Cứu cánh của việc tìm kiếm là để kết hợp với Đấng Cha trong chính mình. Phần thưởng ấy chỉ dành cho những ai thực sự khao khát nó và sau khi đã vượt qua được tất cả những trở ngại cần phải vượt “ Phúc cho ai đói khát sự công chính bởi họ là những kẻ được no đầy. Khi ươc nguyện của con càng rạo rực bao nhiêu thì con càng toại nguyện bấy nhiêu, bởi c on cứ tìm kiếm, tìm kiếm hoài lời giải đáp và không thể thỏa mãn khi con chưa tìm ra nó. Con sẽ cương quyết kiên nhẫn chịu đựng và bền bỉ đem hết tâm lực ra dể thực hiện cho kỳ được điều mà c on mong ước suốt cuộc đời tâm linh của mình. Đó là thực hiện hợp nhất của c on với Cha” ( Aileen Caddy Sđd ngày 4 tháng 7 ).
Nếu tôn giáo chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta còn theo đuổi việc tìm kiếm Thiên Chúa thì việc tìm kiếm ấy phải nhắm đến mục đích tối thượng là được kết hợp với Ngài. Chẳng có chi vô lý cho bằng một mặt người ta cứ tiếp tục tìm kiếm một mặt lại không mong muốn gặp gỡ ? Như vậy giữa sự tìm kiếm và mong muốn kết hợp đều có sự liên quan tương hợp với nhau. Không thể có sự kết hợp nếu không tìm kiếm và ngược lại khi chẳng có nhu cầu kết hợp thì cũng chẳng cần tìm kiếm và như vậy sự tìm kiếm trong tôn giáo trở thành vô nghĩa.
Thời đại ngày nay sở dĩ chẳng ai còn tìm kiếm vì người ta không những không có nhu cầu kết hợp với siêu nhiên mà còn khước từ nó. Làm sao có thể kết hợp bởi thế giới này đã được mệnh danh là thế giới …không cha ( Societe sans pere ). Nhiều nhà thần học bây giờ rất ngại ngần khi đề cập đến Thiên Chúa dưới hình ảnh một người Cha. Do đâu mà có hiện tượng này ? Đó là vì họ không có cách nào đáp trả được những phê phán của các loại triết học chẳng hạn Sigmund Freud ( Phân tâm học ) thì Người Cha chỉ là sản phẩm của ảo vọng muốn được che chở tuyệt đối cũng như từ mặc cảm Oedipe, có nghĩa từ ý thức về nhu cầu được tha thứ. Hoặc K. Mác cho rằng tôn gia1o hướng về Người Cha trên trời là một thứ suy tôn làm cho con người bị vong thân triệt để. Hoặc F. Nietzche cho rằng Thiên Chúa là sản phẩm mơ hồ của sự phóng dọi vô ích những ước vọng của con người v.v…
Những phê phán ấy thật nặng nề chứng tỏ các loại triết học vô thần chẳng hề biết một chút gì đời sống tâm linh của con người ( cố nhiên ). Điều này dẫn đến việc các giá trị tin h thần cứ thay nhau phá sản là điều không thể tránh. Trách nhiệm gây ra sự phá sản ấy phần quan trọng không kém là ở nơi thần học, một nền thần học từ bấy lâu nay chỉ biết cắm cúi ..nghiên cứu để rồi định ra những khái niệm chết cứng về Thiên Chúa. Đấng Cha được nói đến trong Kinh Thánh hoặc theo quan niệm bình dân đã gắn liền với hình ảnh người gia trưởng trong chế độ phụ hệ, quyết định mọi sự một cách độc đoán hoặc mang tính triết học cho Đấng Cha ấy là Đấng Tạo Hóa, là Đệ Nhất Động Cơ là Hữu Thể Tuyệt Đối v.v..
Đấng Cha của cả hai quan niệm này đều không dính dáng chi tới mạc khải của Đức Ki Tô bởi chưng đó chỉ là những ý niệm mà người ta có về Thiên Chúa chứ không phải chính Thiên Chúa của thực tại Ngài Là ( Ego sum qui sum ). Với Đấng Thiên Chúa của thực tại thì chỉ có Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn cho biết mới biết còn thế gian thì không “ Thế gian không thể nhận biết vì chẳng thấy Ngài cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” ( Ga 14, 17 -18 ).
Tại sao Thiên Chúa vẫn ở với và hơn nữa còn …ở trong tâm hồn mỗi người mà thế gian lại chẳng thấy chẳng biết ? Ấy bởi vì con người cứ mãi tìm kiếm hưởng thụ giác quan còn lý trí thì cứ hướng ra bên ngoài để tìm cầu. Với giác quan thì Thượng Đế của nó là những thần tượng ma môn đủ thứ. Còn với lý trí thì đó là thứ Thiên Chúa siêu việt hoàn toàn cách biệt khỏi con người. Tôn giáo một khi đã sa đà vào các hình thức đam mê thờ cúng ngẫu tượng thì nó sẽ khiến cho con người dễ dàng trở nên sa đọa bạc nhược. Còn nếu hướng về đối tượng siêu việt ngoại tại tất không khỏi bị vong thân đánh mất mình.
