Thật khó để nói lời an ủi khi đứng trước cái chết, dù người quá cố đã sống trọn cuộc đời, sống thọ và ra đi trong bình an. Đặc biệt khó hơn khi người chết còn trẻ, còn cần được chăm sóc nuôi dưỡng, khi họ chết trong hoàn cảnh không được lý tưởng cho lắm.
Là một linh mục, tôi đã nhiều lần chủ lễ các tang lễ của những người chết trẻ vì bệnh tật, tai nạn, hay tự vẫn. Những đám tang như thế luôn luôn buồn thảm và mang tính hoài nghi. Tôi còn nhớ một đám tang như vậy: Một học sinh trung học chết vì tai nạn xe hơi. Gia đình, bạn bè, và bạn học của em lòng đầy thương tiếc đến dự chật kín cả nhà thờ. Mẹ cậu, vẫn còn trẻ, ngồi ở hàng ghế đầu, lòng bà nặng trĩu với nỗi tang thương mất mát của mình, nhưng rõ ràng bà quặn thắt khi nghĩ về đứa con. Và hơn hết, em chỉ là một đứa trẻ, phần nào vẫn còn cần người chăm sóc, vẫn cần mẹ. Và bà mẹ cảm nhận em chết trẻ như thế, theo cách nào đó, cũng đã làm em trở thành em bé mồ côi.
Chẳng có mấy lời có tác dụng trong trường hợp như thế này, nhưng có vài lời mà chúng ta buộc phải nói, ngay cả trong một ngày như thế, khi cái chết vẫn còn trước mặt, khi người ta không cảm được bao nhiêu sự an ủi về mặt tình cảm được. Phải nói gì trước một cái chết như thế? Đơn giản là cậu bé bây giờ đang ở trong bàn tay yêu thương hơn, âu yếm hơn, dịu hiền hơn, và đáng tin cậy hơn đôi tay của chúng ta, rằng ở bên kia có một người mẹ đón nhận em, săn sóc nuôi dưỡng mà em vẫn còn cần, giống như ở đời này vậy. Không một ai sinh ra mà lại không nằm trên bàn tay ẵm của mẹ cả. Đó chính là hình ảnh mà chúng ta cần phải giữ trước mắt để có thể hình dung cái chết một cách lành mạnh hơn.
Vậy cụ thể hơn, hình ảnh này là gì. Một vài hình ảnh nền tảng và dịu hiền như hình ảnh người mẹ ôm và ru đứa con mới sinh của mình. Lời bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng, Silent Night, bài thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng nhất mọi thời đã lấy cảm hứng từ hình ảnh này. Joseph Mohr, một linh mục trẻ người Đức, chiều trước lễ Giáng Sinh, đã đi đến một căn nhà tranh trong rừng để rửa tội cho một em bé mới sinh. Khi ông ra về, đứa trẻ ngủ ngon trong lòng mẹ. Ông được đánh động quá đỗi trước hình ảnh đó, trước sự sâu thẳm và bình an của hình ảnh đó, rồi khi trở về nhà xứ, ngay lập tức ông viết nên những dòng lừng danh của bản Đêm Thánh Vô Cùng. Người hướng dẫn dàn nhạc của ông, đã thêm một vài hợp âm guitar cho những dòng này, biến chúng thành những dòng bất hủ. Hình ảnh khuôn mẫu tuyệt đối cho yên bình, an toàn, và bảo đảm chính là hình ảnh em bé sơ sinh ngủ trong lòng mẹ. Hơn nữa, khi một đứa trẻ chào đời, không chỉ có một mình người mẹ háo hức muốn ẵm bồng mà tất cả gia đình mọi người đều muốn.
Có lẽ chẳng có hình ảnh nào phù hợp, mạnh mẽ, có sức an ủi, và chính xác hơn nữa để minh họa những gì xảy đến với chúng ta khi chết đi và tỉnh dậy trong sự sống bất diệt cho bằng hình ảnh bà mẹ ẵm đứa con mới sinh của mình. Khi qua đời, chúng ta chết trong bàn tay Thiên Chúa, và chắc chắn chúng ta đã được đón nhận với quá đỗi yêu thương, trìu mến, dịu hiền như khi chúng ta được mẹ ẵm trên tay lúc mới sinh. Hơn nữa, chắc chắn ở đó, chúng ta được an toàn hơn khi sinh ra trên thế gian này. Tôi cũng nghĩ, ở đó sẽ có những vị thánh quây quần xung quanh, chờ đến lượt mình để được ẵm em bé mới sinh. Và như thế thật an tâm nếu chúng ta chết trước khi sẵn sàng để chết, khi vẫn còn cần được chăm sóc nuôi nấng, khi vẫn còn cần một người mẹ. Chúng ta đang ở trong đôi bàn tay an toàn, ân cần, và đầy tình chăm sóc.
Đó có thể là niềm an ủi thâm sâu bởi cái chết đẩy tất cả mỗi người chúng ta vào tình trạng mồ côi, và mỗi ngày, đều có những người chết trẻ, bất ngờ, thiếu chuẩn bị, những người vẫn còn cần được chăm sóc. Tất cả chúng ta khi qua đời, vẫn còn đang cần một người mẹ, nhưng đức tin bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta sẽ được sinh ra trong đôi bàn tay đáng tin cậy hơn và được nuôi dưỡng hơn đôi bàn tay của nhân loại.
Tuy nhiên, dù có lẽ sẽ đem lại an ủi, nhưng nó vẫn không thể chấm hết nỗi đau buốt vì mất đi người thân yêu. Chẳng gì cất đi được nỗi đau buồn đó cả, vì chẳng có gì được định để làm việc đó. Cái chết là vết sẹo không phai trong tâm hồn chúng ta vì đó chính là những đau đớn do tình yêu mà ra. Dietrich Bonhoeffer đã nói về điều này như sau: “Không có gì có thể khỏa lấp việc mất đi người chúng ta yêu thương. … Thật vô lý khi nói rằng Thiên Chúa lấp đầy khoảng trống, Thiên Chúa không lấp đầy nó, nhưng ngược lại, ngài vẫn để nó trống rỗng và như thế giúp chúng ta giữ mối giao tình với người đã mất cho dù cái giá của nó là nỗi đau. … Ký ức của chúng ta, nếu càng nhiều và càng thiết tha, thì sự chia lìa càng nên khó khăn hơn. Nhưng lòng biết ơn biến đổi những nhói buốt trong ký ức thành niềm vui thanh bình. Vẻ đẹp của quá khứ không phải là chiếc gai đâm xé da thịt nhưng chính là tặng vật quý báu.”
Rev. Ron Rolheiser, OMI
* * *
Tôi đã được phép giã từ.
Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em!
Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường.
Này đây chìa khóa tôi gài lên cửa,
Và cả căn nhà cũng trao trọn anh em.
Chỉ xin anh em lời tạ từ lần cuối,
Thắm đượm tình thân.
Từ lâu rồi, sống bên nhau,
Chúng mình là láng giềng lối xóm;
Nhưng anh em đã cho tôi
Nhiều hơn tôi cho lại anh em.
Bây giờ ngày đã rạng,
Đèn trong xó tối nhà tôi đã tắt.
Lệnh triệu ban rồi,
Tôi đi đây.
Rabindranath Tagore
Nguồn: Suy Niệm Hằng Ngày