“Ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc,
thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa.” (1Pr 3, 10)
Lời nói phát xuất từ bên trong
Lời nói thể hiện con người: “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.” (Hc 27, 6). Nguyên nhân sâu thẳm của lời nói phát xuất từ bên trong, do tâm ý mà có. Vì thế, những lời nói tồi tệ phóng ra qua cửa miệng bên ngoài chứng tỏ người ta đã trở nên ô uế từ ở cõi lòng mình: “Còn những cái gì từ miệng xuất ra, là phát xuất tự lòng, chính những cái ấy mới làm cho con người ra ô uế.Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống.” (Mt 15, 18-20 ).
Lòng đã xấu thì không thể phát ra điều tốt được. Chính vì nhận thấy điều gian ác nơi lòng những người Pharisêu, nên Chúa Giêsu đã từng nói thẳng với họ: “Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình.” (Mt 12, 34-35 ).
Do lòng ganh tị và ghen ghét ít nhiều nằm vùng trong tâm hồn mỗi người, nên ta dễ bị cám dỗ phát ra những lời nói tai hại với một ai đó, làm hủy hoại thanh danh và đời sống tinh thần của họ. Vì thế, để có thể nói những gì tốt lành và hữu ích đòi ta phải chỉnh sửa và thanh lọc từ bên trong của lòng mình. Điều quan trọng nhất là có được tấm lòng yêu thương. Khi có một tấm lòng thực sự biết thương yêu mọi người, tự nhiên người ta biết cách phải nói như thế nào cho thích hợp và sinh ích lợi cho người nghe.
Khi dùng những lời phê phán tiêu cực chứng tỏ mình không có tình thương. Phê phán tiêu cực là một cách thế cố tìm cách bôi xóa tên của kẻ khác để thay thế tên mình vào đó. Điều đó nói lên sự đố kỵ và ý đồ muốn chiếm đoạt cách bất công và bất nghĩa. Quả là một cách thế bần tiện, nhưng rồi đó vẫn là điều xảy ra hằng ngày trong đời sống xã hội và cộng đoàn. Lề thói vô tâm này là điều oan trái nhất cho chính mình, “Vì Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót.” (Gc 2, 13).
Nói xấu, nói tốt
Cơ bản trong tình yêu thương là muốn sự tốt, sự lành cho người khác. Ai cũng muốn thấy mình tốt ở giữa mọi người, nhưng khi nói xấu một người thì bên trong mình không còn tốt nữa. Làm sao ta có thể nói xấu người khác được khi bên trong ta muốn yêu thương và làm điều tốt cho họ. Sự mâu thuẫn này cho thấy con người mình đang bị phân rẽ và hỗn loạn. Hơn nữa, khi nói xấu người khác là ta muốn xét đoán họ, và muốn chiếm đoạt quyền hành của Thiên Chúa. Thánh Giacôbê cho chúng ta biết rằng: “Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật… Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4, 12).
Sách Thánh đã từng lên án những kẻ nói xấu: “Đáng nguyền rủa thay kẻ nói xấu.” (Hc 28, 13). Nếu ta không ý thức và quyết liệt ngăn chặn bằng mọi cách thì nói xấu trở thành một thói quen bệnh tật suốt đời: “Người đã quen nói những lời nhục mạ thì suốt đời không ai sửa dạy nổi.” (Hc 23, 15).
Lời nói xấu đưa đến một thảm hại cho chính người nói. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện Mariam và Aaron nói xấu ông Môsê (Ds 12, 4-15), sau đó Chúa đã phạt Mariam bị cùi và bị liệt giường luôn 7 ngày, nhờ Môsê kêu xin, nên Chúa mới tha cho.
Khi nói về người khác, nếu nói tốt được cho họ thì hãy nói, không nói được thì hãy kềm giữ miệng lưỡi lại, kẻo thanh danh người khác bị hại mà chính mình cũng tự chuốc lấy tai họa. Nói xấu người khác là muốn chứng chứng tỏ mình tốt, nhưng người tốt thì lại không nói xấu người khác. Chỉ những ai có trách nhiệm mới có bổn phận để phán đoán về người khác mà thôi.
Ta thường phóng chiếu con người mình lên người khác bằng lời nói mà ta ít khi ý thức được. Mọi lời nói cũng chỉ là cách thức phô diễn nội tâm của mình. Lời nói tốt đẹp cho người khác thì chứng tỏ sự tốt đẹp của lòng mình. Trái lại, lời nói xấu xa về người khác thì chứng tỏ sự xấu xa của lòng ta. Đặc biệt là những lời nói mang tính dối trá, tự đại, ghen tị, cho thấy một sự thảm hại của tâm hồn. Đức Phật đã nói về những điều đó như sau:
“Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá.
Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị”.
