Một danh hài Mỹ khi được hỏi xem ông yêu điều gì nhất trong đời và ông ta trả lời =Tôi yêu phụ nữ nhất tiếp đến là Whiskey, yêu người thân cận một chút và hầu như không yêu mến Chúa. Lời nói dù chỉ có tính diễu cợt của một anh hề nhưng thật sự thì nó đã phản ảnh trung thực tính chất đối nghịch giữa bản năng và niềm tin tôn giáo của con người thời đại “ Tôi chợt nhớ lại câu này khi mới đây lúc đang có bài diễn thuyết thì một phụ nữ hỏi tôi rằng = Tại sao Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo một cách rồi hầu như lúc nào cũng mong chúng ta hành động trái ngược với các bản năng của mình ? Tôi hiểu ý của bà ấy muốn nói gì. Các bản năng tự nhiên và những dục vọng bộc phát của chúng ta được định sẽ hướng đến cụ thể là Thiên Chúa và đời sống bất diệt. Có vẻ như lập trường tôn giáo kêu gọi chúng ta đảo ngược trật tự của cây hài người Mỹ trên nghĩa là yêu Chúa trước hết yêu người thân sâu sắc và rồi cho khoái lạc con người bản năng của chúng ta một vị trí rất thứ yếu. Nhưng hầu như mọi chuyện không phải như vậy. Nhìn chung chúng ta bị lôi cuốn rất mạnh mẽ đến với những điều của trần gian này là người khác là khoái lạc là những mỹ vật, tình dục, tiền bạc tiện nghi. Những điều này dường như có một lực hút mạnh mẽ hơn những sự của đức tin và tôn giáo” ( Nguồn Lamhong. Org – 27/8/2015 – Ron Rolheiser – Bản Tính Con Người ? )
Lý do đưa đến có sự…lệch pha giữa các bản năng tự nhiên và đời sống đức tin tôn giáo đó là do bởi ảnh hưởng của quan niệm đấng thần linh Tạo Hóa. Với đấng này thì tất cả đều do ngài tạo dựng kể cả các dục vọng “ Thiên Chúa không lầm khi tạo dựng dục vọng con người, ý định của Thiên Chúa được viết trên mã di truyền dục vọng. Đến tận cùng thiết lập của chúng ta hướng chúng ta đến với Chúa bất chấp dục vọng đó có vẻ ám ảnh trần tục phóng đãng và ngoại đạo đến đâu chăng nữa. Bản tính con người không lệch pha với lời kêu gọi của đức tin, hoàn toàn không. Hơn nữa những bản năng mạnh mẽ bên trong bản tính chúng ta vốn nhiều lúc có vẻ ích kỷ và vô luân đều có giá trị đạo đức và mục đích riêng của chúng, chúng bảo vệ cho chúng ta vươn ra đến những gì duy trì mạng sống và không kém quan trọng là bảo đảm cho loài người tồn tại. Cuối cùng Thiên Chúa cũng đặt những bản năng trần tục trong chúng ta để thúc ép chúng ta hưởng dùng sự sống và nếm trải những thú vui còn Ngài như người ông đầy yêu thương quan sát con cháu chơi đùa…” ( Nguồn Lamhong. Org 27.8.2015 đã dẫn).
Coi Thiên Chúa như một người ông đầy yêu thương quan sát con cháu chơi đùa ….đó quả thật là ý tưởng hết sức quái dị.Tuy nhiên đây lại là hệ quả không thể tránh một khi người ta còn bám chấp vào quan niệm Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên cái gọi là thế giới vật chất hữu hình này. Với quan niệm Đấng Tạo Hóa như thế thì đức tin và việc thực hành tôn giáo chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tại sao ? Bởi chưng đức tin chỉ có ý nghĩa khi con người còn đang trên đường tìm kiếm và việc tìm kiếm ấy là tìm một “Đấng Thiên Chúa còn giấu ẩn ( Deus Abconsditus) mà Thánh Gioan nói là Đấng chưa ai từng thấy biết bao giờ” ( Ga 1, 18 ).
