Ăn chay hầu như là chủ trương của mọi tôn giáo, bởi vậy Hồi giáo có Tháng Chay Ramadan. Phật giáo cho ăn chay như một thứ giới luật căn bản. Còn Công giáo thì có Mùa Chay kéo dài suốt bốn mươi đêm ngày. Cùng là việc ăn chay nhưng mỗi tôn giáo lại có những hình thức khác nhau tùy theo ý nghĩa và mục đích mà người ta nhắm tới.
Trong việc ăn chay mỗi tôn giáo đều mang những ý nghĩa khác biệt và vì thế cách thức thực hiện đương nhiên cũng phải khác. Lại nữa, tuy gọi là…ăn chay nhưng thực ra phải nói là…giữ chay mới đúng, bởi ngoài việc…ăn ra còn cần tuân giữ nhiều điều khác nữa. Người Hồi giáo gọi việc giữ chay là Sawn và luật Sawn này được quy định cho những người tuổi 12 trở lên: Không được ăn, uống, quan hệ tình dục trong suốt thời gian từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Ngoài ra theo quy định trong tháng Ramadan mọi tín đồ phải thực hiện những điều chủ yếu sau đây:
1/- Phải tụng liên tục câu: Không có Thánh Thần nào khác ngoài Thượng Đế Allah và Mohamet là thiên sứ của Người.
2/- Phải đóng góp tiền từ thiện để giúp đỡ người nghèo.
3/- Phải đi hành hương đến thánh địa Mecca tại Arab Saudi ít nhất một lần trong đời.
Trước khi kết thúc Tháng Ramadan tức là phá vỡ việc chay tịnh, người Hồi giáo phải cùng nhau hô to Takbeer mang ý nghĩa: Không có gì trên thế giới to lớn vĩ đại hơn Đấng Allah linh thiêng của họ.
Tiếp đến việc ăn chay của Phật giáo được coi như một thứ giới luật căn bản gọi là cấm sát sanh. Cũng vì giới cấm sát sanh đó mà quan niệm việc ăn chay có nghĩa là không …ăn mạng ( sống ) của hết mọi loài chúng sanh.
Giới cấm này có sự khác nhau giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa. Tiểu Thừa cho phép được ăn thịt nhưng đó phải là thứ thịt Tam Tịnh Nhục nghĩa là không nghe tiếng kêu thét của con vật bị giết. Không nhìn thấy con vật đang khi bị giết và không nghi người ta giết con vật ấy để cho mình ăn. Còn Đại Thừa thì tuyệt đối không ăn thịt dù là bất cứ thứ thịt hay cá, tôm, cua, ốc, sò….nào.
Lý do khiến Tiểu Thừa cho phép ăn Tam Tịnh Nhục như thế cũng là nguyên do của lịch sử từ thời Đức Phật Thích Ca và các đệ tử đi khất thực. Người ta cho gì thì ăn nấy. Việc ăn chay của Đạo Phật có hai phái, phái xuất gia thì trường chay, phái tại gia thì đoản chay. Tuy nhiên dù phái nào thì mục đích của việc chay tịnh là để trưởng dưỡng lòng từ bi.
Sau nữa là việc ăn chay của Công giáo. Mùa Chay kéo dài trong suốt 40 đêm ngày bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro đến Lễ Phục Sinh. Việc giữ chay của người Công giáo có những quy định sau đây:
Thứ Tư Lễ Tro: Ăn Chay và kiêng thịt.
Những ngày Thứ Sáu kế tiếp ( 6 lần )sau Lễ Tro chỉ kiêng thịt chứ không phải ăn chay.
Thứ Sáu Tuần Thánh thì ăn chay và kiêng thịt. Như vậy việc kiêng ăn thịt, người Công giáo hàng năm chỉ cần tuân giữ tổng cộng có 08 ngày. Ngoài ra, trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, thì không phải…kiêng thịt bất cứ ngày nào.
Với quy định việc ăn chay và kiêng thịt được phân ra thành hai việc đồng thời chỉ trong một giới hạn như thế cho thấy đó chỉ là một thứ hình thức máy móc chẳng hề đúng với tinh thần chay tịnh chút nào. Tại sao ? Bởi vì mục đích cốt yếu của việc chay tịnh chính là để cho ta biết đường quay trở về với Chúa “ Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi vì Người nhân lành, từ bi, nhẫn nại, giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai họa” ( Ge 2, 12 -13 ).
Tại sao lại phải trở về trong chay tịnh, nước mắt và than van ? Bởi vì sự trở về ấy là về với Đấng Chúa vốn vẫn …nội tại trong mỗi người nhưng vì vô minh nên không ai nhận biết. Cũng vì không nhận biết nên con người mới đành…quên mất Ngài để rồi cứ hướng tâm ra bên ngoài tìm cầu nơi thế giới hiện tượng sinh diệt, vô thường, khổ não….
Gọi là thế giới hiện tượng bởi vì nó không thật có, tất cả do duyên giả hợp mà…có. Cái nhà là do duyên của gạch, cát, xi măng, công thợ…hợp lại gọi là…nhà. Khi các duyên ấy rời ra thì không còn là…nhà. Đối với thân mạng con người cũng thế đó chẳng qua là sự cấu hợp của bốn yếu tố gọi là Tứ Đại ( Đất, Nước, Gió, Lửa ). Khi bốn …đại ấy hợp lại thì thân mạng còn và khi nó rã tan thì gọi là…chết.
Thân mạng chỉ là giả hợp sẽ có ngày tan rã phải chết. Thế nhưng vì u mê ám chướng nên phàm phu không ai lại không yêu quý chiều chuộng đủ điều, muốn nó được ăn ngon mặc đẹp, khỏe mạnh sống lâu mãi ở đời mà không biết rằng miếng ăn cho là của ngon vật lạ ấy mới nuốt qua cổ họng đã thành vật ô uế bất tịnh mà chính mình cũng nhờm tởm. Đời sống dù cho có …thọ đến trăm tuổi thì cũng chỉ chuốc lấy sự mỏi nhọc, răng rụng, mắt mờ, chân run chứ có sung sướng gì đâu ?
Do nơi sự nuông chiều thân xác như thế khiến ngày càng xa lìa Thiên Chúa Đấng ở nơi mình “ Vì kẻ ở theo xác thịt thì chí hướng về những sự thuộc xác thịt. Còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chí hướng những sự thuộc Thánh Linh. Vả chí hướng của xác thịt là sự chết còn chí hướng của Thánh Linh là sự sống và bình an” ( Rm 8, 5 -6 ).
Mùa Chay khởi đầu bằng Lễ Tro có ý nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về cái thân…cát bụi sẽ trở về cát bụi. Sự nhắc nhở ấy còn tiếp diễn trong suốt Mùa Chay Thánh: Trên bàn thờ không có trưng bày hoa tươi. Trong các Thánh Lễ không hát Kinh Vinh Danh. Sau Phúc Âm không có Alleluia. Rồi còn ngắm Đàng Thánh Giá. Ngắm Dấu Đanh diễn lại sự thương khó Chúa Giê Su….
Tất cả những sự nhắc nhở ấy chỉ có mục đích để cho ta nhận ra cõi thế này là chốn khách đày, thân xác này chỉ là bọt bèo nay còn mai mất hầu quyết lòng trở về với Đấng Cha Thiên Chúa giống như người con hoang đàng tỉnh ngộ quay về khi nó ở trong tình trạng quá ư là khổ ( Lc 15, 17 -18 ).
Nhận biết thế gian là cõi khổ, thân này là thân khổ để rồi quyết chí quay về và sự …quay về ấy chỉ có thể là về với chính mình. Sự quay về ấy đã được Chúa Giê Su truyền dạy qua nhiều phương thế. Khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm có nghĩa trong tinh thần vô ngã. Khi cầu nguyện thì phải xoay cái Tâm vào bên trong mà cầu bởi vì Thiên Chúa là Đấng ẩn mật ngay ở nơi ta….( Mt 6, 2 -7 ).
Ăn Chay, Bố Thí, Cầu Nguyện là ba việc Giáo Hội khuyên nhủ chúng ta chuyên cần thực hiện không những chỉ gói gọn trong Mùa Chay nhưng là suốt cả cuộc đời. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể xứng đáng lãnh nhận triều thiên Chúa hứa cho những ai trông cậy nơi Ngài “ Mọi người đấu sức trong cuộc đua thì tiết chế mọi sự. Vả, họ làm vậy chẳng qua để lãnh mão miện hay hư nát. Còn chúng ta thì để lãnh nhận mão miện chẳng hay hư nát. Vậy tôi chạy chẳng phải là chạy bá vơ. Tôi đấu quyền chẳng phải là đánh gió. Song tôi chế phục thân thể tôi, bắt nó phải phục tùng. E rằng sau khi tôi rao giảng cho kẻ khác mà chính mình tôi lại bị loại ra chăng ?” ( 1C 9, 25 -27 ).
Phùng Văn Hóa