Chỉ khi nào phàm nhân khả dĩ “nhìn thấy” Sự Thật thì mới thực sự được hưởng tự do đích thực, vì Chúa Giêsu bảo: “SỰ THẬT SẼ GIẢI PHÓNG ANH EM” (Ga 8:32). Một trong những chân-lý-bất-biến đó là “sự chết”. Có sinh ắt có tử, như có mở đầu thì có kết thúc! Chết cũng là giải thoát, như Thánh Phaolô nói: “Sống là Đức Kitô, và chết là một MỐI LỢI” (Pl 1:21).
Có câu thành ngữ Hán–Việt: “Câu quang quá kích”. Nghĩa là cái bóng vụt sáng của con ngựa qua khe cửa. Tiếng Việt quen nói là “bóng câu qua cửa sổ”, chứ đúng ra phải nói là “bóng ngựa qua cửa số”. Chữ “câu” là từ Hán–Việt, nghĩa là con ngựa, được dùng xen vào các từ Việt ngữ thì không “chuẩn”. Ở đây ý nói con ngựa còn non nên rất khỏe và chạy nhanh. Khi nghe tiếng vó ngựa, chợt nhìn ra cửa sổ thì thấy nó vụt qua mất, chẳng kịp nhìn thấy lông nó màu gì nữa! Thời gian cũng vậy, tưởng chừng nó trôi chậm, thế mà thắm thoắt đã vài chục năm, nhanh như chớp vậy!
Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh tính toán: “Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi” (Tv 90:10).
Quả thật, kiếp người quá vắn vỏi, khác chi đóa phù dung sớm nở tối tàn: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103:15-16). Như một kết luận, tác giả Thánh Vịnh nói: “Ấy con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 144:4). Những cách ví von rất thật, rất thực tế, chắc hẳn không còn cách so sánh khoảng-ngắn-dài nào độc đáo hơn nữa!
Đời là thế, là lẽ tất nhiên, như tác giả sách Giảng Viên nhận định: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế” (Gv 3:1-2). Các câu tiếp theo, tác giả cho biết những “thời” khác. Có lẽ cũng chẳng lạ, nhưng chúng ta thường không lưu ý hoặc không muốn biết “sự thật phũ phàng” như thế! Không chỉ vậy, cuộc sống còn có “kiểu ngược đời” đặc trưng:“Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn, càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau” (Gv 1:18).
Cảm nhận được sự ngắn ngủi của cuộc đời, nhạc sĩ Y Vân (1933-1992) đã viết ca khúc “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời”. Ông viết bài này khi còn trẻ, nhưng có điều lạ là nó đã “ứng nghiệm” vào chính cuộc đời ông – vì ông mất khi đang ở tuổi 60 (ngày 28-11-1992).
Ông nói: “Anh ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời, 20 năm đầu, sung sướng không bao lâu, 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi, 20 năm cuối là bao!”. Cứ 20 năm là chu kỳ một thế hệ. Chưa thấy sung sướng đã vương sầu, còn lại chặng cuối thì có đáng chi!
Ông than thở, nhưng không bi lụy, mà để tích cực vươn lên: “Ơ là thế, đời sống không được bao! Ơ là bao, đời không lâu là thế! Ơ được bao năm sống mà yêu nhau”. Biết cuộc đời ngắn ngủi để mà ráng yêu nhau. Chữ YÊU ở đây không chỉ riêng tình yêu đôi lứa, mà chữ YÊU bao hàm mọi thứ tình cảm trong các mối quan hệ.
Ông tiếp tục nhận định: “Anh ơi có bao nhiêu 60 năm cuộc đời, khi xa anh rồi em biết yêu thương ai, nên khi yêu nhau thì yêu cho trọn đời, anh ơi ta sống được bao!”. Yêu thì phải yêu cho trọn vẹn, yêu sung mãn. Văn hào Victor Hugo nói: “Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”. Một tư tưởng tuyệt vời quá! Tại sao? Vì yêu tới điên thì mới thực sự là yêu. Chúa Giêsu đã thực sự “điên vì yêu”. Ngài điên hơn mọi người vì Ngài yêu chính những người ghét bỏ và giết chết Ngài, còn đối với người ta, có “cao cấp” lắm thì cũng chỉ dám chết cho người-mình-yêu mà thôi!
Kết thúc một bản nhạc nào cũng có “giai kết trọn”, dù là kết nam hay kết nữ cũng đều là nốt kết thúc. Cuộc đời ngắn ngủi gợi nhớ “sự kết thúc cuộc đời”, đó là khi người ta trút hơi thở cuối cùng để bước vào cõi vĩnh hằng. Sự chuẩn bị phải được tiến hành cả đời, vì đâu ai biết lúc nào lá rụng, lá vàng rụng đã đành, mà lá xanh cũng rụng! Do đó mà phải cố gắng cho “giai kết trọn” thật đẹp, thật ngọt ngào. Khi ta sinh, ta bật khóc thì người vui cười, hãy cố gắng sống sao để khi ta chết, ta thanh thản vui cười mà người phải bật khóc!
Tháng Cầu Hồn nhắc nhở chúng ta đừng quên các linh hồn, vì việc cầu nguyện cho các linh hồn là việc rất quan trọng, vừa lợi cho người vừa ích cho ta. Đồng thời chúng ta cũng đừng quên những người hấp hối. Lúc nào cũng có người hấp hối. Cầu nguyện cho những người hấp hối cũng là việc quan trọng, vì Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustinas: “Hãy cố gắng hết sức cầu nguyện cho những người hấp hối. Hãy xin cho họ được niềm tin vào Lòng Thương Xót của Ta, vì họ cần nhất niềm tín thác, và ít nhất là thế. Hãy bảo đảm rằng Ơn Cứu Độ cho các linh hồn trong giờ sau hết cũng còn tùy vào lời cầu nguyện của con” (Nhật Ký, số 1777).
Trong thi phẩm “Tiếng Thu”, thi sĩ Lưu Trọng Lư (1912-1991) đã khả dĩ cảm nhận khoảng-kỳ-diệu-khác-thường của không gian và thời gian của mùa Thu:
Em nghe không mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Mùa Thu luôn có sắc vàng, vàng của cỏ cây, vàng của con người, vàng của ý nghĩ… Buổi sáng se lạnh, nhưng buổi trưa hanh nóng, cái nắng nóng rất lạ, với kiểu khô khốc cũng khác. Có chút gì đó hoang vu, mênh mang, cô tịch, lắng đọng,… Mùa Thu nhắc nhở mỗi người về Sự Chết. Nghe mà nẫu cả lòng, nghe mà buồn thúi ruột!
Nhưng không, với các Kitô hữu, chết không là hết, mà chết là biến đổi, chết là “hân hoan về Nhà Cha”, vậy sao lại buồn? Không thể buồn, vì đó là nơi Chúa Giêsu đã đi trước để dọn chỗ (Ga 14:2) và là “Vương Quốc dọn sẵn ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25:34) cho những tôi trung của Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa, nếu Ngài chấp tội thì chẳng ai đứng vững, nhưng Ngài vẫn rộng lòng tha thứ để mọi người biết kính sợ Ngài (Tv 130:3). Cảm tạ Ngài luôn giàu lòng xót thương, đã không cứ tội con mà xét xử, không trả báo xứng với lỗi lầm của con (Tv 103:10). Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Mùa Cầu Hồn – 2013