Cuộc sống luôn có những chuyện bất ngờ, bất ngờ ở nhiều dạng. Có những việc làm giản dị mà vĩ đại, có những con người vô danh tiểu tốt nhưng vẫn có cách sống anh hùng. Đó là những người sống tốt!
Nếu có dịp đi trên đường Xô viết Nghệ tĩnh, P. 21, quận Bình thạnh, bạn sẽ “ngạc nhiên” khi thấy trước căn nhà số 128 luôn có một thùng nước đá, ghi “nước đá miễn phí”, cho khách qua đường uống. Hỏi thì chủ nhà nói: “Có đáng gì đâu, mình chỉ nấu ít nước, pha ít trà, người qua đường có cái mà uống”.
Những người ghé uống thuộc nhiều dạng: Bác xích lô, chú ba gác, anh xe ôm, học sinh, người bán vé số, anh thợ hồ, khách vãng lai,…
Việc làm của chủ nhà “nước đá miễn phí” kia tưởng nhỏ mà không nhỏ. Hẳn phải là người có lòng tốt mới có thể làm được “chuyện nhỏ” đó. Chắc cũng có người dè bỉu, cho như vậy là làm chuyện bao đồng, chuyện “ruồi bu”, chuyện “rỗi hơi”,… Chín người mười ý, tránh sao được!
Đại văn hào Victor Hugo nói: “Ai cho kẻ khốn cùng là đã cho Thượng đế vay”. Và tôi chợt nhớ lời Chúa Giêsu đã xác định: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42).
Báo chí đưa tin: Hai cháu Hằng 9 tuổi và Oanh 8 tuổi (ở xã Lộc Khánh, Lộc Ninh), nhà nghèo nên phải đi nhặt phân trâu. Hai cháu ra bờ ao rửa tay thì cháu Hằng trượt chân té xuống nước, cháu Oanh thấy vậy liền nhảy xuống cứu bạn, vì cả hai không biết bơi và vì ao sâu nên cả hai đều chết đuối. Thương tâm biết bao! Chắc hẳn cháu Oanh biết mình không biết bơi, nhưng thấy bạn sắp chết chìm nên vẫn xả thân cứu bạn.
Ở thị xã Bảo Lộc, Nguyễn Văn Hải đang uống cà-phê và thấy một thanh niên sàm sỡ với cô gái bán quán, Hải không thể cầm lòng vì trái tai gai mắt nên anh ra ngăn cản. Nhưng một nhóm thanh niên xông vào hành hung và đâm Hải chết. Cái chết của Hải tưởng như vô lý nhưng lại rất ý nghĩa và nhân bản. Đã và đang có những “Lục Vân Tiên” ở khắp nơi, nhưng vẫn không triệt hết những kẻ gian tà!
Trong khu phố nọ rất ít gia đình Công giáo, có một phụ nữ thường xuyên đi lễ và rước lễ. Có lần đứa cháu ngoại khóc vì bị đứa trẻ khác chọc ghẹo. Chị ta “nhảy” ra xỉa xói và la lối đứa trẻ kia thậm tệ. Thực ra cũng tại lỗi nhiều ở đứa cháu ngoại của chị ta. Rồi lần khác, chị ta cãi nhau với một phụ nữ khác. Phụ nữ kia chỉ to tiếng nhưng không dùng những từ ngữ “khó nghe”, còn chị ta vừa lớn tiếng át người kia vừa dùng những từ ngữ tục tĩu và thô bỉ, nghe mà rùng mình. Tôi đẩy cửa ra nhìn một lúc rồi đóng cửa lại. Khi đó chị ta nhìn thấy tôi, không hiểu sao chị ta giảm cường độ và âm độ. Quả thật, lần thứ hai tôi chứng kiến và nghe cách nói của chị, tôi phải tự đặt một dấu hỏi lớn và rút ra bài học cho riêng mình!
Sống tốt vừa dễ vừa khó. Sống tốt không chỉ là tránh điều xấu mà còn phải tích cực làm điều tốt. Không có dịp phạm lỗi chưa hẳn là người tốt, có dịp phạm lỗi mà không phạm thì mới thực sự là người tốt. Có qua lửa mới biết vàng thật hay giả. Tốt và đạo đức có hệ lụy với nhau.
Chúa Giêsu phân tích: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21).
Mạnh Tử xác quyết: “Ngẩng lên không hổ với trời, cúi xuống không thẹn với người, đó là điều vui sướng”. Người vui sướng là người hạnh phúc, thanh thản, tất nhiên vì người đó sống tốt.
Trầm Thiên Thu