Nói ít, nói nhiều
Nói ít hay ít nói là tốt? Tùy bản tính mỗi người, nhưng nói ít, rõ ràng, gọn nhẹ vẫn tốt hơn. Nói ít không phải là ít nói, mà là nói vừa đủ cho từng vấn đề. Đang khi đó, ít nói có nhiều khi làm người khác khó hiểu mình, hoặc hiểu lầm. Đành rằng, người ta tin ở việc làm chứ không tin ở lời nói, nhưng ít nói quá dễ mất đi sự thông giao và bầu khí cởi mở cần phải có trong đời thường.
Điều đáng ngại là nói nhiều. Sách Châm ngôn cho thấy: “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn.” (Cn 10, 19). Thật vậy, “Nói hay đến đâu mặc lòng, khi nói nhiều bao giờ cũng đâm ra nói đến điều bậy” (Dumas Père). Chúng ta có hai tai mà chỉ có một cái lưỡi, để chúng ta nghe nhiều hơn và nói ít thôi. Cũng vậy, “Không phải câu hỏi nào cũng đáng được trả lời”. Phải hiểu rõ được tâm ý người muốn hỏi, hỏi chân thành hay muốn khiêu khích, muốn tìm hiểu hay muốn bắt bẻ, hoặc hỏi để mà hỏi thế thôi. Có những câu hỏi mà Chúa Giêsu không hề trả lời (x. Mt 27, 14); hoặc trả lời cách khác (x. Ga 8, 4-8); hoặc hỏi lại kẻ hỏi Ngài (x. Mt 21, 21-24).
Mục đích của mọi lời nói là đạt đến sự thông giao, để hiểu biết lẫn nhau, để tìm đến chân lý và đưa đến sự hòa hợp trong một cuộc sống an vui. Điều quan trọng và bổ ích không phải là số lượng lời nói, mà là phẩm chất của những gì mình nói, đồng thời cũng phải biết cân nhắc liều lượng cho vừa đủ và thích hợp trong từng hoàn cảnh và con người.
Lời khen, tiếng chê
Nhiều khi ta quá dè sẻn và keo kiệt những lời nói mang tính động viên, khuyến khích và khen lao người khác, mà quá lạm dụng và phung phí những lời chê bai, coi thường và khích bác anh em mình, làm họ dễ sờn lòng nản chí, không còn hứng thú phát triển khả năng và sáng tạo trong công việc. Phát ngôn những lời lẽ như vậy chứng tỏ một tâm hồn nông cạn và nghèo nàn. Vì nông cạn nên hời hợt trong nhận định, không thấy được cái hay, cái tốt của người khác để khen; vì nghèo nàn nên chẳng có gì để cho người khác, có cho cũng là cho những tai hại bằng những lời chê bai, khinh dễ.
Không phải là ta không thấy điều hay lẽ phải, cũng như những cái sáng giá nơi người anh em mình, nhưng rồi vì thói kiêu căng, trịch thượng, háo danh và đố kỵ, ta không muốn thấy, không muốn đề cao họ, mà trái lại còn muốn tìm cách chê bai để hạ bệ. Hơn nữa, có khi còn phạm vào điều tối kỵ là moi móc chuyện riêng tư quá khứ của người khác để phê bình, chỉ trích… Thật ra khi làm như vậy là ta hạ bệ chính mình, và hủy diệt nhân cách của mình.
Ngoài ra, đừng nghĩ rằng, nói những lời mạnh bạo, gắt gao mà người khác có thể nghe ta. Những lời nói càng mạnh bạo và chua cay gắt gỏng càng chứng tỏ một lý lẽ yếu đuối, càng chứng tỏ một tâm hồn non nớt, không có sức thuyết phục. Vì vậy, “Lời nhã nhặn, lời ôn tồn, tựu trung là lời mãnh liệt nhất” (Glodden). Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta: “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người.” (Cl 4, 6). Sách Châm ngôn cũng nói: “Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan, lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ.” (Cn 15,1).
Đứng trước những lời khen, chê, nói tốt hay nói xấu về mình, ta cần phải phải tập cho mình thái độ bình thản: không háo hức vì lời khen, cũng không buồn bực vì tiếng chê; không vui mừng sung sướng khi nghe người khác nói tốt, mà cũng không nản chí buồn phiền vì người ta nói xấu. Lời nói khen, chê, tốt, xấu của người khác cũng chỉ tương đối thôi. Không phải vì người khác nói tốt mà mình tốt, nói xấu mà mình xấu. Tốt xấu tự chúng ta biết. Đừng để cho sự đàm tiếu hoặc bưng bít của người khác thao túng tâm hồn mình: lời khen dễ làm cho ta bị ảo tưởng; tiếng chê dễ làm ta bị lầm tưởng. Hãy coi lời khen như một sự động viên, tiếng chê như một điều cảnh báo. Tuy nhiên, cũng phải thận trọng suy xét trước lời khen, chê. Khổng Tử nói rằng: “Kẻ khen ta mà khen sai là kẻ thù của ta, kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta”.
