KINH THÁNH CÓ ĐỀ CẬP DẾN LUYỆN NGỤC KHÔNG?

  1. Giáo lý chính thức về luyện ngục của Giáo hội có từ thế kỷ 15. Nhưng điều đó có được nhắc đến trong Kinh thánh không?

Cho đến thế kỷ thứ 4, niềm tin vào luyện ngục đã được chứng thực bởi những lời kinh hoặc những buổi lễ mà Kitô hữu thực hiện để tưởng nhớ những người thân đã khuất của họ. Nhưng giáo lý về luyện ngục không được hình thành mãi cho đến Công đồng Lyons II, năm 1274. Khi đó, Huấn quyền của Giáo hội lần đầu tiên nói về “các hình phạt luyện ngục”. Công đồng Florence, năm 1441 cũng gợi lên một cuộc thanh luyện sau khi chết nhờ các “hình phạt nơi luyện ngục”. Nhưng trên hết, tại Công đồng Trentô, năm 1547, Giáo hội đã hình thành giáo lý đức tin liên quan đến luyện ngục. Hiện nay Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói rằng:

  • “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng. Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình phạt của những kẻ bị luận phạt” (GLCG 1030-1031). 

Giáo lý này dựa trên văn bản Kinh thánh nào? Luyện ngục có được đề cập trong Kinh thánh không ? 

  1. Cơ sở Kinh thánh của Luyện ngục

LM Don Paul Denizot, quản nhiệm đền thánh Notre-Dame de Montligeon, giải thích rằng: “Không có từ luyện ngục được nêu lên trong Kinh thánh, nhưng thực tế của nó đã được nói đến trước đó.” Vị linh mục xác định rằng “sách Các vị tử đạo của Israel – còn gọi là sách Macabê cho thấy người Do Thái cầu nguyện cho người chết với hy vọng rằng họ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi của họ sau khi chết”.  

  • “Họ bắt đầu khẩn nguyện, xin Chúa tẩy sạch tội lỗi đã phạm. Vị anh hùng Giuđa khuyên nhủ toàn quân giữ mình sạch tội, vì họ đã nhìn thấy nhãn tiền những việc xảy ra là do tội của những người đã bị giết chết” (2 Mcb 12, 42). 

LM Don Paul Denizot chỉ ra: “Cũng vậy, Tân Ước thường nhắc đến sự hiện hữu của luyện ngục, dù không luôn luôn đề cập đến nó. Do đó, Thánh Phaolô nói về ơn cứu độ “như qua lửa” (1 Cr 3, 10-15)”. Hơn nữa, cần lưu ý rằng cho đến cuối thế kỷ 12, từ “luyện ngục” không thực sự tồn tại. Người ta không nói “luyện ngục” mà là “lửa thanh luyện”. Đây là lý do tại sao người ta có thể nghĩ rằng ngọn lửa mà Thánh Phaolô nói đến ám chỉ ngọn lửa luyện ngục.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo chỉ rõ về chủ đề này:

“Truyền thống của Giáo Hội, khi đề cập đến một số bản văn Kinh Thánh, thí dụ 1 Cr 3:15 hay 1 Pet 1: 7, nói về lửa thanh luyện” (GLGHCG 1031).

LM Don Paul Denizot chỉ ra thêm: “Chúng ta cũng có thể tham khảo đoạn Tin Mừng Mátthêu: “Thật, tôi bảo thật các ông: các ông sẽ không thoát được cho đến khi trả đến đồng xu cuối cùng” (Mt 5, 26).

  1. Người sống quan tâm đến số phận của người chết

Nếu những bản văn Kinh thánh này không đủ để phát triển giáo lý về luyện ngục, thì “từ góc nhìn thực tế hơn là góc độ lý thuyết, chúng khớp với những quan sát của các nhà sử học về những lời cầu nguyện cho người chết vào đầu kỷ nguyên Kitô giáo”, Cha Jean-Marc Bot đã chỉ ra trong cuốn sách Le purgatoire, travers le feu d’amour – Luyện ngục, đi qua ngọn lửa tình yêu. Và ngài kết luận: “Những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo cho thấy nhiều điều rằng người sống quan tâm đến số phận của người chết. Ngoài việc chôn cất, họ duy trì mối liên hệ không cầu lợi với những người chết: thay vì cầu xin những người chết bảo vệ mình, họ tìm cách giúp đỡ những người chết bằng những lời cầu nguyện có khả năng mang lại bình an và mát mẻ cho họ.” 

