Trong cuộc sống, suy tư phải đi trước hành động. Như muốn xây nhà, người ta phải suy nghĩ trước về cái nhà mình muốn xây. Sau đó mới đến hành động xây.
Trong các cải cách tôn giáo, suy tư giữ vị trí cực kỳ quan trọng. Suy nghĩ chín chắn trước về mọi mặt, rồi mới bắt đầu thực thi cải cách.
Trong các đổi mới chính trị, những suy tư về đổi mới phải được gieo trồng rộng rãi một thời gian dài trước, rồi hành động sẽ khởi sự từ từ sau.
Suy tư giữ vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng bản thân, và các liên hệ xã hội. Suy tư cũng là thước đo, để đánh giá một nền văn hoá, những tiềm năng tiến triển của một giáo hội và một xã hội.
Với vài nhận thức sơ sài như trên, tôi thành thực giãi bày ưu tư của tôi về tương lai đời đạo tại Việt Nam hôm nay.
Ưu tư của tôi phát sinh từ cái nhìn về những truyền thống suy tư còn khá phổ biến ở nhiều nơi.
Để phác hoạ những truyền thống đó thành những điển hình dễ hiểu, tôi mạn phép phân các cách suy tư đó thành ba loại.
1/ Suy tư nhất trí
Đặc điểm của loại suy tư này là mọi người đều suy tư giống nhau. Giống như kiểu trong một cuộc họp, mọi người đều mặc đồng phục như nhau, mọi người đều vỗ tay đúng kiểu như nhau, mọi người cùng hô các khẩu hiệu nhịp nhàng như nhau, mọi người cùng nhất trí hoàn toàn như nhau. Thực ra, mọi người đều ngoan ngoãn vâng lệnh một người.
Động lực gây nên sự nhất trí về suy tư nhiều khi là tình thương mến nhau, hoặc để dễ điều hành việc chung. Người hướng dẫn suy tư được coi là có thẩm quyền. Chính người được phong thần như thế cũng thầm mong muốn như vậy. Mình suy tư thay cho tất cả.
Cảnh nhất trí này, khi đã thành một nếp sống, sẽ dễ làm cho các thành phần trong cộng đoàn trở nên thụ động, nghèo nàn, ấu trĩ về đời sống tinh thần. Họ không còn cảm thấy nhu cầu tự học hỏi, tìm tòi, khám phá, chọn lựa.
Trước thói quen suy tư thụ động kể trên, chúng ta nên làm gì? Tôi xin mượn lời Chúa Giêsu phán xưa trước thi hài Ladarô: “Hãy cởi khăn và vải bọc xác anh, rồi để anh ấy đi” (Ga 11,44).
Trong nhiều cộng đoàn, người ta cũng dùng những chiếc khăn và vải vô hình nào đó để trói buộc tinh thần người khác. Không phải vì ghét, nhưng tưởng như thế là để tỏ tình thương đối với họ, và nhất là để mưu ích cho cộng đoàn. Nhưng hãy cởi trói cho nhau. Để mỗi người con Chúa tập sống trưởng thành trong sự phát triển tiềm năng suy tư riêng một cách hợp lý.
Lịch sử đang bước vào thời điểm đối thoại, cạnh tranh. Ai kém về suy tư sẽ thua thiệt. Bên cạnh loại hình suy tư tự động hoàn toàn nhất trí, là loại hình suy tư áp đặt.
2/ Suy tư áp đặt
Cộng đoàn cần sống trong trật tự. Trật tự và quyền bính phải được coi là những nhân tố giáo dục về tự do và bác ái. Tất nhiên là phải có sự vâng lời. Nhưng vâng lời là một lựa chọn, dấu ấn của sự tự do của ta. Nó không chỉ là sự vâng giữ luật, nhưng sâu hơn nó diễn tả một cách sống của người môn đệ Chúa. Họ luôn lắng nghe Chúa và luôn giữ liên hệ mật thiết với Chúa giữa cộng đoàn và qua cộng đoàn bác ái.
“Thầy không còn gọi chúng con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi chúng con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho chúng con biết” (Ga 15,15).
Trong tinh thần đó, mọi suy tư, dù của ai trong cộng đoàn, đều không nên có tính cách áp đặt, hăm dọa, cưỡng bức, nhất là một cách thô bạo.
Chúa Giêsu đã làm gương về thái độ đó. Ngay đối với Giuđa, kẻ phản bội bán Người, Người đã rất nhẹ lời khi cảnh cáo. Cũng như đối với thánh Phêrô, dù biết trước lỗi lầm ngài sẽ phạm, Chúa vẫn chỉ cảnh báo và khuyên ngài hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Những hình thức đe loi, nhục mạ, phỉ báng để áp đặt suy nghĩ riêng mình đang được xóa bỏ trong cộng đoàn xã hội văn minh. Phương chi trong cộng đoàn những người con Chúa.
Sau cùng, cũng nên nói sơ qua về một loại hình nữa về suy tư cũng khá phổ biến hiện nay, đó là suy tư theo chiều gió.
3/ Suy tư theo chiều gió
Hơn bao giờ hết, thời đại này đang sống với mọi thứ phong trào, như trong đủ thứ gió luôn xoay chiều. Suy tư này phản suy tư kia.
Suy tư kia liên minh với suy tư nọ.
Có những suy tư chẳng biết xuất phát từ đâu, nhưng người ta gọi nó chung chung là dư luận. Dư luận như một cơn gió, thổi qua đâu thì lại ôm theo mình những gì mình gặp. Tốt có, xấu có. Vô số người hằng ngày bị dư luận hướng dẫn về mọi mặt đạo đời. Ảnh hưởng của dư luận nhiều khi cũng đã biến đổi nhiều môn đệ Chúa. Họ vô tình có những chọn lựa, những cách nhìn, những phán đoán, chỉ để hợp với dư luận. Mạnh đâu theo đó.
Trong một tình hình như thế, thiết tưởng chúng ta phải cương quyết nhận Chúa Giêsu là gương mẫu đời ta. “Phần Ta, Ta đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tôi vững tin lời trên đây. Chúa phán xưa và cũng đang phán hôm nay. Tôi cũng vững tin: Chúa đem lại sự sống dồi dào cho chúng ta, cho dù chúng ta “phải như hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu nó không chết đi, thì nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Để kết, tôi xin nói lên ưu tư sau cùng của tôi: Các vấn đề về phát triển Đất nước và Giáo Hội tại Việt Nam hôm nay, đã và đang được ta suy tư như thế nào? Xin Chúa ban cho ta biết khiêm nhường đón nhận sự thật về thánh ý Chúa cho một kế hoạch lâu dài. Tương lai sẽ tuỳ thuộc một phần ở những suy tư của ta hôm nay.
ĐGM. JB Bùi Tuần