Việc xưng tụng Thiên Chúa là Cha không phải chỉ có ở nơi Đức Ki Tô trong Kinh Thánh Tân Ước mà ngay cả Cựu Ước cũng rất nhiều “ Hết thảy chúng ta chẳng phải là co chung một Cha hay sao ?” ( Ml 2, 10 ).
Chẳng những nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, Kinh Thánh Cựu Ước còn cho Thiên Chúa là …chồng khi tiên báo về Giao Ước mới thế này “ Này những ngày đến, bấy giờ Ta sẽ lập một Giao Ước mới với Itsraen và với nhà Giu Đa. Giao Ước này Ta sẽ không theo Giao Ước mà Ta đã kết hôn với tổ phụ chúng nó trong ngày Ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ai Cập tức Giao Ước mà chúng đã phá đi, dẫu rằng Ta là chồng chúng nó” ( Jr 31, 31 -32 ).
Thiên Chúa từ là…chồng trong Cựu Ước đến là Cha trong Tân Ước đã có một bước gần gũi đáng kể. Thế nhưng cả hai tính chất ấy chỉ để sửa soạn cho một cứu cánh tối hậu, đó là nên một với nhau. Giữa chồng và vợ dẫu sao cũng vẫn không cùng một huyết tộc. Giữa cha và con tuy cùng máu mủ ruột thịt nhưng vẫn là hai chưa phải là một. Chỉ có nên một mới ở trong nhau.
Mục đích rốt ráo mạc khải của Đức Ki Tô là để cho ta có thể nên một với Thiên Chúa. Tuy nhiên để có thể thực hiện việc….nên một này trước hết cần phải nhận biết và phụng thờ Ngài như là Đấng Cha. Trong nhiều thế kỷ do ảnh hưởng của thần học Kinh Viện bởi đó Thiên Chúa đã trở nên hoàn toàn xa cách ngoại lai chẳng hề có chút liên hệ chi với con người và với cuộc sống. Chính bởi lầm lẫn này mà Giáo Hội đã tự làm mất đi vai trò hướng dẫn tâm linh cho nhân loại của mình. Giờ đây để có thể trở lại với sứ mệnh cao cả mà Đức Ki Tô đã trao ( Mc 16, 16 )thì nhất định là phải trở lại với mạc khải của Đức Ki Tô bằng cách chấp nhận một Đấng Thiên Chúa nội tại ở trong ta “ Con hãy chấp nhận trở nên một với tất cả những gì đang sống. Hãy chấp nhận nên một với Cha. Con đừng nhút nhát lẩn tránh. Chẳng lẽ con lại cảm thấy mình không xứng đáng chấp nhận sự hợp nhất của chúng ta. Cảm nghĩ mình không xứng đáng đó là cái phân chia chúng con khỏi Cha là Tạo Hóa của chúng con. Từ quá khứ xa xưa người ta đã nói với con người rằng họ là những kẻ tội lỗi khốn khổ và họ không đáng được song hành và nói chuyện với Cha. Từ quá xa xưa họ tự tách rời khỏi Cha cho đến nỗi không còn nhận ra Cha nữa. Không còn biết rằng Cha đang ở trong họ. Con hãy loại bỏ dứt khoát khỏi những quan niệm sai lầm đó về Cha. Cha là Tình yêu, Cha đang ở trong con, con hãy chấp nhận sự hợp nhất của chúng ta với niềm vui sướng. Hãy chấp nhận nó như một em bé và đừng mất thì giờ và nghị lực để hiểu điều đó bằng cái đầu” ( Aileen Caddy Sđd ngày 3 tháng 11 ).
Hiểu bằng cái đầu tức là hiểu bằng lý trí, đây là cái khả năng phán đoán của con người. Khả năng này rất ư cần thiết cho đời sống thực dụng nhưng lại là một trở ngại ghê gớm đối với đời sống tâm linh. Cùng một lẽ ấy với Đấng Thiên Chúa là Cha thì cần phải đi theo Con Đường Thơ Ấu chúng ta mới có thể sà vào lòng Người Cha như trong dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng được ( Lc 15, 20 -22 ). Sà vào lòng có nghĩa là đã nên một với nhau. Giữa Cha và con đã có sự hiệp nhất hoàn toàn chẳng còn có chi phân cách nữa. Đây chính là cứu cánh của sự kiếm tìm. Thế nhưng nên hiểu gặp gỡ Cha Con là như thế nào ? Dĩ nhiên Đấng Cha ở đây phải là Đấng Nội Tại và phải chăng cuộc tìm kiếm Thiên Chúa cuối cùng chỉ là để gặp gỡ với Đấng vốn sẵn có ở nơi mình mà xưa nay mình không hề hay biết ?
Phùng Văn Hóa
( Kỳ sau: Kết hợp với cái đã sẵn có )