Thánh Kinh thường dùng từ ngữ “thử thách” theo nghĩa là tìm cách biết được thực thể thật của một người như thế nào, mặc cho bên ngoài người đó có thế nào đi nữa. Theo nghĩa này, Thánh Kinh kể lại nhiều trường hợp Thiên Chúa thử thách con người để xem lòng dạ thật của con người đối với Ngài như thế nào. Ngài thử thách con người để thanh luyện và ban cho con người sự sống.
Trong Thánh Kinh có hai trường hợp nổi bật nhất về sự thử thách của Thiên Chúa: trường hợp thứ nhất là việc Thiên Chúa thử thách ông Abraham khi ra lệnh cho ông đem con một mình là Isaac lên núi tế lễ Ngài. Trước khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa, Ngài muốn con người tin tưởng phó thác vào Ngài, muốn con người huấn luyện ý chí của mình tùng phục thánh ý Ngài.
Trường hợp thứ hai được kể lại trong sách ông Gióp, Thiên Chúa đã dùng sự đau khổ, hoạn nạn để thử thách lòng tin của ông Gióp. Thiên Chúa cho phép những đau khổ, hoạn nạn xảy ra để thanh luyện lòng tin của con người đối với Ngài.
Nơi sách Judic (Jdt 8,25…), bà Judic đã khuyến khích những bậc kỳ mục trong dân Israel hãy cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã thử luyện họ như đã thử luyện cha ông họ. Bà nói lên một nguyên tắc căn bản cho đời sống thiêng liêng của những ai tin tưởng vào Giavê Thiên Chúa, đó là Thiên Chúa càng gần gũi ai thì Ngài càng thử thách người đó. Thử thách là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trong những phút suy niệm này, chúng ta đọc và suy niệm Thánh Vịnh (Ps 10), chúng ta nhìn thấy dường như tác giả của nó đã bị Thiên Chúa thử thách về lòng tin. Tác giả như đang quan sát sự vắng mặt của Thiên Chúa trong cuộc sống, Thiên Chúa để cho kẻ ác tung hoành xúc phạm đến người công chính mà không can thiệp. Tác giả đã mô tả sự vắng mặt của Thiên Chúa trong cuộc sống với những lời như sau:
“Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa,
Ngày khốn quẫn sao Ngài đành ẩn mặt.
Kẻ ác kiêu căng đuổi bắt người nghèo khổ,
họ mắc phải mưu mô bày ra,
kẻ ác khoe khoang tham vọng của mình,
bóc lột người khác,
xúc phạm khinh thường Thiên Chúa,
kẻ ác dám ngông nghênh bảo rằng,
Thiên Chúa chẳng phạt,
vì chẳng có Thiên Chúa đâu” (Ps 10,1-4).
Người ác mưu mô hại người mà vẫn sống ung dung không ai dám đụng tới. Xem ra Thiên Chúa cũng im lặng không can thiệp, không bênh vực kẻ bị xúc phạm một cách bất công. Trước tình trạng như vậy, con người có thể bị cám dỗ nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Tuy nhiên, tác giả Thánh Vịnh thứ 10 không đi vào con đường nổi loạn hay trách móc Thiên Chúa, mà vươn lên Ngài một cách tha thiết hơn nữa qua lời cầu nguyện đầy tín thác như sau:
“Lạy Chúa, xin đứng dậy ra tay,
xin đừng quên những người nghèo khổ,
xin dập tan thế lực người gian ác,
xin trị tội nó để không còn ai thấy nó nữa.
Lạy Chúa,
Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn,
Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ để bênh vực kẻ mồ côi và người bị áp bức”.
Thái độ của tác giả Thánh Vịnh thứ 10 trước những thử thách nêu gương cho chúng ta, trong ý định Thiên Chúa muốn nâng con người lên, muốn thần thiêng hóa con người trong Chúa Kitô, thì những thử thách là điều không thể tránh được. Thử thách là yếu tố làm cho Ðức Tin, Ðức Cậy và Ðức Mến của người đồ đệ Chúa được trưởng thành.
Ước chi những thử thách Thiên Chúa cho phép xảy ra trong cuộc sống không làm cho chúng ta xa Chúa, mà lại thôi thúc ta chạy đến với Ngài nhiều hơn nữa, tin tưởng vào Ngài một cách chân thành và mạnh mẽ hơn nữa. Ðây cũng là ý muốn của Chúa Giêsu Kitô khi Ngài dạy các đồ đệ cầu nguyện luôn để đừng ngã lòng.
Lạy Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, xin đừng để chúng con ngã quị trong thử thách nhưng xin hãy cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.
R. Veritas