Tấm Thiệp Cưới

Gởi tấm thiệp cưới báo tin là gởi cả một thay đổi vào dòng đời. Một lần lên xe hoa là bỏ lại cả một bến bờ. Mỗi tấm thiệp là chuyện thật dài của một hồn thơ:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy.

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (HÀN MẶC TỬ)

Theo chồng là ngày vui mà sao lời thơ như có vẻ nuối tiếc cuộc chơi. Phải chăng nuối tiếc vì biết có mùa xuân hôn phối đấy, nhưng giã từ đám xuân xanh, đường theo chồng có thật sự sẽ dẫn người gởi thiệp vào xuân hạnh phúc?

Mọi đám cưới đều đưa tin bằng những tấm thiệp. Thiệp cưới nào cũng giống nhau là báo tin vui. Thiệp đơn sơ vậy, nhưng tâm tình người gởi thiệp chưa hẳn là đơn sơ. Có người lên xe hoa, hồn vui như mùi thơm giấy mới của thiệp. Thế nhưng có kẻ bỏ cuộc chơi mà lòng vẫn thương bến xưa. Có người hạnh phúc náo nức bay theo cánh thiệp đưa tin. Thế những cũng có kẻ lên thuyền sang sông mà hồn không trọn theo nước xuôi thuyền. Phức tạp của người đưa thiệp là thế.

Tấm thiệp không thay đổi, sau bao năm tháng, tên hai người in trên đó vẫn cứ bên nhau. Có dôi hôn nhân ngày gởi thiệp, tên viết bên nhau, mà giờ đây mỗi người một cuối đường xa cách. Tiếng pháo nổ trong ngày cưới thật vui, nhưng cũng có những bài ca buồn về xác pháo bay. Tấm thiệp không thay đổi nhưng người sang bến sông có thể đổi thay.

Làm sao để đường theo chồng cứ hạnh phúc. Làm sao để ngưòi gởi thiệp lúc nào cũng như tấm thiệp cưới, tên cứ bên tên và tình yêu cứ bên tình yêu mãi mãi.

Nếu để giữ cho tình yêu lúc nào cũng là tin vui như tấm thiệp có là chuyện gian nan thì cũng chẳng phải là điều khó hiểu. Hai ngàn  năm trước, câu chuyện tiệc cưới Cana cho thấy tiệc chưa xong, khách chưa về đã có chuyện gian nan rồi: “Họ thiếu rượu” (Yn 2:3). Chuyện khó khăn trong hôn nhân đã xẩy đến ngay khi ngày cưới chưa qua.

Có thể thiếu rượu vì gởi nhiều thiệp quá. Mỗi tấm thiệp đều có một giá trị. Gía trị từ phía người gởi và cá phía người nhận. Người gởi thiệp đi, gởi với tâm tình gì. Người nhận thiệp, nhận với tâm tình nào. Hôm nay, không đám cưới nào mà không gởi thiệp. Ta hãy đọc lại Phúc Âm tường thuật tiệc cưới Cana để tìm thêm ý nghĩa của những tấm thiệp.

Chung quanh một ngày cưới tôi thấy có nhiều thứ thiệp. Có thiệp gởi đi vì xã giao, thiếu nó là khồn xong. Có người nhận thiệp mà không vui, miễn cưỡng mà đến dự thôi, không đến là không được. Có người đến tiệc cưới vì kẻ khác chứ không vì đôi tân hôn. Thiệp in giống nhau mà tâm tình của những tấm thiệp nhiều khi khác nhau lắm. Từ nhiều tâm tình khác ấy, tôi thấy những người đến dự tiệc cưới cũng có nhiều thái độ khác nhau. Có lời chúc mừng thương đôi bạn trẻ. Có khách so sánh đám cưới này với đám cưới nọ. Có tiếng phê bình cách tổ chức. Khác được mời là quan trọng, đôi tân hôn phải phục vụ khách chứ không phải khách đến để giúp đỡ đôi tân hôn. Vì thế, khác nào cũng muốn được tiếp đón trang trọng. Không phải mọi thiệp gởi đi đều vì tình và mọi người nhận thiệp đều đến vì thương yêu. Trong ngày hạnh phúc mà dường như đã có những vì sao đi lạc.

