Trong những thế hệ gần đây, lòng tự tin được nói đến rất nhiều, và được coi như một hành trang bắt buộc phải có để đi đến thành công.
Lòng tự tin đưa đến thành công, nhưng thành công lại dễ đưa một người đến chỗ tự mãn, kiêu căng, vì nghĩ những gì mình đạt được đều do ở chính khả năng của chính mình. Đấy là nói về lòng tự tin và thành công theo góc cạnh của đời thường. Bây giờ xin bạn hãy cùng tôi thử khám phá lòng tự tin theo một góc cạnh khác, có vẻ khoa học một chút và cũng liên quan đến tâm linh nữa, xem sao nhé. Tự tin từ đâu mà có? Làm sao biết mình có được tự tin? Tự tin đưa ta đến đâu?
Tự tin do đâu mà có ?
Trước hết, tự tin chỉ đơn giản là tin tưởng vào chính mình. Vậy mình phải biết “mình” ra sao, rồi mới tin vào “nó” được, phải không? Vậy coi như ta và nó là hai, trước khi có thể trở thành một.
Muốn tin tưởng được “nó”, ta phải thấy “nó” can đảm và làm được những việc khó khăn, nguy hiểm. Can đảm không có nghĩa là không sợ, nhưng ngược lại nữa kia. Nếu không sợ thì không thể gọi là can đảm được. Lo sợ, nhưng vẫn tiến tới, đấy mới là can đảm. Khi cái gọi là “mình” phải đứng trước một việc nào đó mang vẻ khó khăn hay nguy hiểm, thì tự nhiên là “nó” phải sợ chứ.
Sợ hãi, lo lắng là bản chất tự nhiên của con người. Thực ra, sợ hãi và lo lắng là một hệ thống sinh tồn căn bản mà Đấng Tạo Hoá đã gài đặt vào mọi loài động vật. Cơ thể có những ăng-ten để ghi nhận những gì bất thường đang khởi ra ở chung quanh. Kế tiếp là việc báo động cho các cơ phận khác phải chuẩn bị “tác chiến”. Theo giải thích của khoa học, cơ thể sẽ nhanh chóng phản ứng khi ta lo sợ. Các hoạt động bình thường được giảm thiểu tối đa, để dồn hết vào cho việc sẵn sàng chiến đấu. Ta có thể nhận ra mình bị khó thở, đang đói cũng không muốn ăn, không thể buồn ngủ được, không thể suy nghĩ được việc gì khác, v.v… Trong khi đó, tim đập mạnh hơn, nhanh hơn để tăng cường máu đi khắp nơi khiến ta thấy như máu đang dồn lên mặt. Mà nếu chưa đủ tiếp viện thì các khu vực ở cách xa “bộ tham mưu” sẽ tự phòng thủ băng cách đóng cửa đồn chặt lại, khiến ta thấy tay chân lạnh ngắt, hoặc nổi da gà vì các lỗ chân lông tự động khép chặt lại, các sợi lông dựng đứng lên, kêu là “dựng tóc gáy”. Đó là chưa kể những phản ứng sinh lý, sinh hoá ở bên trong, khi chất này được tiết ra nhiều hơn và chất kia được ngưng lại, v.v… khiến nhiều người cảm thấy buồn nôn, hay đau bụng muốn chạy vào nhà cầu mặc dù chẳng làm được gì ở trong đó (đi trốn chăng?!). Đại khái là như thế, tùy theo “địch” là cái gì ta thấy được, hay “địch” là những sự việc khó khăn hay nguy hiểm mà ta cảm nhận được thôi chứ không thể nhìn thấy. Cũng có thể “địch” là những người thích tấn công bằng lời nói để công kích, bắt bẻ, hay lấn át mà mỗi khi gần họ ta phải đề cao cảnh giác, hoặc “địch” là những người có quyền bắt tội và trừng phạt ta, như cảnh sát ở Mỹ hay công an ở VN, v.v…
Những hiện tượng “chuẩn bị tác chiến” như thế rất cần thiết và bắt buộc phải có để giúp bản thân tự vệ khi gặp hiểm nguy, hoặc bị tấn công hay lấn át bởi một sinh vật khác. Bạn đã thấy Đấng Tạo Hoá của chúng ta chu đáo với mọi tạo vật của Ngài ghê chưa? Muốn biết hệ thống này được sử dụng ra sao nơi loài vật thì các khoa học gia phải nghiên cứu nhiều lắm, nhưng mỗi người có thể tiếp tục tìm hiểu xem chính bản thân mình sử dụng hệ thống báo động và chuẩn bị chiến đấu đó thế nào.
