Khi tu viện Đức Bà được khởi công tại Aversa, gần thành phố Napoli, Nam Ý, cha Hilarion Thánh-Antôn, được chỉ định làm người điều khiển công cuộc xây cất. Cha Hilarion là một tu sĩ thánh thiện. Mỗi buổi sáng, cha đều dâng thánh lễ trước khi bắt đầu công việc.
Một ngày, ông Gioan đến xin giúp lễ cho cha Hilarion. Ông là giáo dân phụ cha trong chức vụ quản lý. Sáng hôm ấy, cha Hilarion dâng lễ cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục. Ông Gioan cũng rước lễ hiệp ý với cha .. Sau thánh lễ, cha Hilarion mời ông chia sẻ bữa ăn trưa thanh đạm với mình. Ông Gioan nhận lời.
Đến giờ, ông Gioan đến nơi như đã hẹn. Vừa bước vào dãy nhà trong, nơi hành lang, ông gặp ngay một thanh niên dáng điệu thanh nhã, ăn mặc sang trọng, đang đứng đó. Chàng ngỏ ý muốn gặp cha Hilarion để bàn về một vấn đề quan trọng. Ông Gioan vội báo tin cho cha Hilarion biết. Nhưng cha nhất mực từ chối, không muốn gặp chàng thanh niên, lấy lý do không phải giờ tiếp khách. Ông Gioan trở ra giải thích việc cha Hilarion không thể tiếp chàng. Nhưng chàng thanh niên nài nĩ xin gặp cha. Chàng nói rõ hơn ý hướng của chàng: “Nhân danh tình yêu Thiên Chúa, xin cha Hilarion hãy chia sẻ cho tôi một ít bánh ăn của cha”.
Khi nghe ông Gioan lập lại lời xin, cha Hilarion tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Cha tự nhủ: “Làm sao một thanh niên nhã nhặn quý phái như thế, đáng lý phải rộng tay làm phúc cho người khác, đàng này, lại ngửa tay xin bánh ăn của một thày dòng?”. Dầu nghĩ vậy, cha Hilarion vẫn vui vẻ ra gặp chàng. Cha xin chàng vui lòng đợi một chút. Rồi cha đi vào nhà trong, đến thùng đựng bánh, lấy ra một ổ bánh. Cha rút nhằm chiếc bánh ngon nhất, dù cha không có ý chọn. Cha định đổi ổ bánh khác, ít ngon hơn để biếu cho chàng ăn xin. Nhưng một ý nghĩ thoáng hiện ra trong đầu: “Tại sao lại có sự so đo khác biệt này? Biết đâu chàng thanh niên lại chẳng là một thiên thần, sứ giả của Thiên Chúa, đến từ Trời Cao? Bởi vì, quả thế, chàng đã vào tận nhà trong, khi mà mọi cổng ra vào đã đóng kín?”.
Nghĩ thế, nên cha Hilarion giữ nguyên ổ bánh mì ngon và chọn thêm một vài thức ăn khác, rồi đem tất cả biếu cho chàng thanh niên ăn mặc sang trọng kia. Cha xin chàng vui lòng chấp nhận các thức ăn đạm bạc, vì chàng đến bất ưng. Rồi cha để chàng ngồi đó dùng bữa và lui vào phòng bên cạnh để ăn trưa với ông Gioan.
Nhưng cả hai người không tài nào ăn được một miếng. Bởi lẽ, cả hai gần như hoảng hồn, ngẩn ngơ với nghi vấn: “Làm sao người thanh niên có thể vào tận nhà trong, khi các cửa ra vào đều đóng kín?”. Đối với cha Hilarion, người khách lạ với dung nhan tuyệt mỹ, không ai khác là một Thiên Thần đến từ Trời Cao. Trong khi ông Gioan lại nói:
– “Biết đâu người khách là một trong những Linh Hồn nơi Lửa Luyện Hình, chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện trong thánh lễ sáng nay?”.
Sau một lúc, ước tính người khách đã dùng bữa xong, ông Gioan liền đến chào từ biệt. Vừa trông thấy ông, chàng thanh niên nhã nhặn đứng lên và nói:
– “Thưa ông, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Hãy cùng nhau đọc một kinh LẠY CHA và một kinh KÍNH MỪNG, cầu cho các Đẳng Linh Hồn còn bị giam cầm trong Lửa Luyện Tội”. Nói xong, người khách quỳ ngay xuống, chắp tay lại, ngước mắt lên Trời và sốt sắng đọc kinh. Xong, chàng đọc thêm lời nguyện của ngày Chúa Nhật và kinh Truyền Tin. Rồi đứng lên, chàng cầm lấy tay ông Gioan và nói:
– “Xin ông thưa lại với cha Hilarion rằng: Kể từ nay, đừng cầu nguyện cho Linh Hồn thân phụ của cha nữa, bởi vì, ngay chính lúc này đây, Linh Hồn thân phụ cha bay thẳng lên Trời”. Nói xong, chàng thanh niên biến mất, như sương mù tan đi khi có ánh sáng mặt trời.
Ông Gioan kinh hoảng, đứng im như trời trồng. Khi hoàn hồn, ông gọi to tiếng: “Cha, cha Hilarion ơi!”. Nhưng tiếng kêu như bị chặn đứng trong họng. Khi cha Hilarion chạy đến thì ông Gioan nằm bất tỉnh. Phải lâu lắm cha mới làm cho ông tỉnh lại và kể cho cha nghe lời người thanh niên nói. Cả hai đồng thanh dâng lời cảm tạ lòng nhân từ của Chúa, đã đoái thương cho hai người chiêm ngưỡng một phần nào dung nhan tuyệt vời của Linh Hồn được gọi vào hưởng tôn nhan Chúa.
(“Le Ciel Parmi Nous”, Editions Bénédictines, 1997, trang 142-145).