Trong thiên hồi ký “ Dân Làng Hồ “ của cha Pierre Dourisboure, linh mục Thừa Sai Paris ghi lại bước đầu truyền giáo và khai phá miền cao nguyên Kontum từ năm 1842, tôi rất thích đoạn nhận xét như sau:” Nhân dịp này, tôi phải nêu lên nhận xét là bản tính kiêu căng của anh em người kinh khiến họ khó chiếm được cảm tình của người thượng và đã gây cho chúng tôi nhiều tình huống khó xử. Người Thượng Ba-na cũng như các bộ lạc Thượng khác, bẩm sinh thích sống tự do, độc lập và không có gì làm thương tổn niềm tự hào cố hữu của họ cho bằng việc ra lệnh một cách hách dịch hoặc có thái độ khinh khỉnh. Chính các linh mục người Kinh cũng không biết khắc phục tật xấu này và họ không được người Thượng tôn trọng và vâng phục cho bằng các linh mục người Âu là vì họ thích đặt động từ ở thể ra lệnh nhiều hơn chúng tôi. Tuy vậy tôi phải vội vã nói thêm vẫn có nố trừ đáng khâm phục. Trong số các cha người Kinh có cha Do là người đã được anh em Thượng hết lòng yêu mến. Nhưng nói chung, người Thượng tin cậy và tôn trọng các Cha Thừa Sai Pháp hơn duy chỉ vì chúng tôi đã thương yêu họ với trọn tấm lòng của một người cha. “ Không chỉ với người Thượng mà ngay cả với tôi, nhận xét này thật chí lí, vô cùng tâm đắc không chỉ vì sự chăm sóc đặc biệt của các Ngài Thừa sai đối với cá nhân tôi mà còn vì lòng yêu thương vô bờ bến đối với rất nhiều anh em khác đặc biệt với anh em mồ côi, bụi đời, giang hồ mà những người này đã thể hiện lòng kính mến sâu sắc bằng một Ngôi Nhà Tổ trong đó Đức Cha cố Phao lô Leon Seitz là người đã yêu thương họ hơn ai hết cũng như đã đùm bọc che chở tôi hơn những anh em chủng sinh khác.
Năm Mậu Thân tức 1968, tôi sung sướng được phụ giúp Đức Cha cố Phao lô dâng thánh lễ tại nhà nguyện riêng của Ngài. Đây là diễm phúc bởi trong số vài chục anh em cùng lớp tôi và Tư “ cái “ hoặc Lập hoặc Lam, những thằng cùng kích cỡ, thường được phân công sang Tòa Giám Mục làm công việc may mắn và thánh thiện này. Buổi sáng nọ, sau những việc cần làm vào buổi thức giấc, trời khá lạnh, tôi vội vã lên mặc trang phục giúp lễ rồi mừng rỡ sang bên nhà nguyện riêng của Ngài. Vừa đến phòng, ĐC liền nhắc tôi chuyển chén đĩa thánh sang nhà nguyện chung của Tòa Giám Mục vì hôm nay ĐC đồng tế với các cha về cấm phòng. Tôi nhanh nhẹn làm theo sự chỉ đạo của Ngài. Tay nâng niu bộ chén đĩa từ từ tiến ra phía hành lang rồi đi tắt xuống phía dưới còn trải những viên sỏi trắng. Do vội vã và sơ ý tôi để đĩa thánh bằng bạc mềm có chạm khắc tinh tế của Ngài rơi xuống phần dường đi trải đá cuội. Tôi hốt hoảng nhặt lên và sợ hãi khi phần mép đĩa đã móp méo và lem luốc bám bụi. Tôi hoang mang do dự liền thoắng trong đầu: “ biết phải làm gì đây , che dấu hoặc thú tội? Dấu thì dứt khoát không thể nào qua mặt được Ngài vì vết lõm quá rõ hiển hiện. Còn gò lại thì cũng chẳng làm sao khi thời gian chỉ còn tính bằng phút chốc. Lo sợ run rẩy khi trước kia còn ở với cha linh tông, tôi đã chứng kiến một cuộc tấn công dồn dập chú giúp lễ vào góc phòng. Chú nhỏ đã phải vén chiếc áo dòng đen của cha mà thoát thân cũng chỉ vì lỡ làm rơi rớt những giọt rượu nho của ngài.