Tôn Giáo và Luật Nhân Qủa

          Tôn giáo là một sinh hoạt gắn liền với đời sống con người. Từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông không xã hội nào mà tôn giáo lại không có mặt. Thế nhưng  để  có thể đưa ra  một  định nghĩa về tôn giáo được mọi người chấp nhận là điều rất khó.

          Lý do khiến khó thể  đưa ra một định nghĩa có tính chung nhất  là vì người ta đã không nhất trí được với nhau về bản chất cũng như mục đích của tôn giáo là gì. Đang khi đó nếu tôn giáo  được hiểu  như một thứ chánh đạo tức con đường thực hiện tâm linh quy hướng về một mục tiêu duy nhất đó là trở về với bản tâm mỗi người  thì một định nghĩa chung cho tôn giáo lại hoàn toàn có thể.

          Như ai cũng biết  tôn giáo gồm bởi hai từ Tôn và Giáo. Tôn tức tôn chỉ, mục đích còn Giáo tức giáo hóa dạy dỗ. Hiểu như vậy thì tôn giáo có nghĩa là giáo hóa để con người có thể đạt được mục đích, tôn chỉ của mình.

          Tôn chỉ của Nho Giáo là Thiên Mệnh vì thế sách Trung Dung nói: “ Thiên Mệnh chi vị Tính. Suất Tính chi vị đạo. Tu đạo chi vị giáo” ( Mệnh Trời gọi là Tính. Phát triển thuận theo Tính gọi là đạo. Tu dưỡng theo  đạo gọi là giáo ).

          Tôn chỉ của Đạo Giáo là trở về với Đạo “ Tự chi viết Đạo. Cưỡng vi chi Danh viết đại. Đại viết Thệ. Thệ viết viễn. Viễn viết phản” ( Ta không biết tên, gọi đó là Đạo. Gượng cho là lớn. Lớn là tràn khắp. Tràn khắp là đi xa. Đi xa là trở về – Lão Tử ĐĐK – chương 25 ).

          Tôn chỉ của Phật Giáo là giác ngộ bản tính Phật vốn có ở nơi mỗi người. Vì vậy Đức Phật Thích Ca nói: “ Ta là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành”

          Tôn chỉ của Đạo Chúa cũng không ngoài sự trở về “ Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” ( Ml 3, 7 ).

          Mặc dầu về phần Tôn  tức tôn chỉ mục đích của mỗi tôn giáo ( chính đạo ) về đại thể không có chi khác biệt. Nhưng về phần Giáo tức giáo hóa ấy thì lại muôn sai vạn biệt và chính do nơi …sai biệt ấy mà người ta đã không sao có thể  có một định nghĩa nhất quán về tôn giáo.

          Nho Giáo có tôn chỉ là Thiên Mệnh nhưng việc tu dưỡng của đạo ấy lại dần biến thể  thành  ra thứ Đạo Ông Bà nghiêng về một thứ Đạo Hiếu mang tính chất dân gian.

          Đạo Giáo nguyên thủy là một thứ minh triết cao thâm kêu gọi sự trở về. Thế nhưng rồi nó đã mau chóng biến thành Lão Giáo chuyên việc bói toán, phép thuật. Lão Tử trở thành Thái Thượng Lão Quân một thứ giáo chủ chẳng hề dính dáng chi đến minh triết của sự trở về.

          Phật giáo mặc dù tự nhận là Vô Thần giáo có nghĩa không tôn thờ một đấng thần linh nào nhưng về phần Giáo thì được hiểu  như một thứ tu tập chủ yếu gồm Đại Thừa và Tiểu Thừa. Tiểu Thừa bác khước Đại Thừa vì cho rằng đó không phải là những giáo lý nguyên thủy của Phật Thích Ca. Mặt khác Đại Thừa lại không công nhận Tịnh Độ Tông cho đó là một thứ….quyền giáo và cũng chính vì cho đó là quyền giáo thế nên mới có thiền sư  VN lừng danh đã phủ nhận Thế Giới Tây Phương Cực Lạc bằng cách chê bai “ Nếu ai cũng cứ muốn về Tây Phương Cực Lạc thì còn lấy ai để xây dựng xã hội chủ nghĩa !!!”.