  1. Có phải tất cả mọi người đều phải qua luyện ngục không?

Luyện ngục chỉ là một giai đoạn trước khi lên Thiên Đàng. Nhưng đây có phải là một bước bắt buộc không?

“Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục…Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện, theo điều Đấng là Chân lý đã nói rằng nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,32). Qua lời đó, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau (Thánh Grêgôriô Cả, đối thoại. 4, 39)” (GLGHCG, số 1031). 

Như Đức Cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhắc nhở chúng ta trong thông điệp Spe Salvi của ngài, xuất bản ngày 30 tháng 11 năm 2007, ngài không phỏng đoán những mầu nhiệm của sự sống sau khi chết, ngài nghĩ luyện ngục dường như là giai đoạn bắt buộc đối với phần lớn người ta. LM Don Paul Denizot, quản nhiệm đền thánh Notre-Dame de Montligeon, nói: “Các vị thánh và các vị tử đạo không vào luyện ngục. Đức Trinh Nữ Maria cũng không đến đó”. Và vị linh mục nhấn mạnh: “Thánh Têrêsa thành Lisieux giải thích trong các bài viết của mình rằng người ta phải khát khao Thiên đàng, phải nhắm đến cuộc sống vĩnh cửu.” Vì vậy, luyện ngục sẽ không phải là một giai đoạn bắt buộc đối với mọi người. Vì mục tiêu của chúng ta không phải là tránh luyện ngục. Nhưng như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu suy nghĩ, khi bạn yêu, không thể có luyện ngục ở đó. 

Nếu sự hưởng kiến Thiên Chúa được dành riêng cho những cõi lòng trong sạch, theo các mối phúc, thì nhất thiết phải diễn ra sự thanh luyện hoàn toàn nhất. Nhưng sự thanh luyện này cũng có thể diễn ra trên trần thế. Như Cha Jean-Marc Bot đã chỉ ra trong cuốn sách Le purgatoire, travers le feu d’amour – Luyện ngục, đi qua ngọn lửa tình yêu: “Bạn hãy thanh luyện chính mình trên trần gian, để chuẩn bị lên thẳng thiên đàng vào lúc chết, nghĩa là hãy để cho chính Chúa Thánh Thần giúp mình trải qua kinh nghiệm thần bí này là làm cho chúng ta nên hoàn hảo, một sự hoàn hảo mà tự con người không thể đạt được”. Đây là một mục tiêu có vẻ khó đạt được.

  1. Mục tiêu không phải là tránh luyện ngục mà là hướng về Thiên Đàng

Cha Jean-Marc Bot viết: “Tuy nhiên, chúng ta không nên bị vẻ bề ngoài đánh lừa. Chúng ta hãy nhớ đến cuộc thanh luyện đáng kinh ngạc của người trộm lành đã chết trên thập giá, bên hữu Chúa Kitô, với lời hứa sẽ vào thiên đàng ngay hôm nay. Làm thế nào người trộm lành có thể trải qua trải nghiệm thần bí mà chúng ta đang nói đến trong một thời gian ngắn như vậy? Câu trả lời cần được tìm kiếm cả trong đặc điểm ngoại lệ của hoàn cảnh lẫn trong sự kín ẩn của một linh hồn được mời gọi thực hiện một hành động yêu thương hoàn hảo. Ngay cả trong cuộc sống bình thường, và theo quy luật thông thường, việc thanh luyện cần nhiều thời gian, điều đó trước hết phụ thuộc vào yếu tố phẩm chất. Bất cứ ai cũng có thể khám phá ra bí mật của phẩm chất tình yêu này nhanh hơn nhiều so với chúng ta nghĩ”. 

  1. Lửa luyện ngục thực sự đốt cháy điều gì?

Luyện ngục thường được mô tả là ngọn lửa thanh tẩy, nhưng chính xác thì nó đang đốt cái gì? Không phải là một cực hình khủng khiếp, lửa luyện ngục là một phương tiện để chuẩn bị lòng chúng ta đón nhận niềm vui thiên đàng. 

