… Câu chuyện xảy ra tại nước Ý vào hậu bán thế kỷ XIX dưới thời Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Pio IX (1846-1879).
Một ngày, một người đàn ông giàu sang và đắm mình trong tội lỗi quyết định lên đường đến thủ đô Roma để được xưng tội với Đức Thánh Cha.
Đức Giáo Hoàng Pio IX ưu ái tiếp ông và lắng nghe ông xưng tội. Hối nhân tỏ ra thật lòng ăn năn về các tội đã phạm. Thế nhưng đến phần lãnh việc đền tội – chắc chắn tương ứng với các tội đã phạm – hối nhân tỏ ra bất mãn và chống đối. Về việc ăn chay thì ông lấy cớ là sức khoẻ yếu kém không làm được. Còn chuyện đi bộ hành hương thì cũng thế, ông không đủ sức thi hành. Nếu phải đọc nhiều kinh thì ông lại không có giờ vì ông luôn bận bịu với công ăn việc làm. Thật ra ngăn cản chính yếu đến từ sự kiện hối nhân thấy rằng với các việc đền tội vừa kể không thích hợp chút nào với điều kiện xã hội giàu có cao sang của ông.
Sau tất cả các lý lẽ để từ chối việc đền tội như thế, Đức Thánh Cha Pio IX liền quyết định trao cho hối nhân chiếc nhẫn bằng vàng trên đó có khắc hàng chữ ”Memento mori – Hãy nhớ rằng con sẽ chết” và truyền phải lập đi lập lại nhiều lần câu ”Hãy nhớ rằng con sẽ chết” trong ngày. Hối nhân vui vẻ chấp nhận và bằng lòng ra về.
Kể từ đó, cứ mỗi lần đôi mắt nhìn xuống chiếc nhẫn bằng vàng ông đều lập lại câu nói cứu rỗi cho đến độ câu nói như khắc sâu vào tâm trí khiến ông không thể nào quên được. Chưa hết. Với thời gian câu nói khiến ông phải hồi tâm suy nghĩ. Ông tự nhủ:
– Bởi vì đàng nào cũng phải chết, thì cách tốt nhất là phải dọn mình cho biến cố trọng đại này. Và ích lợi gì nếu mình thu góp thật nhiều tài sản và tiền của để rồi khi chết lại không mang theo được qua thế giới bên kia? Hơn nữa, không nên thu tích của cải đời này bởi vì cuộc sống thật ngắn ngủi và thật mau qua y như chiếc bóng hoặc như cánh lá bị gió thoảng mang đi!
Từ những suy tư trên đây ông nhà giàu tự ý buộc mình làm các việc đền tội còn nặng nề hơn là các việc đền tội mà Đức Thánh Cha Pio IX đã đề nghị vào ngày ban phép giải tội cho ông.
Ông bắt đầu một cuộc sống thật sự chuẩn bị dọn mình chết. Sau cùng khi giờ chết đến, ông giơ đôi tay chào đón với lòng tràn đầy tin tưởng nơi Tình Yêu khoan hồng của THIÊN CHÚA là CHA. Ông êm ái trút hơi thở cuồi cùng.
… Câu chuyện thứ hai liên quan đến cuộc đời thanh nữ Rosalinda.
Mặc dầu là thiếu nữ đạo hạnh, Rosalinda không thờ ơ với việc chú ý đến nhan sắc. Cô thích trang điểm và ăn mặc hợp thời trang. Đặc biệt cô chăm sóc thật kỹ mái tóc óng ả của mình. Cô dành rất nhiều thời giờ để vuốt ve chải chuốt bộ tóc.
Một ngày như thường lệ, cô đứng trước gương soi để ngắm nghía và để kiểm xem các lọn tóc có ngay ngắn không, thì, thay vì nhìn thấy hình ảnh của mình, cô lại trông thấy gương mặt đầy vết thương và đẫm máu của Đức Chúa GIÊSU Chịu Khổ Nạn. Đầu Chúa mang vòng gai, bị gai đâm thủng. Đôi mắt Chúa đầy nước mắt và máu chảy dài xuống mặt. Môi Chúa bị rách và bị khô vì khát nước. Một gương mặt làm đau nhói con tim khi chiêm ngắm. Cùng lúc ấy, tai cô nghe các lời này của Thầy Chí Thánh:
– Con thấy CHA bị thảm thương như thế nào chưa? Con có thấy các mũi gai nhọn đâm thủng đầu CHA không? Chính cái đỏm-dáng phù-du của con là những chiếc gai đâm thủng đầu CHA! Hơn thế nữa, con thấy rõ là CHA vẫn yêu con mặc dầu con xúc phạm đến CHA cách nặng nề! Có người đàn ông nào yêu con cho đến tình trạng tàn tệ này không? Vậy thì con muốn làm vui lòng ai nếu không phải là làm vui lòng CHA?
Thế là cô Rosalinda liền quỳ sụp dưới chân Đức Chúa GIÊSU, lòng đau đớn và bồi hồi khôn kể xiết. Cô bật lên khóc nức nở. Cô cắt ngay bộ tóc đẹp và tận hiến toàn thân cho Đức Chúa GIÊSU KITÔ Chịu Đóng Đinh. Cô cũng quyết định giữ mình đồng trinh và không chọn người nào khác ngoại trừ Đức Chúa GIÊSU KITÔ là phu quân duy nhất của lòng mình.
… ”Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại vòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới. Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?” (Sách Giảng Viên 1,2-9).
(”La Mia Messa”, 1 Ottobre 2012 – 31 Dicembre 2012, Anno VI, vol.IV, Casa Mariana Editrice, trang 263-264+268)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Nguồn: Vietvatican