Đọc lại Phúc Âm về tiệc cưới ở Cana, chúng ta thấy tấm thiệp mang ý nghĩa ở cả hai phia, người gởi và người nhận. Mẹ Maria có mặt trong ngày cưới đó. Nghĩa là Mẹ cũng nhận được tấm thiệp. Chính nhờ tấm thiệp này mà ngày cưới hôm ấy xâỷ ra một biến cố rất lớn. Nếu người gởi thiệp không gởi cho Mẹ Maria thì đám cưới hôm đó sẽ ra sao.

Tuy đôi tân  hôn là trung tâm của ngàu cưới, nhưng Phúc Âm lại không nói gì về đôi tân hôn cả. Phúc Âm nói về sự thiếu thốn của đôi tân hôn.

Đối với người Do Thái, không thể quan niệm một tiệc cưới mà không có rượ. Nó tẻ nhạt không còn là tiệc cưới nữa. Vấn đề ấy là nguyên nhân có thể đem niềm vui hay một kỷ niệm buồn cho đôi tân hôn. Tìm hạnh phúc, phải chăng đó cũng chính là chủ đề các đôi hôn nhân hôm nay đang cần. Câu chuyện  thiếu rượu trong tiệc cưới Cana bắt đầu với một người khách, đó là Mẹ Maria, rồi liên quan đến các gia nhân và ông chủ sự.

Một Người Khách

Mẹ Maria được mời như một người khách, nhưng Mẹ đã không đến dự tiệc như một người khách mà như người giúp việc. Làm sao Mẹ biết họ thiếu rượu nếu Mẹ không quan sát? Chắc hẳn Mẹ là tiếng xầm xì, Mẹ thấy nỗi lo âu của những người chạy việc. Mẹ tế nhị quá. Mẹ để ý những chuyện chung quanh ngày cưới của đôi trẻ. Mẹ thương người. Mẹ biết tiệc cưới mà thiếu rượu là một kỷ niệm buồn của ngày hôn nhân. Mẹ muốn tình yêu của họ trọn vẹn. Không ai yêu cầu Mẹ giúp, Mẹ đã đến như một kẻ tự nguyện.

Sau khi Chúa làm phép cho có rượu rồi, ta không thấy nhắc đến Mẹ nữa. Mẹ rút vào thầm lặng. Tình thương của Mẹ bao dung hơn nữa khi ta để ý rằng đây là phép lạ thứ nhất Chúa làm. Nếu Chúa làm nhiều phép lạ tồi thì Mẹ Maria có lý mà xin Chúa can thiệp, điều ấy cũng dễ hiểu thôi. Đâu là phép lạ đầu tiên, điều ấy nói lên nỗi bận tâm đặc biệt của Mẹ với hạnh phúc của đôi hôn nhân.

Hạnh phúc cho đôi hôn nhân nào có những người khách như Mẹ Maria. Và cũng đẹp biết bao nếu khách được mời cũng đến tiệc cưới với tâm tình như của Mẹ.

Trong bóng dáng của Mẹ ở tiệc cưới, hình ảnh Mẹ vừa là ý nghĩa cho người gởi thiệp đi  biết chọn người mà gởi, vừa là ý nghĩa cho người nhận thiệp biết đến dự tiệc với tâm tình nào.

Ông Quản Tiệc

Có người quản tiệc, chứng tỏ đám cưới này cũng có chuẩn bị chu đáo.  Họ đặt một người quản tiệc để  lo mọi công việc trong tiệc mừng. Nhưng mỉa mai thay là có quản tiệc mà thiếu rượu. Và câu nói của ông ta “rượu ngon này bởi đâu mà có?” âm vang lên một cung điệu thiếu  trách nhiệm của ông. Rượu hết ông không biết, có rượu  mới ông cũng không hay. Vậy đâu là bổn phận của ông? Có đáng buồn cho đôi tân hôn là họ đã tin cậy và phó thác lầm người?

