Càng về già và càng bệnh tật, người ta càng cảm thấy rõ điều này là: Mình không nên muốn làm nhiều, cũng không nên muốn làm vội, nhưng chỉ nên muốn làm những việc nhỏ. Một cách đơn sơ. Một cách bình tĩnh.
Việc làm sẽ giảm đi. Việc làm sẽ chậm lại. Dù muốn dù không, tình trạng hao mòn đó sẽ phải tới.
Tuy nhiên, họ cầu xin Chúa ban cho họ tình yêu đừng bao giờ suy tàn. Chúa không trực tiếp trả lời họ. Nhưng họ cảm nhận được lửa tình yêu trong họ vẫn phát triển và không ngừng được thanh luyện.
1/ Tình yêu được thanh luyện, để càng ngày càng trở nên khiêm nhường hơn
Tình yêu được thanh luyện để trở nên khiêm nhường, trước hết ở chỗ họ cảm nhận được Chúa yêu thương, mặc dù họ yếu đuối.
Càng ngày họ càng cảm thấy lời thánh Phaolô xưa là thích hợp đối với họ: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Tôi cảm thấy vui mừng, khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, khi bị bắt bớ ngặt nghèo, vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10). Chính những yếu đuối của họ lại là dịp, để Chúa tỏ hiện lòng thương xót Chúa.
Tình yêu còn được thanh luyện để trở nên khiêm nhường ở chỗ họ nhận ra ý Chúa rất khác ý của họ.
Xưa, một thời Giêrusalem hãnh diện về những huy hoàng của mình. Nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy, đã khóc thương. Chúa báo trước đền thờ sẽ bị phá “Không hòn đá nào trên hòn đá nào, vì không nhận biết thời giờ được Chúa viếng thăm” (Lc 19,44).
Nay, các công trình của bản thân họ và cộng đoàn của họ có lúc coi như những thành công bền vững như những đền thờ làm sáng danh Chúa. Nhưng Chúa cho họ thấy những thành công ấy có thể sẽ bị phá huỷ tan tành, bởi vì họ đã không đón nhận thánh ý Chúa. Ý Chúa rất khác ý của con người.
Tình yêu còn được thanh luyện, để trở nên khiêm nhường, khi Chúa cho họ thấy phải tôn thờ Chúa hơn tôn thờ bất cứ sự gì thế gian. Thực tế là nhiều lúc họ đã bị lôi cuốn vào nhiều thứ ngẫu tượng. Họ tôn thờ thành công, danh vọng, thú vui, tiền của, và những ngôi sao. Nhưng Chúa giúp họ trở về với Chúa là Chúa Cả mọi loài.
Tình yêu còn được thanh luyện, để nên khiêm nhường, khi Chúa cho họ thấy trái tim họ đôi lúc cũng lệch lạc, hay cứng cỏi, vô tình, hoặc quá nóng vội và phô trương, lợi dụng. Trái tim họ cần được Chúa đốt nóng lên bằng lửa của trái tim Chúa, một thứ lửa trong sáng kiên trì đầy tế nhị và khôn ngoan, vị tha.
Tình yêu cũng được thanh luyện, để trở nên khiêm nhường, khi họ nhận ra rằng: Chỉ có tình yêu vị tha, quên mình mới đúng là tình yêu cứu độ. Do đó, họ chấp nhận được chôn vùi, được mang gánh nặng của người khác, được đền tội riêng mình và đền tội thay cho mọi người Chúa trao phó cho họ.
Chúa phán: “Thật, Thầy bảo thật anh em: Nếu hạt giống gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái” (Ga 12,24). Lời Chúa trên đây thanh luyện họ, để họ khiêm tốn chấp nhận mọi hy sinh trên các nẻo đường tình yêu.
2/ Lời Chúa thanh luyện tình yêu của những người Chúa thương
Rõ ràng nhất trong thanh luyện là yếu tố Lời Chúa.
Lời Chúa là nguồn suối chứa đầy sức cứu độ có khả năng tẩy rửa tình yêu chúng ta.
