Luyện ngục và lòng Chúa thương xót

Khi lần chuỗi Mân Côi, cứ sau 10 Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh, người Công giáo lại đọc: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”.

Lời kinh ấy thật vắn tắt nhưng chứa đựng đầy đủ nội dung giáo lý về những thực tại đời sau, từ ngữ chuyên môn gọi là “cánh chung”: có hỏa ngục, “xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục”; có Thiên đàng, “xin đem các linh hồn lên thiên đàng”; có luyện ngục, vì khi xin Chúa “đem các linh hồn lên thiên đàng”, nghĩa là chưa lên, còn ở một nơi khác! Người Công giáo gọi nơi đó, tình trạng đó là luyện ngục. 

  1. “Xin đem các linh hồn lên thiên đàng”

    Có những Kitô hữu lập luận rằng trong Kinh Thánh, không có chỗ nào nói đến luyện ngục, cho nên đây chỉ là sáng chế của Hội Thánh Công giáo! Vậy xin hỏi, trong Kinh Thánh có chỗ nào nói Đức Chúa Trời có ba ngôi? Chỗ nào nói Chúa Giêsu có hai bản tính và một ngôi vị? Những từ ngữ như “ngôi vị, bản tính” là các từ triết học, được Hội Thánh vận dụng để giải thích và trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con, Thánh Thần; Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật.

Tương tự như thế, luyện ngục là từ ngữ được dùng để mô tả tình trạng “những người chết trong ân sủng và ơn nghĩa với Thiên Chúa nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn; tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, nhưng họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (Sách Giáo lý HTCG, số 1030).

Nội dung giáo lý này không dựa vào suy luận tự nhiên của con người nhưng dựa trên cơ sở Kinh Thánh, cụ thể là sách 2Macabê kể chuyện ông Giuđa Macabê quyên góp được hai ngàn quan tiền và gửi về Giêrusalem, để dâng hy lễ tạ tội cho những chiến binh đã chết, cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi (12,43-45). Như thế, có một tình trạng trung gian giữa Thiên đàng và Hỏa ngục nên ông Macabê mới xin dâng lễ tạ tội để cầu cho những người đã chết được giải thoát khỏi tội lỗi. Tin Mừng Matthêu cũng kể chuyện Chúa Giêsu trừ quỷ cho một người bị qủy ám nhưng người Pharisêu lúc đó lại bảo: Ông ta nhờ quỷ vương Bêelzêbút mà trừ quỷ! Khi đó Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ không được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12,22-32). Dựa vào lời của Chúa Giêsu, có thể hiểu “một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau” (Sách Giáo lý HTCG, số 1031). Nghĩa là có một tình trạng trung gian: chưa được lên thiên đàng nhưng cũng không bị kết án xa cách Thiên Chúa đời đời, còn đang được thanh luyện để xứng đáng với sự thánh thiện tuyệt đối của Thiên Chúa.

  1. “Nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”

    Khi một người đã qua đời, thế gian có thể ban tặng gì cho họ? Chẳng có gì! Lời Thánh vịnh từ xa xưa, vẫn luôn đúng cho mọi thời đại: “Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao, mà chẳng phải đến ngày tận số?..Lúc sinh thời nó tự hào tự đắc: Mình làm nên, thiên hạ tán dương mình! Nhưng rồi nó cùng tổ tiên về chung kiếp, chẳng bao giờ còn được thấy ánh dương” (Tv. 49).

Điều duy nhất mà các linh hồn trong luyện ngục mong chờ là lòng thương xót của Thiên Chúa. Tin Mừng Gioan (11, 17-27) kể chuyện Chúa Giêsu đến Bêtania khi Ladarô đã được chôn táng 4 ngày! Tảng đá chắn ngoài cửa hang là biểu tượng của quyền lực sự chết. Khi đó, con người hoàn toàn bất lực, không thể làm gì hơn. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng sự sống, không chỉ là sự sống thân xác nhưng còn là sự sống đời đời: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống”. Con người không thể mua Thiên đàng bằng vàng bạc, cũng không bằng nỗ lực đạo đức tự nhiên. Ơn cứu độ hoàn toàn là quà tặng của tình yêu và lòng thương xót, vì thế điều mà các linh hồn trong luyện ngục cần nhất là lòng thương xót của Chúa.

Cùng với lòng thương xót của Thiên Chúa là lòng thương xót của những người còn sống, khi chúng ta nhớ đến và cầu nguyện cho người đã qua đời. Tôi nhớ đến dòng chữ đọc được trên một bia mộ ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (trước 1975, nay là công viên Lê Văn Tám): “Quên lãng người đã chết là bắt họ chết thêm một lần nữa”; cũng nhớ đến một câu ngạn ngữ của người Mêhicô: “Người ta chết 3 lần: lần thứ nhất là khi tắt thở, lần thứ hai khi được đem chôn; lần thứ ba là khi bị lãng quên”. Người Công giáo không chỉ nhớ đến nhưng còn cầu nguyện cho người đã chết: dâng lễ, làm việc bố thí, nhường ân xa, làm việc đền tạ để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Đó chính là những việc của lòng thương xót mà những ai tôn vinh lòng Chúa thương xót được kêu gọi thực hiện.

Đây cũng là điều Hội Thánh khuyến khích đặc biệt ngày 2 tháng 1 hằng năm, và ước mong không chỉ trong ngày này mà thôi nhưng còn thường xuyên trong đời sống các tín hữu.

  1. “Xin tha tội cho chúng con”

    Cuối cùng, nếu luyện ngục là tình trạng các linh hồn được thanh luyện để xứng đáng với sự thánh thiện của Thiên Chúa, thì hãy bắt đầu bước vào cuộc thanh luyện ấy từ hôm nay.

Tất cả chúng ta đều là tội nhân: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Ý thức về tội thúc đẩy chúng ta kêu lên: “Xin tha tội cho chúng con”, đồng thời bước vào hành trình thanh luyện, chấp nhận những từ bỏ và hi sinh, khổ chế để không đồng lõa với tội lỗi, nhưng bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa ngay từ bây giờ và hướng đến nguồn sáng vĩnh hằng: “Nếu chúng ta đi trong ánh sáng, cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Chúa Giêsu, Con của Ngài, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1Ga 1,7).

 

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Chia sẻ Bài này:

Related posts