Xin lỗi là động thái đơn giản nhưng lại không dễ thực hiện, dù chỉ là lỗi lầm nhỏ hoặc sơ sót, nhất là khi tự ái nổi lên.
1. Ai cũng có lỗi nên ai cũng cần xin lỗi, đôi khi cần xin lỗi vài lần trong một ngày. Chúng ta xin lỗi khi chúng ta không cố ý nói điều gì đó làm người khác buồn, khi chúng ta sai sót trong công việc, hoặc khi chúng ta va chạm ai đang đi đường. Có những lời xin lỗi quan trọng hơn, có thể chuyện đã xảy ra những tháng trước hoặc những năm trước. Có thể chúng ta đã nói điều gì đó làm tổn thương người khác, vội xét đoán người khác hoặc làm điều gì đó khiến mình tự cảm thấy hối hận. Nói “xin lỗi” là một trong những việc khó làm nhất. Chúng ta thanh minh cho hành động của mình, chúng ta vừa xin lỗi vừa đổ lỗi cho người bị tổn thương, hoặc chúng ta mong được “đáp lại” điều gì đó. Nên nhớ rằng một lời xin lỗi dù vụng về cũng vẫn có thể hàn gắn mối quan hệ. Khi xin lỗi, bạn không bị “lép vế” mà bạn còn được người ta khâm phục.
2. Dễ dàng nói “tôi xin lỗi”, nhưng nói thật lòng lại là chuyện khác. Lời xin lỗi thật lòng xảy ra khi trái tim và cái đầu cùng hòa nhịp, khi lý trí và con tim đều nhận trách nhiệm về việc đã làm người khác tổn thương, dù thực sự bạn không cố ý. Chịu trách nhiệm về hành động của mình là nền tảng của lời xin lỗi chân thành. Nếu bạn cố gắng tìm ra những lời tốt đẹp và khéo léo thì hãy viết ra trước. Việc viết ra sẽ giúp bạn có thời gian đắn đo và suy nghĩ cẩn thận hơn – chẳng hạn, bạn có thể thấy mình có xin lỗi thật lòng hay không hoặc còn nấn ná thù hận người kia hay không. Rất quan trọng để xử lý tình cảm của mình trước khi xin lỗi người bị tổn thương.
3. Lời xin lỗi chân thành là động thái vị tha. Lời xin lỗi không thật lòng là muốn “có đi có lại”, muốn đòi hỏi ở người khác điều gì đó chứ không chỉ muốn “cho đi”. Nếu bạn làm tổn thương người khác, bằng lời nói hoặc hành động, hãy chấp nhận thực tế là điều đó đã xảy ra và tưởng tượng các cảm xúc của mình thế nào nếu người khác làm cho mình như vậy. Lúc đó, bạn có thể bắt đầu xin lỗi mà không đòi hỏi gì ở người kia. Hãy nghĩ đơn giản: “Tôi biết tôi thực sự làm bạn tổn thương và muốn bạn biết rằng tôi thật lòng xin lỗi bạn”.
4. Bạn xin lỗi là bạn khiêm nhường bằng cách chấp nhận sự yếu đuối của mình và nhận biết sự chiếu cố của người khác. Chẳng hạn, nếu một người bạn nói với bạn rằng bạn đã làm họ tổn thương vì bạn vô tình nói điều gì đó, hãy chấp nhận sự lỡ lời của mình mà không phản đối hoặc đổ lỗi cho họ. Chấp nhận thì đừng đặt vấn đề “nếu”, “vì”, “tại”, “bởi”,… Xin lỗi không chỉ thể hiện sự khiêm nhường mà còn là sống cao thượng.
5. Hãy có ý hướng tốt khi xin lỗi và phục thiện. Lời xin lỗi chân thành có thể được nói ra, được viết ra, hoặc đơn giản là cảm thấy xấu hổ vì lầm lỗi của mình khi thấy người kia. Vấn đề quan trọng là bạn phải nhận biết lỗi mình khi làm người khác tổn thương. Lời xin lỗi chân thành cũng bao gồm việc bạn cố gắng sửa đổi, quyết tâm không tái phạm.
6. Con người rất dễ tự ái. Tự ái là yêu mình thái quá, do đó mà dễ làm tổn thương người khác. Có lẽ ông Pascal biết rõ nên mới nói: “Cái TÔI là đáng ghét”. Nếu không muốn nhận lỗi mình thì bạn có thể tiếp tục làm người khác buồn, tức giận hoặc thất vọng. Lời xin lỗi thật lòng xảy ra khi chúng ta biết chấp nhận mình sai lầm chứ không biện minh cho hành động của mình.
7. Lời xin lỗi rất cần đối với mọi người trong cuộc sống. Không chỉ người “nhỏ” phải xin lỗi người “lớn”, mà người “lớn” cũng phải biết xin lỗi người “nhỏ” – “nhỏ” và “lớn” mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sai lầm làm bạn bất an và xói mòn cuộc sống, nhưng lời xin lỗi chân thành khả dĩ phục hồi cuộc sống. Tất nhiên, người biết xin lỗi chân thành là người thực sự can đảm vậy.
Xin lỗi là nét văn hóa đẹp trong cuộc sống con người cần được phát triển không ngừng – dù bạn là ai, theo tôn giáo nào và ở độ tuổi nào.
TRẦM THIÊN THU