Trong lớp thần học dành cho giáo dân ( ? ) của đức cha Phê rô Nguyễn Văn Khảm có giáo lý viên nêu thắc mắc của một em thiếu nhi do anh phụ trách rằng: Ai tạo ra ĐCT và anh trả lời ĐCT là Đấng Tự Hữu không do ai tạo nên thì em ấy có vẻ không hài lòng. Trước thắc mắc của em thiếu nhi này, đức cha Phê rô nói: Nghe qua tưởng…dễ nhưng thật ra rất khó. Lý do bởi vì nếu có…ai tạo ra ĐCT thì đó không còn là Đấng Tạo Hóa nữa!
Theo kinh nghiệm mục vụ của đức cha thì giảng cho thiếu nhi để các em có thể…nghe được là điều không dễ chút nào. Bởi vì các em chỉ có thể tiếp thu những gì cụ thể qua những câu chuyện đời thường. Đang khi đó nói về một vấn đề hết sức trừu tượng như Đấng Tạo Hóa, hơn nữa …ai tạo ra Đấng ấy thì ngay đến những nhà thần học có lẽ cũng phải…bó tay ?
Thật vậy, vấn đề Đấng Tạo Hóa là một nan đề xưa nay của thần học, hầu như không thể giải quyết. Tuy nhiên thắc mắc Đấng Tạo Hóa là Đấng nào không phải mãi đến nay mới được nêu lên nhưng từ ngàn xưa chính tiên tri Mai Sen có lần cũng đã hỏi thẳng Đức Chúa Giê hova trước khi lãnh đạo cuộc Vượt Qua của dân Do Thái:
“ Mai Sen thưa cùng ĐCT rằng: Này tôi sẽ đi đến với dân Itsraen nói cùng họ rằng ĐCT của tổ phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi nhưng nếu họ hỏi tên Ngài là chi thì tôi biết nói với họ làm sao ? ĐCT phán rằng Ta là Đấng Hằng Hữu Tự Hữu rồi Ngài lại phán: Hãy nói cho dân Itsraen như vầy: Đấng Hằng Hữu đã sai ta đến cùng các ngươi” ( Xh 3, 13 -14 ).
Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu Tự Hữu đó là chân lý minh nhiên đã được mạc khải, thiết tưởng không có chi cần đặt lại ? Thế nhưng, đây là vấn đề hết sức nan giải có liên quan đến nguyên ủy của vũ trụ vạn vật nói chung và con người nói riêng. Cái nhà không thể tự nó có mà phải có người nào đó làm ra. Con cái không thể tự mình có mà phải do cha mẹ sinh ra. Cha mẹ có là do ông bà sinh ra. Ông bà có là do các cụ, kỵ sinh ra. Cụ kỵ là do nguyên tổ A Dong, Eva sinh ra và đến lượt A Dong, Eva là do Đấng Tạo Hóa sinh ra…
Tất cả đều phải có nguyên nhân nhưng lại…kết thúc ở Đấng Tạo Hóa không do một nguyên nhân nào sinh ra ? Đây là điều không những khó hiểu mà còn không thể chấp nhận. Tại sao ? Bởi vì cái gọi là…chuỗi nguyên nhân ấy chỉ xảy ra trong thế giới hữu hình cũng gọi là hiện tượng giới. Đang khi đó Đấng Tạo Hóa dù được gọi là Đệ Nhất Nguyên Nhân đi chăng nữa thì dĩ nhiên cũng vẫn còn thuộc hiện tượng giới có nghĩa vẫn còn trong sự biến đổi, sinh diệt !
Tìm cho biết nguyên nhân tác tạo vũ trụ vạn vật, đó là toàn bộ nỗ lực của triết/thần từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến nay. Nguyên nhân tác tạo vũ trụ ấy triết Hy Lạp cho đó là Nguyên Chất Sơ Bản. Với Thales ( 624 – 546 ) Nguyên Chất Sơ Bản ấy được cho là Nước. Với Anaximen ( 595 – 484 ) là Khí. Với Heraclite ( 544 – 484 ) là Lửa và đây cũng chính là Logos hiểu như là Lý Tính.
Quan niệm Logos của triết Hy Lạp ảnh hưởng sâu đậm trong thần học và cũng do nơi ảnh hưởng ấy qua Philon Le Juip, một triết gia Do Thái cổ thời mà đã hình thành nên quan niệm Đấng Tạo Hóa.
Như vậy Đấng Tạo Hóa trước sau vẫn chỉ là một quan niệm thần học và quan niệm ấy hoàn toàn chẳng có liên hệ gì với Đấng Thiên Chúa Hằng Hữu Tự Hữu (( Ego sum qui sum – Xh 3, 14 ) đã được mạc khải cho tiên tri Mai Sen cũng như cho toàn thể Dân Chúa.
Giữa Thiên Chúa của thực tại và Thiên Chúa của quan niệm có sự khác biệt triệt để thế này. Một đàng Thiên Chúa của thực tại là Đấng nhờ Ngài mà chúng ta được sống: “ ĐCT của Apraham, của Isaac, của Gia Cop. Ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ). Một đàng Thiên Chúa của quan niệm là của kẻ chết bởi lẽ không ai có thể sống bằng các quan niệm. Có quan niệm về một triệu USD cũng chẳng có giá trị gì so với chỉ một triệu đồng tiền VN có trong túi.
Không ai sống bằng các quan niệm và cũng chính bởi đó không ai lại có thể có đức tin và sống đức tin ấy với quan niệm Đấng Tạo Hóa của thần học. Đang khi đó Đạo Chúa là Đạo Đức Tin: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây” ( Rm 10, 8 ).