Tìm kiếm Thiên Chúa là tìm Đấng chưa ai từng thấy biết chứ còn với …Đấng Tạo Hóa thì còn tìm còn kiếm chi nữa, chẳng phải Thần học đã cho biết tất cả rồi sao ? Thế nhưng điều mà người ta tưởng rằng…biết ấy thực sự chỉ là một thứ ảo tưởng. Nói cái biết về Đấng Tạo Hóa là ảo tưởng bởi vì đó chỉ là một thứ quan niệm nào đó về Thiên Chúa chứ hoàn toàn không phải là Thiên Chúa như chính Ngài Là ( Ego Sum Qui Sum ). Cái lầm chí tử của Thần học là đã lấy quan niệm để thay cho thực tại nhưng cũng chính vì cái lầm ấy mà đã không khỏi không đưa đến cái gọi là Thần học về cái chết của Thiên Chúa ( Theologie de la mort de Dieu ).
Thần học xưa nay vẫn tự nhận mình là khoa học hiểu biết Thiên Chúa thế mà nay lại tuyên bố cái chết của Ngài, thật không sao hiểu nổi !!!. Tuy vậy cái gì cũng phải có nguyên nhân của nó và nguyên nhân ấy là do nơi ảnh hưởng của thuyết Nhân Bản “ Siêu hình ( Học ) từ Aristote cho tới Voltaire chỉ là một thứ nhân bản trên mây của người mơ mộng không hơn không kém, vô thưởng vô phạt; đã bị duy vật khinh bỉ và thải bỏ đi như một hình thức suy tư lỗi thời, một món xa xỉ cho giai cấp trưởng giả. Bàn về thứ nhân bản lý niệm đó Bernadiaeff nhận xét nó là thứ nhân bản một chiều = Một nhân bản trá ngụy đã giết chết con người cá thể bởi từ chối không nhìn nhận Bản Tính vô cùng của con người” ( Kim Định – Nhân Bản ).
Đành rằng Nhân Bản Lý Niệm của Aristoe chỉ là thứ nhân bản trên mây thế nhưng dù cho có là Nhân Bản …thứ thiệt đi chăng nữa thì nó cũng tất nhiên phủ nhận Bản Tính con người. Tại sao ? Bởi vì cái gốc của chủ nghĩa Nhân Bản ấy chỉ có thể là con người xác thịt. Đang khi đó con người xác thịt lại là cái hợp thể của ngũ quan và ý thức. Chính vì lấy con người xác thịt làm gốc như thế nên J. P . Sartre ( 1905 – 1980 ) đã cho rằng con người không có Bản Tính “ Đối với Sartre thì không có Thượng Đế, nói cách khác Thượng Đế chỉ là ảo mộng, một dự tính bất khả của con người. Con người không thể không có dự tính đó vì bản tính con người là ước muốn làm Thượng đế. Tuy nhiên đó là một ước muốn chẳng những không thực hiện được mà còn mâu thuẫn nữa. Nên con người là một đam mê vô ích bởi vì con người không thể không có đam mê muốn làm Thượng Đế mặc dầu biết rằng đó là một dự tính mâu thuẫn phi lý” ( T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).
Nguyên nhân khiến Sartre nói ước muốn làm Thượng Đế chỉ là thứ đam mê vô ích bởi ông ta đã phủ nhận Thượng Đế cho đó chỉ là mộng ảo. Tuy nhiên nếu chúng ta có thể gạt bỏ được tính chất quy ước của ngôn ngữ và coi Thượng Đế như một Thực Tại hằng hữu bất sinh bất diệt thì đây chính là nỗi niềm thao thức có tính muôn thuở của con người. “ Đức Khổng Tử nói = Thiên hạ lo chi, nghĩ chi. ? Đường đời trăm vạn nẻo nhưng chỉ quy về một mối. Thiên hạ lo chi nghĩ chi ? ( Tử viết = Thiên hạ hà tư hà lự, thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự. Thiên hạ hà tư hà lự ?( Trung Dung – Hệ Từ Hạ – Chương 5 ).