Lời Chúa làm mới lại trái tim ta và trí khôn ta. Nhờ đó, ta sẽ bỏ đi được những kiêu căng, hận thù, chia rẽ. Nhưng sẽ đón nhận được những sáng kiến trong việc phục vụ. Những sáng kiến đó sẽ do Chúa Thánh Thần tác động, luôn hợp với gương đời sống Chúa Giêsu, đồng thời cũng đáp ứng được những nhu cầu thiết thực của thời đại.
“Lời của Chúa là thần trí và là sự sống. Chúa có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,6). Vì thế, chúng ta bám vào Lời Chúa, nương tựa vào Lời Chúa, chiêm niệm Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa, thực thi Lời Chúa.
Không ai buộc chúng ta phải coi thường những lời của đấng nọ, vị kia. Nhưng, trước hết và trên hết, chúng ta phải tin vào Lời Chúa.
Lời Chúa có một sức mạnh vô hình, mà không lời ai có được. Sức mạnh đó là xua đuổi ác thần. Satan và các ác thần thuộc quyền Satan luôn chống phá Chúa. Thứ chống phá, mà chúng tập trung nhất, chính là chống phá Hội Thánh, để tranh giành con cái Chúa. Vì thế, chúng tìm mọi cách để lôi con người vào đàng tội lỗi, hầu có thể thống trị con người. Có thể nói, điểm mà chúng tấn công mạnh mất, đó là trái tim, trụ sở của tình yêu. Chúng cố làm cho tình yêu con người trở thành nguồn ham muốn những sự xấu, để dần dần biến con người trở thành dụng cụ của chúng, phục vụ cho lực lượng sự ác.
Để chống lại chúng, Chúa cho chúng ta một khí giới, đó là Lời Chúa. Lời Chúa đào xới tâm hồn chúng ta, để ơn thánh Chúa thấm nhập vào mọi cơ năng của chúng ta, khiến chúng ta trở thành đền thờ của Chúa, không còn chỗ cho ác thần xâm nhập.
3/ Cộng tác vào ơn thanh luyện
Chúa thanh luyện tình yêu của ta. Nhưng Chúa vẫn cho chúng ta có tự do. Chúa không áp đặt. Vì thế mà việc chúng ta cộng tác vào ơn Chúa là cần thiết.
Trước hết là biết đón nhận ơn thanh luyện. Khởi đầu ơn thanh luyện là sự ngoan ngoãn vâng phục Chúa. Sự ngoan ngoãn vâng phục ban đầu sẽ tiếp tục mãi trong quá trình thanh luyện.
Để nuôi dưỡng thêm mãi tinh thần vâng phục, chúng ta phải cầu nguyện thực nhiều. Thêm vào đó là sự tỉnh thức mọi lúc. Với sự cầu nguyện và thái độ tỉnh thức, chúng ta sẽ dễ đón nhận được thánh ý Chúa. Chỉ khi chúng ta thực sự thi hành thánh ý Chúa, chúng ta mới thực sự mến Chúa yêu người.
Thiết tưởng sẽ không thừa, nếu nói thêm một yếu tố nữa trong việc cộng tác vào ơn thanh luyện tình yêu, đó là chịu đau khổ cho những người đau khổ, và cùng với những người đau khổ. Những đau khổ như thế của ta, khi kết hợp với đau khổ của Chúa Giêsu trên thánh giá, sẽ là của lễ có sức cứu độ. Nhờ thế, mà tình yêu của ta sẽ trở thành tình yêu dâng hiến, góp phần vào tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu.
Tình yêu dâng hiến có những tâm tình riêng tư. Ta nói với Chúa trong thinh lặng. Chúa nói với ta trong âm thầm. Thầm lặng nhiều khi lại chứa nhiều tình yêu hơn ồn ào náo động.
Nói cho cùng, chỉ có tình yêu đạo đức là cứu độ, đặc biệt là tình yêu khiêm nhường được Chúa thanh luyện, để kết hợp với tình yêu Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Hiến dâng những của lễ nhỏ, nhưng đặt vào đó rất nhiều tình yêu. Cái nhìn như vậy sẽ giúp cho biết bao người yếu đuối, già cả, bệnh tật, túng nghèo, được an tâm phấn đấu trên đường về với Cha trên trời.
GM. Gioan B. Bùi Tuần
Người Tín Hữu