Kính thưa qúi thính giả, mục Sống Sao Cho Đẹp tiếp tục gời đến quí vị đề tài: Tha Thứ Hòa Giải.
Thánh Clêmentê Hofbauer nổi tiếng là một người nóng tính. Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nỗi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Nếu bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại và khiêm tốn, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: “Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa của các trẻ mồ côi đâu?” Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi. Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục và lòng khiêm tốn để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: “Một câu nhịn bằng chín câu lành.”
* * *
Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bạo động cho bằng lòng tha thứ. Bởi vì dù cho khí giới có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy những ranh giới cái tôi cổ hữu của con người.
Kính thưa quí vị và các bạn. Cái dũng của thánh nhân chính là biết tha thứ cho những ai đối xử không tốt với mình, và ngay cả khi họ có ý hãm hại mình. Vậy sức mạnh nào mà những con người trần mắt thịt như chúng ta đây có thể thực hiện được điều đó? Đó chính là lòng khiêm tốn.
Sự khiêm tốn được cho là đức tính căn bản trong quá trình học làm người, đặc biệt là học biết tha thứ. Chính sự khiêm tốn nhắc nhở chúng ta về thân phận thật sự của con người: Nay còn mai mất. Sự khiêm tốn cũng dạy cho chúng ta biết giá trị thật của con người không phải ở chỗ ai hơn ai thua, nhưng là sống làm sao cho đẹp tình người.
Trận động đất tại Haiti hôm ngày 12 tháng giêng năm 2010 cho chúng ta thấy về sự thật của thân phận con người. Vậy nếu thân phận con người vốn mong manh như hoa cỏ, thì hơn thua nhau điều gì mà không làm hòa với nhau, không tha thứ cho nhau? Tác giả Ann Shields trong cuốn sách Tại Sao Phải Tha Thứ, nêu lên sự thật rằng: “Thảm họa và tai ương sẽ làm cho đầu gối chúng ta mềm ra và quì xuống.” Nhưng thật không may, có những con người khi quì xuống để nói lời xin lỗi với người thân mình, thì người thân mình đã vĩnh viễn ra đi. Những lời xin lỗi muộn màng đối với những người đã khuất không những không mang lại ý nghĩa gì, nhưng còn để lại những vết thương khó được chữa lành cho chính mình trong suốt cuộc đời.
Bạn thân mến, nếu hôm nay bạn không biết nói lời xin lỗi với người thân của mình, thì bạn còn đợi đến bao giờ? Liệu rằng ngày mai bạn có còn cơ hội để nói hai tiếng xin lỗi?
Thưa bạn, Tha thứ không phải là chịu thua kẻ đối đầu, nhưng chiến thắng-chiến thắng chính mình.
Br. Huynquảng