Đức Kitô sống cho kẻ khác theo gương Đức Kitô, thì Đức Kitô sẽ dẫn họ vào một thế giới chỗ nào cũng có bóng tối. Họ sẽ cứu người khác bằng cách đi cùng với Đức Kitô và những bóng tối đó để dẫn họ về với Chúa Cha. Hành trình đó là hành trình phục sinh. Nghĩa là sống lại từ cõi chết, từ đau khổ. Hành trình phục sinh đó là từ những thực tại xung quanh họ.
c/ Có một cái gì phải đi xa hơn các liên đới người với người.
Cái gì phải đi xa hơn, đó là ơn Chúa. Chúa Giêus quả quyết: “Không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Lời đó được ứng nghiệm nơi những ai theo gương Đức Kitô sống cho kẻ khác.
Họ sẽ khám phá ra dần dần sự thực này: Mỗi khi họ yêu thương phục vụ đến hy sinh cho người khác, thì chính trong việc đó, họ cảm thấy có Chúa bên họ, có Chúa hành động với họ. Họ sẽ cảm thấy có một sự hiện diện nhiệm mầu trong họ. Họ sống cho kẻ khác. Kẻ khác là người khác, kẻ khác cũng là chính Chúa. Sự cảm nghiệm đó giúp họ có một cuộc sống như mọi người, nhưng cũng khác mọi ngươì.
Đến đây tôi nghĩ đã kể lại đôi chút về những gì Chúa đã làm nơi những người sống cho kẻ khác theo gương Đức Kitô.
Họ đúng là những chứng nhân của Tin Mừng.
Họ đang được Chúa dùng để mở Nước Chúa tại quê hương Việt Nam hôm nay.
Xin hết lòng cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót.
+GM. JB Bùi Tuần
Người Tín Hữu