“ Giờ thì nỗi sợ hãi kinh khiếp ấy tràn về khiến tôi rùng mình trù tính do dự. Nhưng rồi che dấu đã bị loại trừ trong hồi hộp. Khi gặp Ngài tiến lại phía sau tôi lầm cập cung kính cúi đầu chịu trận, miệng lắp bắp không rỏ tiếng: “ Thưa ĐC . . . con lỡ làm rơi đĩa thánh của cha xuống . . . sỏi nên . . . đã móp méo. “ Chẳng cần nhìn đồ thánh kia thế nào ra sao. Ngài nhìn tôi âu yếm rồi nói như an ủi kẻ khốn cùng như tôi lúc ấy: “ Tu es maladroit! Sois plus prudent! “ Ôi ngọt ngào và ấm yêm đến thế sao! Tôi nhủ thầm trong lòng như mở cờ. Tôi lặng lẽ bước đi với sự biết ơn cùng dấu ấn ghi tạc những cảm xúc bồng bềnh này. Từ cử chỉ và lời nói nhân hậu đó mà tôi luôn nhìn ngắm Ngài như thánh Don Bosco khả ái của giới trẻ.
Cũng năm Thân ấy. Mùa xuân chìm trong khói lửa. Với anh em chúng tôi khi nghe tiếng pháo hoặc súng nổ dữ dội và khác thường là liền tức khắc kéo nhau ra giao thông hào đã đào sẵn nơi bên hông chủng viện vì nơi đây khá gần sân bay. Đấy là một mệnh lệnh vô cùng cần thiết vì trong một thế giới nhỏ tuổi như chúng tôi không còn kỷ luật nào toàn vẹn hơn thế. Cho nên khi thầy giám thị hô hóan vang dội báo động là ba chân bốn cẳng vọt. Có khi đổ nhào lúc va vấp nhau nơi cầu thang trơn tuột. Nhưng rồi như được Chúa quan phòng chúng tôi cũng tập trung đông đủ dù chen chúc nhau trong những hố sâu và ẩm ướt mốc meo. Suốt đêm chúng tôi không ngủ vừa hãi hùng vừa nếm những trải những vo ve của muỗi, của cái lạnh ngoài trời dưới đất ẩm mốc mà sương mù thấm đẫm những mái đầu non dại. Thỉnh thoảng nghe đâu tiếng đạn rít trên đầu rồi là tiếng nổ sau đó. Máy bay trực thăng vần vũ nhả những đạn rocket nghe nhức óc inh tai. Trên bầu trời cứ liên tiếp phát sáng với những trái đạn rực rỡ. Hết trái này lại tiếp nối những trái khác nhằm phát hiện những rình mò che lấp trong um tùm xó xỉnh. Thật may cho chúng tôi không một trái đạn nào lạc hướng nhắm vào những đứa trẻ phờ phạc vì bom đạn pháo. Rồi gần sáng cũng lắng dịu chỉ còn nghe đâu đó hướng phía chợ ngoài phố, phía xa hướng cầu Dabla. Có lẽ khi trời sáng họ sẽ kéo đi về bưng về rừng! Vậy mà ĐC Paul Seitz, Ngài như đùa bỡn với tử thần. Số là trước Tòa Giam Mục, năm đó, là một đồn cảnh sát cấp tỉnh. Cổng vào đồn lại gần như đối diện cổng vào Tòa. Nơi cổng đồn ngự trị một lô cốt khá kiên cố sừng sững trực diện lúc nào cũng lăm le khẩu đại liên đen ngòm như sẵn sàng khạc lửa. Chính vào giờ G đêm đó, đêm giao thừa linh thiêng của cả dân tộc. Tiếng súng nổ như vang trời. Cùng khắp. Hàng loạt. Pháo sáng rền trên không trung tĩnh lặng của thời khắc chuyển giao. Ngài vẩn bình tĩnh lắng nghe cho đến khi tầm đạn xuyên qua bờ tường, nơi phòng ngủ rát rạt