Mối lo của con người tuy nhiều nhưng rút cục chỉ quy về một đó là làm sao để biết được Bản Tính có nghĩa mình từ đâu sinh ra, sống trên đời để làm gì và rồi chết đi đâu ?. Lão Tử cho biết Bản Tính ấy là ĐẠO “ Đạo khả Đạo phi thường Đạo. Danh khả Danh phi thường Danh” ( ĐĐK chương một )Chữ “ Thường” ở đây có nghĩa là thường hằng bất diệt. Đạo không thể nói, không thể gọi tên bởi vì ĐẠO là cái tuyệt đối, uyên nguyên . Hễ nói, gọi tên ra thì đó chỉ là những khái niệm về ĐẠO chứ không phải là ĐẠO. Đức Khổng Tử thì cho rằng Bản Tính ấy chính là Thiên Mệnh “ Thiên Mệnh chi vị Tính. Suất tính chi vị đạo – Tu đạo chi vị giáo” ( Mệnh trời là Tính, làm phát triển tính ấy ra gọi là đạo. Tu sửa đạo gọi là giáo- Trung Dung ).
Cái thuyết về Bản Tính của cả Lão cũng như Khổng dầu rất mực cao siêu nhưng rồi trải qua 25 TK vẫn không thể đi vào đời sống con người hơn nữa nó ngày càng đi đến chỗ hủ hóa sa đọa. Đạo Lão thành ra chỗ lợi dụng của bọn thuật sĩ bói toán nhảm nhí. Còn đạo Khổng thì ngay sau khi người sáng lập ra nó vừa mất đi thì các môn sinh đã chia năm sẻ bảy cuối cùng chỉ còn là cái học từ chương huấn hỗ để mong đỗ đạt làm quan chứ chẳng còn biết chi đến đạo lý của thầy mình.
Đạo Lão hay Khổng tuy cũng gọi là đạo nhưng đó không phải là tôn giáo theo nghĩa tâm linh mà chỉ là triết. Giữa triết học và tôn giáo có sự khác biệt căn bản thế này. Một đàng thuộc lãnh vực luận lý suy tư một đàng thuộc đức tin. Triết học thì dựa trên lý trí mà không có đức tin. Còn tôn giáo thì vừa có đức tin vừa có lý trí. Nếu tôn giáo chỉ có đức tin thôi mà không có lý trí thì đức tin ấy là vu vơ. Ngược lại chỉ có lý trí mà không có đức tin thì con đường đạo tất không khỏi rơi vào chỗ bế tắc. Chính bởi lẽ đó Thánh Augustino nói “ Tôi tin để am hiểu” ( Credo ut intelligam). Thần học tự bản thân vốn là duy lý nên nó ngày càng xa rời đức tin vào con đường mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha, điều ấy cũng có nghĩa Ngài đã xác định Bản Tính Con Thiên Chúa ở nơi mỗi người.
Mạc khải là danh từ Hán Việt ghép bởi hai từ Mạc và Khải. Mạc là tấm màn còn Khải là vén lên. Sứ mạng được sai đến của Đức Ki Tô là để vén tấm màn còn che khuất về Đấng Cha. Thật vậy hết thảy con người đều được dựng nên là hình ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26). Thế nhưng do bởi Tội Nguyên Tổ che lấp nên không một ai nhận ra ngoại trừ Đức Ki Tô và những ai Ngài muốn “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta, ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Ta và những người mà Ta muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22).
Đức Ki Tô mạc khải Đấng Cha tức là Ngài tỏ ra cho những ai Ngài muốn về một Thực Tại vượt ngoài khả năng suy tư lý luận của con người. Thực tại ấy với quần chúng thì Đức Ki Tô gọi đó là Nước Trời còn với các môn đệ thì gọi là Đấng Cha. Dù với đối tượng nào thì lời rao giảng ấy cũng vẫn nhắm đến cái Thực Tại vượt thoát khỏi khả năng lý trí suy luận. Đức Ki Tô biết rằng chân lý mà Ngài rao giảng rất khó để tiếp nhận vì thế mỗi khi rao giảng mầu nhiệm Nước Trời Ngài đều cảm khái thốt lên “ Ai có tai để nghe, hãy nghe”.
