Vào chiều ngày 12/7/2018 Báo Tuổi Trẻ có tổ chức một buổi giao lưu mang chủ đề “ Cội Nguồn Con Ở Đâu ?” dành cho những người đã nhiều năm lưu lạc xa xứ nay trở về với mong muốn tìm lại gốc gác của mình. Trong số có ca sĩ tên Randy Trần bước lên sân khấu hát một bài sau đó nói lên tâm sự não nề của mình “ Tôi sinh ngày 25/1/1971 tại Đà Nẵng. Chỉ một ngày sau mẹ đã đưa vào Cô Nhi Viện. Rồi sau này Randy đi Mỹ theo diện con lai. Sống nơi xứ người nhưng chỉ mong có ngày được gặp mẹ. Hồi trẻ thì giận tức tại sao mẹ bỏ rơi mình ? Lớn lên biết chuyện rồi thì hiểu mẹ chọn Cô Nhi Viện là nơi mình sẽ có được cuộc sống tốt hơn là ở với bà. Gần suốt 50 tuổi vẫn tự nhận mình là…trẻ mồ côi. Kể lại câu chuyện kiên nhẫn hiếm có của mình, Randy thường vẫn nói với Hiền với Giang với Châu với Tâm….Đừng nguôi hy vọng. Chúng ta vẫn còn có hạnh phúc. Chúng ta cần tiếp tục cố gắng…” ( NB Tuổi Trẻ số 186 ngày 13/7/2018 ).
Lời nhắc nhở của Randy Trần với những người đồng cảnh ngộ “ Đừng nguôi hy vọng…..Chúng ta cần phải tiếp tục cố gắng” Sự…cố gắng được nói tới ở đây có thể chỉ là cố tìm cho ra ai là cha là mẹ của mình. Người ấy còn sống hay đã chết và nếu đã chết rồi thì mồ mả chon cất ở đâu hầu tìm đến để khói hương tưởng niệm v.v…
Tưởng nhớ đến mẹ cha, ông bà tổ tiên đã sinh thành ra mình là hành vi nhân linh chỉ có ở nơi con người và hành vi ấy xét trên bình diện triết học đó chính là vấn đề “ Bản Thể Luận”. Bản Thể luận hay luận về Bản Thể là vấn đề quan yếu nhất của cả hai nền triết học Đông Tây.
Đức Khổng Tử chủ trương đạo của người quân tử là biết mệnh trời “ Bất tri thiên mệnh vô dĩ vi quân tử dã” ( Không biết mệnh trời thì không lấy gì làm quân tử – Luận Ngữ ). Thiên mệnh cũng tức là Thiên Lý là ý của Trời mà Trời thì chẳng có ở đâu xa ngoài bản tâm mỗi người ( Thiên Lý tại nhân tâm ).
Về cái….lý nó là như vậy nhưng trong thực hành thì Nho Giáo tuy là minh triết thật đấy nhưng rút cục rồi ra nó cũng chỉ là một thứ….hủ nho đồng thời cái danh nghĩa quân tử vẫn mãi chỉ là hư danh không có thực chất.
Đông phương đã vậy còn Tây Phương thì sao ? Trong suốt thời Trung Cổ và ảnh hưởng của nó còn kéo dài cho đến tận ngày nay đó là câu định nghĩa của Aristote “ Người là con vật biết suy lý” ( L’ home est l’Animal raisonnable ) Với câu định nghĩa ấy cho thấy triết / thần học Tây Phương đã lấy Lý Trí làm Bản Thể của con người.
Bởi lấy Lý Trí làm bản thể thế nên Thiên Chúa chẳng qua cũng chỉ là một thứ khái niệm do thần học tạo ra. Đang khi đó Thiên Chúa của thực tại phải là Thiên Chúa Tình yêu như Thánh Gioan khẳng định “ Hỡi kẻ yêu dấu chúng ta hãy thương yêu nhau vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Ai chẳng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình yêu” ( 1Ga 4, 7 -8 ).
Thiên Chúa là Tình Yêu, điều ấy có nghĩa Tình yêu chính là Bản Thể hằng hữu ở nơi mỗi người. Do bởi Thiên Chúa Tình Yêu là bản thể thế nên để nhận biết Thiên Chúa thì chỉ có một cách duy nhất đó là chúng ta hãy yêu thương tha nhân như chính mình.
Lý do khiến Thánh Gioan nói do lòng yêu thương nhau mà chúng ta nhận biết Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa Tình Yêu ấy là Bản Thể là cội nguồn mà từ nơi đó con người được sinh ra. Nói con người được sinh ra từ nơi Tình yêu Thiên Chúa đó chỉ là cách nói…hạn hẹp còn nếu nói rộng ra thì phải nói toàn thể chúng sinh vạn vật đều được sinh ra và tồn tại hết thảy đều được sinh ra bởi Thiên Chúa Tình yêu.
Mặc dầu mọi sinh linh vạn vật đều sinh bởi Thiên Chúa Tình Yêu thế nhưng duy chỉ trong việc thực hành tâm linh chúng ta mới có thể nhận biết Thiên Chúa đúng như Ngài Là. Việc nhận biết Thiên Chúa qua con đường yêu thương đã được thể hiện bằng việc thực thi các giới răn “ Có một luật sư hỏi để thử Ngài rằng: Thưa Thầy, trong luật pháp điều răn nào là trọng nhất ? Chúa Giê Su đáp: Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý chí mà thương yêu Chúa là Thiên Chúa ngươi. Ấy là điều răn lớn và đầu nhất. Còn điều thứ hai cũng vậy. Ngươi hãy thương yêu kẻ lân cận như mình. Cả luật pháp lẫn tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” ( Mt 22, 35 -40 ).
