Chúng ta đang chết một cái chết không đột ngột nhưng dần dần và phải nói là ‘tức tưởi’.
Con người với bản năng sinh tồn vốn có cộng với lòng tham của bản chất khiến cho chúng ta yêu và muốn níu kéo cuộc sống này hơn bao giờ hết. Điều này càng khó xảy ra với Việt Nam hơn khi mà nước ta với GDP ở top trên 100 nhưng chỉ số hạnh phúc là nhất, nhì thế giới. Vậy chúng ta được gì và mất gì với cuộc sống mà ta đang nắm giữ? Xin lý giải tại sao tôi – một người cực kỳ bình thường về tâm lý và thể trạng sức khỏe lại mong ngày tận thế đến như vậy.
Nền kinh tế kỹ trị tăng trưởng theo hình xoắn ốc với tốc độ nhanh chưa từng có và kéo theo nó cũng là sự xuống dốc trầm trọng về văn hóa, đạo đức và lối sống. Và vô vàn các ví dụ khác, những tiên đoán của các nhà khoa học về cái giá phải trả của sự phát triển giờ đã thành sự thật.
Sự phân hóa giai cấp đang tăng dần bất kể nước giàu hay nghèo, miễn ở đâu có quyền lực, ở đó có bất bình đẳng. Và khi áp lực đó gia tăng nhờ sự đè nén và chèn ép quy luật của tự nhiên, con người trở nên man rợ chưa từng thấy. Khoan hãy nói về vấn đề văn hóa, tôi sẽ đưa ra ví dụ để cho thấy loài người man rợ như thế nào. Loài nhện là một trong những loài hiếm hoi mà xảy ra hiện tượng ăn thịt đồng loại, con cái ăn thịt con đực nhưng thay vào đó là sự ra đời của những lứa đời sau khỏe mạnh hơn.
Con người thì khác, họ tranh giành nhau từng mảnh đất, bờ cõi phục vụ cho những mưu đồ chính trị, phát triển những ngành nghiên cứu khoa học vượt thời đại về chất xám để rồi phục vụ cho y học thì ít mà cho chiến tranh thì nhiều. Với số lượng bom nguyên tử mà các quốc gia hiện đang nắm giữ có uy lực phá hủy 6 lần trái đất. Vậy cuộc sống chúng ta có phải quá mong manh như ngàn cân treo sợi tóc, như ngọn đèn hắt hiu trước gió hay không khi mà chỉ cần một bộ não của một kẻ uy quyền nào đó đang thiếu hụt năng nề tính nhân bản có thể “bấm bút” và “bùm”. Cát bụi sẽ trở về với cát bụi. Hiroshima hay Nagashaki sẽ không còn là nhân chứng sống duy nhất nữa mà biết đâu đấy, chúng ta không còn cơ hội để nhìn thấy nhân chứng thứ hai. Đến lúc đó, cuộc sống phỏng còn có ích chi?
Nếu bạn đã đọc Lá thư được viết vào năm 2070 của cựu thủ tướng Ấn Độ thì bạn sẽ phải sửng sốt về những điều thực sự nói không ngoa chút nào. “Mọi người trông như những bóng ma: thân thể họ lờ đờ vì yếu đuối, nứt nẻ vì thiếu nước trầm trọng và bị lở loét vì ung thư da do bầu khí quyển không còn khả năng ngăn chặn tia tử ngoại khi tầng ozone bị phá hủy”. Nếu như bạn là người hay xem phim, hãy bỏ thời gian cho hai bộ phim là Thần rừng Lorax và In time. Khi mà nguồn tài nguyên quý giá nhất của con người là nước, không khí, thậm chí cả những thứ vô hình như thời gian cũng khan hiếm thì người ta sẽ sẵn sàng bằng mọi giá để giành giật lấy nó như giành giật lấy sự sống này vậy.
Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ về môi trường sống của chúng ta sẽ bị hủy hoại như thế nào, thực chất, điều bị hủy hoại mà tôi muốn nói ở đây là đạo đức, là văn hóa, là nhân phẩm con người. Không biết tự cái thuở nào con người vẫn còn sinh ra trong cái nôi gia đình với “Nhân chi sơ tính bản thiện” vậy mà giờ đây được nền văn minh nhào nặn để trở nên tham lam và vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân xâm chiếm lợi ích cộng đồng, tài nguyên bị bòn rút để tập trung vào tay một số kẻ có quyền lực.
Văn hóa du nhập, lai căng, những nét đẹp dân tộc giờ đây bị coi là cổ hủ và lạc hậu, nhường chỗ cho ngành truyền thông và quảng cáo. Chúng ta đang chết một cái chết không đột ngột nhưng dần dần và phải nói là “tức tưởi”. Đó mới là cái chết đau đớn biết bao.
Chắc bạn đã nghe câu chuyện về cái cây ở bệnh viện phụ sản không thể chặt được với lý do có quá nhiều linh hồn nhỏ bé trú ngụ trên đó. Về thực chất câu chuyện đúng sai, duy tâm duy vật thế nào tôi không biết, chỉ có điều, một thực trạng trông thấy là những linh hồn đang vất vưởng ngoài kia là những hài nhi chưa thành hình, là sản phẩm của những phút nông nổi của giới trẻ, là kết quả của sự pha tạp văn hóa, hoặc những “giờ dạy con” của các bậc cha mẹ đã bị đánh cắp bởi cuộc đua tiền bạc dẫn đến sự vô định hướng của giới trẻ.
Khi mà con người ta lấy thước đo giá trị làm chuẩn mực để đánh giá một con người thì dường như mọi thứ bị đảo lộn, một thực tại không thể chối cãi được. Ở một quốc gia mà nhà nghỉ, khách sạn, nhà tù, phòng khám tư phá thai nhiều hơn cả trường học, bệnh viện cho người nghèo thì thử hỏi các bậc cha mẹ làm sao không khỏi đau đầu? 10 năm nữa liệu Việt Nam có còn coi “Mỗi đứa con là một món quà của trời cho” nữa không hay khi đó, việc duy trì nòi giống cần phải có sự can thiệp khuyến khích từ chính phủ.
Đi đến đây, tôi, bạn và chúng ta đã nhìn thấy những vết thủng lỗ chỗ trên nền văn minh đương đại, chúng ta có thể làm gì, nói gì nữa đây. Nếu bạn không phải là người nhạy cảm thì xin hãy cứ hát lên khúc ca của riêng mình và sống một cuộc sống như thể ngày mai là tận thế, còn nếu bạn giống tôi – người suốt ngày suy nghĩ thì hãy ngồi và cầu nguyện (hoặc thiền) cho một sự thay đổi cực lớn của nhân loại. Có thể là kết thúc của một hoàng hôn nhưng sẽ là bắt đầu của một bình minh. Tận thế ơi là tận thế!
Sưu tầm