Đừng sợ người ta trách móc, cũng đừng chuộng những lời khen ngợi: “Có những điều trách móc là khen ngợi, và có những điều khen ngợi là phỉ báng” (La Rochefoucauld). Thật sự thì nhiều khi người ta chê mình cũng đúng, và nói xấu mình cũng đáng. Tất cả đều phải được đón nhận và thanh lọc từ phía mình, chứ không được sinh ra những phản ứng tiêu cực. Phản ứng tiêu cực là lựa chọn một thái độ thấp kém, tự hạ giá bản thân mình một cách vô lý do lời nói của người khác. Hãy coi đó một thách đố để vượt qua chính mình. Đó mới là thái độ chân chính của con người biết tự trọng, và tôn trọng những giá trị bản thân như một tiếng gọi vươn lên khỏi những tầm thường.
Kẻ nói, người nghe
“Kẻ nói tức là gieo, kẻ nghe tức là gặt” (Plutaroue). Gieo thì phải biết mình gieo cái gì, giống tốt hay giống xấu. Gặt cũng phải biết mình gặt cái gì, gặt cỏ hay gặt lúa. Biết cái xấu mà vẫn gieo là hạng ác nhân, biết cỏ mà vẫn gặt là dại dột. Ngoài sự cố ý gieo tin độc địa của người nói và sự ham thích những điều càn dở của người nghe, thì còn là một sự đồng tình và đồng lõa với sự dữ tạo thêm sự hỗn loạn trong đời sống con người. Đang khi Chúa muốn qui tụ và hợp nhất mọi người thì ta lại gây chia rẽ, đó là những người “sống theo tính tự nhiên, không có Thần Khí.” (Gđ 1, 19). Đang khi Chúa muốn ngọn lửa tình yêu mang xuống từ trời được cháy lên, thì kẻ nghe và người nói lại hùa nhau dập tắt, đó là những người đã quen sống theo tác động của ác thần. Quen bị kềm chế bởi những điều xấu, người ta không còn khả năng để nói và nghe những điều tốt. Chẳng ai chịu nhận mình như vậy đâu và coi như mình bị xúc phạm. Nhưng xem quả thì biết cây, thực tế đã chứng minh, mình không thể phủ nhận, nhưng cần khiêm tốn thú nhận để bắt đầu lại trong tự do của Thánh Thần.
Người nói, cho dù nói về người khác thì cũng là một cách nói về mình, một cách phơi trần bản thân mình. Những điều xấu, điều tốt, tâm chất và tính cách đều được hiển lộ ra trong lời nói. Những người ít kinh nghiệm thì không thấy, nhưng những người từng trải thì thấy khá rõ. Ngôn từ, giọng điệu, bộ dạng, kiểu cách của lời nói cho người khác một đánh giá khá chính xác về tâm hồn mình. Dĩ nhiên cũng có những tay “cáo già” có thể lòe bịp và qua mắt được thiên hạ, nhưng rồi thời gian vẫn là phương cách hữu hiệu để nắm bắt những điều cơ bản nơi một con người.
Khi nói, cũng phải biết mình đang nói với ai, nói về ai, đáng nói hay không. Đức Khổng Tử khuyên rằng: “Khả dữ ngôn nhi bất dữ chi ngôn, thất nhân. Bất khả dữ ngôn nhi dữ chi ngôn, thất ngôn”: Người nào đáng nói mà mình không nói thì mất người. Người nào không đáng nói mà mình lại nói thì mất lời. Mất cái nào cũng đáng tiếc, nhưng đáng tiếc nhất là mất chính mình, khi nói những điều không cần nói, không nên nói và không được phép nói, hoặc nói không đúng lúc, đúng thời, đúng nơi, đúng người. Sách Châm ngôn viết rằng: “Lời nói ra đúng lúc đúng thời khác chi táo vàng trên đĩa bạc chạm trổ” (Cn 25, 11).
Người nghe cũng vậy, phải rất thận trọng, không phải cái gì cũng nghe, và biết mình đang nghe cái gì. Ta chỉ nghe những gì đáng nghe và loại bỏ những gì không cần nghe. Nghe điều gì, bao giờ chúng ta cũng phải suy nghĩ lại, không thể hùa theo dư luận hay đám đông, ngay cả những người có uy thế cũng vậy. Không thể để mình nghe theo người khác một cách dễ dàng. Nếu thế thì mình đâu còn là mình, bởi vì đã đánh đánh mất tư thế chủ động của mình, do chính mình chưa có sự cân nhắc và phân định thực hư. Vì thế, không phải nghe cái gì cũng đón nhận, mà biết cẩn thận phán đoán và chọn lọc những gì mình nghe. Cần lắng nghe bằng lý trí và con tim chứ không phải bằng lỗ tai. Lỗ tai chỉ là đường vào, còn sự thật như thế nào thì phải để lý trí sàng lọc và con tim cảm nhận một cách chính thực.
