Vấn đề biết mình

          Đề tài tĩnh tâm Mùa Chay của giáo triều năm nay là: “ Hãy trở về trong chính bạn” do linh mục Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng trong đó có nhắc tới quan điểm của Thánh Augustino “ In teipsum redi. In interior homine habitat veritas” ( Hãy trở về trong chính bạn. Chân lý ở trong con người nội tâm ). Trong  một bài diễn văn với mọi người, ngài còn hô hào điều này kiên quyết hơn:

          “ Trở về với trái tim bạn. Tại sao bạn lại ra khỏi chính  mình ? Ra khỏi chính mình bạn sẽ diệt vong. Tại sao lại theo những con đường bỏ vắng ? Hãy trở về từ cảnh lang thang từng đưa bạn đi quá xa như thế và hãy trở về với Chúa. Hãy làm nhanh lên. Đầu tiên bạn hãy trở về với trái tim bạn. Bạn  đã đi lang thang và trở thành người xa lạ với chính bạn. Bạn không biết chính bạn. Tuy nhiên bạn vẫn đang tìm kiếm Đấng đã dựng nên bạn. Bạn hãy trở về. Trở về với trái tim bạn. Hãy nhìn thấy ở đó  những gì bạn có thể  nhận thức về Thiên Chúa, vì  đó là nơi  bạn sẽ  tìm thấy  hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Ki Tô ngự trong  con người nội tâm  và chính trong  con người bên trong của bạn, bạn được đổi mới theo Hình Ảnh của Thiên Chúa” ( Nguồn Vietcatholic News – 22/3/2019 – Hãy Trở Về Trong Chính Bạn ).

          Để có thể “trở về trong chính  bạn” tức trở về với chính mình thì trước hết cần phải…biết mình. Không …biết mình thì không thể trở về và đây chính là câu châm ngôn đã được khắc ghi trên cổng  vào đền Delphe của Hy Lạp cổ đại “ Hãy tìm cho biết về chính mình mày” ( Connais – toi. Toi-memes ).

          Tìm biết về chính mình chẳng những là tìm cho biết về  cái căn nguyên xuất xứ của mình mà  còn là sự hiện hữu của muôn  loài vạn vật. Chúng do đâu mà có ? Có phải do tự nhiên hay  cần có Đấng nào đó tạo dựng nên ?

          Nói đến vấn đề có hay không  Đấng Tạo Dựng có nghĩa là chúng ta  đã đề cập tới  vấn đề trọng yếu của triết học về mối tương quan giữa Yếu Tính và Hiện Hữu. Điều mà từ cổ chí kim, từ Đông sang tây  đều có chung một mối suy tư mang tính triết lý thế này:  Vạn vật …có đó, hiện hữu đó nhưng hẳn nhiên là cái sự hiện hữu  mà ta có thể thấy, nghe, cảm nhận ấy  cần phải có một cái gì đó vô hình làm căn nguyên cho nó. Cái vô hình vô tướng đó  triết học  gọi là Yếu Tính.

          Minh triết Đông phương  cho  Yếu Tính  ấy là Đạo và Đạo thì  không  thể xa lìa người: “ Đạo không xa lìa cái bản tính người. Nếu theo Đạo để cho xa cái bản tính của người thì đó không phải là Đạo” ( Đạo bất viễn nhân. Nhân chi vi Đạo  nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo – Sách Trung Dung ).

          Từ nơi quan niệm Đạo không xa người như thế, minh triết Đông phương  đề cao lý tưởng người quân tử nhưng trong thực tế, việc  trở về sống với Đạo ấy  chưa bao giờ được thực hiện. Sở dĩ như thế bởi dẫu sao  thì  đó vẫn  chỉ là một thứ  tri thức của sự tìm biết giống như câu châm ngôn Hy Lạp “ Hãy tìm cho biết về chính mình”. Đang khi đó để trở về với chính mình  thì nhất thiết cần phải …tiêu trừ tri thức đi. Lục Tổ Huệ Năng  nói với Huệ Minh khi ông này đuổi theo  để dành lấy  Áo Pháp: “ Đừng nghĩ thiện. Đừng nghĩ ác. Chính trong lúc đó  mới rõ cái gì là Bản Lai Diện Mục của thượng tọa Minh” ( Pháp Bửu Đàn Kinh – Phẩm Tự Tự )

          Đối với trường hợp của triết  học Tây Phương cũng không khác, cũng không thể…Biết Mình  bởi  trước sau vẫn chỉ là một thứ Tri Thức Luận:

          Platon ( 427 – 347 ) triết gia hàng đầu của Hy Lạp cổ thời đã  cho Yếu Tính” là  “ Những Lý Tưởng”. “ Lý Tưởng” là cái nguyên lý thường hằng không những chỉ siêu việt  trên những sự vật khả giác ( đối tượng giác quan ) mà còn  là nguyên nhân mô phạm tuyệt đối  cho thế giới hiện tượng.

