Dù được gọi là Tin Mừng Mới, thế nhưng cũng vẫn là một với Tin Mừng mà Đức Ki Tô đã rao giảng cách đây hai ngàn năm. Tính chất mới mẻ này chỉ …mới ở phần hình thức diễn tả chứ phần nội dung thì hoàn toàn không thay đổi. Đức Ki Tô trước sau cũng chỉ rao giảng có một Tin Mừng đó là Tin Mừng Nước Trời “ Rạng ngày Người ra đi đến một nơi thanh vắng, đám đông kéo đi tìm và muốn Ngài ở lại với họ nhưng Ngài nói: Ta còn phải ra đi rao giảng Tin Mừng Nước ĐCT cho các thành thị khác bởi Ta được sai đến cốt để làm việc đó” ( Lc 4, 42,- 43 ). Đức Ki Tô chỉ rao giảng có một Tin Mừng đó là Tin Mừng Nước Trời và đồng thời các Tông Đồ theo lệnh truyền cũng chỉ rao giảng có một Tin Mừng ấy thôi “ Không có Tin Mừng nào khác đâu chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em, muốn canh cải Tin Mừng của Đức Ki Tô đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ trên trời có giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng mà chúng tôi đã rao giảng cho anh em thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 7 -8 ).
Tin Mừng Đức Ki Tô rao giảng chắc chắn đó phải là Tin Mừng về Nước Trời. Thế nhưng từ bao thế kỷ nay xét trên phương diện giáo lý cũng như thần học, Tin Mừng này đã không hề được chính thức nhìn nhận. Tuy nhiên như thế không có nghĩa Tin Mừng của Đức Ki Tô đã bị gạt sang một bên để đi theo một thứ Tin Mừng khác bởi vì xét trên phương diện sống đạo thực hành, Đức Ki Tô vẫn được phụng thờ và Tin Mừng của Ngài mặc dầu giáo lý không hề được triển khai nhưng vẫn mang lại những kết quả hết sức lớn lao. Tại sao giáo lý không được triển khai mà Tin Mừng của Đức Ki Tô vẫn được thực thi ? Lý do bởi vì Tin Mừng ấy đã đi qua con đường của Đạo Cứu Rỗi tức là …đạo lo phần rỗi đời sau trên Nước Thiên Đàng.
Với cứu cánh là Nước Thiên Đàng như thế, Đạo Cứu Rỗi xem ra có vẻ như chẳng quan hệ gì đến Tin Mừng của Đức Ki Tô bởi chưng với Nước Thiên Đàng người ta chỉ có thể đạt được khi bước vào đời sau tức phải qua cái chết. Đang khi đó Đức Ki Tô lại rao giảng một thứ Nước Trời nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su: Nước Trời chừng nào đến ? Ngài đáp: Nước Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta không thể nói, đây này đó kia. Vì này Nước Trời ở trong các ông” ( Lc 17, 20 -21 ).
Nước Trời Đức Ki Tô rao giảng là nước…nội tại và hễ đã nội tại tức là cái đã …sẵn có mà đã sẵn có thì phải đạt đến ngay ở đời này. Trái lại còn phải…chờ đến đời sau thì không thể nói nội tại. Mặt khác để có thể bước vào đời sau trên Nước Thiên Đàng thì cần khinh chê xác thịt tức từ bỏ cõi thế phù vân giả tạo…Không khinh chê từ bỏ thì không có cách chi bước vào đời sau. Mặc dầu vậy việc khinh chê thân xác, từ bỏ thế gian mà Đạo Công giáo chủ trương đã bị người ta công kích mạt sát dữ dội. F. Nietzche nói “ Trong những ngõ hẻm tối tăm, bọn nhu nhược và bệnh tật dạy người ta rằng khôn ngoan làm chi cho mệt xác. Thôi cứ sống yên lành là hơn cả, cứ sống nhỏ nhoi đừng nuôi những hoài bão lớn lao làm chi. Trời ơi ! tâm trí chúng như một chiếc bao tử ốm yếu nên chúng chỉ biết khuyên người ta chờ chết” ( T. T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).
Phải chăng cũng vì những lời thóa mạ ấy mà thần học hiện nay đã và đang làm cái việc duyệt lại vấn đề khinh chê thế gian để bước vào Tục Hóa ? Một khi đã bước vào con đường Tục Hóa thì trước tiên Nước Thiên Đàng phải biến mất bởi lẽ chẳng có đời sau thì Thiên Đàng hiện hữu sao được ?