Người ta biết rất ít về điều gì xảy ra khi một linh hồn đến luyện ngục, nhưng nhiều vị thánh và nhà thần học đã mô tả nó như một “ngọn lửa thanh luyện.” Giáo lý của Giáo hội Công giáo đề cập đến điều đó khi nói về luyện ngục. Giáo lý đức tin về luyện ngục của Giáo hội có từ các công đồng Florence và Trentô. Truyền thống, dựa trên các bản văn Thánh Kinh, gợi lên ngọn lửa thanh tẩy:

  • “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng. Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình phạt của những kẻ bị luận phạt” (GLGHCG, số 1030- 1031).

Origiênê, một nhà thần học của giáo hội sơ khai, cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng về ngọn lửa này và chính xác thì nó “đốt cháy” cái gì:

  • Nếu một người rời khỏi cuộc sống này với những lỗi lầm nhẹ hơn, thì người ấy sẽ phải chịu lửa đốt cháy những vật liệu nhẹ hơn…Bạn có muốn vào thiên đường với củi, cỏ khô và rơm rạ của mình và do đó làm ô uế vương quốc của Thiên Chúa không ?…Ngọn lửa này sẽ không đốt cháy linh hồn, nhưng đốt cháy những gì linh hồn đã tự làm ra, giống như gỗ, cỏ khô và rơm rạ. Rõ ràng là ngọn lửa đốt cháy tội lỗi mà chúng ta đã phạm như đốt cháy gỗ và sau đó trả lại cho chúng ta phần thưởng vì những việc làm lớn lao của chúng ta.

Hình ảnh này giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không đưa chúng ta vào lửa trừng phạt, nhưng Ngài đưa chúng ta đi qua lửa thanh luyện, để tất cả những tội lỗi nho nhỏ mà chúng ta vẫn còn vướng mắc khi chết đều bị thiêu cháy.

  1. Làm thế nào để biết một người thân đã qua đời không còn trong luyện ngục?

Nhờ lời cầu nguyện của mình, chúng ta có thể rút ngắn thời gian thanh tẩy các linh hồn trong luyện ngục. Nhưng làm sao chúng ta biết được liệu những lời cầu nguyện này có đơm hoa kết trái hay không và những người thân yêu đã qua đời của chúng ta không còn ở luyện ngục nữa hay không? 

Một tình liên đới mầu nhiệm liên kết tất cả các phần tử của Giáo hội ngay cả bên kia biên giới của cái chết, sự hiệp thông của các thánh giúp rút ngắn thời gian thanh tẩy của các linh hồn trong luyện ngục. Sự giúp đỡ này chủ yếu thông qua lời cầu nguyện, như Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 958 nhắc lại:

  • “Bởi biết rất chắc chắn rằng có sự hiệp thông như thế trong toàn Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Kitô, nên ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành đã hết sức thành kính nhớ đến những người đã qua đời, và bởi vì ‘dâng hy lễ để đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện’ (2 Mcb 12,45), nên Hội Thánh cũng dâng lời cầu cho họ.”

Ngay từ đầu, khi nhận ra sự hiệp thông này tồn tại trong toàn bộ thân mình huyền nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, Giáo hội đang bước đi trên trần thế, từ thời sơ khai của Kitô giáo, qua các chi thể của mình, đã vây quanh những người đã khuất, với lòng thành kính tưởng nhớ đến họ, vì “nhìn đến phần thưởng tuyệt hảo dành cho những người đã an nghỉ cách đạo đức, thì quả là ý nghĩ lành thánh và đạo đức” (2 M 12, 45). “Lời cầu nguyện của chúng ta cho họ không những có thể giúp đỡ họ, mà còn làm cho sự chuyển cầu của họ cho chúng ta trở nên hữu hiệu.”

  1. Nhưng làm thế nào để chúng ta biết liệu những lời cầu nguyện này có thực sự giúp các linh hồn đã khuất rời khỏi luyện ngục hay không?