bên tai, Ngài mới chịu thoát ra ngoài vôi vã chạy sang bên đám con nhỏ dấu yêu của Ngài gần đó. Sự hiện diện của Ngài làm chúng tôi bớt đi nỗi hỏang sợ như được bao bọc chở che trong ân sủng. Khi trời vừa sáng cũng là lúc Ngài vội vã lái xe đi về làng Thượng nắm bên trong giáo xứ Phương Quí để yêu cầu một thầy xứ đã bỏ giáo dân trở về chủng viện. Theo Ngài chính lúc khó khăn gian khổ tang tóc này mới thực sự cần thiết đến chủ chăn để an ủi động viên đàn chiên bơ vơ lạc lõng của mình. Ngài ra đi bằng một quyết tâm dũng cảm dù cho vào thời điểm đó vẫn chưa im tiếng súng truy qúet cùng giao tranh nhỏ lác đác. Không chỉ thếø mà Ngài còn thăm hỏi những buôn làng xa xôi khác, xem những đàn chiên của Ngài có bình an hay không như một viên tướng đi thị sát mặt trận. Quả thật “lòng dũng cảm là một phẩm chất cao quí không thể thiếu được của một vĩ nhân.“ Đây là đúc kết của ai đó khi nói về đại văn hào Victor Hugo. Nhưng củng là cảm nhận của tôi khi nghĩ đến Ngài.
Đúng như cha Pierre Dourisboure nhận xét: “ vì chúng tôi yêu thương họ với trọn tấm lòng của một người cha “, nên tôi được ĐC cố Phalô Seitz tiếp tục nâng đỡ, dù sau khi được chăm sóc tại bệnh viện Grall với chứng bệnh “liệt tủy sống” quái ác nhưng nơi đây đã“bó tay”do phương tiện y khoa giới hạn, Ngài không bỏ rơi tôi dù cho bệnh viện hiện đại nhất lúc đó chối từ. Ngài vẩn còn hy vọng nên đã giao tôi cho Oâng Henri Fleutôt đấm bóp xoa nắn. Chỉ khi nào qua “đôi bàn tay kỳ dịêu “này mà vẫn không làm được gì thì khi đó Ngài mới nghĩ đến phương án cho tôi qua Tây. Trong thời gian tôi nằm viện, cha linh tông của tôi đã chưa một lần thăm hỏi, mà cho tôi một số tiền tượng trưng chỉ đủ trà chi phí cho một ngày nằm viện. Đến lúc này ngồi viết lại những dòng suy tư, tôi mới cảm nghiệm sâu xa tận trong tâm khảm ra rằng: Ngài, một vị Thừa Sai , đã “ yêu thương tôi với trọn tấm lòng của một người cha “. Chính lòng ”yêu thương với trọn tấm lòng của một người cha” này mà ĐC cố Phaolô Leon Seitz đã được các anh em trong GIA ĐÌNH TÊRÊSA dựng lên một NGÔI NHÀ TỔ để tôn thờ, sùng kính Ngài tại Giáo xứ Khiết Tâm, Tam Bình, Thủ Đức sau khi Ngài qua đời tại Paris vào ngày 24/02/1984. Gia đình Têrêsa là những trẻ em thanh niên mồ côi, bụi đời, giang hồ, trộm cắp được ĐC cố Phaolô qui tụ lại dậy dỗ giáo dục cả văn hóa lẫn nghề nghiệp tại Trại Thanh Niên Ba Vì từ khi Ngài về làm cha phó Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội tức năm 1937. Trước khi về nhận chức Giám Mục Calfula tại Giáo phận Kontum năm 1952, Ngài chuyển giao Gia Đình Têrêsa yêu dấu của Ngài cho dòng Salesiens Don Boscô chăm sóc cai quản với tâm trạng luyến nhớ không nguôi.
Lòng NHÂN HẬU – DŨNG CẢM – YÊU THƯƠNG TRỌN TẤM LÒNG của Đức Cha cố Phaolô Leon Seitz chính là NGÔI NHÀ TỔ trong trái tim yếu đuối và ươn hèn của tôi.
Kính nhớ Cha Thân-Yêu-Của-Con nhân ngày giỗ 20 năm (2004).
Vũ văn Quí