Tục hóa đương nhiên giết chết tôn giáo. Tại sao thế ? Bởi chưng mục đích của tôn giáo không phải để thỏa hiệp nhưng là để giải thoát khỏi sự trói buộc của thế gian. Thỏa hiệp hoàn toàn khác với giải thoát, thỏa hiệp tức lấy thế gian làm cứu cánh còn giải thoát thì cho thế gian là một trở ngại. Sự trói buộc này con người đã vướng phải từ muôn muôn kiếp bởi vậy tự mình chặt đứt cái mối gút đó là điều không bao giờ có thể. Đức Ki Tô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời cốt ý là để nói lên sự thật rằng hết thảy mọi người đều là Con Thiên Chúa. Khi nào ta tin và nhận ra Sự Thật đó thì sẽ được giải thoát “ Sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 32 ).
Một khi đã hiểu như thế thì giải thoát khỏi thế gian không có nghĩa là phải đợi đến sau khi chết hoặc ra khỏi thế giới này. Nếu vẫn còn ở trong trong thế gian ở trong thân xác mà vẫn tin vẫn nhận được mình là Con Thiên Chúa thì đâu cần gì phải khinh chê hay từ bỏ ? “ Con đang ở trong thế gian nhưng con không thuộc về thế gian không phải để cho thế tục dìm con xuống. Con cứ thưởng thức nó nhưng đừng có chiếm đoạt nó và cũng đừng để nó chiếm đoạt con. Trong thời mới này, không cần phải ăn mặc rách rưới và rắc tro trên đầu hoặc đi khắp nơi tuyên xưng mình là kẻ tội lỗi khốn nạn và không xứng đáng được gọi là Con Cha yêu quý. Lời dạy này thuộc về thời xa xưa rồi, nó sai và không còn phải vậy nữa. Con hãy chấp nhận việc chúng ta là một và Cha ở trong con. Con hãy tự cảm thấy mình thoát ra khỏi những tối tăm của lời dạy sai lầm đó mà vươn tới ánh sáng vinh quang. Hãy để cho cái cũ lùi lại phía sau và hãy để cho nó chết đi một cách tự nhiên. Con hãy đi vào cái mới hãy tái sinh trong thần khí và sự thật và hãy khám phá ra ý nghĩa của sự tự do đích thực” ( Aileen Caddy Sđd ngày 11 tháng 4 ).
Tin nhận mình là Con Thiên Chúa, điều này phải chăng cũng rất đỗi …bình thường ? Bất cứ ai ai trong chúng ta một khi đã qua Phép Rửa cũng có thể nói mình là Con Cái Chúa và ngay cả sách giáo lý cũng dạy bảo như vậy. Ấy vậy mà trong thực tế cuộc đời cũng như trong các kinh nguyện chúng ta thường đọc lại không thấy ai hoặc ở đâu dám nói lên chân lý ấy. Đâu đâu cũng rặt chỉ thấy những là coi mình như xác đất vật hèn, như kẻ tội lỗi đáng xót thương và van vỉ ăn năn kêu xin. Giáo dân đa phần đều mang cái tự ty mặc cảm cho rằng chỉ có quý cha quý thầy là biết và biết hết mọi sự vì đã được học …lý đoán, thần học cao siêu còn mình thì không đời nào dám sánh mình với các đấng các bậc v.v…
Những điều trên đây khiến cho đời sống đạo của người Công giáo xưa kia mang nặng tính chất mặc cảm mà Sigmund Freud đã gọi không sai là mặc cảm muốn được chở che. Còn ngày nay trong thời Tục Hóa thì hoặc chẳng ai còn đọc kinh cầu nguyện. Hoặc nếu có đọc thì cũng giống như cái máy vô hồn. Bằng chứng rõ nhất cho thấy chân lý Con Thiên Chúa đã không được nhìn nhận và rao giảng đó là khoa thần học. Khoa này trước đây khi còn trong vòng ảnh hưởng của Kinh Viện thì đối tượng nghiên cứu của nó là Thiên Chúa. Còn ngày nay là Đức Ki Tô ( Ki Tô Học ). Tuyệt nhiên chẳng thấy ở đâu đá động gì tới chân lý mạc khải của Đức Ki Tô. Chẳng những chỉ có Đức Ki Tô trong Tân Ước mới rao giảng chân lý ấy mà Kinh Thánh Cựu Ước cũng nói rất rõ “ Ta ( Thiên Chúa Giê hova ) đã nói: Các ngươi đều là con trai của Đấng Chí Cao” ( Tv 82, 6 ).
Đang khi rao giảng thì Chúa Giê Su bị người Do Thái ném đá vì cho rằng Ngài vốn là người lại dám tự tôn là ĐCT thì Chúa đã trích dẫn Kinh Thánh để đáp lại “ Trong sách luật của các ngươi há chẳng chép rằng Ta đã nói các ngươi là Thần ( Con Đấng Chí Cao ) hay sao ? Nếu Thiên Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT phán là Thần mà ( KT thì không thể bác bỏ ) thì Ta đây là Đấng Cha đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con Thiên Chúa cớ sao các ngươi lại cáo Ta là nói lộng ngôn phạm thượng ? “ ( Ga 10, 33 -36 ).