Như Cha Jean-Marc Bot đã chỉ ra trong cuốn Le purgatoire, travers le feu d’amour  – Luyện ngục, đi qua ngọn lửa tình yêu, “thời gian trần gian là một thứ khác, thời gian hỏa ngục là một thứ khác, thời gian thiên đàng là một thứ khá, và thời gian của luyện ngục là một thứ khác nữa. Vì vậy, người ta không thể nói linh hồn con người ở trong luyện ngục bao lâu. Cha Jean-Marc Bot nói : “Thời gian thanh luyện này hẳn nhiên khiến chúng ta bối rối vì không còn liên quan đến các sự kiện lịch sử nữa. Thời gian thanh luyện đó gần với điều mà chúng ta gọi là thời gian tâm lý. Do đó, chúng ta có thể hình dung ra rằng mỗi linh hồn trong luyện ngục đều có mối tương quan rất riêng với thời gian.”

Do đó, có thể cho rằng nếu một số người ở lại luyện ngục một thời gian rất ngắn, thì những người khác có lẽ sẽ ở lại đó “cho đến khi Chúa Kitô quang lâm vào cuối lịch sử vũ trụ”. Nhưng trong thực tế, luyện ngục vẫn còn là một mầu nhiệm. Cha Jean-Marc Bot nói rõ: “Điều chắc chắn duy nhất của chúng ta là việc thanh luyện của mỗi người là phù hợp riêng cho mỗi người. Theo nghĩa này, có bao nhiêu linh hồn trong luyện ngục thì cũng có bấy nhiêu thời gian khác nhau về phẩm chất”, Do đó, không thể xác định thời gian mà mỗi người ở trong luyện ngục, cũng như không thể biết linh hồn này đã rời khỏi luyện ngục hay vẫn còn ở đó. 

  1. Các linh hồn trong luyện ngục có thể nói về số phận của họ không?

Tuy nhiên, một dấu hiệu từ người thân đã khuất đôi khi có thể cho thấy rằng linh hồn ấy không còn ở luyện ngục nữa. Đây là cách Thánh Gioan Bosco được thị kiến về người bạn Louis Comollo sau khi người bạn này qua đời. Hai người đã hứa với nhau rằng ai chết trước sẽ báo cho người kia về số phận vĩnh cửu của mình. Louis qua đời ngay sau đó. Vào đêm sau đám tang của anh ấy, hai mươi người bạn cùng phòng của Gioan Bosco giật mình tỉnh giấc bởi một tiếng ồn ào đáng sợ. Sau đó, cánh cửa ký túc xá mở ra, một ánh sáng kỳ diệu chiếu ra và một giọng nói rất nhẹ nhàng vang lên: “Bosco, tôi được cứu rồi!” 

Thánh Faustina , đã từng trải qua luyện ngục, cũng đã nhận được sự viếng thăm từ những linh hồn mà chị đã giải thoát bằng những lời cầu nguyện và những đau khổ của chị. Các linh hồn trong luyện ngục cũng đến gặp Padre Pio để xin ngài cầu nguyện cho họ cũng như để cảm ơn ngài. 

Tuy nhiên, như Cha Don Paul Denizot, quản nhiệm đền thánh Notre-Dame de Montligeon, đã chỉ rõ “những biểu hiện này rất hiếm”. Nếu Cha Don Paul Denizot kêu mời chúng ta chú ý đến các dấu hiệu, chẳng hạn như một người thân đã qua đời xuất hiện trong giấc mơ, thì ngài cũng không nói rằng chúng ta không nên chào đón người ấy. Cha Don Paul Denizot cảnh báo: “Bạn chỉ cần tránh quá coi trọng những dấu hiệu này, vì có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa thông linh.”  

Vì vậy, gần như không thể biết được liệu một người thân có còn ở luyện ngục hay không. Cha Don Paul Denizot lưu ý, “Thế thì càng hay, bởi vì vị thẩm phán duy nhất là Thiên Chúa và nếu chúng ta biết mọi thứ, chúng ta sẽ không cần đến Ngài nữa. Tuy nhiên, vị linh mục trấn an những ai đang lo lắng cầu nguyện cho linh hồn của người thân, vì nghĩ họ vẫn đang thanh luyện trong luyện ngục, mặc dù những người thân này có thể đã ở trên Thiên Đàng. Cha Don Paul Denizot kết luận: “Những lời cầu nguyện không bao giờ là lãng phí. Chúng làm cho tình yêu lớn lên”, do đó ngài mời gọi các tín hữu cứ luôn cầu nguyện cho người quá cố của họ, ngay cả khi họ không thể biết bất cứ điều gì về số phận của những người quá cố ở cõi đời sau. 

