Sử liệu các cha dòng Capucino ghi lại câu chuyện liên quan đến những cực hình các đẳng Linh Hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục.
Cha Hippolyte de Scalvo là người tôi tớ tín trung của Chúa. Cha đặc biệt có lòng thương mến các đẳng Linh Hồn. Cha luôn luôn cầu nguyện cho các vị được mau mau giải thoát khỏi chốn Luyện Hình. Cầu nguyện chưa đủ, cha Hippolyte còn ăn chay hãm mình đền bù thay cho các đẳng và thường thuyết giảng về Luyện Ngục. Cha nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện, dâng các hy sinh và việc lành phúc đức để cầu cho các Linh Hồn được sớm về hưởng tôn nhan Chúa. Sáng nào cũng thế, cha Hippolyte thức dậy thật sớm để nguyện kinh cầu cho những người quá cố. Chúa Nhân Lành đã dùng gương vị tôi tớ Ngài để giúp các tín hữu hiểu phần nào những hình phạt các đẳng Linh Hồn phải chịu trong Lửa Luyện Hình.
Năm ấy cha Hippolyte được Bề Trên gởi đến Flandres, một thành phố nằm ở biên giới hai nước Pháp và Bỉ, để mở một tu viện các cha dòng Capucino. Trong số các tu sĩ cùng đi với cha Hippolyte có một thầy dòng hết sức đạo đức. Nhưng vừa đến nơi, vị tu sĩ này ngã bệnh nặng và đột ngột từ trần.
Sáng hôm sau đó, cha Hippolyte quì cầu nguyện trong nhà thờ, sau giờ Kinh Sáng. Bỗng chốc cha thấy xuất hiện trước mặt mình vị tu sĩ quá cố, dưới hình một bóng ma phủ đầy lửa. Người quá cố thú tội cùng Cha Bề Trên với lời rên rỉ não nề về một lỗi nhẹ mà thầy đã quên xưng khi còn sống. Thú tội xong, thầy thưa: “Xin cha cho con việc đền tội tùy ý cha và xin cha ban phép lành cho con hầu con được giải thoát khỏi khuyết điểm khiến con phải đau khổ vô ngần trong Lửa Luyện Ngục”. Cảm kích trước tình trạng thảm sầu của vị tu sĩ thuộc quyền quá cố, cha Hippolyte vội vàng nói ngay:
– “Nhân danh quyền được phép, tôi xin tha tội cho thầy và chúc lành cho thầy. Còn về việc đền tội, vì thầy bảo là tôi có quyền ra việc đền tội, thì xin thầy hãy ở trong Lửa Luyện Ngục cho đến giờ Kinh Thứ Nhất, tức vào khoảng 8 giờ sáng nay”.
Cha Hippolyte nghĩ rằng mình đã khoan hồng khi ra việc đền tội cho tu sĩ quá cố chỉ ở lại nơi Luyện Hình vài giờ! Nào ngờ, vừa nghe xong án lệnh, thầy dòng đạo đức như rơi vào trạng huống tuyệt vọng. Thầy vừa chạy vòng vòng trong nhà thờ vừa kêu la thảm thiết:
– “Ôi tấm lòng không đại lượng! Ôi người cha không biết cảm thương một Linh Hồn sầu não! Sao cha lại trừng phạt cách khủng khiếp một lỗi nhẹ mà nếu con còn sống, hẳn cha chỉ ra một việc đền tội cỏn con. Cha quả thật không biết tí gì về những kinh hoàng các Linh Hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục!”.
Nghe lời trách cứ nặng nề của vị tu sĩ quá cố, cha Hippolyte như “dựng tóc gáy” và cảm thấy vô cùng ân hận. Cha tìm cách “vớt vát” cái vô ý thức của mình. May mắn thay, cha nghĩ ra được một diệu kế. Cha vội vàng đánh chuông, gọi các tu sĩ trong cộng đoàn vào nhà thờ nguyện Kinh Giờ Một. Khi các tu sĩ có mặt đầy đủ, cha Hippolyte kể lại câu chuyện vừa xảy ra và cùng với cộng đoàn bắt đầu đọc ngay Kinh Giờ Một, hầu cho thầy dòng quá cố được sớm giải thoát khỏi lửa luyện hình.
Từ ngày đó cho đến khi qua đời, trong vòng 20 năm trời, Cha Hippolyte de Scalvo không bao giờ quên câu chuyện đã xảy ra. Trong các bài giảng, cha thường lập lại câu nói của thánh Anselmo (1033-1109): “Sau khi chết, hình phạt nhẹ nhất đón chờ ta trong Lửa Luyện Hình trở thành lớn lao hơn tất cả những gì trí khôn ta có thể tưởng tượng được khi còn sống trên trần gian này”.
(Jacques Lefèvre, “Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints”, Editions Résiac, 1995, trang 24-26).