Khi nghe đến hai chữ “tử đạo”, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu của một người là máu đổ thịt rơi, hoặc voi giầy ngựa xé, hoặc gông cùm xiềng xích. Mà đó cũng là sự thật, bởi vì tiền nhân Việt Nam, những anh hùng tử đạo được phong thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988, phần lớn đều đã đổ máu đào ra để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Thánh tử đạo tiên khởi Stêphanô cũng không phải là một ngoại lệ. Bởi niềm tin sắt son vào Đức Kitô Phục Sinh, máu đỏ của ngài đã đổ ra trên mặt đất đen như là một bằng chứng hùng hồn cho những người Do Thái về một niềm tin của ngài vào Đức Giêsu, Đấng Mêsia mà họ đang mong đợi.
Danh từ tử đạo bắt nguồn từ chữ maturía trong tiếng Cổ Hy Lạp (tiếng Anh martyr) có nghĩa là làm chứng. Làm chứng của danh từ thần học maturía ở đây có nghĩa là làm chứng cho một niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống. Bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, sau khi Đức Giêsu về trời, bao nhiêu ngàn người Kitô đã mạnh dạn sống chứng nhân cho một niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Hai ngàn năm đã trôi qua, không biết bao nhiêu người đã sống chứng nhân Tin Mừng bằng chính những hạt máu đào của mình như thánh Stêphanô, không biết bao nhiêu người đã vượt suối băng ngàn rao giảng Lời Chúa như thánh Phaolô, nhiều người đã chết rũ trong tù như bà thánh Đê, và hằng triệu triệu người đã âm thầm sống một đời chứng nhân Tin Mừng trong gia đình và trong xã hội. Bởi những đời sống chứng nhân Tin Mừng vừa được liệt kê ở trên, ngọn đuốc Kitô đã và đang tiếp tục cháy sáng gần hai ngàn năm.
Suy niệm
Ngày hôm nay, trong thiên niên kỷ thứ ba, để sống một đời sống chứng nhân Tin Mừng, bạn và tôi không cần phải đổ máu đào như thánh Stêphanô, hoặc băng ngàn vượt suối đi rao giảng Tin Mừng như thánh Phaolô, hoặc bị giam cầm trong ngục tù như bà thánh Đê, nhưng chúng ta vẫn có thể đang sống tử vì đạo ngay trong gia đình và trong giáo xứ nơi chúng ta đang sinh hoạt. Bà Năm Trầu của một giáo xứ hẻo lánh tại đất Cà Mâu, hoặc anh Thìn của một giáo xứ vô danh tại Melbourne Úc Châu, tuy đời sống gia đình thanh bạch, nhưng bà Năm Trầu và anh Thìn đều có niềm tin hạt cải vào một Thiên Chúa quan phòng, lúc nào họ cũng tôn trọng nhân phẩm của con người bất luận lương giáo và chủng tộc, cả hai đều biết chia cơm xẻ áo cho những người thiếu may mắn hơn mình trong giáo xứ, biết dạy dỗ và hướng dẫn con cái trở thành những tín hữu gương mẫu trong giáo xứ và những công dân lương thiện trong xã hội, bà Năm Trầu và anh Thìn trong hai giáo xứ vừa được nói tới chính là những người đang tử vì đạo và sống chứng nhân Tin Mừng trong thiên niên kỷ thứ ba.
Một cách tương tự, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng là mẫu gương điển hình của đời sống chứng nhân Tin Mừng. Ai bận rộn bằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi ngài còn sinh tiền? Thế nhưng, Ngài tổ chức hết đại hội Giới Trẻ này đến đại hội Giới Trẻ khác cho thanh niên thiếu nữ của khắp năm châu theo đúng như lời của Đức Kitô, “Hãy để những trẻ nhỏ đến cùng ta” (Matt 19:14). Biết rằng bình an vắng mặt trên nhiều vùng đất, Đức Giáo Hoàng công du đến nhiều quốc gia, gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo để bàn thảo những chương trình mưu cầu bình an cho nhân loại trên toàn thế giới. Để băng bó lại vết thương chia rẽ bắt nguồn từ trong quá khứ, Ngài đặt chân đến vùng đất thánh để cầu nguyện với Thiên Chúa của Abraham, cũng là Thiên Chúa của người Do Thái, của người Hồi giáo, và của người Kitô trước bức tường Than Khóc. Cảm nghiệm sâu sa về một thế giới biến loạn, đang còn cần đến nhiều bàn tay và trái tim của “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, Ngài biểu dương Mẹ Têrêsa, một gương sáng chói lọi về đời sống tử đạo và chứng nhân Tin Mừng. Bởi đời sống chứng nhân Tin Mừng đặc biệt và cụ thể của Đức Giáo Hoàng, khi Ngài nhắm mắt lại, bao nhiêu quốc gia trên thế giới treo cờ rũ để tang cho một người tín hữu cả đời nhiệt thành sống đời sống chứng nhân cho Đức Kitô.
Theo như tài liệu của Catholic-Hierarchy, vào năm 2003, tổng số của người Việt Nam là 82.319.000. Trong tổng số của 82.319.000 người này, 5.539.000 người là Công Giáo. Tỷ lệ người Công Giáo Việt Nam vào năm 2003 như vậy là 6,73%. Từ những ngày xưa của năm 1533 dưới thời Lê Trang Tôn, khi lịch sử ghi nhận tên của vị thừa sai đầu tiên, Inêkhu, đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam, cho tới ngày hôm nay của năm 2007, gần 500 năm Tin Mừng của người Việt Nam đã trôi qua. 500 năm trôi qua với con số 5.539.000 và 6,73% người Công Giáo Việt Nam là những con số khiến tôi băn khoăn, trằn trọc, và thường xuyên đặt vấn đề với đời sống chứng nhân Tin Mừng của riêng mình.
Bà góa trên sân Đền Thờ trong Tin Mừng Maccô 12:41-44 được Đức Giêsu ca ngợi không phải bởi bà ta là một người giàu có, nhưng bởi bà ta chỉ có hai xu là phần sản nghiệp duy nhất mà bà đang nắm giữ trong tay. Nhưng bởi đời sống chứng nhân về một niềm tin son sắt vào Giavê Thiên Chúa, bà góa nghèo này dám dâng tặng hết tất cả những gì mình đang sở hữu vào thùng tiền cúng của ngôi đền thờ Giêrusalem. Thánh Stêphanô, thánh Phaolô, nữ thánh Đê, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bà Năm Trầu, Anh Thìn, và Bà Góa nghèo trong Tin Mừng Máccô đều là những gương sáng của đời sống chứng nhân Tin Mừng. Dù chỉ sở hữu được hai xu nhỏ bé như nữ thánh Đê và Bà Góa Nghèo, hoặc có tới mười đồng như thánh Phaolô và Đức Giáo Hoàng, tất cả những nhân vật vừa được nhắc tới đều là những vĩ nhân của Giáo Hội toàn cầu và của người tín hữu Việt Nam, bởi vì họ dám dâng tặng hết lên Thiên Chúa tất cả những gì họ được Trời cao trao ban gửi tặng.
Lời nguyện
Lạy Chúa, xin cho chúng con sống tử đạo, sống chứng nhân như thánh Stêphanô, thánh Phaolô, thánh Đê, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để ánh sáng Tin Mừng của Chúa tiếp tục được lưu truyền và soi sáng tới khắp cùng bờ cõi của trái đất.
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
VietCatholic Network