Chúa không nói yêu thương cách…chung chung nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận như chính mình. Kẻ lân cận ở đây có thể là cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp v.v…Tóm lại đó là những người có chung đụng nhau về đủ mọi thứ vấn đề có lien quan đến cơm áo gạo tiền và đủ thứ linh tinh khác.
Yêu thương kẻ lân cận như mình nói thì dễ nhưng thực hành thì rất khó. Tại sao ? Bởi vì để có thể yêu thương thật sự thì cần phải ….bỏ mình tức bỏ “ Cái Tôi” đi. Bao lâu còn thấy có “ Cái Tôi” thì còn tham còn sân còn si mà sở dĩ còn tham sân si dẫy đầy là bởi còn cho cõi thế gian này là…thật có.
Chính bởi cho thế gian này là…thật có thế nên không thể bỏ mình mà không bỏ mình thì không thể yêu thương nhau cho thật được “ Chớ thương yêu thế gian và những vật ở thế gian. Nếu ai thương yêu thế gian thì Tình Yêu Thương Cha chẳng có ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian như tư dục của xác thịt, tư dục của mắt và sự kiêu căng của đời sống này đều chẳng phải từ Cha bèn là từ thế gian mà ra. Vả thế gian với tư dục của nó đều qua đi. Song ai làm theo Thánh Ý Thiên Chúa thì còn lại cho tới đời đời” ( 1Ga 2, 15 -17 ).
Đối với những người yêu thương thế gian và các vật ở thế gian thì Tình Yêu Thương Cha không thể có ở nơi người ấy. Tại sao ? Bởi lẽ để yêu thương Cha là Đấng nội tại là nguồn cội phát sinh Tình yêu thì phải xoay cái Tâm trở ngược vào bên trong chứ còn cứ mải mê hướng Tâm ra bên ngoài nơi ngoại vật là những thứ hư ảo chóng qua thì làm sao mà có Tình yêu Thương Cha cho được ?
Giữa việc yêu thương thế gian và Yêu Thương Cha không thể cùng tồn tại. Do bởi lẽ đó Đức Ki Tô truyền dạy: Ai yêu mến cha hoặc mẹ hơn Ta không đáng cho Ta. Ai yêu mến con trai con gái hơn Ta không đáng cho Ta. Ai không vác thập giá mình mà theo Ta không đáng cho Ta” ( Mt 10, 37 -38 ).
Qua lời này chio thấy không phải Chúa dạy không được yêu thương cha mẹ, con cái. Nhưng có ý cho biết không được yêu thương cha mẹ, con cái hơn Ngài. Cha mẹ, con cái chẳng qua chỉ là những mối duyên nợ, còn duyên thì còn gặp gỡ yêu thương hết duyên thì chia lìa muôn ngả không có chi ….thật có.
Cái …thật có mà Đức Ki Tô muốn truyền dạy cho chúng ta đó là Tình Yêu Thương Cha Đấng là nguồn cội yêu thương ở nơi mỗi người. Yêu mến và trở vền với Đấng Cha đó là tất cả lẽ sống của những ai bước đi trên con đường tìm kiếm một Đấng Thiên Chúa chân thật hằng hữu. Con đường ấy Đức Ki Tô đã vạch ra và trong lịch sử dài lâu của Giáo Hội đã có biết bao là những con người thành tâm thiện chí bước theo.
Tuy nhiên con đường về với Cha ấy cho đến nay vẫn còn là một thách đốn khó thể vượt qua nhất là trong cái thời Tục Hóa đảo điên điên đảo này. Tục hóa có nghĩa đã phá bỏ mọi giá trị tâm linh để chỉ còn thấy có cõi đời này cho nó là thật.
Mặt khác một khi đã bước theo con đường Tục Hóa thì việc Giải Thoát chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Đang khi đó chỉ trong sự giải thoát con người mới có thể nhận biết Sự Thật “ Chúa Giê Su bèn phán cùng những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Con người khổ là vì vô minh không biết đúng sự thật và sự thật ở đây chính là mỗi người đều được tạo dựng nên là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Quả thật là Con Chúa nhưng lại không biết để rồi cứ lăn lóc sống trong khổ mà không biết. Có nhận biết cái thân phận khổ lưu đày giống như người con hoang đàng thì mới có cơ quay về để hưởng trọn gia tài của người cha để lại “ Nó rất mong lấy vỏ đậu của heo ăn mà thồn cho đầy bụng nhưng chẳng ai cho. Khi nó tỉnh ngộ bèn nói rằng: Biết bao người làm thuê cho cha ta có được bánh ăn dư dật còn ta đây lại phải chết đói. Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha mà thưa rằng: Cha ôi ! Tôi d9a4 lỗi phạm với trời và với cha thật không đáng là con cha nữa….Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha” ( Lc 15, 16 -20 ).
Quyết tâm đứng dậy để về cùng cha đó thật là niềm hạnh phúc lớn lao của người con hoang đàng và cũng là của mỗi người chúng ta đã bao năm lưu lạc xa xứ. Phúc cho kẻ nào đã biết đường quay trở về, kẻ ấy sẽ được cả Thiên Đàng mừng vui “ Chúng ta hãy ăn mừng vì con ta đây đã chết mà lại sống đã mất mà lại tìm được…..Đoạn họ khởi sự ăn mừng.” ( Lc 15, 24 ),/,
Phùng Văn Hóa