Trong ý nghĩa đời sống thiêng liêng, ông quản tiệc là hình bóng dấp dáng hàng ngày trong hạnh phúc hôn nhân của nhiều gia đình. Có khi nào thay vì nương nhờ nơi Chúa thì họ lại đi tìm và gởi gắm hạnh phúc gia đình trong tay những thế lực khác? Phải chăng ông quản tiệc là hình ảnh của những thế lực như người đời, của cải, tiếng tăm, quyền thế. Những thế lực  mà ta ngỡ rằng sẽ là nguyên nhân an toàn mang lại hạnh phúc.

Các Gia Nhân

Trong tiệc cưới này có những suy nghĩ dường như nghịch lý. Các vai trò chung quanh đôi tân hôn là chủ đề chứ không phải chính đôi tân hôn. Những người giúp việc là những người được chứng kiến phép lạ đầu tiên. Đặc ân đặc biệt này không dành cho gia chủ, mà cho người rất tầm thường. Lý do đơn giản là họ đã kín nước. Trong thái độ kín nước, các gia nhân có hai điểm, thứ nhất là họ đã nghe lời Mẹ Maria chuẩn bị cho họ: “Chúa bảo gì thì làm thế” (Yn 2:5). Đặc điểm khác là họ kín nước đầy tới miệng chum chứ không kín nửa vời. Với tâm tình phục vụ thành thực, Chúa đã dành đặc ân được chứng kiến phép lạ đầu tiên ấy cho họ. Phục vụ là hương thơm. Bất cứ ai phục vụ đều được hương thơm ấy lưu lại với chính họ.

Lạy Mẹ Maria, soi mình trong tiệc cưới Cana, chúng con cần gởi thiệp cưới cho Mẹ. Chúng con muốn Mẹ ở trong tiệc cưới của chúng con mỗi ngày. Những tấm thiệp chúng con gời cho người đời rồi sẽ quên. Những chuẩn bị cho hạnh phúc hôn nhân của chúng con nhiều khi rất lầm. Chúng con chuẩn bị sai. Sáu chum bằng đá đựng nước để rửa chân tay thì con đầy mà rượu thì thiếu. Cái phụ thì dư mà cái chính thì không có. Phải chăng đấy cũng là hình ảnh đời sống thiêng liêng trong gia đình chúng con. Rượu ơn thánh trong gia đình cbhúng con còn bao nhiêu? Chúng con không biết rõ. Có khi cạn rồi mà chúng con không hay. Có khi nào chúng con phân vân, bàn tính với nhau về tình trạng rượu thiêng liêng trong hạnh phúc hôn nhân không? Những chum bằng đá đựng nước, những phụ thuộc thì chúng con biết rõ lắm. Nó là nhà cửa, xe cộ, quần áo, nữa trang, sắc đẹp… Phải chăng nhiều đổ vỡ hôn nhân hôm nay là dấu chứng chúng con cần suy niệm kỹ hơn về sự lo âu của chúng con: Chúng con lo âu về những chum đựng nước phụ thuộc hay là rượu ơn thánh?

Những tấm thiệp gởi đi, tấm thiệp gởi Mẹ phải là tấm thiệp tha thiết nhất. Nếu đôi tân hôn Cana không gởi thiệp cho Mẹ thì tiệc cưới ấy thiệt thòi biết bao.

Chúng con muốn Mẹ ở mãi trong gia đình chúng con để nhắc nhở chúng con về tình trạng rượu ơn thánh trong gia đình còn bao nhiêu, nhiều hay hết. Chúng con ưa tìm những chum đá đựng nước và coi như bảo đảm hạnh phúc hôn nhân. Nhiều gia đình đổ vỡ vì lầm lẫn ấy.

Xin Mẹ chuẩn bị cho chúng làm theo ý Chúa như Mẹ chuẩn bị cho các gia  nhân kín nước đầy chum. Và, nhất là chuẩn bị cho chúng con sống theo ý Chúa để chúng con được hạnh phúc sau cùng là gặp gỡ nhau trên quê trời.

 LM Nguyễn Tầm Thường, SJ

Chia sẻ Bài này:

Related posts