Các linh hồn trong luyện ngục có thể giúp chúng ta không?

Nhờ lời cầu nguyện của mình, chúng ta có thể rút ngắn thời gian thanh tẩy các linh hồn trong luyện ngục. Đổi lại các ngài có thể can thiệp cho chúng ta không?

Nhờ sự hiệp thông của các thánh, tình liên đới mầu nhiệm liên kết tất cả các phần tử của Giáo hội ngay cả bên kia biên giới của cái chết, chúng ta có thể rút ngắn thời gian thanh luyện của linh hồn của những người thân yêu của chúng ta trong luyện ngục. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác định rằng “ý nghĩ cầu nguyện cho người chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi, là một ý nghĩ thánh thiện và đạo đức (2 M 12, 45 )” ( GLGHCG, số 958). Và nói thêm: “Lời cầu nguyện của chúng ta dành cho họ không những có thể giúp ích cho họ mà còn làm cho lời chuyển cầu của họ có hiệu quả vì lợi ích của chúng ta”. Câu cuối cùng này làm sáng tỏ mức độ thụ động đặc trưng của các linh hồn trong luyện ngục và cho phép chúng ta trả lời câu hỏi sau đây một cách rõ ràng hơn: các linh hồn trong luyện ngục có thể chuyển cầu cho chúng ta không?  

Các linh hồn trong luyện ngục chuyển cầu cho chúng ta khi nào?

Cha Don Paul Denizot, quản nhiệm đền thánh Notre-Dame de Montligeon nói: “Câu trả lời là có.” Họ làm điều đó khi nào, vẫn còn là một điều cần tìm hiểu. Trên thực tế, các nhà thần học lớn không đồng ý về điểm này. Đối với Thánh Tôma Aquinô, họ không thể làm điều này khi còn ở trong luyện ngục. “Những người trong luyện ngục chưa được hưởng kiến ​​Ngôi Lời mà nhờ đó họ có thể biết được tư tưởng, hành động và cử chỉ của chúng ta; và đó là lý do tại sao chúng ta không cầu xin sự giúp đỡ của họ qua lời cầu nguyện,” thánh nhân viết trong Summa Theologiae – Tổng luận thần học.

Về phần mình, Cha Philippe de la Trinité đưa ra câu trả lời sau đây Trong Giáo Lý của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu về Luyện Ngục:

“Chúa và các thánh trên thiên đàng có thể ban thưởng cho chúng ta vì những gì chúng ta đang làm cho các linh hồn trong luyện ngục và hơn nữa, chính những linh hồn này có thể trả lại cho chúng ta, ngay khi họ vào thiên đàng, những gì chúng ta đã làm cho họ để giải thoát họ nhanh hơn, ngay cả trả lại cho chúng ta những gì chúng ta sẽ làm sau này, vì cùng một mục đích, nếu Thiên Chúa đã giải thoát họ chính nhờ những của bố thí trong tương lai này”.

Một điều khác là ý tưởng của Cha xứ Ars thánh thiện. Thánh nhân chỉ ra trong Bài giảng của mình: “Chắc chắn rằng những linh hồn đáng thương này không thể làm gì cho chính họ, nhưng họ có thể làm rất nhiều điều cho chúng ta. Điều này đúng đến mức hầu như không có ai cầu khẩn các linh hồn trong luyện ngục mà không nhận được ơn mình xin.” Trong lời cầu nguyện cho một linh hồn được hoán cải, Thánh Catarina Bologna viết: “Tôi cầu xin các linh hồn trong luyện ngục, để họ trình bày yêu cầu của tôi với Chúa Cha Hằng Hữu, và tôi cảm thấy rằng lời cầu nguyện của tôi được thành công là nhờ họ cầu thay nguyện giúp.”