Đối với Chúa Giê Su như lời Ngài nói đã được biệt ra Thánh mà còn bị người Do Thái ném đá và sau đó giết bỏ vì cho rằng Ngài đã nói lộng ngôn phương chi là chính họ và chúng ta bây giờ thử hỏi có dám nhận mình là Con Thiên Chúa hay không ? Chắc hẳn là không bởi lẽ trong cái thời đại hắc ám này ngay cả với Đấng Thiên Chúa còn bị khai tử huống chi là Con Thiên Chúa ? Thế nhưng Sự Thật muôn đời vẫn là Sự Thật. Điều Đức Ki Tô trước đây rao giảng Tin Mừng là để cho con người có thể hiệp nhất với Đấng đã sẵn có nơi mình thế nào thì nay trong “ Tiếng Thì Thầm” Ngài vẫn chỉ nhắc lại chân lý ấy đồng thời còn ân cần khuyên nhủ hãy can đảm vượt thoát ra khỏi nỗi tự ty trong thân phận người hèn yếu “ Con hãy tiến lên mà không sợ gì cả và hãy làm cột trụ trên những con đường, những tư tưởng và những quan điểm bề ngoài có vẻ mới lạ. Con hãy ước muốn phá đổ những rào cản cũ kỹ và khám phá ra ánh sáng của sự thật. Cha nói là: “ bề ngoài có vẻ mới lạ” bởi vì chẳng có gì mới lạ cả. Phải chạy cho đủ vòng = Tìm lại sự hiệp nhất giữa Con và Cha, học lại một lần nữa bước đi và nói chuyện với Cha như lúc ban đầu. Phải tái sinh trong thần khí và sự thật. Con hãy cảm thấy mình đang lớn lên và đang lan tỏa ra. Con hãy cảm thấy cái cũ kỹ đang vượt khỏi con và con hãy mặc lấy cái mới trong vui mừng và cảm tạ cái mới đó mới thật tuyệt diệu làm sao. Những đường lối của Cha và sự hiện diện của Cha và con, hãy vui mừng vì Nước của Cha đang ở trong con” ( Aileen Caddy Sđd ngày 27 tháng 6 ).
Giáo hội đã nhiều lần hô hào cần …tái rao giảng Tin Mừng thì đây Đức Ki Tô thông qua “ Tiếng Thì Thầm” đã chủ động thực hiện bằng cách đưa ra một Tin Mừng Mới. Tin Mừng này như đã nói, mới mà không mới bởi chưng trước sau vẫn là mạc khải về Đấng Cha nội tại. Cái mới của Tin Mừng như vậy không phải ở nội dung mà ở đường lối thực hiện. Trước đây đường lối ấy chỉ là một thứ lý thuyết xuông mang tính giải nghĩa này nọ còn bây giờ là nỗ lực của từng mỗi cá nhân. Tính chất cá nhân trong việc thực hiện mạc khải của Đức Ki Tô là đòi hỏi tất yếu mà thần học không thể có bất cứ một can dự nào bởi lẽ đơn giản vì đây là công việc của nội tâm, không ai có thể làm thay cho ai được.
Mặc dầu Tin Mừng Mới chỉ dành cho từng mỗi cá nhân nhưng đây là khởi đầu của cuộc cách mạng tâm linh nhằm khai sinh một thời đại mới “ Những cánh cửa to lớn đều quay trên những cái bản lề bé nhỏ. Những biến cố lạ lùng đều phát xuất từ những cái bắt đầu nhỏ bé. Con có biết không, vụ xảy ra ở Findhom nó bắt đầu rất là đơn giản rồi sau đó nó phát triển thành một phong trào toàn thế giới toàn cầu, một nhận thức rồi cũng mau biến thành một cuộc cách mạng. Những đường lối của Cha thì rất lạ và tuyệt diệu chứ không giống đường lối của các con đâu. Hãy đi trên đường của Cha với niềm tin và cậy trông tuyệt đối rồi con sẽ thấy những kỳ công và vinh quang của Cha tràn lan khắp nơi. Mùa xuân của Thời Mới đã đến, nó bùng nở trong một sự hài hòa mỹ miều và phong phú tuyệt diệu mà không có gì ngăn nổi nó. Mọi sự đều có lúc có mùa của nó và bây giờ là mùa là lúc cho việc khai sinh của Thời Mới” ( Aileen Caddy Sđd ngày 01 tháng 5 )./.
Phùng Văn Hóa
( Kỳ sau: Thời Đại Mới )