Con người ai mà chẳng có…tai nhưng tai nghe ở đây là tai tâm linh. Không có thứ tai này thì không một ai có thể nghe được Lời Chúa. Đa số quần chúng đều điếc đặc trước Lời Chúa bởi vậy Đức Ki Tô khi rao giảng Nước Trời Ngài đều dùng thí dụ “ Môn đệ bèn đến cùng Ngài mà hỏi rằng = Sao Thầy phán cùng chúng bằng thí dụ như vậy. Ngài đáp = Đã ban cho các ngươi được biết những sự mầu nhiệm của Nước Trời. Song không ban cho họ, vì hễ ai có sẽ cho thêm thì người ấy được dư dật. Còn hễ ai không có, dẫu điều đã có cũng sẽ bị cất đi luôn nữa. Vậy nên Ta nói cùng chúng bằng thí dụ vì họ xem mà không thấy lắng mà không nghe cũng chẳng hiểu chi” ( Mt 13, 10 -13)
Sở dĩ xem không thấy lắng không nghe bởi cái thấy cái nghe ấy không phải do mắt do tai tâm linh tức Tâm Vô Phân Biệt mà là mắt là tai xác thịt tức tâm suy luận của lý trí phân biệt. Sử dụng lý trí để hòng nhận biết Nước Trời là điều chẳng những vô ích mà còn tất nhiên đưa đến phủ nhận sứ mạng Thiên Sai của Đức Ki Tô để rồi biến Ngài thành kẻ…hoạt đầu chính trị “ Cuối cùng con người ấy đã bị bắt và xử tử. Như tác giả lập luận, không phải tòa án tôn giáo Do Thái mà chính là tòa án Roma đã ra lệnh bắt và kết án Đức Giê Su vì cho Ngài là mối đe dọa nghiêm trọng trong lãnh vực chính trị. Còn vai trò của các nhà lãnh đạo Do Thái chỉ là bắt nộp Ngài cho người Roma” ( Đức Giê Su trước khi có Ki Tô giáo – Một nỗ lực hiện đại trở về với Đức Giê Su lịch sử – Lm Micae Trần Đình Quảng – Xem ĐGM Phaolo Bùi Văn Đọc và các linh mục khác – Đức Ki Tô hôm qua hôm nay và mãi mãi).
Làm sao có thể xuyên tạc Kinh Thánh cách trắng trợn như vậy được, Chúa Giê Su bị kết án bởi tòa án tôn giáo của người Do Thái hay của đế quốc Roma ? “ Chúa Giê Su bị giải đến thầy tế lễ thượng phẩm Cai Pha và chính tại nơi đây mà Ngài bị kết án tử vì họ cho rằng Ngài đã lộng ngôn phạm thượng. Thầy tế lễ thượng phẩm bèn xé áo mình mà rằng = Nó đã lộng ngôn, chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa. Kìa các ngươi vừa nghe nó nói lộng ngôn đó. Các ngươi nghĩ thế nào ? Chúng đáp = Nó đáng tội chết. Sau khi người Do Thái kết án chết cho Chúa Giê Su thì họ mới giải đến tòa án của người Ro Ma. Tại đây Philato từ chối không chịu xét xử và tỏ ý muốn tha Chúa Giê Su nhưng người Do Thái đồng thanh la lớn = Đóng đinh nó vào thập giá. Philato hỏi = Sao người này đã làm điều ác gì ? Nhưng chúng lại càng kêu ầm ĩ lên rằng = Hãy đóng đinh nó vào thập giá” ( Mt 27, 21 -23).
Chúa Giê Su bị tòa Do Thái kết án chứ không phải tòa Roma, điều ấy đã được Kinh Thánh ghi chép rành rành không có chi để bàn cãi. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là tại sao người Do Thái lại cố tình muốn giết Chúa chỉ vì họ cho rằng Ngài đã nói lộng ngôn ? Đối với người Do Thái thì lộng ngôn là tội nặng nhất không thể tha thứ vì đã xúc phạm đến lòng tin nơi Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa vô đối chí tôn của họ. Chắc chắn khi chứng kiến những phép lạ, nghe những lời rao giảng đầy khôn ngoan của Chúa người ta rất thán phúc và không tiếc lời ca ngợi nhưng rồi khi nghe Ngài…đụng chạm đến niềm tin cố hữu thì họ không thể chịu nổi. “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su phán = Ta do Cha mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi ném đá Ta ? Người do Thái đáp = Ấy chẳng phải vì việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi đâu nhưng vì ngươi vốn là người mà lại tự tôn là ĐCT” ( Ga 10, 31 -33).
Theo quan niệm của người Do Thái thì ĐCT chính là đấng thần linh Tạo Hóa toàn quyền sinh sát muốn cho ai sống thì được sống bắt kẻ nào chết thì phải chết. Chúa Giê Su không bao giờ xưng mình là Tạo Hóa thần linh mà lúc nào cũng nhận mình là Con còn Thiên Chúa là Cha. Lại nữa chẳng những Chúa Giê Su nhận mình là Con mà còn nhẫn nại trưng dẫn Kinh Thánh để nói với người Do Thái rằng ngay cả họ nữa cũng là Con Thiên Chúa “ Trong luật pháp ( Sách Mai Sen ) của các ngươi há chẳng chép rằng Ta đã nói các ngươi là Con Đấng Chí Cao ( Tv 82, 6) hay sao ? nếu Chúa gọi những kẻ được nghe Đạo ĐCT là Con Đấng Chí Cao ( mà KT thì không thể bác bỏ được ) thì ta đây là Đấng Cha đã biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con ĐCT cớ sao các ngươi lại cáo Ta là nói lộng ngôn ? Ví bằng Ta không làm công việc của Cha Ta thì các ngươi chớ tin Ta. Còn nếu Ta làm công việc ấy là để các ngươi biết và hiểu rằng Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” ( Ga 10, 34 -38)
Chúa làm phép lạ mục đích không phải để được người ta tôn vinh nhưng là để chúng ta nhận biết chân lý “ Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Sở dĩ Chúa Giê Su có thể xác tín chân lý cao cả ấy bởi vì Ngài đã thấy biết được Đấng Cha “ Các người chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi vậy. Song ta biết Ngài cũng giữ đạo Ngài” ( Ga 8, 55). Thấy biết ở đây không phải là cái thấy biết của giác quan hay tri thức phân biệt nhưng là của trí tuệ vô phân biệt. Chỉ có cái thấy biết bằng trí tuệ vô phân biệt này mới có thể nhận biết được Đấng Cha cũng là Thực Tại bất sinh bất diệt hằng hữu đời đời. Thấy biết Thực Tại như thế cũng chính là thấy biết Bản Tính Con Thiên Chúa ở nơi mình.
Người đời vì không nhận biết Bản Tính nên đã gây nên biết bao giống tội độc dữ để rồi tự chuốc lấy khổ mà không biết. Đức Ki Tô từ trời xuống thế để truyền dạy cho chúng ta con đường yêu thương và chính Ngài đã thực hiện con đường yêu thương ấy cho đến hy sinh cả mạng sống “ Điều răn của Ta đây này = Các ngươi hãy yêu thương lẫn nhau cũng như Ta đã yêu thương các ngươi. Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta đã truyền cho thì các ngươi là bạn hữu của ta, Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa. Vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ ( mạc khải ) cho các ngươi biết mọi điều Ta đã nghe biết ở nơi Cha Ta” ( Ga 15, 12 -15).
Chính do ở nơi con đường yêu thương mà Đức Ki Tô đã đến với nhân loại đồng thời cũng chính do ở nơi con đường ấy mà con người được trở về với Thiên Chúa Đấng là Tình Yêu “ Sự thương yêu ở trong điều này = Chẳng phải chúng ta đã thương yêu ĐCT nhưng Ngài đã thương yêu chúng ta và sai Con của Ngài vì tội lỗi chúng ta mà làm cuộc tế lễ vãn hồi” ( 1Ga 4, 10). Cuộc tế lễ vãn hồi ấy chính là cuộc hiến tế của Chúa Giê Su trên thập tự giá hầu để cho chúng ta có thể nhận biết Bản Tính Con Thiên Chúa vốn vẫn ở nơi mình mà mình đã quên./.
Phùng Văn Hóa