          Đạo Chúa kêu gọi sự trở về. Thế nhưng trong suốt một thời gian lâu dài sự trở về ấy  hầu như đã không được biết đến. Lý do  là vì Thiên Chúa đã bị chính thần học…khai tử “ Trước câu nói Thượng Đế đã chết thì mọi chuyện đều có thể  nảy sinh của Dostoevski. J.P. Sartre  cũng lạnh lung than rằng: Không có Thượng Đế là một sự phiền toái. Heidegger phủ định Thượng Đế vì con người mà cảm thông thất vọng. Thấy rằng xã hội Tây Phương vì thế mà bước vào một thời đại không có nền móng. Không có chỗ cậy trông. Ông cho rằng: Chỉ có một Thượng Đế mới có thể cứu vớt chúng ta” ( TS Trác Tân Bình – Lý Giải Tôn Giáo ).

          Quyết…giết bỏ Thượng Đế để rồi lại than thở rằng: “ Chỉ có một Thượng Đế mới có thể cứu vớt chúng ta”. Lời than này đã nói lên cái thực trạng bi đát của xã hội Tây Phương hiện nay vì đã không được xây dựng trên một nền tảng vững chắc.

          Trước đây nền móng  ấy chính là đức tin vào sự hiện hữu của Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa Toàn Năng Toàn Hữu. Thế nhưng đức tin ấy đã bị  sụp đổ trước hết là bởi Thuyết Duy Lý của nhóm Bách Khoa ( Encyclopedistes ) gồm những tên tuổi lớn như Montesquieu, Voltaire, Buffon, Holbach, Diderot v.v…

          Chính nhóm Bách Khoa này đã ảnh hưởng rất lớn đến cách mạng Pháp 1789 và rồi họ đã đổi tên Thánh Đường Notre Dam Paris thành đền thờ của Thần Lý Trí. Đến lượt Thuyết Duy Lý lại bị đánh đổ bởi triết Hiện Sinh do F. Nietzche ( 1844 -1900 ) khởi xướng  cùng với lời phát biểu đanh thép: “ Thượng Đế đã chết rồi. Phải giết Thượng Đế đi thì con người hung tức con người siêu nhân mới có cơ xuất hiện” ( T.T. Đỉnh – THHS ).

          Giết chết Thượng Đế đi để con người siêu nhân xuất hiện. Thế nhưng…siêu nhân chẳng thấy đâu mà chỉ cò một xã hội điên loạn, thẳng tay bắn giết nhau qua hai cuộc thế chiến và  ngay cả thế chiến thứ ba không biết sẽ bột phát khi nào ?

          Việc…giết bỏ Thượng Đế đối với triết học Duy Lý  hoặc Hiện Sinh là điều không sao tránh khỏi. Tại sao ? Bởi vì cái Đấng Tạo Hóa ấy hoàn toàn chỉ là một thứ khái niệm cũng là do triết học Hy Lạp đã tạo ra  từ mấy ngàn năm trước. Triết học ấy cũng đã ảnh hưởng  cách sâu đậm đến thần học khiến Giáo Hội Công Giáo rơi hết vào cơn khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.

          Tất cả nguồn cơn của mọi cơn khủng hoảng không những chỉ cho GHCG mà là cho toàn thể xã hội con người. Cũng như một tòa nhà cần phải được xây dựng trên một nền móng vững chắc thế nào  thì đời sống con người nếu muốn có một đời sống an thỏa thì cũng cần phải  có cho mình một nền  tảng  kiên cố  như vậy.

          Nền tảng kiên cố đối với con người chỉ có thể là đức tin vào một thực thể không bao giờ dời đổi. Thực thể  không khi nào dời đổi ấy đối với Nho Giáo đó là Thiên Mệnh. Với Đạo Giáo là Đạo. Với Phật giáo là Phật Tánh. Còn với Đạo Chúa  tức Đạo Công Giáo Tông Truyền  là Đấng Cha Hằng Hữu do Đức Ki Tô mạc khải.

          Đạo Phật coi đức tin là trọng yếu hơn hết. Luận Đại Trí Độ nói: “ Phật pháp như biển cả. Phải có  lòng tin thì mới vào được”. Còn Đạo Chúa thì nói: “ Vả, không có đức tin thì chẳng có ai có thể đẹp lòng Ngài. Vì kẻ đến cùng ĐCT phải tin rằng  Ngài thực hữu và là Đấng ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” ( Dt 11, 6 ).

          Để gặp gỡ được với Thiên Chúa thì trước hết cần phải tin vào sự hiện hữu của Ngài. Sở dĩ cần phải tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa bởi vì Ngài là Đấng chẳng ai từng thấy biết bao giờ ( Ga 1, 18 ). Bởi không thấy biết mới cần phải tin chứ nếu đã thấy biết rồi thì đâu cần phải tin chi nữa ?

