Sau một tuần đi nghỉ, bạn tôi trở về, quà tặng bạn dành cho tôi là một viên đá. Tặng nhau một viên đá, nghe như có cái gì kì cục. Nhưng vì đọc được tâm hồn bạn, nên tôi hiểu bạn muốn trao tặng tôi một tình cảm vững bền. Nếu tình cảm và niềm tin người ta dành cho nhau được vững bền mãi như đá, thì cuộc đời người ta quả là hạnh phúc.
Tôi cầm viên đá nhẵn nhụi trong tay, ngắm nghía. Tôi không biết viên đá này đã là một mảnh của tảng đá lớn nào, biết đâu nó lại không là một mảnh của một ngọn núi to và cao. Viên đá đã tách ra từ một cội nguồn lớn và vững chãi, để rồi trôi nổi, lưu lạc, có lẽ đã lặn lóc qua rất nhiều đoạn đường, có thể đã rơi từ trên sườn núi xuống, nằm bên vệ đường, bị những bàn chân của khách lữ hành hất lên hất xuống, đá văng ra xa; cũng có thể đã clăn tòm xuống biển, nằm im rất lâu trong lòng biển cả, rồi một ngày có cơn cuồng nộ của bãi tố, đại dương sôi động, đảo lộn, những ngọn sóng tràn dâng, cuốn lấy viên đá và đẩy nó vào bờ. Lại một giai đoạn mới, có thể nó đã nằm tụ lại với nhiều bạn bè đồng loại khác; cũng có thể đã nằm trơ vơ một mình trên dải cát vàng, phơi mình dưới mặt trời ban ngày và ánh trăng ban đêm, đã dãi nắng dầm mưa, qua bao nhiêu chu kì của thời tiết. Cho đến ngày bạn tôi cầm nó lên và đem nó về đây. Cuộc đời của một viên đá, chao ơi là gian truân, trôi nổi.
Tôi nghĩ đến kiếp người! Viên đá gian truân trôi nổi, tuy nhiên viên đá không ý thức về thân phận của nó. Nhưng con người, không ai lại không ít nhiều ý thức về thân phận của mình. Tôi không đặt vấn đề luân hồi, con người trôi nổi từ kiếp này sang kiếp khác. Chỉ riêng một kiếp mà tôi và những người tôi quen biết đang sống thôi, cũng đã bao nhiêu là gian truân, trôi nổi. Mỗi người một cuộc sống, nhưng thường thường ai cũng bắt đầu kiếp người bằng chuỗi ngày ấu thơ, thuộc về một gia đình với tất cả những yêu thương, đùm bọc. Càng lớn, người ta càng tách xa dần cái cội nguồn đầy yêu thương và an toàn đó, để rồi trải qua nhiều giai đoạn của cuộc sống, chịu nhiều đắng cay và vùi dập; từng được ve vuốt nâng niu nhưng cũng từng bị hất hủi, bị đá lăn đá lóc; từng sống cuộc sống bon chen bên người đồng loại, đồng chủng và cũng đã từng sống chuỗi ngày cô độc một thân một bóng. Ý thức về kiếp người trôi nổi, tôi nghĩ không phải là để bi quan hay lo sợ, nhưng là để biết rõ về đời sống của loài thụ sinh, tất cả đều không tránh khỏi những tang thương dâu bể. Biết như vậy để không hoảng hốt, không tuyệt vọng khi bàn chân ta bước trên một quãng đường đời đầy gian truân khổ ải, trái lại, lòng cảm thấy bình an, thư thái trước mọi biến cố của cuộc đời.
Viên đá tôi cầm trong tay tương đối nhẵn nhụi, cho dù cũng còn vài chỗ lồi lõm. Tôi có thể bóp nó trong tay mà không sợ bị những mũi nhọn đâm thủng da thịt cháy máu. Từ một mảnh đá đầy những cạnh sắc; trở thành một viên đá nhẵn nhụi thế này, mảnh đá ấy đã phải lăn lóc, phải đụng chạm nhiều lắm. Càng lăn lóc, càng đụng chạm, những mũi nhọn và cạnh sắc càng được mài giũa cho nhẵn nhụi, tròn trịa.
Tôi nhớ đến tuổi trẻ của tôi, thuở chớm bước vào đời, lòng đầy cao ngạo, mặc dù mình chưa là gì cả. Tôi, lúc ấy đầy những mũi nhọn và cạnh sắc, sẵn sàng đâm thủng và cắn đứt tay chân người khác, nhất định không để cho ai đụng chạm tới và làm tổn thương. Thế nhưng tuổi vừa lớn qua đi, tôi trưởng thành dần, đụng chạm nhiều, lăn lộn cũng nhiều, được đời dạy cho bao nhiêu là bài học, đời gọt giũa tôi, mài nhẵn tôi. Nhiều phen tội đớn đau chua xót, nhưng những mũi nhọn và cạnh sắc dần dần mất đi. Không phải là tôi mất đi ý chí, sức mạnh và lòng can đảm, nhưng tôi hiểu được rằng ý chí, sức mạnh và lòng can đảm ấy không cần và không nên được thể hiện bằng thái độ sẵn sàng chống đối và làm cho người khác đau khổ. Tôi trở nên một viên đá tròn trịa, có thể nằm trong tay người khác, nhưng bàn tay của họ không thể bóp nát tôi, cũng không thể làm tôi biến dạng hay làm mất đi bản chất, lập trường của tôi.
Tôi nhớ đến ”đá” được nói tới trong Thánh Kinh. ‘Có nhiều đoạn trong bộ sách ấy đề cập đến đá. Có nước chảy ra từ một tảng đá, khi Môi-sen đập chiếc gậy mang quyền năng của Thiên Chúa Gia-vê. Có viên đá được quỉ đem ra để cám dỗ Chúa Giê su dùng lòng kiêu ngạo, biến thành bánh mà ăn, nhưng Ngài đã không làm. Có nền tảng của Giáo hội Thiên Chúa là Phêrô, có nghĩa là đá. Có lời chúc dữ cho thành thánh Giêrusalem “không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào”, có hình ảnh của một ”hòn đá góc tường”. Nhưng những viên đá tôi nhớ nhất là những viên đá người Do Thái cầm chặt trong tay, lăm le định ném cho chết người phụ nữ bị kết tội ngoại tình. Trong khi những người đó chắc gì đã không có tội, và nhất là cái tội mà người phụ nữ kia bị kết án.
Trong đời sống, không thiếu gì những người thích ném đá người khác, vì cái tội mà chính họ phạm hay ước ao phạm nhiều nhất. Ngược lại, cũng có những viên đá được dùng để kiến tạo cả một công trình kiến trúc vĩ đại và mĩ thuật. Những viên đá ấy chấp nhận bị xếp chồng chất lên nhau, nằm khít khao cạnh nhau, trong một hệ thống xếp đặt chung. Tôi tự hỏi, nếu tôi là một viên đá, thì viên đá ấy sẽ được dùng để ném chết người khác hay được đùng để kiến tạo một thánh đường? Tất cả tùy thuộc vào ý chí, tự do và ước vọng của tôi.
Một viên đá! Chẳng là gì và có lẽ chẳng có mấy ai để ý đến nó (trừ ra có vài người lẩn thẩn như tôi.) Nhưng những viên đá ấy vẫn có chỗ đứng và giá trị của nó. Dù đó là những viên đá cuội trải trong vườn một tư gia, hay là một viên đá trang trí trong một cảnh non bộ, hoặc những viên đá vệ đường cho khách bộ hành ngồi nghỉ chân, cũng có thể là những viên đá dọc bờ biển, tạo thành một bờ đê cản nước thủy triều. Tất cả những viên đá ấy và các viên đá lớn nhỏ khác đều có một giá trị riêng và đều hữu ích trên một phương diên nào đó.
Tôi lại nghĩ đến thân phận con người. Tuổi ấu thơ tôi vốn mang nhiều mặc cảm, tự cảm thấy mình không là gì, không bằng ai, về mọi phương diện. Nhưng rồi tôi lớn lên dần dần, được những người tốt bụng khuyến khích, tôi tự khám phá trong tôi có một chút khả năng, dù là chút khả năng nhỏ nhoi. Tôi đã vươn lên, cố gắng vượt qua khu rừng mặc cảm mà hành trang là chút khả năng nhỏ nhoi đó. Tôi muốn nói với những người bạn mang nhiều mặc cảm như tôi rằng: viên đá cũng còn có giá trị và sự hữu ích, huống hồ con người. Ít nhiều ta vẫn là người hữu ích và có một giá trị riêng không ai thay thế được. Viên đá tôi đang cầm trong tay đây, nó nhỏ nhoi đến tội nghiệp, tưởng không làm được trò trống gì, nhưng nó đang dạy cho tôi biết bao nhiêu bài học về cuộc đời. Trong chúng ta, dù có ai nhỏ nhoi đến đâu đi nữa thì cũng vẫn lớn hơn viên đá của tôi, và biết đâu ta đang là một bài học lớn cho những người đang sống chung quanh.
Tôi kết thúc bài viết này bằng một câu hát. Có người nhạc sĩ viết: ”Sỏi đá cũng cần có nhau.” Vâng, sỏi đá cũng cần có nhau, huống hồ là con người, có trái tim biết đập những nhịp yêu thương. Chúng ta cần có nhau và yêu thương nhau, khi nào trái tim ta còn đập và cõi lòng ta còn khát khao hạnh phúc. Ta sẽ không bằng sỏi đá nếu ta không yêu thương nhau và cảm thấy không cần đến nhau nữa.
Quyên Di
Nhìn Xuống Cuộc Ðời