Có những người nói rất hay, tuy nhiên, Khổng Tử nói rằng: “Hữu đức giả tất hữu ngôn, hữu ngôn giả bất tất hữu đức”: người có đức ắt có tài ngôn ngữ, người có tài ngôn ngữ chưa chắc là có đức. Trong quan hệ với mọi người, dù là người thân thích đi nữa, thì nghe không bao giờ đi liền với tin, nhập nhằng hai điều này thành một là kẻ dại dột nhất, dễ bị lợi dụng nhất, dễ thất bại nhất. Bất cứ nghe điều gì cũng phải được kiểm chứng lại bằng thực tế, không phải chỉ nghe gián tiếp mà còn phải nghe trực tiếp để nhận thấy; không phải chỉ nhận thấy bằng tai, mắt, tâm, trí, mà còn bằng chính kinh nghiệm của mình cũng như người khác. Đó mới là thái độ khôn ngoan nhất. Đành rằng, có thể người ta nói với mình bằng sự thật, nhưng nhiều khi sự thật đã bị bóp méo ít nhiều, do cảm xúc chủ quan và thành kiến khi nói lại với ta.
Hơn nữa, để hiểu điều người khác nói, không phải là hiểu ngôn từ, lý lẽ hay biện luận của họ mà là để hiểu tâm ý của họ. Đối với những kẻ gian trá thì thường lại rất khôn ranh trong những điều họ nói, để dụ dỗ hay lôi kéo ta về phía họ, và luôn có những cái bẫy ngầm làm cho người nghe dễ mắc vào. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng bị giăng bẫy qua những lời đạo đức và ngon ngọt của đối phương (x. Mt 22, 19-22; Lc 11, 54).
Thánh Phaolô cũng cảnh giác chúng ta như sau: “Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô.” (Cl 2, 8). Có điều oan khiên là nhiều khi lời nói mưu mô, tà ý và vô tâm của người khác lại phù hợp với những định kiến và dục vọng của lòng ta, nên ta không còn khả năng kiểm chứng nữa, và như thế làm cho ta càng thêm cuồng tín hơn, và những đối tượng bị nói đến lại càng hứng chịu bất công một cách nghiệt ngã hơn.
Nhìn về Chúa Giêsu
Những ai phải hứng chịu những bất công do những lời nói xấu xa của người khác, thì “Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn không phải hổ ngươi bẽ mặt.” (Tv 34, 6). Hãy nhìn về Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng phải chịu biết bao lời sỉ nhục, nguyền rủa và vu khống của con người. Chúa còn như vậy nữa, huống chi chúng ta. Điều đó cho thấy sự tệ rạc của con người nhân loại chúng ta trong cách cư xử với nhau, nhưng rồi trên thập giá, Chúa vẫn nói lời yêu thương tha thứ.
Vì thế, khi phải chịu những nỗi đắng cay do lời nói người khác gây ra, thì chúng ta biết là Chúa đã chịu thay cho chúng ta và đang cùng chịu với chúng ta, để rồi khi phải nói, chúng ta cũng nói lời yêu thương tha thứ cho mọi người như Chúa đã nói. Nhưng cũng đừng quên rằng, bản thân ta vẫn luôn mỏng giòn và yếu đuối, nên có nhiều khi người khác phải chịu những lời thóa mạ của ta còn hơn là ta chịu vì họ. Vì thế, bù qua sớt lại cũng khó mà cân lượng.
Lạy Chúa, chỉ khi nào con biết dùng những lời nói chân thật, khiêm tốn và khoan dung để đem lại an vui thuận hòa, để yêu thương và tha thứ, để bênh vực và che chở, để quan tâm nâng đỡ và khích lệ, đồng thời dám để cho người khác trổi vượt hơn con thì tâm hồn con mới thực sự trong sáng và cao đẹp. Khi biết dùng những lời lẽ như thế con mới biết mình là người sống trong Chúa và Chúa sống trong con.
Xin cho con biết tha thiết sống hiệp nhất với Chúa và khao khát lắng nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm con, để ý Chúa muốn nói trở thành lời con nói, và đó chính là những lời nói gieo rắc mầm sống của ơn cứu độ mà Chúa muốn mời gọi con góp phần để xây dựng một trời mới đất mới mà Chúa đang kiến tạo cho nhân loại chúng con. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Simon Hòa Đà Lạt