“Sự thụ động của họ chỉ trở nên tích cực khi đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta dành cho họ”

Trong cuốn Le purgatoire, travers le feu d’amour  – Luyện ngục, đi qua ngọn lửa tình yêu, Cha Jean-Marc Bot đã đưa ra một câu trả lời sáng suốt cho câu hỏi này: 

“Người ta có thể dễ dàng hình dung ra rằng các linh hồn trong luyện ngục trải qua thử thách của họ trong việc cầu nguyện không ngừng. Sự chuyển cầu của họ cho chúng ta chắc chắn là một trong những chiều kích của lời cầu nguyện này. Nhưng sự chuyển cầu của họ không có tác dụng trực tiếp, giống như tác dụng của các vị thánh. […] Chính lời cầu nguyện của chúng ta dành cho họ làm cho sự chuyển cầu của họ nên hiệu quả vì lợi ích của chúng ta. Chúng ta can thiệp để giúp đỡ họ bao nhiêu về mặt thiêng liêng, thì họ sẽ trả lại cho chúng ta bấy nhiêu những ân sủng mà họ đã nhận được, giống như những tấm kính phản quang trả lại ánh sáng. Sự thụ động của họ chỉ trở nên tích cực đối với chúng ta, trong sự hiệp thông của các thánh, khi họ đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta dành cho họ. Cách trình bày này giải quyết được vấn đề mà Cha Philippe de la Trinité đã đề cập. Có thể dung hòa hai luận điểm đối lập nhau, với điều kiện phải nhấn mạnh rõ ràng rằng sáng kiến ​​thuộc về chúng ta, và trên hết sáng kiến đó hệ tại sự can thiệp, giống như người Samaritanô nhân hậu, để mang lại sự giảm nhẹ và tiến triển cho những linh hồn mà hoạt động chính của họ vẫn là tiếp nhận.    

  1. Liệu tất cả chúng ta có được lên Thiên đàng không? Các vị thánh vĩ đại nói gì?

Thật không dễ để hình dung ra Thiên Đàng. Cũng không dễ nói về Thiên Đàng: người ta thích các gợi ý về Thiên đàng hơn, dễ tiếp cận hơn và ít nhất là có thể hiểu được. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể hình dung được cuộc sống vĩnh cửu này trong vinh quang của Chúa Kitô? Sống trên thiên đàng có nghĩa là gì? 

Khái niệm thiên đường về cơ bản vẫn mang tính thần học. Điều này có lẽ giải thích tại sao chúng ta thích nói về Thiên đàng hay cuộc sống vĩnh cửu hơn. “Sống trên Thiên đàng là ở với Chúa Kitô”, như Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nhắc nhở, dựa vào Tin Mừng: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Chúa Giêsu Kitô” (Ga 17:3).

Trên thực tế, từ “thiên đàng” xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là khu vườn khép kín. Từ ngữ đó chỉ xuất hiện ba lần trong Kinh Thánh, riêng trong Tân Ước. Vì vậy, trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu chịu đóng đinh hứa với người trộm lành “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô mô tả mình là người “được đưa lên Thiên Đàng”. Ở đó, thánh nhân nghe thấy “những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại” (2 Côrintô 12:4). Cuối cùng, trong Khải Huyền, ai chiến đấu cho Chúa Kitô thì được hứa: “Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây Sự Sống trồng nơi ngự uyển của Thiên Chúa” (Kh 2:7). 

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể hình dung Thiên đàng theo cách hiểu đương thời của chúng ta? Trong tiểu luận Thiên đàng trước cửa: Tiểu luận về một niềm vui quấy rầy, nhà triết học Fabrice Hadjadj kêu mời chúng ta hình dung ra Thiên đàng không phải “như một cõi vĩnh hằng phẳng lặng không có kịch tính cũng chẳng có say mê, mà là một niềm vui, nhiều đòi buộc và đau đớn, được có mặt nơi mọi người và biết mình được ôm chặt bởi một Tình yêu vô hạn.” Theo ông, cuộc sống vĩnh cửu này không dành cho tất cả mọi người: ngay cả khi Chúa muốn mọi người đến đó, chỉ những ai để cho mình “bị quấy rầy” bởi niềm vui mới được vào Thiên đàng. Hương vị của Thiên đàng là hương vị của niềm vui này, ở đây và bây giờ. Ông kết thúc bằng những lời này: lên Thiên Đàng là “vượt qua đêm tối đức tin đến chiêm ngưỡng vinh quang!”

  1. Các vị thánh vĩ đại nói gì về Thiên đàng
  • Thánh Augustinô (354-430)

“Ở đó, chúng ta sẽ không có mong muốn nào khác ngoài việc ở lại đó mãi mãi.”