Đạo Đức Tin đây là tin sự hiện hữu của Thiên Chúa ở nơi mình và cũng chỉ trong đức tin ấy, việc sống đạo của chúng ta mới trở nên có ý nghĩa. Ngược lại thì không. Đức Ki Tô nói với người đàn bà xứ Samari: “ Hãy tin Ta, giờ đến các ngươi thờ lạy Cha chẳng tại trên núi này cũng chẳng tại Giêrusalem. Các ngươi thờ lạy điều các ngươi không biết. Còn chúng ta thờ lạy điều chúng ta biết vì sự cứu rỗi đến từ dân Do Thái. Nhưng giờ sắp đến và nay đã đến rồi. Khi kẻ thờ lạy thật thì hãy lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy Cha vì Cha vẫn tìm kiếm người dường ấy để thờ lạy Ngài. ĐCT là thần khí, vậy nên ai thờ lạy Ngài thì cần lấy tâm tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy” ( Ga 4, 21 -24 ).
Chẳng những con người cần tìm kiếm mà chính Thiên Chúa cũng tìm những kẻ thờ lạy Ngài cách chân thật. Lý do là bởi Thiên Chúa là Đấng Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ). Sự ẩn giấu của Thiên Chúa chỉ có thể là…ẩn ở nơi sâu kín của tâm hồn. Thánh Augustino nói: “ Thiên Chúa còn thẳm sâu hơn chính thẳm cung linh hồn” ( Deus intimior intimo meo ).
Thiên Chúa sâu thẳm hơn thẳm cung linh hồn. Vậy Thiên Chúa đó là gì nếu không phải là Chân Tâm Thường Trú ở nơi mỗi người ? Nói Chân Tâm bởi vì nó là cái Tâm chân thật không biến đổi, bất sinh bất diệt. Trái với Vọng Tâm là cái tâm vọng chấp, biến đổi sanh diệt.
Chân Tâm là Bản Thể còn Vọng Tâm là tướng dụng, tuy khác biệt nhau nhưng lại không ở ngoài nhau. Vọng Tâm ví như các thứ hình tướng của bàn, ghế, giường, tủ v.v…Không có gỗ, sắt thì bàn, ghế, giường, tủ v.v…không thể được làm ra. Lại nữa, Chân Tâm ví như Nước còn Vọng tâm như sóng. Xét về hình tướng thì sóng không phải là nước vì có sóng lớn, sóng nhỏ, sóng thần, sóng lăn tăn…Nhưng xét về Bản Thể thì sóng không khác với nước mà chính là nước.
Bản Thể Chân Tâm đây chính là Tánh Biết. Còn Vọng Tâm là những cái cảm biết. Tánh Biết thì không sinh diệt biến đổi còn cảm biết thì có biến đổi sinh diệt. Tất cả có sáu loại cảm biết do phân biệt mà có đó là:
Mắt thấy vật sanh các thứ cảm biết: Biết vuông, tròn, dài, vắn, màu sắc xanh đỏ tím vàng…
Tai nghe tiếng động sanh các thứ cảm biết: Biết âm thanh trầm bổng, thanh, thô….
Mũi ngửi mùi sanh các thứ cảm biết: Biết thơm, biết thúi…
Lưỡi nếm vị sanh các thứ cảm biết: Biết cay, chua, mặn, ngọt…
Thân đụng chạm sanh các thứ cảm biết: Biết cứng, biết mềm….
Ý là cái biết của tư tưởng sanh các thứ cảm biết ( Thức ). Biết thuận nghịch, trái phải, tốt, xấu, thiện ác …
Hết thảy phàm phu không ai lại không sống với Vọng Tâm tức sống với những cảm biết và ý riêng để rồi …quên mất Bản Thể Chân Tâm là Tánh Biết chưa bao giờ rời xa mình dù chỉ trong phút giây.
Tánh Biết ấy Phật giáo gọi là Giác Tánh. Đức Phật được gọi là Giác Giả bởi vì Ngài đã giác ngộ ( thấu triệt ) được Tánh Biết ở nơi chính mình. Còn Đạo Chúa thì Tánh Biết ấy chính là Đấng Cha do Đức Ki Tô mạc khải: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và người nào Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha cũng không ngoài mục đích để cho ta được…Nhớ đến Ngài. Ta có…nhớ Chúa thì Chúa mới…nhớ đến ta. Cái lẽ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu ấy, tuy vậy lại rất khó thực hiện trong đời sống. Lý do bởi vì Thiên Chúa hiểu như là Tánh Biết ấy là một Thực tại không những giác quan không thể cảm nhận mà lý trí cũng chẳng thể suy thấu.
Đối với Thiên Chúa thì không thể…suy, suy tư về Thiên Chúa mà mong gặp được thì cũng ví như thể việc trèo cây tìm cá ( Duyên mộc cầu ngư ) sao có thể gặp ?
Dẫu vậy vẫn có nhiều phương thế khác nhau để gặp gỡ ( Ngộ Nhập ) với Thiên Chúa nhưng tất cả cũng không ngoài việc…Nhớ tức là tỉnh thức. Cầu nguyện thì phải xoay cái Tâm vào bên trong mà cầu: “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín, đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ).
Phòng kín đây ám chỉ cho nội tâm. Còn đóng kín cửa lại tức phải thu thúc lục căn đừng cho nó mặc tình phóng túng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật. Tìm kiếm trong sự kiên trì tỉnh thức, đó là dấu chứng Tình Yêu của ta đối với Thiên Chúa và như thế nhờ Đức Ki Tô Trung Gian, chắc chắn sẽ gặp được Ngài, bởi lẽ ta tìm Chúa và Chúa cũng không ngừng tìm ta ( Ga 4, 23 )./.
Phùng Văn Hóa