          Trái với  Platon cho Yếu Tính là nguyên nhân mô phạm  bên ngoài các sự vật. Aristote ( 384 – 322 )  lại cho Yếu Tính  là “ Hữu”  hay Hữu Thể tức là nguyên lý vô hình  gắn liền với các sự vật. Hữu Thể  tuy là một danh từ đơn giản và duy nhất nhưng đối với bất cứ sự vật gì…”Có”, ta cũng gọi chúng bằng một cái tên Hữu Thể. Cái nhà này Hữu. Người này Hữu. Con sông này Hữu. Trái núi này Hữu v.v…

          Để có toàn bộ  những sự vật ( Hữu Thể )  mang tính cá biệt ấy tất nhiên  là phải có một Hữu Thể Tối Cao làm căn nguyên cho chúng gọi là Đấng Tạo Hóa. Nhận ra như vậy  để cho thấy toàn bộ nỗ lực của triết học Tây Phương  hay nói đúng hơn  của Thần Học Kinh Viện ( Scholastique )  tức Hữu Thể Học chỉ là để làm sao chứng minh cho sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa mà Đấng Tạo Hóa ấy  thực chất chỉ là một thứ  Yếu Tính theo quan niệm của triết Hy Lạp hoàn toàn xa rời con người  và cuộc hiện sinh này.

          Một khi Đấng Tạo Hóa  thuần túy chỉ là  Yếu Tính theo quan niệm triết học  thì  nó sẽ không bao giờ có thể thiết lập được mối tương quan với hiện hữu  và như  vậy việc trở về với chính mình  đã trở nên vô nghĩa bởi lẽ trở về với mình cũng  tức  là trở về với Đấng Chúa ở nơi mình.

          “ Trong phạm vi Giáo Hội, việc CĐ Vaticano II khẳng định ý tưởng “ Giáo Hội trong thế giới ngày nay” có lúc đã  thay thế lý tưởng xưa chạy trốn thế gian bằng lý tưởng  chạy về phía thế gian. Việc từ bỏ đời sống nội tâm  và xu hướng hướng ngoại tạo thành một khía cạnh, một trong những khía cạnh  nguy hiểm nhất  là hiện tượng  duy thế tục ( Tục Hóa ). Thậm chí hiện đang có một nỗ lực nhằm biện minh cho xu hướng mới này về mặt thần học lấy tên là “ Thần học về cái chết của Thiên Chúa” hay Kinh Thành Thế Tục. Họ nói chính Chúa đã lập gương đó cho chúng ta  bằng cách Nhập Thể. Người tự làm rỗng chính Người.Người ra khỏi chính Người và đời sống của Ba Ngôi. Người trở thành “ Tục Hóa”  nghĩa là Người trở nên tan hòa vào thế tục. Người trở thành một thứ Thiên Chúa “ Ở bên ngoài  chính Người” ( Nguồn Vietcatholic – News – 23/3/2019 – Lm Cantalamessa – đã dẫn ).

          Giáo Hội thay vì là con đường giải thoát khỏi thế gian thì nay lại…chạy về phía thế gian ? Đang khi đó Đạo Chúa  là đạo siêu xuất thế gian: “ Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian ghen ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như  Con không thuộc về thế gian vậy. Con  chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian  nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi sự ác. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy Lẽ Thật khiến họ nên Thánh. Đạo Cha tức là Lẽ Thật” ( Ga 17, 14 -17 ).

          Đạo Cha là Lẽ Thật và lẽ Thật ấy không bao giờ tìm thấy ở đâu ngoài bản tâm mỗi người. Ý nghĩa của  việc “ Tìm cho biết về chính mình” chẳng phải điều chi khác ngoài ra là nhận biết mình  là  Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1,26 ). Mỗi người đều được tác tạo là Con Thiên Chúa nhưng  vì vô minh  nên từ vô thỉ đã…Quên đi mất phẩm tính  vô cùng cao quý ấy. Như vậy toàn bộ đời sống tâm linh chẳng qua  chỉ là để cho ta có thể Nhớ lại cái mà mình đã Quên  mà thôi.

          Đức Ki Tô đã đưa ra nhiều phương thế khác nhau  hầu cho ta thực hiện cái việc…Nhớ ấy bằng cách …dứt trừ  đi Tâm Phân Biệt: “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu người thân cận và ghét kẻ thù nghịch cùng mình. Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi  và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi  được làm con  của Cha các ngươi trên trời  bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên  kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ  bất chính cùng kẻ công chính” ( Mt  5, 43 -45 ).

          Thiên Chúa là Đấng Vô Phân Biệt, soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ bất chính cùng kẻ công chính và  Bản Tâm ta cũng  vốn dĩ là vô phân biệt. Thế nhưng do nơi ảnh hưởng của Tội Nguyên Tổ là Tội Phân Biệt  thế nên không một ai trong chúng ta  lại không sống với Tâm Phân Biệt  để rồi phải hứng chịu mọi thứ nghiệp chướng, khổ đau…

          Chính bởi cái nỗi chướng nạn  khổ đau ấy  chúng ta mới cần thiết phải trở về để sống với sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mình: “ Vậy  anh em phải lột bỏ con người cũ về cách ăn ở trước kia là người càng ngày càng bị bại hoại bởi tư dục lừa dối lại phải đổi mới trong tinh thần của tâm trí mình mà mặc lấy con người mới là người đã được dựng nên y theo ĐCT trong sự công chính và sự Thánh khiết của Lẽ Thật” ( Eph 4, 22 -24 ).

          Sống theo sự thật là điều rất khó nhất là trong cái thời mà sự dối trá  dường như đang được…tôn vinh ?. Quả  là…khó đấy nhưng nếu chúng ta  kiên trì trong việc trở về với mình bằng cách chuyên chăm cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi, tham dự Thánh Lễ hàng ngày, hy sinh làm việc bác ái…thì dù khó đến đâu cũng trở thành…không khó miễn là  có lòng cậy trông nơi Ơn Chúa “ Ơn Ta đủ cho ngươi vì quyền năng của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” ( 2C 12, 9 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts