Nói đến vấn đề thiện ác, chúng ta không thể không liên hệ đến…Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt “ Giê hova ĐCT phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Nhưng về cây biết điều thiện điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).
Tại sao Đức Chúa lại cấm không cho…ăn Cây ( Trái ) Phân Biệt, ăn vào phải chết ? Câu hỏi này đã gây ra không ít tranh luận thần học và cho đến nay người ta vẫn còn chưa tìm ra lời giải cho nó ! Có người cho đó là tội…dâm dục. Có người lại cho là tội không vâng lời. Về tội không vâng lời, chúng ta thấy Thánh Phao Lô đã so sánh giữa nguyên tổ Adam và Đức Ki Tô: “ Vì bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người đều trở nên tội nhân thế nào thì bởi sự vâng phục của một người mà mọi người đều sẽ được nên công chính cũng thể ấy” ( Rm 5, 19 ).
Qua việc so sánh ấy Thánh Phao Lô mới cho chúng ta thấy một khía cạnh của Tội Nguyên Tổ chứ chưa nói lên được bản chất của nó. Tại sao nguyên tổ chỉ ăn có một …cái cây ( trái ) mà lại di hại cho tới muôn đời cháu con như thế ? Về câu chuyện sa ngã của nguyên tổ nơi Vườn Địa Đàng chúng ta chỉ có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng: Vườn Địa Đàng ám chỉ cho bản tâm Vô Phân Biệt. Eva – Adam tượng trưng chio hai nguyên lý Âm và Dương. Con rắn cho Lý Trí Phân Biệt.
Nguyên tổ đang sống an nhiên nơi Vườn Địa Đàng nhưng rồi đã nghe theo sự cám dỗ của con rắn….ăn ( phạm tội ) trái cây phân biệt nên tức thời đã bị đuổi khỏi Địa Đàng. Khi Tâm Phân Biệt khởi thì Tâm Vô Phân Biệt liền mất.
Biết ( phân biệt ) điều thiện điều ác sở dĩ là …tội bởi lẽ cái biết ấy đã đặt trên cơ sở của “ Cái Ta”. Đang khi đó “ Cái Ta” là cái …không thật, thuần túy nó chỉ là ngã chấp. Lấy “Cái Ta” ngã chấp để phán xét đây là thiện kia là ác đó chính là một thứ căn bản vô minh ( Câu Sinh Ngã Chấp ) của con người muôn thuở.
Cũng vì sự vô minh đó mà nhân loại đã phải trải qua không biết bao nhiêu là tai ương khốn khổ cả trong tôn giáo lẫn chính trị. Nguyên nhân đưa đến các cuộc chiến tranh tôn giáo lớn nhỏ, nơi này nơi kia chẳng phải là tại các tôn giáo ấy đã khư khư cho rằng chỉ có mình mới nắm giữ được chân lý hay sao ?
Mặt khác điều mà người ta trước đó cho là lý tưởng là …thiện và đã cống hiến tài năng, thậm chí cả mạng sống mình. Nhưng rồi sau khi đã nhận ra sự thật mới biết là mình đã bị…cái ác lừa dối ghê gớm thế nào ! Một M. Goocbachop nguyên TBT Đảng CS Liên Xô đã phải thốt lên lời cay đắng thế này “ Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng CS. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng CS chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.
Qua lời sám hối này cho thấy quả thật con người không thể biết đâu là thiện đâu là ác. Một khi đã không biết đâu là thiện đâu là ác để rồi cứ gây hại cho nhau đó chẳng phải là tội hay sao ? Không biết cội nguồn thiện ác mà lại cứ làm cái sự…phân biệt đó tất cả nguyên nhân là vì con người chỉ…thấy được bề ngoài chứ không… thấy được bề trong tức cái động cơ của mọi việc làm. Tuy nhiên chính cái động cơ đó mới có thể quyết định đâu là thiện đâu là ác.
Hòa thượng Trung Phong là quốc sư Phổ Ứng đời Nguyên đã luận về thiện ác như sau: “ Phàm việc có ích cho người là thiện còn có ích cho mình là ác. Nếu có ích cho người thì dù có đánh đập hay mạ lỵ người đó cũng vẫn là thiện. Nếu là việc chỉ lợi ích cho mình dù cung kính lễ độ với người cũng vẫn là ác. Cho nên việc hành thiện của một người nếu có ích cho người thì là công và khi đã là công tức là thật. Lợi cho mình thì là tư, đã là tư tức là giả. Việc thiện phát xuất từ tấm lòng thành của mình là chân. Nếu động cơ hành thiện là để cho người biết thì là giả. Hành thiện mà vô vi thì là chân còn nếu hữu vi thì là giả. Cho nên muốn biết một hành động là thiện hay ác cần phải xét đến động cơ của việc đó thuộc chân hay giả. Thuộc công hay là tư mới có thể phán xét được” ( Liễu Phàm – Tứ Huấn ).
Để đánh giá đúng được thiện, ác thì nhất định phải căn cứ ở nơi cái động cơ. Động cơ nào muốn làm ích cho người là thiện. Trái lại động cơ nào chỉ muốn lợi mình là ác. Quả là động cơ quyết định cho việc thiện, ác. Tuy nhiên ngay cả việc thiện ấy tựu chung cũng có hai thứ động cơ. Một còn ở trong phạm vi thế gian tức những việc làm mang tính chất bác ái xã hội, muốn mưu ích cho nhân quần xã hội. Hai là thuộc lãnh vực tâm linh siêu xuất thế gian tức việc bỏ mình theo Chúa “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).
Ý nghĩa rốt ráo của việc “ Bỏ Mình” chính là sống với Tâm Vô Phân Biệt và sống với Tâm Vô Phân biệt có nghĩa không còn phân biệt người thiện kẻ ác “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu người thân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi: Hãy yêu thương kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi. Hầu cho các ngươi được làm con của Cha trên trời. Bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ công chính cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 43 -45).
Yêu thương những kẻ thân cận với mình như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái…v.v…đó là lẽ thường tình thế gian. Tuy nhiên Chúa dạy chúng ta cần siêu thoát đời sống luân lý ấy hầu bước đi trên con đường nhận biết Sự Thật “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Sự Thật cần nhận biết ấy chính là mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Chúa không nói Ngài đến để giải thoát nhưng là Sự Thật. Điều ấy nêu lên cho chúng ta một nan đề hết sức quan trọng đó là tôn giáo chỉ có thể chứng minh sự tồn tại khi nó mang nơi mình sứ mạng tìm kiếm Sự Thật.
Sự Thật ấy Đạo Chúa cho đó là Bản Tính Con Thiên Chúa còn Đạo Phật gọi là Phật Tánh hay Bản Lai Diện Mục ( Bộ Măt Xưa Nay ). Nếu có thể gạt đi sự khác biệt về ngôn ngữ, hình tướng thì chân lý vốn dĩ …là một và cái…một ấy đồng nhau nơi sự Trở Về “ Vạn vật cùng đều sinh ra. Ta lại thấy nó trở về gốc. Ôi ! Mọi vật trùng trùng đều trở về cội rễ của nó” ( Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân. Các phục quy kỳ căn – Lão Tử ĐĐK –Chương 16 ).
Trở về gốc và cái gốc ấy Kinh Thánh cho biết chính là Vườn Địa Đàng nơi từ đó nguyên tổ vì…ăn trái cấm đã phải ra đi. Mặc dầu ra đi nhưng không phải là…đi mãi không có ngày về bởi chưng đã có lời hứa của Đức Chúa khi Ngài phán với con rắn:” Ta sẽ làm cho mi cùng Người Nữ, dòng dõi mi cùng dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mi còn mi thì sẽ rình cắn gót chân Người” ( St 3, 15 ).
Người Nữ ám chỉ Đức Nữ Trinh Maria. Còn rắn là Sa Tan tên lừa dối mà có lần Chúa Giê Su đã vạch mặt chỉ tên “ Từ ban đầu ( Thuở Sáng Thế ) nó là kẻ giết người chẳng đứng trong lẽ thật. Vì trong nó không có lẽ thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 ).
Lý do trình thuật nêu trên được gọi là Lời Hứa cho trở về bởi chưng để đạt được Lời Hứa ấy, con người cần trải qua một cuộc chiến cam go dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đức Maria hầu chiến thắng quỷ dữ Sa Tan. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao để chiến thắng Sa Ta thì phải hết lòng cậy dựa vào Đức Maria ? Xin thưa bởi vì Ngài là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội có nghĩa ở nơi Ngài tuyệt nhiên không còn có sự phân biệt ( thuận nghịch ) nào nữa. Trái lại Sa Tan là đứa lừa dối bởi chủ trương của nó là sự phân biệt và điều ấy đã dẫn đưa Adam và muôn đời cháu con phải đọa đày trong khốn cùng khổ đau.
Phân biệt thiện ác là tội và tội này chỉ có thể dứt trừ khi không nghe theo sự cám dỗ cực kỳ tinh vi của Sa Tan. Nó nói với nguyên tổ “ Hai người cứ …ăn đi chẳng chết chóc gì đâu ( St 3, 4 ) nhưng rồi cả hai đều phải chết tức bị đuổi khỏi Địa Đàng.
Không nghe theo cám dỗ của Sa Tan đó là điều cực kỳ khó khăn bởi lẽ sự phân biệt tức hướng ngoại tìm cầu đã thuộc về bản chất con người. Bao lâu còn phân biệt thì còn sống trong vòng trói buộc của vô minh điên đảo. Lục Tổ Huệ Năng nói với tu sĩ Huệ Minh khi ông ta đuổi theo muốn dành giựt lấy Áo Pháp: “ Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính trong lúc đó mới rõ Diện Mục Bản Lai của Minh thượng tọa” ( Pháp Bửu Đàn Kinh – Phẩm Tự Tự ).
Làm cách sao để “ Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác” đó là công việc cốt yếu của Thiền bởi Thiền tiếng Phạn gọi là Dhyana còn Hán tự dịch là Tịnh Lự có nghĩa dứt bỏ hết tư lự, nghĩ suy. Theo thiền sư Tịnh Không: Con người không ai lại không vướng phải sai lầm nghiêm trọng là đã tự biến cái Tâm thanh tịnh bình đẳng vốn có của mình thành Tâm ô nhiễm bất bình đẳng.
Thiền tông lấy Công Án ( Kung An ) để làm cái thu hút vọng tưởng hầu gom nó thành một khối nghi cho đến ngày cái khối nghi đó bị phá vỡ thì đó là Giác Ngộ. Còn Tịnh Độ tông thì lấy câu Niệm Phật làm chánh niệm cùng với lòng tin sâu nguyện thiết để về sinh sống nơi thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Như trên đã nói, để có thể chiến đấu và chiến thắng thì nhất định cần tuyệt đối cậy dựa nơi Đức Maria và việc cậy dựa ấy tất cả cũng không ngoài việc tích cực thi hành ba mệnh lệnh Pha Ti Ma: Cải thiện đời sống. Siêng năng lần chuỗi Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ.
Ba mệnh lệnh ấy có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng ta chỉ có thể cải thiện đời sống bằng cách siêng năng lần chuỗi đồng thời sự siêng năng ấy cũng chỉ có được khi ta có lòng tôn sùng Đức Mẹ. Về việc cải thiện đời sống, sẽ chỉ có kết quả thực sự khi chúng ta cố gắng dứt bỏ sự phân biệt. Bao lâu còn phân biệt Ta – Người thì bấy lâu chúng ta không thể yêu người cho thật được.
Nếu sự phân biệt đã thuộc về bản chất của con người do Tội Nguyên Tổ thì để dứt trừ nó chúng ta cần có phương pháp và phương pháp tối hảo Đức Mẹ hằng khuyên nhủ đó là hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Hãy hết lòng cậy trông nơi sự cầu bầu của Đức Mẹ vì như lời kinh tín hữu vẫn đọc “ Mẹ làm cho chúng con được sống được vui, được cậy./.
Phùng Văn Hóa