Hãy mượn tạm cái hệ thống báo động về hoả hoạn mà nhà nào, hãng xưởng nào ở Mỹ cũng có. Ở nhà thường, cái máy báo động này thường được gắn ở gần nhà bếp. Mỗi khi cái máy báo động này la làng, việc đầu tiên chúng ta phải xem có mùi khét ở đâu đó trong nhà, và lần theo mùi khét đó để xem có lửa đang bén hay giây điện chạm nhau xoẹt lửa hay không. Nếu có, sẽ phải gọi số điện thoại khẩn cấp, rồi tìm cách dập tắt chỗ cháy. Máy báo động cứ tiếp tục kêu, nhưng ta hãy lờ nó đi để lo chữa lửa cái đã. Tuy nhiên, không phải lần nào máy kêu inh ỏi là đều có lửa cháy. Chắc ai cũng từng có lần nghe nó báo động inh ỏi, tưởng như lửa đang bốc cháy hay giây điện chạm nhau có mùi khét lẹt ở đâu đó trong nhà, nhưng chúng ta thường nhanh chóng nhận ra đó chỉ là một món ăn đang bị cháy khét, hoặc mới bắt đầu “xém cạnh” thật ngon. Đấy là vì cái máy chỉ thấy có mùi của khói là kêu ầm lên, chứ không phân biệt đó là khói của lửa, hay là hương vị xem xém thật thơm của món ăn. Khi đó, dĩ nhiên ta không hoảng hốt giật vội cái bình xit lửa hay cái vòi nước và đi tìm chỗ cháy, mà chỉ bình tĩnh mở cửa ra cho thoáng, rồi kiếm tờ báo phe phẩy ngay trước cái máy báo động, cho không khí nơi đó loãng ra, mùi khói giảm bớt và máy sẽ “im mồm” ngay. Nhưng nếu thấy có mùi khét mà nó không la làng gì cả, thì khi có lửa thật nó cũng im re luôn, khiến cả nhà chết cháy không chừng. Vì thế người ta còn làm cho nó tự la làng khi hết “pin” nữa, để ta biết mà thay “pin” mới cho nó, không thôi khi cần la làng nó lại không la được. Khi biết cái máy luôn sẵn sàng làm việc vào đúng lúc, thì ta an tâm lắm, tối tối đi ngủ chả phải lo lắng nhiều, nhất là nếu gắn cả máy báo động khi có kẻ gian vào nhà, thì càng an tâm hơn nữa.
Vậy khi cái máy báo động mà Tạo Hoá ban cho con người phải “la làng”, thì chúng ta làm gì? Chắc chắn là không phải bao giờ cũng kịp xem xét sự việc thực hư ra sao đâu. Vì có quá nhiều hiện tượng “di chuyển vũ khí và binh sĩ”, tức là những phản ứng sinh lý sinh hoá trong cớ thể, khiến “vị chỉ huy” là bộ não của chúng ta quýnh quáng cả lên, chẳng biết thực hư ra sao, cứ ra lệnh nã đại bác ra ngoài cho chắc ăn. Nhưng nhiều khi chẳng có địch nào cả, vì chỉ là báo đông hoảng mà thôi, có khi lại thành ra “lạy ông tôi ở bụi này” khiến cho địch biết được mà nả đại bác vào thì chết cả nút ấy chứ! Giả như nếu kịp nhận định rằng những báo động kia chỉ là phòng hờ mà thôi, một người có thể nói với các phản ứng trong cơ thể của mình rằng: “Mấy chú em giỏi lắm, biết chuẩn bị sẵn sàng khi có báo động như vậy là điều rất tốt. Nhưng ‘qua’ đã xem xét kỹ và thấy không có gì đáng ngại cả, coi như một cuộc tập dượt rất hữu ích, và tất cả trở về vị trí của mình. ‘Qua’ cám ơn mấy chú em nghen.” Và ngay lúc đó nên cảm tạ Đấng Tạo Hoá đã sắp đặt chu đáo và huấn luyện kỹ càng cho mọi cơ phận chiến đấu để bảo vệ sự sinh tồn của mình, để lúc cần sẽ sẵn sàng lâm trận.
Nguyên tắc là như thế, nhưng tất cả xảy ra quá nhanh chóng, quá máy móc, nên không dễ gì cho chúng ta kiểm sóat và quyết định một cách sáng suốt. Dù sao, ý thức về những diễn tiến trong cơ thể như vậy sẽ giúp cho một người quan sát mỗi khi có dịp, và sau nhiều lần tập dượt và thất bại, sẽ có cơ hội để phát huy khả năng nhận định sắc bén hơn và quyết định hành động sao cho thích hợp với tình thế.
Và đấy là can đảm, là tự tin.
Làm sao biết mình có tự tin?
Cảm nhận đươc sự khó khăn hay nguy hiểm, nhưng không thấy lo lắng, sợ hãi, hoặc nếu có thì cũng chỉ thoáng qua, không đáng kể. Khi lo lắng, sợ hãi không có mặt, hay có mặt nhưng không thể “tác oai tác quái”, thì ta mới có thể dồn hết sự chú tâm vào công việc khó khăn, nhiều đòi hỏi trước mắt. “Giận mất khôn”, cơn giận làm cho ta không còn sáng suốt nữa. Sợ hãi, lo lắng cũng thế; chính những cảm xúc này làm cho một người quýnh quáng cả lên, không còn biết hư thực ra sao. Giống như trường hợp máy báo động kêu inh ỏi và có lửa cháy thật, nhưng ta không phân biệt có lửa thật hay không, nên thay vì chữa lửa thì ta lo tắt máy vì nó kêu to quá chịu không nổi, hoặc thay vì làm cho nó ngưng kêu thì ta xách bình đi chữa lửa nhưng không có lửa ở đâu hết. Vì thế, khi gặp sợ hãi, lo lắng, những người theo một tôn Giáo nào đó, hoặc do bản năng tự nhiên mà tin có Chúa, có Trời, có Đấng Toàn Năng, thường sẽ chú tâm vào việc cầu nguyện để có thể tạm thời xua đuổi sự sợ hãi. Khi sợ hãi được tạm gác qua một bên, ta sẽ sáng suốt, khôn ngoan, biết nhận định tình thế và quyết định phải làm gì, và sẽ vượt qua được. Từ đó, càng ngày càng tự tin hơn. Trường hợp những người nhờ cầu nguyện mà xua đuổi được sợ hãi, sẽ tin tưởng nhiều hơn vào Đấng đã đáp lại lời cầu xin của mình, nhưng họ cũng tự tin hơn vào chính mình nữa.
Tự tin đưa ta đến đâu?
Bình an! Vâng, tự tin đưa ta đến bình an. Người tự mãn và kiêu hãnh về những thành quả của mình, chưa chắc đã là người tự tin. Hoặc do số may mắn, do gặp cơ hội tốt, hoặc hoàn cảnh bắt buộc phải phấn đấu với những khó khăn, nguy hiểm để sinh tồn mà đưa đến thành công. Rồi nhờ thấy được thành quả của mình mà người đó cảm thấy có giá trị, và từ đó mới phần nào tự tin vào mình.
Một người có thể chẳng đạt được thành quả to tát nào, vẫn có thể là một người rất tự tin, do quan sát chính bản thân mình và những gì nó trải qua, hiểu nó hơn, tin tưởng nó hơn, an tâm hơn, và bình an hơn. Nếu đọc Kinh Thánh, bạn sẽ thấy Chúa Giêsu tuyệt vời khi dạy cho ta phân biệt về sợ hãi. Trong đời sống thường nhật, Chúa dạy: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Lc 12:4-7).
Nhưng khi Ngài và các môn để sắp lâm nạn, Chúa đã giúp các ông biết phân biệt và chuẩn bị để thực sự chiến đấu. Lúc đó, Chuá hỏi các ông: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không? ” Các ông đáp: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua.” (Lc 22:35-37) Khi quân lính đến vây bắt Ngài, Chúa Giêsu đã xin họ tha cho các môn đệ của mình, rồi sau đó có môn đệ nào phải phấn đấu để thoát thân hay không, ta không thấy ghi lại trong Kinh Thánh.
Còn lại một mình Chúa Giêsu lâm nạn, và tuy vẫn chấp nhận cái chết đầy kinh hoàng của mình, nhưng chắc chắn Chúa đã phải phấn đấu rất nhiều để trải qua nó, bằng sức chịu đựng tột đỉnh của một thân xác bình thường. Sau đó, Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra với các môn đệ của Ngài, khi họ còn đang đường đầu với cơn sợ hãi tột cùng về cái chết của Thày mình. Ngài hiện ra với họ bằng lời chào: “Bình an cho các con!” (Lc 24:37). Vì sau khi phấn đấu với cơn khổ nạn và vượt qua sự chết, Ngài đầy tràn bình an, và muốn những người theo Ngài lúc đó và cả chúng ta ngày nay, tất cả đều được bình an như thế. Vì Chúa đã chết thay cho chúng ta trong những lần phải phấn đấu với sự dữ.
Nguyễn Thị Kim Loan