          Với Đấng gọi là Tạo Hóa  thì chẳng cần gì đến đức tin bởi lẽ thần học đã khẳng định như thế rồi. Tuy nhiên thần học nói là…biết nhưng cái biết  đó  không hơn không kém đó chỉ là một thứ tri thức  khái niệm chết khô chẳng hề liên quan gì đến Thực Tại Thiên Chúa như Ngài Là.

                Phải tin Thiên Chúa hiện hữu. Thế nhưng niềm tin ấy thật sự chẳng ích lợi gì nếu không hết lòng tìm kiếm Ngài. Có tìm mới gặp còn như không tìm thì chẳng bao giờ  gặp. Điều ấy xem ra thật hiển nhiên. Mặc dầu vậy sự hiển nhiên ấy chỉ có thể minh chứng bởi …Luật  Nhân Quả mà  thôi.

          Nhân quả là một định luật bất biến của cả thiên nhiên cũng như con người. Nước đun đến một trăm độ  sẽ…sôi. Giảm đến không độ thì thành băng tuyết. Nước bốc hơi thành mây. Mây tụ lại rơi xuống thành mưa v.v.. Tóm lại tất cả đều  do định luật Nhân Quả chi phối.

          Đối với giới vô tình  thì như vậy còn với giới hữu tình là con người thì cũng không khác. Làm lành sẽ hưởng quả lành. Làm ác sẽ lãnh quả ác. Đức Ki Tô nói: “ Không có cây tốt lại sanh trái xấu. Cũng như không có cây xấu lại sanh trái tốt. Vì cứ xem  trái  thì biết cây. Người ta không  hái  trái vả nơi lùm gai cũng không hái trái nho nơi bụi rậm. Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy rẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 43 -45 ).

          Nói đến cái Sự Chứa này có nghĩa phải xảy đến nhiều lần. Chỉ một lần thì đó không gọi là chứa. Về cái Sự Chứa ấy cũng gọi là Duyên tức những điều kiện  để cho Nhân thành Quả. Một hạt giống gieo xuống đất không thể đương nhiên mọc lên thành cây  mà cần nhiều điều kiện: Hạt giống ấy không bị lép hoặc bị côn trùng cắn phá. Lại nữa cũng cần có độ ẩm và ánh sáng mặt trời v.v…

          Trong lãnh vực tâm linh của Đạo Chúa cho thấy toàn bộ Kinh Thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều được xây dựng dựa trên nền tảng của Nhân Quả. Nền tảng Nhân Quả ấy chính là thực thi Giới Răn hết lòng  Yêu Mến Thiên Chúa “ Vậy nên phải nhận biết rằng Giê hova ĐCT  ngươi ấy là ĐCT  thành tín. Giữ sự Giao Ước  và nhân từ  đến ngàn đời cho những ai yêu mến Ngài, vâng giữ các giới răn Ngài và Ngài sẽ báo ứng nhãn tiền cho những kẻ nào ghét bỏ Ngài mà hủy diệt chúng nó đi. Ngài không trì hoãn cùng kẻ nào ghét bỏ Ngài đâu. Sẽ báo ứng nhãn tiền cho kẻ đó” ( ĐNL 7, 9 -10 ).

          Qua  trình thuật Kinh Thánh này cho thấy Thiên Chúa Đấng mà ta cần phải yêu mến ấy  chỉ có thể là Thiên Chúa nội tại…ở trong ta. Bằng như không phải như vậy  thì đó là điều vô lý. Tại sao lại phải yêu mến, vâng  giữ giới răn của một đấng thần linh nào đó ở bên ngoài mình ?

          Yêu mến, vâng giữ các giới răn, đây cũng chính là ý nghĩa của câu minh triết “ Thuận Thiên giả tồn. Nghịch Thiên giả vong” của Mạnh Tử. Vâng giữ các giới răn cũng có nghĩa là vâng theo Thánh Ý Chúa và việc vâng theo Thánh Ý Chúa là Nhân còn Nước Trời là Quả “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng Lạy Chúa, Lạy Chúa  mà vào được Nước Trời đâu nhưng chỉ những kẻ biết làm theo Thánh Ý Cha Ta mà thôi. Trong ngày đó nhiều người sẽ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa chúng tôi há chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao ? Nhân danh Chúa mà trừ quỷ sao ? Nhân danh Chúa mà làm nhiều việc quyền năng sao ? Khi ấy Ta sẽ tuyên bố với họ rằng Ta chẳng hề biết các ngươi. Hãy lìa khỏi mặt Ta ớ những kẻ làm ác kia” ( Mt 7, 21 -23 ).

          Đối với thế gian thì những việc như nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ v.v..đều được ngưỡng mộ, thán phục. Nhưng với Chúa thì đó lại là những việc ác. Tại sao ? Bởi vì những việc ấy  người ta  chỉ làm vì “ Cái Tôi” tức ý riêng mình thôi. Tất cả lời nói, việc làm nếu chỉ được làm theo “ Cái Tôi” ý riêng mình đó đều là những việc ác. Chính bởi vậy Chúa nói “ Nếu ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình. Hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 23 ).

          Bỏ mình tức bỏ “ Cái Tôi” đi là việc rất khó nhưng mục đích của việc Bỏ Mình theo Chúa là gì ?  Thánh Phê Rô thưa cùng Chúa rằng: “ Này chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng tôi sẽ được cái chi ? Chúa đáp: Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Đến kỳ phục hưng khi Con người ngự trên ngai vinh hiển Ngài thì các ngươi là kẻ đã theo Ta cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi mà xét đoán mười hai chi phái Itsraen. Hễ ai vì Danh Ta mà bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng thì sẽ lãnh được gấp trăm lần hơn và thừa thọ Sự Sống Đời Đời” ( Mt 19, 27 -29 ).

          Bỏ mình theo Chúa là Nhân còn Sự Sống Đời Đời là Quả. Như đã biết để từ Nhân đến Quả thì cần phải có nhiều điều kiện tức các duyên. Các duyên ấy  chính là việc sống đạo mà chúng ta cần thực hiện trong đời sống mình.

          Không phải hễ cứ nói Bỏ Mình là bỏ được đâu. Những việc Bỏ Mình ấy là rất khó  đến nỗi cần bỏ cả mạng sống mình đi. Các Thánh Tử Đạo đã phải trải qua biết bao  gian khổ, hãi sợ mới được phúc tử đạo. Các đấng Tiên Tri. Các đấng ra đi rao giảng  cho dân ngoại nơi các xứ man di mọi rợ  đã trải qua không biết  bao gian nan vất vả  mới có thể đem Đạo Chúa đến cho họ.

          Việc các đấng Thánh đã bỏ mình theo Chúa mang lại kết quả lớn lao như thế quả là rất  khó. Tuy nhiên  việc sống đạo ấy không phải là…bất khả đối với chúng ta, những con cái Chúa. Thật vậy nếu việc Bỏ Mình ấy thực chất chỉ là bỏ đi ý riêng mình thì bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể làm được.

          Trong việc Bỏ Mình này Đức Ki Tô đã đưa ra nhiều phương thế khác nhau “ Khi các ngươi bố thí  thì đừng thổi kèn trước mặt mình như bọn giả hình là trong nhà hội và ngoài đường phố để được vinh hiển trước mặt người ta. Quả thật Ta nói cùng các ngươi họ đã được phần thưởng của họ rồi. Còn ngươi khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm hầu cho việc bố thí được ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi. Khi ngươi cầu nguyện  thì đừng như bọn giả hình.Vì họ ưa đứng cầu nguyện trong nhà hội và tại góc đường để cho mọi người thấy. Quả thật Ta nói cùng các ngươi. Họ đã được phần thưởng của họ rồi. Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện với Cha ngươi .là Đấng ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 2 -6 ).

          Đấng Cha trong chỗ ẩn mật  đó chính là Đấng Cha nội tại ở nơi mỗi người. Cũng vì Thiên Chúa là Đấng nội tại như thế nên việc cầu nguyện cần phải…xoay cái Tâm vào bên trong mà cầu. Cầu nguyện bằng cách …xoay cái Tâm vào bên trong  là Nhân. Còn được Cha báo đáp là Quả.

          Trong tất cả việc cầu nguyện thì Kinh Mân Côi mang lại kết quả lớn lao nhất. Lý do là vì không có kinh nguyện nào có thể đáp ứng được cái việc xoay Cái Tâm trở vào bên trong bằng cách bỏ đi ý riêng ( chia lòng chia trí ) theo như  cấu trúc đặc biệt của kinh này.

          Mặt khác chuyên cần thực hành Kinh Mân Côi bằng cách xoay cái Tâm vào bên trong như thế  đó chính là cùng với Đức Mẹ để ta được luôn nhớ tới Chúa từ khi sinh ra, tử nạn và phục sinh về Trời. Nhớ đến Chúa Giê Su Ki Tô  cũng  là nhớ đến Đấng Cha của Ngài. Lại nữa nhớ Chúa có nghĩa trở về với Chúa. Có trở về với Chúa thì Chúa mới trở về cùng ta. Đây chính là lẽ Nhân Quả báo ứng “ Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu” không bao giờ sai chạy mảy may./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts