Có bài ca trong đời hát rằng: “Con chim quý thì phải ở lồng son.” Không biết lời ca đó có tự bao giờ, từ bao nhiêu thời gian thưở trước. Nhưng cũng từ gốc thời gian ấy có lời trầm buồn của một bài thơ. Tiếng người thục nữ u uẩn trong cung điện lầu son nhìn mây thênh thang đi về cuối chiều.
Có vị vua thương nàng nhiều lắm, nhưng nàng chẳng hạnh phúc. Nàng đẹp như dáng thu. Bên đồi dâu nàng hong tơ dệt lụa. Hạnh phúc êm ả đi về trên lối cỏ may bốn mùa. Vị vua tiếc thương đời người thục nữ xinh mà chẳng có lầu son. Tiếc màu xanh thiên lý bên giàn gỗ mộc. Nhà vua bảo rằng hoa quý thì phải ở trong bình vàng cổ sứ cao sang. Vua đem người thục nữ về cung. Từ thưở đó có tiếng ru vào đời à ơi thương cho số phận: “Con chim quý thì phải ở lồng son!”
Có lời thương đau trong hồn hiu quạnh của cánh chim nhớ rừng. Vỗ về của bàn tay con người là khóc than trong trái tim của cánh chim thở dài nhìn trời cao. Có bàn tay dịu dàng đưa âu yếm. Nhưng trên đôi cánh ấy trĩu nặng mùa thập tự gian nan. Con chim nhỏ nói với “người yêu” của nó:
– Hãy mở của cho tôi bay cao. Tôi biết người âu yếm tôi. Nhưng tôi không cần được âu yếm, đó chỉ là âu yếm người cần. Tôi không là cánh chim nữa khi tôi không biết bay. Bởi đó, trong lồng son âu yếm người dành, không bao giờ có cánh chim thật, tôi chỉ là hình bóng mà thôi. Hạnh phúc của tôi ở cuối gió lưng đèo. Tôi chỉ cần gió và bầu trời. Hạnh phúc của loài chim là đôi cánh.
Nếu người thương tôi thật tình, xin hãy nhìn hạnh phúc của tôi chứ đừng nhìn tôi mà hạnh phúc.
Tiếng con chim nhỏ chỉ là lời kinh cầu thương khó. Bởi, làm sao định nghĩa được yêu thương?
Trong tình yêu, nhiều khi, yêu thương của trái tim này là khổ tâm cho trái tim khác. Biết rằng hạnh phúc của cánh chim nhỏ là trời cao. Nhưng tung cánh bay là chia ly. Nhìn bóng bay xa về rừng vô tận là rưng rưng mất mát. Bởi đó, người ấp ủ cánh chim nhưng chỉ là thương mìn. Và từ đấy, yêu thương là gian nan cho người được yêu. Tôi ray rứt người tôi thương mến bằng tình thương tôi trao tặng. Quà tặng yêu thương trở thành dằn vặt. Nhưng tôi vẫn nói với đời rằng tôi rộng lượng bao dung. Tôi vẫn nói với mình rằng tôi bác ái thật thà.
Khi tôi xây ngục thất cho tha nhân bằng hận thù thì tôi biết mình không có yêu thương. Nhưng khi lấy yêu thương xây ngục thất thì không biết mình đã mất thương yêu và tha nhân đang khổ đau.
Tôi yêu cánh chim nên tôi không thể để mất. Tất cả là tình yêu. Tôi nhân danh tình yêu để giữ gìn. Trong tình yêu ấy, cánh chim chỉ biết nhìn khung trời tự do trong ý muốn khắc khoải. Thở dài.
Tôi không muốn được yêu thương như thế. Đấy không phải là thương yêu mà chỉ là tiếng thở dài đìu hiu. Thôi, ta hãy mở cửa lồng cho cánh chim buông theo chiều gió. Nhìn cánh chim hạnh phúc đấy mới là yêu thương.
Rung cảm thì dễ dàng, còn yêu thương là sáng suốt lựa chọn và dũng cảm đi theo chọn lựa sáng suốt đó. Điều ấy có dáng dấp của khổ đau. Muốn yêu thương thật là muốn cho người hạnh phúc. Mà để người hạnh phúc thì yêu thương của ta phải thanh luyện bằng đau khổ.
Nhìn cánh chim bay về cuối trời. Nghĩ đến ngày mai trống trải thiếu một bóng hình. Đó là nỗi vắng rất âm u Cía nhạt nhoà ở cuối trời nó đi vào hồn ta. Cái trống trải vì thiếu một bóng hình nó nhắc ta nỗi cô đơn mà từ lâu ta cứ tránh né. Vì thế, thứ tình yêu mình-yêu-thương-mình nằm kín rất sâu dưới lòng sông tâm hồn. Thôi thúc thoả mãn nhu cầu mình-yêu-thương-mình có thể thành những con sâu độc trong màu áo vị tha.
Người nông phu nuôi con công thật chu đáo, bởi ông thương bộ lông. Có người thiếu nữ chỉ mơ một mái gia đình nhỏ bé với hạnh phúc đơn sơ. Nhưng niềm kiêu hãnh của bà mẹ bị đánh thức. Bởi, muốn rực rỡ như loài công xoè cánh nên bà muốn con mình phải ở lầu son gác tía. Người con gái chỉ thương một loại bông đơn sơ vì nó thật thà. Nhưng người mẹ bào loài hồng nhung mới đáng quý.
Cho con sự khôn ngoan là tặng phẩm. Nhưng người nào lấy đường hạnh phúc của mình vẽ lối cho kẻ khác phải theo thì không còn là cho nhau tặng phẩm khôn ngoan nữa mà chỉ là khôn ngoan chọn tặng phẩm cho riêng mình.
Khi thành công của người con chỉ là thoả mãn niềm kiêu hãnh của người mẹ thì người mẹ hạnh phúc, nhưng chưa chắc đã là hạnh phúc của người con.
Người khách qua đường khen màu sắc con công đẹp. Từ giá trị được xã hội đánh giá, ông nông phu muốn con công phải xoè màu. Như thế có gọi là tình yêu chăng?
Đi tìm định nghĩa cho tình yêu, tình yêu bảo rằng tình yêu có một định nghĩa đơn sơ thôi: Khi áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, đấy là tôi thương em. Tôi yêu hoa cúc, nên muốn em mặc áo lụa vàng, đấy là tôi thương tôi.
Vì yêu màu hoa cúc mà tôi muốn em mặc áo lụa vàng thì em chẳng có tự do. Vì em không mặc áo lụa vàng làm tôi nhớ màu hoa cúc, thì qua em, tôi tìm một bóng hình nào đó mà thôi. Tôi không muốn yêu người như thế. Ngược lại, tôi cũng không muốn ai thương tôi như vậy. Nếu người không thể mở cửa lồng cho cánh chim bay đi là lòng người thiếu tự do. Thiếu tự do thì trong trung thành có mầm chống đối. Trong chung thuỷ đã chán chường. Trong gần gũi đã cách xa. Nếu tôi được thương bằng tình không có tự do như thế tôi chỉ là đồ chơi.
Tôi không muốn cỗ quan tài buồn dù áo quan đó làm bằng thương mến. Chỉ là khổ đau cho kẻ bị yêu thương. Những cỗ áo quan dù gợi bao nhiêu nước mắt tiếc thương cũng chỉ là nước mắt rơi trên sự chết. Tôi không muốn tình yêu mang một chút gì tang chế.
Tin Mừng Luca (Lc. 15:11-31) có kể chuyện một người cha giàu có lắm, có hai đứa con. Đứa con thứ bảo cha chia gia tài cho mình. Sau khi nó tiêu hết sản nghiệp của cha cho rồi, nó túng thiếu quá phải đi chăn heo mà chẳng đủ ăn. Nó tìm đường về làng cũ. Ngày nhìn con đi, bóng nó nhạt dần ở cuối trời, như cánh chim bay, ông thấy trống trải vì thiếu vắng một bóng hình. Ông cầu mong cánh chim ấy gặp đường hạnh phúc, cúi nhìn hồn mình mất mát.
Rồi ngày kia, đứa con về trong thất bại tang tóc. Thua cuộc đời. Nó về, tức là làm dấy lên cho ông những lời bình phẩm của hàng xóm. Giả sử nó không về, câu chuyện có khi cũng lãng quên dần. Hôm nay trở về là nhắc nhở cho người chung quanh sự thất bại trong gia đình ông. Cái hình hài và quá khứ “không ra gì” của đứa con bỏ nhà đi, bây giờ, có khi trở thành đề tài đầu môi câu chuyện ở đầu làng cuối xóm. Ông không tìm màu sắc rực rỡ của loài công. Bê béo đã giết. Tiệc liên hoan tưng bừng.
Khách đến hỏi con ông đâu. Người khách muốn hỏi xa xôi hơn rằng vì sao ông mở tiệc chúc mừng, đâu là sự nghiệp con ông mang về. Người khách muốn biết điều gì làm ông hãnh diện. Khách được mời chẳng ai hiểu vì sao ông lại mở tiệc ăn khao khi con ông trở về trắng tay. Đối với họ, không thể có chuyện đó. Bởi, họ muốn được chào kính bằng vinh quang của người khác. Những chuyện dân gian là thế, người ta dấu kín chuyện đời thất bại của người khác, người ta mắc cỡ, có phải vì thương xót chính người trong cuộc, hay rất nhiều khi chỉ vì họ lấy thành công của tha nhân mà nuôi dưỡng niềm hãnh diện của họ? Khách được mời ngỡ ngàng lắm khi ông chủ khoe rằng con ông nay trở về sau những ngày chăn heo.
Họ không hiểu được. Nếu cuộc đời đứa con như thế tại sao lại mở tiệc. Đáng lẽ ông phải xấu hổ mà dấu kín chuyện con ông đi chứ. Họ không hiểu vì mỗi người định nghĩa tình yêu một ý khác nhau. Riêng ông cha già thì biết rõ việc mình làm.
Ông hiểu tình yêu là gì vì ông không tìm định nghĩa cho tình yêu. Bởi, chính ông là tình yêu. Lạy Chúa , đấy là hình ảnh tình yêu của Chúa đối với con.
Nguyễn Tầm Thường, sj.