  • Thánh Grêgôriô Cả (590-604)

“Họ không chỉ thấy các Thánh mà họ biết trên thế gian mà còn cả những người họ chưa bao giờ gặp và nói chuyện với họ như thể họ biết nhau và tất cả đều có một hiểu biết thấu suốt về những gì họ không biết.”

  • Thánh Anselmô thành Canterbury (1033-1109)

“Ở Thiên đàng, không ai có bất cứ ước vọng nào khác ngoài ý muốn của Thiên Chúa. Ước vọng của người này sẽ là ước vọng của người kia và ước vọng của tất cả mọi người sẽ là ước vọng của Thiên Chúa.”

  • Thánh Elizabeth Chúa Ba Ngôi (1880-1906)

“Đối với tôi, dường như tôi đã tìm thấy Thiên đàng của mình trên trái đất vì Thiên đàng là Chúa, và Chúa là linh hồn của tôi. Ngày tôi hiểu ra điều này, mọi thứ bừng sáng trong tôi và tôi muốn nói bí mật này thật khẽ với những người tôi yêu thương. Có lẽ đối với tôi, trên Thiên Đàng, sứ mệnh của tôi sẽ là thu hút các linh hồn bằng cách giúp họ thoát ra khỏi chính mình để gắn bó với Chúa và giữ họ trong sự im lặng lớn lao trong lòng, sự im lặng đó cho phép Chúa in dấu trong họ, để biến đổi họ thành chính Ngài.”

  • Thánh Tôma Aquinô (12241274)

“Sau khi rửa tội, con người cần phải cầu nguyện liên lỉ để được vào Thiên đàng.”

  • Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873-1897)

“Chúa không từ Thiên đàng ngự xuống mỗi ngày để chỉ thấy chính mình trong bình thánh bằng vàng. Ngài đến đó để tìm kiếm một Thiên đàng khác, thiên đàng của những linh hồn được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, những đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi đáng tôn thờ.”

  • Thánh Thomas More (1478-1535)

“Không có nỗi phiền muộn nào trên trái đất mà Thiên đàng không thể chữa lành.”

  • Thánh Jean-Marie Vianney (1786-1859)

“Thưa anh chị em giáo hữu, chúng ta hãy cố gắng lên Thiên đàng. Chúng ta sẽ thấy Chúa ở đó và sẽ rất hạnh phúc ở đó. Nếu tất cả anh chị em đều xác tín như vậy, chúng ta sẽ đi rước với cha xứ ở đó. Chúng ta phải lên Thiên đàng!”

  • Thánh Faustina (1905-1938)

“Hôm nay tôi đã ở trên Thiên đàng trong tâm linh và đã nhìn thấy ở đó vẻ đẹp và niềm vui không thể tưởng tượng được đang chờ đợi chúng ta sau khi chết. Tôi đã thấy niềm vui đó trong Thiên Chúa trải rộng ra cho tất cả các tạo vật của Ngài. Và mọi thứ bắt nguồn từ niềm vui đó đều quay trở lại cội nguồn của nó.”

  • Thánh Bernadette Soubirous (1844-1879)

“Vương miện của tôi sẽ chiếu tỏa sự trong trắng trên Thiên đàng và những bông hoa của nó sẽ rực rỡ như mặt trời. Của lễ là những bông hoa được Chúa Giêsu và Mẹ Maria chọn lựa.”

  • Thánh Philip Neri (1515-1595)

“Nếu chúng ta đến được Thiên đàng, thật là một niềm vui được cùng các thiên thần và các thánh tung hô mãi mãi: Thánh, thánh, thánh!”

  • Thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591)

“Điều gì sẽ xảy ra ở phía bên kia, khi mọi thứ đối với tôi sẽ thay đổi trong Vĩnh cửu. Tôi không biết! Tôi chỉ tin rằng một Tình Yêu vĩ đại đang chờ đợi tôi. Đấng Cứu Độ tôi sẽ mở cho tôi cánh cửa của niềm vui, của Ánh sáng của Ngài.”

 

Phêrô Phạm Văn Trung

chuyển ngữ và tổng hợp, từ fr.aletea.org.

Chia sẻ Bài này:

Related posts